Sau status "Các bạn trẻ ngồi trên nóc tủ": "Bạn nào thấy tôi nặng lời thì phải đo lại mức độ mong manh của mình"
"Chạy theo đam mê, nợ nần sẽ chạy theo bạn. Ngược lại, làm việc theo nhu cầu thị trường sẽ tốt hơn cho cả bạn và xã hội", Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT công ty truyền thông NBN chia sẻ thêm sau status gây bão "Hãy đứng lên đi hỡi các bạn trẻ ngồi trên nóc tủ"
Có lẽ câu chuyện về người trẻ ra trường và thất nghiệp đã không còn là điều quá mới mẻ gần đây. Nhưng khi chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về vấn đề này trên trang cá nhân, anh Nguyễn Bá Ngọc (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Truyền thông NBN) lại một lần nữa khiến dư luận được dịp xôn xao và xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh lời thúc giục "Đứng dậy đi hỡi các bạn trẻ ngồi trên nóc tủ".
Thay vì chọn cách nói bóng bẩy, tác giả lại đưa ra một góc nhìn mới và đánh thẳng vào tham vọng muốn "leo lên" làm sếp dù năng lực thì chưa "đủ tầm" của không ít bạn trẻ.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này dưới góc nhìn thẳng thắn từ anh Nguyễn Bá Ngọc, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh trong lúc dư luận vẫn đang xôn xao về bài viết gây tranh cãi trên.
"Bạn trẻ nào cảm thấy tôi nói nặng nề thì phải đo lại mức độ mong manh của mình"
Xin chào anh Nguyễn Bá Ngọc, mới đây, bài viết về "các bạn trẻ ngồi trên nóc tủ” của anh nhận được rất nhiều sự quan tâm. Ngoài thái độ đồng tình, cũng có nhiều ý kiến nói anh đang dùng những lời lẽ quá nặng nề và thiếu tính động viên, khích lệ người trẻ, anh nghĩ sao về quan điểm này?
(Cười), tôi thì lại đang nghĩ như thế này là quá nhẹ nhàng và lịch sự rồi ấy chứ?
Thực ra là phiên bản đầu của bài viết này còn nặng hơn thế cơ. Nếu bạn trẻ nào cảm thấy những gì tôi nói là nặng nề thì nên chăng phải đo lại mức độ mong manh của mình. Nếu không sao đủ mạnh để vượt qua những sóng gió cuộc đời, sóng gió thương trường được?
Người ta thường nói là sống và làm việc phải có đam mê nhưng riêng anh lại cho rằng đam mê sẽ dẫn đến nợ nần và thất bại, tại sao lại như vậy?
Đam mê là một thứ cực hay và cực... nguy hiểm. Đa số mọi người cứ gào lên là phải đam mê nhưng tôi thử hòi liệu họ có chắc đã hiểu thế nào là đam mê? Đặc biệt là đối với lĩnh vực khởi nghiệp, thực ra chúng ta nên định nghĩa đam mê theo cách nào đây? Vị trí của nó nằm ở đâu? Liều lượng bao nhiêu là đủ... Nếu biết rõ họ sẽ không trách tôi đã khuyên họ nên dẹp bỏ đam mê.
Nguyễn Bá Ngọc, tác giả của bài viết "các bạn trẻ ngồi trên nóc tủ" gây bão mạng xã hội.
Tại sao trong cuộc tuyển dụng, anh lại gạt đi những ứng viên thích nói về những thứ họ "thích và không thích"?
Không hẳn gạt đi, tôi chỉ gạt các bạn quá nặng thích với không thích. Và các bạn thích hay không theo kiểu quá cảm tính. Khi bắt đầu bằng đam mê bạn sẽ bắt đầu bằng thứ mình thích. Thông thường thì điều ấy lại không phải là thứ xã hội cần nên bạn sẽ dễ thất bại.
Trong khi ngược lại, làm việc theo nhu cầu thị trường sẽ tốt hơn cho cả bạn và xã hội. Là người sống có trách nhiệm với nhân viên trong công ty, thậm chí tôi còn đang đảm nhận trọng trách là thầy Trưởng khoa Quan hệ Công chúng cho Trường cao đẳng Việt Mỹ nên ko thể khuyên bảo chỉ để đẹp lòng các bạn mà cần chia sẻ thật để các bạn rèn giũa hành trang vào đời cho tốt.
Thế nếu họ yêu thích những thứ không viển vông mà nằm trong giới hạn mà họ có thể thực hiện được thì sao?
