Sinh viên ở trọ và vô vàn nỗi thống khổ khi gặp phải chủ nhà tai quái
Đặt ra hàng loạt quy định vô lý để phạt tiền, soi mói đời sống cá nhân, sẵn sàng "cuỗm" mất tiền đặt cọc, thu tiền điện, nước với giá "cắt cổ"... là những chiêu bài thường thấy của chủ trọ tai quái, khiến không ít sinh viên trẻ được phen lao đao.
Đủ kiểu "bòn" quỹ tiền "còm" của sinh viên
Sinh viên đi thuê trọ hầu hết đều ở tỉnh lẻ, có điều kiện kinh tế không mấy dư dả. Số tiền chi tiêu hàng tháng do bố mẹ chu cấp tuy không lớn nhưng họ lại phải chi trả cho quá nhiều khoản, từ học phí đến tiền ăn, mặc, ở, đi lại. Thế nhưng, ngoài những khoản chi hợp lý ấy, không ít người còn mất tiền một cách oan uổng, tức tối chỉ vì những quy định bắt phạt cực kỳ vô lý của các ông thần, bà tướng chủ trọ tai quái.
Lê Mỹ Anh (sinh viên Cao đẳng Du lịch Hà Nội) tâm sự, trước đây, cô từng thuê trọ trong một con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Quốc Việt. Tiền thuê trọ cũng không hề rẻ với giá 2,3 triệu đồng/tháng nhưng suốt 3 tháng thuê phòng tại đây, cô liên tục phải trả số tiền lên tới hơn 3 triệu đồng do phát sinh những khoản tiền phạt rất vô lý từ chủ trọ.
"Ví dụ dẫn bạn về phòng mà xe cộ để hơi bừa bộn, thay vì nhắc nhở thì cô chủ ghi phạt 150.000 đồng. Có lúc cô còn không thèm nhắc, cứ để cho bạn mình vô tư để xe rồi đến cuối tháng mới thông báo và cộng gộp sẵn vào tiền nhà, chỉ trực mình nộp sao cho đủ, thiếu đồng nào là cô ấy la lối, rất khó chiu", Mỹ Anh kể lại.
Những điều khoản phạt tiền khá khắt khe từ phía các chủ trọ tinh quái.
Tương tự, Hồng Ngọc (sinh viên năm thứ 3, ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, khi mới lên Hà Nội, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên cô thuê "nhầm" phải một căn phòng có chủ trọ rất "khó ở".
"Bác ấy có rất nhiều khoản phạt vô lý như dẫn bạn về mà không xin phép trước, tự ý bày biện nấu nướng ở hành lang... phạt 200.000 đồng. Nếu làm hỏng vật dụng gì, đơn giản như bóng đèn thì không những phải tự thay thế mà còn chịu phạt, tùy theo giá trị món đồ bị hỏng".
Không chỉ đặt ra các quy định vô lý, nhiều chủ trọ còn bắt sinh viên đóng cọc trước 3 tháng. Sau đó, trong quá trình ở thường xuyên soi mói, chửi bới khiến họ "ở không đành mà đi cũng không xong". Bởi, nếu chuyển đi là phá vỡ hợp đồng và mất trắng tiền cọc.
Trong khi đó, Phạm Ý Lan và bạn thân (cùng học Đại học Ngoại thương Hà Nội) thuê một căn phòng khá đắt ở Chùa Láng nhưng bù lại điện, nước được tính theo giá nhà nước. Hết tháng đầu tiên, chủ nhà lại thu điện nước theo giá kinh doanh là 4.000 đồng/số điện và 25.000 đồng/khối nước. "Mình và bạn phản đối sự bất nhất ấy thì chủ nhà phủ nhận việc trước đó nói trả điện nước theo giá nhà nước. Trong hợp đồng do chủ nhà soạn, phần điện nước họ cũng chỉ ghi là: giá thỏa thuận", Lan chia sẻ.
Tuy nhiên, do đã đóng tiền 3 tháng nên Lan và bạn đành ở hết thời gian đó. Đến khi chuyển đi, chủ nhà chối chuyện thu tiền đặt cọc 1 tháng để không phải trả. "Họ nói với chúng mình là mọi cái đều làm theo hợp đồng. Oái oăm ở chỗ, trong hợp đồng cũng không hề có thông tin về tiền đặt cọc. Mình và bạn khi ký cũng không để ý những thông tin đó", Lan và bạn đành tay trắng ra đi.
Tìm được nhà trọ ưng ý không đơn giản. Nhiều sinh viên phải sống trong những căn phòng chật hẹp.
