Sinh viên trường Y kể chuyện lần đầu giải phẫu tử thi

Zing - 02/07/2015, 17:28

Sinh viên trường Y không chỉ được học tập và nghiên cứu, họ còn có điều kiện phát triển kỹ năng mềm khi tiếp xúc với bệnh nhân ngay từ những năm đầu.

Khác với các trường đào tạo chuyên nghiệp khác, trường Y được xem có ngành đào tạo “dài hơi” nhất đối với cấp bậc đại học. Sinh viên Đại học Y phải học đủ 6 năm chuẩn mới ra trường. Thời gian đào tạo dài, nhưng không vì thế, sinh viên Y được dư dả thời gian.

 

Đại học Y Hà Nội - Ảnh minh họa.

Đại học Y Hà Nội. Ảnh minh họa.

 

Nguyễn Văn Long - sinh viên ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Hà Nội - chia sẻ những câu chuyện bản thân cảm nhận sau 5 năm theo học tại một trong những ngôi trường danh giá nhất Việt Nam.

Long cho biết, đến năm thứ 3, cậu mới thực sự cảm thấy sự khác biệt rõ nét giữa học y và các ngành khác, khi được đến thực tập tại 2 bệnh viện lớn trong khu vực Hà Nội - Việt Đức, Xanh Pôn.

Bác sĩ phải đối mặt với nhiều áp lực

Quá trình thực tập, Long có nhiều cơ hội tiếp xúc nhiều bệnh nhân, trực tiếp quan sát các loại bệnh, từ đó học được nhiều thứ hơn so với chỉ học trên sách vở. Ngoài ra, cậu và bạn bè cũng được trải nghiệm cuộc sống của các y bác sĩ, mà như cậu nói: “Làm sinh viên sướng chán, đến khi thành bác sĩ rồi phải chịu áp lực dồn tứ phía”.

Vì học đa khoa, Long thực tập ở hầu hết các khoa ở bệnh viên từ khoa ngoại, khoa nội, khoa sản đến khoa nhi… Với cậu, thực tập ở khoa ngoại vất vả và “ghê” nhất. Hàng ngày, lượng bệnh nhân nhập viện khoa ngoại rất nhiều, nhiều nhất phải kể đến tai nạn giao thông.

Đa số bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng thương tích đầy mình, máu đất lẫn lộn, mất đi một phần cơ thể hoặc tử vong trước đó không hề hiếm. “Ban đầu, mình cảm thấy sợ, e ngại, nhưng lâu dần cũng quen, với lại ở trường đã được học môn giải phẫu nên đỡ hơn” - Long chia sẻ.

Bên cạnh việc phải thường xuyên đối mặt với đủ loại bệnh, thực tập sinh còn phải đối mặt với “đa dạng” người nhà bệnh nhân.

Long kể, một lần cùng bạn cùng lớp trực ở khoa ngoại bệnh viện Xanh Pôn, cậu tiếp nhận một ca cấp cứu tai nạn giao thông. Đi cùng với bệnh nhân có một người đàn ông cao lớn, xăm trổ đầy mình. Khi vừa thấy bạn của Long, người này cũng hợp tác nhưng lát sau, bắt đầu hùng hổ, dọa nạt cậu bạn kia vì sao mãi vẫn chưa có động thái chữa trị cho người bệnh.

Theo Long, thường thì bệnh nhân vào cấp cứu khoa ngoại, bác sĩ cần một quãng thời gian để theo dõi xem có biểu hiện bất thường không. Đối với các bệnh nhân tai nạn giao thông, sợ nhất không phải vết thương bên ngoài, máu chảy nhiều, mà là những chấn thương bên trong, đặc biệt ở não.

“Dù bạn ấy đã giải thích cho người nhà bệnh nhân, nhưng có thể vì tâm lý lo lắng cho người thân, anh ta không tiếc lời nhiếc mắng, sỉ vả, may chưa xảy ra xô xát” - Long kể.

Long chia sẻ, có ở trong hoàn cảnh của các y bác sĩ mới hiểu rõ được nỗi vất vả họ phải chịu hàng ngày. Người ta cứ phê phán bác sĩ khó tính, hách dịch. Nhưng nhiều khi, đó không phải bắt nguồn từ bản chất của họ.

Cậu cho biết, theo nguyên tắc, bác sĩ chỉ giải thích về tình trạng bệnh với người thân thiết nhất của bệnh nhân. Nhưng nhiều gia đình, sau khi bố hoặc mẹ vừa hỏi xong, một lát, có thêm cô, dì, chú, bác lần lượt gõ cửa. Cứ liên tục như thế, dễ khiến bác sĩ cáu bẳn, đặc biệt, khi họ đang bận việc, phải trực đêm hay vừa thực hiện phẫu thuật.

“Không phải bao biện, những thời gian thực tập, ngoài các kiến thức học được, mình hiểu rõ, nghề bác sĩ thật sự phải chịu đủ mọi áp lực, từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cấp trên, cơm-áo-gạo-tiền, xã hội cho đến áp lực do bản thân tạo nên".

