Sống thử: Bài tập thực hành trước hôn nhân?
Ủng hộ "ăn cơm trước kẻng" nhưng nhiều bạn trẻ lại cực lực phản đối chuyện sống thử.
Nói về “ăn cơm trước kẻng” nhiều bạn trẻ mạnh dạn tuyên bố: “Thời nào rồi mà còn coi trọng trinh tiết”, “Thử trước cho chắc”… Thế nhưng, họ lại cực lực phản đối chuyện sống thử, “góp gạo thổi cơm chung” khi chưa chính thức kết hôn? Tại sao lại như vậy?
“Sống thử: Nên hay không?” vẫn là câu chuyện gây tranh cãi
“Sống trách nhiệm nửa vời, sớm muộn cũng tan”
Hồng Nhung (26 tuổi, nhân viên Ngân hàng) tự nhận mình là người có lối sống thoáng. Cô không phản đối chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân, thậm chí còn ủng hộ bởi nó giúp cho các bạn trẻ có kinh nghiệm trong chuyện “chăn gối”.
Nhưng khi nói đến sống thử, cô gái 26 tuổi lại ngán ngẩm lắc đầu và cho rằng đó là việc làm thiếu suy nghĩ. Theo Hồng Nhung, sống thử tức là chấp nhận một cuộc sống gia đình nửa vời, trách nhiệm của mỗi người ở mức nửa vời, sớm muộn rồi cũng tan.
“Nhiều người nói rồi, cuộc sống vợ chồng ngoài tình yêu còn phải có trách nhiệm, sự ràng buộc về con cái, gia đình hai bên… Khi xảy ra mâu thuẫn, họ sẽ vì những cái đó mà bỏ qua cho nhau, tiếp tục chung sống. Nhưng khi sống thử, cái tôi của mỗi người vẫn quá cao, ai cũng muốn mình là người được nuông chiều, cãi nhau mà không thể dung hòa thì sẵn sàng bỏ vì có gì để níu kéo đâu. Thế nên, chơi trò chơi hôn nhân nửa vời này sớm muộn gì cũng tan”, Nhung chia sẻ.
Hồng Nhung - cô gái ủng hộ "ăn cơm trước kẻng" nhưng lại phản đối sống thử
Hồng Nhung kể, cô có một người bạn sinh năm 1987 yêu chàng trai sinh năm 1981, công việc ổn định, thu nhập khá. Cả hai quyết định sống thử một thời gian rồi kết hôn. Nhưng trong thời gian “góp gạo thổi cơm chung” cặp đôi liên tục cãi vã vì không thể chấp nhận thói xấu của nửa kia. Thậm chí, một trong hai người từng phải bỏ ra khách sạn ở vài ngày cho trấn tĩnh. Cuối cùng, sau một năm rưỡi sống thử, họ quyết định chia tay.
“Chị ấy luôn miệng nói từ khi về sống với nhau tính cách anh ấy thay đổi, không còn chiều chuộng và quan tâm chị như trước. Thật ra, chị ấy không biết rằng khi sống chung thì anh nào cũng vậy đều muốn phụ nữ coi sóc việc nhà, chuyện yêu đương cũng lơ là hơn. Chị ấy chưa chuẩn bị sẵn tâm lý phải “làm vợ” nên sốc và thế là tan nát một cuộc tình”, Hồng Nhung kể.
Vũ Hồng Hà (sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, con gái chấp nhận sống thử là “đâm đầu” vào chỗ khổ. Bởi khi chưa được khoác lên mình tấm áo cưới họ đã phải “làm vợ”.
“Con gái lúc yêu là lúc được chiều chuộng nhất. Khi sống chung rồi, ít nhiều họ cũng chịu thiệt thòi vì phải chăm sóc cho bạn trai. Hơn nữa, theo mình, hầu hết các cô gái đều quyết định “sống thử” theo cảm tính và suy nghĩ khá nông cạn. Họ chưa có thời gian để chuẩn bị tâm lý cho việc “làm vợ” vì vậy khi sống chung rồi dễ bị sốc, cuối cùng lại sẵn sàng chia tay khi cãi vã. Đấy là mình đang nói về những cặp đôi có kinh tế, tự lo được cho bản thân. Chứ còn hội sinh viên mà sống thử thì còn rắc rối chán về chuyện tiền nong”, Hồng Hà chia sẻ.