Thu Trang (khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) và hai người bạn nữa thuê phòng ở ngõ Lương Thế Vinh (Thanh Xuân) cho biết, do không có công tơ điện và đồng hồ nước riêng nên với mỗi người, chủ nhà thu 100.000 đồng tiền nước, 150.000 đồng tiền điện, 100. 000 đồng Internet (dù phòng 3 người chỉ có 1 dây mạng). Ở được hơn tuần, chủ nhà thông báo 150.000 đồng tiền điện mỗi người chỉ dùng cho thắp sáng, nấu cơm, chạy quạt điện. "Họ thu thêm 50.000 đồng tiền máy tính với laptop, 80.000 đồng với máy cây", Trang chia sẻ.
Một thời gian sau, chủ nhà trọ sửa lại hệ thống điện. Nhưng không hề có công tơ riêng cho phòng thuê, điều thay đổi duy nhất xảy ra với phòng Trang là nếu dùng nhiều thiết bị điện cùng 1 lúc thì aptomat sẽ nhảy, toàn bộ điện tầng 3 (tầng Trang và bạn thuê) sẽ bị mất. Aptomat lại nằm ở tầng 2 của nhà chủ, muốn có điện, Trang và bạn lại phải xuống nhờ bật lại. Mỗi lần như thế, cả phòng lại được nghe "bài ca" về tiết kiệm điện. "Nếu đun nước bằng bình điện để uống hoặc tắm mà đang cắm cơm và bật quạt thì aptomat sẽ nhảy, chúng mình phải phân phối điện cho từng thiết bị ở từng thời điểm để aptomat không bị nhảy".
Rình mò, soi mói từ A đến Z đời sống cá nhân của sinh viên
Không chỉ khổ sở khi gặp phải chủ trọ "hám tiền", tìm đủ mọi cách để bòn rút chiếc "ví mỏng" của sinh viên, nhiều bạn trẻ còn hết sức đau đầu khi có chủ trọ là những người thô lỗ, chuyên đi soi mói đời sống sinh hoạt của họ.
Nguyễn Thu Hương (sinh viên ĐH Giao thông Vận tải) tâm sự: "Chủ trọ của mình tuy không phạt tiền nhưng soi mói mình rất quá đáng. Ví dụ thấy có bạn trai đến đưa đón thì bảo là cặp bồ, nhiều khi chỉ là bạn bè bình thường đến gọi đi học cũng bảo hôm nay thằng này, mai lại thằng khác".
Cùng chung nỗi khổ như Hương, Hoài Thương (một sinh viên khác cùng trường) cũng chia sẻ rằng, trước đây, cô từng gặp phải chủ trọ rất thô lỗ và ngoa ngoắt, hay chửi đổng sinh viên vì những lý do rất vô lý, thậm chí còn đi nói xấu họ với những người khác thuê trọ trong xóm.
Để tiết kiệm, nhiều sinh viên chấp nhận trọ ở những khu trọ tồi tàn. Tuy nhiên, điều này không thấm vào đâu nếu so với nỗi bất hạnh khi gặp phải chủ trọ "khó tính".
"Bác ấy khó chịu lắm, chẳng hiểu sao để ý từ chuyện ăn uống của tụi mình. Thấy đứa nào sinh viên mà tụ tập ăn nướng, lẩu hoành tráng một chút thì kêu đã không có tiền mà còn bày đặt".
Không những vậy, xóm trọ của Thương còn thường xuyên bị mất xe đạp, xe máy hoặc laptop. "Tuy nhiên, bác chủ rất thờ ơ với việc này. Nhiều người bị mất cũng có báo công an vào giải quyết nhưng rồi cũng không đi đến đâu vì chẳng có manh mối nào để điều tra. Chúng mình nhiều lần yêu cầu chủ trọ thay khóa cửa để đảm bảo an toàn nhưng bác ấy cứ khất lần mãi không chịu làm".
Không thể chịu cảnh "sống chung với lũ" mãi được, nhiều sinh viên khi gặp chủ trọ tai quái bèn tính chuyện chuyển đi. "Tuy nhiên, bọn mình bị ràng buộc bởi hợp đồng. Nếu đi trước thời hạn thường bị phạt ít nhất 1 tháng tiền nhà nên không dám tự tiện chuyển đi", Thương nói thêm.