Học kỹ năng mềm tại bệnh viện

Long chia sẻ, nhiều người cho rằng sinh viên Đại học Y chỉ chăm chú vào việc học. Không lên giảng đường, bệnh viện, thì lại vào thư viện… nên kỹ năng giao tiếp kém. Nhưng theo Long, sinh viên Y có đủ điều kiện phát triển kỹ năng mềm, thậm chí còn tốt hơn nhiều ngành khác.

Long kể, thời gian đi thực tập ở bệnh viện, bên cạnh các bài học chuyên môn, thực tập sinh thường xuyên tiếp xúc với nhiều người từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến bác sĩ hướng dẫn, y tá, điều dưỡng viên… Mỗi người một tính cách, thái độ, bản thân Long phải điều chỉnh cách cư xử, nói chuyện phù hợp cho từng người.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

 

Cụ thể, với người có chuyên môn, thực tập sinh sẽ nói chuyện bằng các từ chuyên ngành, với bệnh nhân và người nhà, sẽ nói chuyện đơn giản, ngắn gọn để họ hiểu đúng, hiểu đủ… Bên cạnh đó, thực tập sinh phải học cách xử lý các trường hợp bất ngờ như tình huống Long gặp phải.

Hơn nữa, tuy học nhiều, nhưng không có nghĩa sinh viên trường Y chỉ biết học. Long kể, trong lớp học đa khoa của cậu có khoảng 100 sinh viên, được chia đều thành bốn nhóm nhỏ để tiện trong việc phân công thực tập ở bệnh viện. Những thành viên trong nhóm cậu đều hòa đồng, vui tính, mà theo lời Long kể: “Bọn mình thân nhau như thời học cấp Ba vậy, nhớ hết tên tất cả các bạn trong nhóm”.

Đặc biệt, Long còn chia sẻ, ngành y rèn luyện cho sinh viên tính gan dạ, những người không vượt qua được nỗi sợ sẽ tự động bỏ cuộc. Lý do của lời nói đó xuất phát từ tính chất các môn học bắt buộc của sinh viên ngành y.

Long kể, trước khi tiếp xúc với người bệnh trong bệnh viện, sinh viên được học về cơ thể người trực tiếp trên xác chết thông qua môn giải phẫu. Những xác chết sử dụng trong quá trình học chủ yếu có được do hiến tặng.

Trong quá trình học, giảng viên sẽ tiến hành giải phẫu tử thi, gắn bảng tên lên những bộ phận cơ thể cần học, để sinh viên quan sát, ghi nhớ, sau đó trả bài cho thầy cô.

“Mình vốn sợ ma từ nhỏ. Buổi đầu tiên học giải phẫu thấy rợn người lắm, may phòng học đông người, lại tương đối thoáng nên đỡ hơn. Lâu dần thành quen, đến bây giờ nhìn vào xác người cũng như nhìn vào mô hình” - Long tâm sự.

Tuy nhiên, không phải ai cũng quen, một số bạn (đa số là nữ) hoảng hốt, thậm chí ngất xỉu khi nhìn thấy tử thi đã được giải phẫu. “Những bạn như thế, hầu hết không còn theo đuổi ngành y nữa” - Long cho biết.

Học y 6 năm chưa đủ

Long vốn thi trường y theo mong muốn của bố mẹ. 2 năm đầu học lý thuyết, Long vẫn chưa thực sự cảm thấy yêu nghề mình đang theo học. Đến khi được tiếp xúc với bệnh nhân, cậu mới nhận ra, nghề bác sĩ cao quý và cần thiết cho xã hội.

Long cho rằng, 6 năm học y không dài như sinh viên các trường khác nghĩ. Đến thời điểm gần kết thúc học kì I năm thứ 5, Long chưa dám tự tin khẳng định bản thân đủ khả năng sử dụng các kiến thức học được vào làm việc tại bệnh viện.

“Học y phải học trọn đời. Mình vẫn thấy mình chưa đủ kỹ năng để trở thành bác sĩ, chưa đủ vững vàng để đối mặt với nhiều áp lực mà bác sĩ phải chịu trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân” - Long tâm sự.

Mục tiêu hiện tại của Long và của hầu hết sinh viên y chính quy là có thể vượt qua kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú sau khi hoàn thành 6 năm chương trình học. Kỳ thi này khó hơn nhiều so với thi cao học và mỗi cử nhân y hệ đại học chính quy chỉ được thi một lần trong đời.

“Tuy sau khi thi tốt nghiệp mới thi, nhưng bọn mình phải bắt đầu ôn tập từ bây giờ mới hi vọng có cơ hội đỗ. Nếu vượt qua kỳ thi, bọn tớ có nhiều cơ hội học tập thêm nhiều, được hướng dẫn bởi các thầy cô nhiều năm kinh nghiệm, được nhận bằng thạc sĩ sau 3 năm học và có thể được giữ lại làm viện tại bệnh viện theo học” - Long chia sẻ về mục tiêu trong tương lai gần.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất