Sinh viên làm nghề bartender: Cám dỗ và chiêu trò
Để có được chỗ đứng vững chắc trong nghề, các bartender phải không ngừng sáng tạo và liên tục có những chiêu trò hút khách.
Nhiều đắng cay và cám dỗ khôn lường
Bartender là danh từ chỉ những người pha chế (phần lớn là cocktail). Đây là ngành nghề được nhiều bạn trẻ ưa chuộng hiện nay. Với môi trường làm chủ yếu trong các bar, beer club… công việc này đòi hỏi sự năng động, sáng tạo và cả đam mê của các bạn trẻ.
Muốn trở thành bartender chuyên nghiệp, mọi người phải trải qua khá nhiều khó khăn, thử thách. Ngoài việc nằm lòng công thức của các món đồ uống, cách biểu diễn những màn pha chế đó sao cho đẹp mắt và hấp dẫn khách cũng là điều không thể thiếu.
Minh Thi (sinh viên ngành du lịch, khách sạn tại TP HCM) đã gắn bó với nghề bartender được gần 3 năm cho biết, ngày đầu đến với bộ môn này, cô bị gia đình ngăn cấm. Mỗi lần tập luyện cùng bạn bè, cô đều nói dối là đi học. Những lần chảy máu vì quăng chai nhiều không thể tả. Có lần, Thi phải vào viện vì mảnh thủy tinh rơi trúng người, khâu 3 mũi ở tay.
Giống như Thi, Jennyfer Phạm (sinh năm 1991) cũng có 4 năm gắn bó với nghề này. 9X chia sẻ: “Mình từng bị cái shaker rơi trúng đầu phải khâu 4 mũi. Không bỏ cuộc, mình lấy băng cá nhân dán lại, rồi tiếp tục tập đến nỗi tay sưng lên hết. Nhiều lúc chai vỡ, bị vỏ chai đâm vào tay nhưng mình vẫn cố nhịn đau để luyện nghề”.
Nhiều cô gái theo đuổi bộ môn này phải trải qua quá trình luyện tập gian nan. Ảnh: Minh Thi. |
Thông thường, các bartender trải qua quá trình luyện tập khá dài (khoảng 1-3 năm). Nhiều người không trụ nổi những đau đớn và khổ cực đành phải nghỉ ngang.
Không chỉ đơn giản là biết cách pha chế như nhiều người nghĩ, nghề bartender cần rất nhiều kỹ năng khác như giao tiếp, ứng xử với khách hàng, am hiểu về các loại thức uống… Bởi vậy, nói rằng bartender chỉ ngồi pha chế, không phục vụ sẽ không có nguy hiểm rình rập là không chính xác.
Một bartender ở TP HCM cho biết, cô từng nhận được lời mời khiếm nhã từ vị khách trong bar khi mới chập chững vào nghề. Đã nhẹ nhàng từ chối nhưng vị khách vẫn nổi giận, gây gổ ngay tại quán.
M.H (nhân viên pha chế ở Đồng Nai) kể: “Mình từng chứng kiến một đồng nghiệp vì không làm chủ được bản thân, sống buông thả. Sau đó, người này sa vào nghiện rượu, cặp kè với cả những người lớn tuổi để được chu cấp tiền bạc ăn chơi”.
Theo thầy giáo Phạm Đình Song (vô địch châu Á về biểu diễn Flair Bartending tổ chức ở Thái Lan), môi trường làm việc trong bar khá phức tạp nên khi đã đam mê và quyết định gắn bó với nghề mỗi bạn trẻ cần phải chuẩn bị tâm lý vững vàng. Mọi người cần xác định cho mình mục tiêu, đích đến để làm động lực phấn đấu.