Vũ Hồng Hà cho rằng, "sống thử" chỉ khiến các cô gái phải chịu thiệt thòi
Đó chính là lý do vì sao dù ở chung xóm trọ cùng người yêu nhưng Nguyễn Hương (26 tuổi, Nam Định) nhất định không sống thử. Trước thắc mắc, tại sao cặp đôi không ở chung một phòng vừa đỡ tốn kém vừa tiện bề tìm hiểu nhau, Hương cười:
“Chỉ cần tinh tế một chút thì có thể tìm hiểu đối phương bằng đủ cách như qua gia đình, bạn bè, sự tiếp xúc hằng ngày, thậm chí là trong chuyện “chăn gối”… Mình và anh ấy ở hai phòng, dù đến bữa ăn chung nhưng mỗi người vẫn có không gian riêng và phải ai cũng phải tôn trọng điều đó. Như vậy tình yêu mới lâu bền được”, Hương chia sẻ.
Với cô gái Nam Định, hôn nhân có muôn vàn lối, một vài năm sống thử không giúp cho cuộc sống gia đình sau này hạnh phúc hơn. Bởi vậy, khi chưa làm cưới, chưa sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân, cô nhất quyết không “về chung nhà” với người yêu.
“Sống thử là bài tập thực hành cho hôn nhân”
Từ chính câu chuyện của mình, Nguyễn Thị Lý (Bắc Ninh) hoàn toàn ủng hộ chuyện sống thử. Cô và người yêu đã có 2 năm sống thử trước hôn nhân và hiện giờ cuộc sống vẫn êm ấm, hạnh phúc.
Lý chia sẻ, cô và chồng bắt đầu sống thử từ khi là sinh viên năm 4. Thời điểm đó cả hai cùng đi thực tập, không muốn lãng phí tiền phòng nên cả hai rủ nhau “về chung một nhà”. Vì đã xác định đến với nhau nên dù mâu thuẫn và cãi vã, Lý và người yêu cũng chưa một lần bỏ ra khỏi nhà hay nghĩ đến chuyện chia tay.
Với cô gái Bắc Ninh, “sống thử” là bài tập thực hành hôn nhân hữu ích (ảnh minh họa)
“Nếu không có 2 năm sống chung đó, chưa chắc chúng tôi đã cưới nhau. Tôi là cô gái khá đành hanh, hơi một chút là khóc lóc với giận dỗi, lúc yêu nói chia tay không ít lần. Nhưng từ khi về sống chung, tôi nhận ra mình cũng cần phải vun vén cho mối quan hệ này, dần trở nên có trách nhiệm, ít gây sự, cãi vã hơn nhiều. Chúng tôi kết hôn cuối năm ngoái (2015), thấy cuộc sống gia đình rất nhẹ nhàng vì chúng tôi đã có 2 năm “thực tập” rồi mà”, cô gái Bắc Ninh cười.
Với Nguyễn Lý, sống thử là một bài tập hữu ích cho hôn nhân, có quãng thời gian ấy, cô cùng chồng không phải chịu bất cứ cú sốc nào cho cuộc sống gia đình. Bởi vậy, theo cô, sống thử không hẳn là một sự lựa chọn tồi tệ.
Chưa từng có trải nghiệm nào về sống thử nhưng Nguyễn Trọng Nguyên (sinh viên năm cuối trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng hoàn toàn ủng hộ chuyện này. Theo cậu, sống chung trước hôn nhân không có gì là xấu khi cả hai yêu thương nhau và muốn có nhiều thời gian bên nhau hơn.
“Mình đang nói đến những người đã có công việc ổn định hoặc chí ít có thể tự lo cho bản thân. Còn sinh viên “sống thử” thì mình nhất quyết phản đối. Người đi làm thường chín chắn, biết ai là người tốt với mình, sẵn sàng để mình từ bỏ cuộc sống tự do. Đôi khi, họ muốn sống cùng nhau nhưng chưa sẵn sàng cho việc tổ chức một đám cưới, đối diện với hai bên gia đình. Họ cứ “sống thử” để giải quyết vấn đề nảy sinh giữa hai người trước đã. Điều này cũng rất tốt cho hôn nhân sau này”, Nguyên chia sẻ.
Video được xem nhiều nhất