Trong khi đó, chủ nhà đầu tiên mà Nguyễn Thanh Bình (khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Thăng Long Hà Nội) gặp khi mới lên Hà Nội trọ học trở thành ký ức không thể quên. Dù tiền nước mỗi người đóng 80.000 đồng/tháng nhưng chủ nhà luôn săm soi chuyện dùng nước của các thành viên khu trọ: từ giặt quần áo, nấu cơm, rửa bát…
Ở được hơn tuần, Bình mới hay 2 phòng trọ còn lại đều là sinh viên năm nhất mới nhập học như mình, và qua hàng xóm, cô bạn cũng biết, không ai thuê trọ ở đây lâu, người ra người vào liên tục. Các thành viên khu trọ đều không dám đưa bạn về chơi. Nếu bạn bè đến thì phải "trình diện" chủ nhà. Bà hỏi như hỏi cung: "Tên gì, quê quán, bố mẹ làm gì, bạn bè như thế nào với người ở trọ?". Sau màn trình diện, bà "thuyết giáo" về 1 loạt quy định: không được làm ồn, không được trộm cắp, không làm bẩn khu vệ sinh và không được ở chơi quá 2 tiếng. Nếu ở chơi quá thời gian quy định, nộp phạt 50 nghìn.
Vì có quá nhiều chuyện thị phi liên quan đến chủ trọ tinh quái nên để thu hút khách, nhiều người phải dán tờ rơi ghi rõ phòng cho thuê "không liên quan đến chủ".
Một hôm đi học về, vừa mở cổng, Bình đã nghe tiếng chủ nhà chát chúa: "Tao đã nói bao lần là hệ thống điện nhà tao là hệ thống cũ. Mày dùng bếp điện thì hỏng hết dây điện nhà tao. Tháng này, mày nộp phạt thêm 100 nghìn". Bình sững người. Bếp điện mẹ mua cho Bình hôm nhập học nhưng vì chủ nhà không cho nấu ăn bằng đồ điện nên cô bạn chuyển sang dùng bếp ga. Bếp điện được gói ghém kỹ, cất trong gầm giường.
Bình bực tức khi biết chủ nhà đã dùng khóa riêng vào phòng mình lục lọi. Cô bạn khảng khái: "Bếp điện bác không cho dùng, cháu đã cất gọn trong gầm giường. Mà sao bác lại tự tiện vào phòng cháu?" Bà chủ hất hàm: "Bếp điện trong phòng mày, làm gì có chuyện không dùng. Nhà tao, tao thích vào phòng nào là quyền của tao". Đó là giọt nước tràn ly khiến Bình quyết định chuyển đi.
Khi người yếu thế phản kháng…
Sinh viên đi thuê phòng trọ luôn là những người yếu thế, đặc biệt trong mối quan hệ với chủ nhà. Không có nhiều tiền, chưa va vấp nhiều trong cuộc sống, việc tìm 1 căn phòng ưng ý để ởthực sự không đơn giản. Chính vì thế, dù gặp phải những chủ nhà trọ tai quái, nhiều sinh viên vẫn nhẫn nhịn. Chỉ đến khi sự quá quắt thành giọt nước tràn ly, sinh viên mới chuyển đi.
Một trong những cách "phản kháng" phổ biến của sinh viên hiện nay với sự tai quái của chủ nhà là sử dụng truyền thông xã hội để "tố giác". Mới đây nhất, câu chuyện kèm clip về một chủ nhà bạt tai, dùng dây điện đánh bạn của khách thuê trọ lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội làm dấy lên làn sóng tẩy chay nhà trọ này…
Một sinh viên "tố" chủ nhà tai quái trên group thuê trọ.
Trên các group chia sẻ thông tin tìm phòng trọ của sinh viên, thường xuyên xuất hiện những bài viết "tố" chủ nhà tai quái. Group "Nhà trọ sinh viên_ Nơi sinh viên giúp nhau tìm nhà trọ" hội tụ khoảng 160.000 nghìn thành viên, các thành viên lập hẳn một một file "Nhà trọ Danh sách đen" với các cột rõ ràng: tên chủ nhà trọ, địa chỉ nhà trọ, nội dung về sự "tai quái" của chủ nhà để người trong cuộc "trút bầu tâm sự". Danh sách này ngày càng được nối dài và là một trong những"cẩm nang" thiết yếu của sinh viên khi thuê nhà trọ.
Hoàng Thanh Nhàn (Đại học Công đoàn Hà Nội) cho biết: "Mình và bạn luôn xem rất kỹ danh sách nhà trọ đen trước khi tìm thuê phòng để "giảm thiểu" rủi ro cho bản thân". Bên cạnh đó, các fanpage, group như "Điểm đen nhà trọ - Sinh viên cùng tránh", "Nhà trọ Hà Nội", "Cho thuê nhà – Phòng trọ Hà Nội", các trang Confession của các trường đại học, nội dung về những chủ nhà trọ tai quái thường xuyên xuất hiện để cảnh báo sinh viên.
Video được xem nhiều nhất