"Ngoài làm việc trong quán bar, một bartender hoàn toàn có thể pha chế tại nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên môi trường nào cũng vậy, các bartender không nên sử dụng chất kích thích trong giờ làm việc, phải giữ cho đầu óc luôn tỉnh táo, hoàn thành công việc tốt nhất. Đứng trước những lời đề nghị của khách, cần có thái độ lịch sự, từ chối khéo léo tránh gây xô xát" - Đình Song nói thêm.
Đổ máu nhưng lương không đủ sống
Nhằm phục vụ nhu cầu giải trí ngày càng tăng cao, các quán bar, club hiện mọc lên ùn ùn. Đây là mảnh đất màu mỡ dành cho những bạn trẻ yêu thích sự náo nhiệt, phồn hoa. Cũng từ đó, sự cạnh tranh giữa các bartender cũng trở nên khốc liệt hơn.
Nam - một bartender có thâm niên 10 năm trong nghề - cho biết, để có được chỗ đứng vững chắc, thêm nhiều show diễn, bắt buộc người pha chế phải không ngừng sáng tạo ra những món đồ uống mới lạ, cùng màn trình diễn đẹp mắt, hút khách hàng.
Muốn cho tiết mục biểu diễn của mình ấn tượng hơn, Nam đã sử dụng lửa để tăng thêm độ hấp dẫn. Anh cho biết: “Việc kết hợp lửa trong biểu diễn nghệ thuật pha chế đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, chỉ cần sai sót nhỏ cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi từng bị lửa cháy xém cả mặt khi đang trình diễn. Còn chuyện chảy máu, bỏng tay là điều hiển nhiên khi chấp nhận theo nghề này”.
Không chỉ chứng kiến những vết thương ngày ngày hằn in trên cơ thể, Nam còn nhiều lần nhìn thấy nhiều đồng nghiệp của mình vào bệnh viện vì những thương tích do công việc mang lại. Anh cho hay, những người có khả năng trình diễn quăng chai nghệ thuật vì vậy cứ vơi dần đi.
Màn biểu diễn với lửa của bartender chuyên nghiệp. Ảnh: Quang Nam. |
Công việc vất vả, thường xuyên làm khuya, thế nhưng mức lương của nghề này lại khá bèo bọt. Đối với những bartender mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm, lương khởi điểm từ 3-4 triệu/tháng, kèm phụ cấp. Dần dần mức lương sẽ được cải thiện theo tay nghề và khả năng trình diễn của từng bartender.
Cô gái có tên S.T (quê Nha Trang) là sinh viên mới ra trường, từng theo học bartender tại một trường chuyên nghiệp. Khi ra trường, cô cũng nộp đơn xin vào một vài quán bar nhỏ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sau vài tháng, cô đành nghỉ việc vì không đủ tiền phục vụ sinh hoạt.
Cũng theo chia sẻ của nhiều bartender, công việc pha chế, biểu diễn múa chai chỉ phù hợp khi còn trẻ và có sức khỏe dồi dào (khoảng 30 tuổi trở lại). Việc phải thường xuyên thức đêm, làm việc trong môi trường nhiều chất kích thích, khiến sức khỏe của nhiều bartender bị suy giảm nhanh chóng. Nhiều người không chịu nổi áp lực đã tìm những công việc khác hay trở thành nhân viên pha chế bình thường, làm việc theo ca, không gắn với biểu diễn nữa.
Với sự khắt khe của nghề, Minh Thi (22 tuổi, bartender tự do) cho hay, ngoài công việc biểu diễn ở các quán bar, club… cô vẫn tiếp tục theo học ngành nhà hàng khách sạn để khi không còn đủ sức khỏe theo đuổi bartender, cô có thể xin được công việc ổn định về sau.
Nhiều khó khăn, nhạy cảm nhưng không thể phủ nhận được sức hút của nghề bartender đối với giới trẻ hiện nay. Không chỉ dừng lại ở những thức uống đẳng cấp, không ít bạn trẻ còn mang bộ môn flair bartending (múa chai) đến với đấu trường quốc tế.
Video được xem nhiều nhất