Giống như việc trả lời phỏng vấn rằng tôi rất thích làm kế toán và tin rằng mình có thể làm tốt. Nhà tuyển dụng biết vậy nhưng điều đó không quan trọng bằng các dẫn chứng, số liệu và nhận định rõ ràng. Còn nếu là thứ mơ hồ kiểu cảm tính thì thật đáng ngại.
Song dù thế nào đi chăng nữa thì theo quan sát của tôi, vẫn là các bạn có trách nhiệm với họ hàng, gia đình sẽ cố gắng hơn, thậm chí làm việc mình không thích lắm và tìm thấy niềm vui trong đó. Điều ấy khác hẳn so với các bạn sống vô trách nhiệm, ích kỷ, chỉ muốn làm điều mình thích.
Hãy cố gắng để "ngồi trên nóc tủ" nhưng đừng leo lên đó quá vội vàng
Là một người ngồi ở ghế lãnh đạo đã lâu, từng trực tiếp tuyển dụng không ít nhân sự, anh đánh giá như thế nào về thái độ của các bạn trẻ khi xin việc?
Các bạn đã và đang bị phân hoá dữ dội so với thế hệ của tôi trước đây. Một số bạn rất có trách nhiệm và tất nhiên, đại đa số các bạn này sẽ thành đạt. Mức thành đạt càng về sau càng vượt xa các thế hệ trước.
Tuy nhiên, có khá nhiều bạn rất vô trách nhiệm với tất cả cuộc đời. Họ sẽ là gánh nặng cho chính mình, gia đình và xã hội.
Nguyễn Bá Ngọc, bên phải, hiện đang là Chủ tịch hội đồng quản trị coogn ty Truyền thông NBN.
Anh có suy nghĩ như thế nào về mong muốn "việc nhàn, lương cao" của các bạn trẻ?
Tôi muốn nói là các bạn hãy cố gắng để "ngồi trên nóc tủ" nhưng đừng leo lên đó quá vội vàng.
Tôi rất thích quy tắc 10.000 giờ của nhà thiên tài Malcolm Gladwell. Ông ấy nói, tất cả các vĩ nhân, khi chạm đến được vinh quang, họ đã có cả một quãng đường dài nỗ lực làm việc, học tập. Tất nhiên, tôi đã loại trừ đi số ít các thiên tài bẩm sinh hoặc người sở hữu nhiều điều kiện quá hoàn hảo.
Vì sao đã được lưu ý nhiều nhưng số người trẻ ảo tưởng năng lực bản thân vẫn chiếm tỉ lệ không hề nhỏ?
Vì họ ích kỷ và hạn hẹp. Chỉ cần chăm đọc báo họ sẽ thấy vô số người giỏi hơn mình. Lăn vào việc, họ sẽ thấy khác với việc ngồi tự vuốt ve mình.
Nguyễn Bá Ngọc chụp ảnh cùng Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Ở vị trí của nhà tuyển dụng, điều anh mong đợi từ các ứng viên của mình là gì?
Có ba điều tôi mong đợi. Đó là thái độ tích cực, kiến thức vững chắc và kinh nghiệm.
Nhưng nhiều bạn trẻ mới ra trường thì họ sẽ lấy kinh nghiệm từ đâu, thưa anh?
Thực ra tôi nghĩ các bạn muốn có lương cao, muốn được doanh nghiệp nhận vào vị trí tốt thì trong những năm tháng sinh viên, không nên chỉ biết có mỗi việc đến trường rồi lại về nhà. Trong thời gian ấy, các bạn có thể đi làm thêm kiếm tiền và trau dồi kinh nghiệm.
Việc làm thêm có rất nhiều nhưng tôi khuyến khích các bạn làm những việc cần đầu tư nhiều chất xám một chút hoặc có liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ được học. Cơ hội việc làm ở doanh nghiệp rồi thông qua các cộng đồng mạng bây giờ rất nhiều.
Là một người khởi nghiệp thành công, anh có lời khuyên nào muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ?
Tôi chỉ muốn nói là các bạn phải luôn giữ cho mình thái độ sống thật tốt. Tiếp nữa là cố gắng học tập, rèn luyện. Học ở đây ngoài kiến thức sách vở còn bao gồm việc tích cực trau đồi các kỹ năng, kinh nghiệm sống. Cuối cùng là các bạn nên làm việc chăm chỉ, vừa làm, vừa đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.
Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh, chúc anh sức khỏe và thành công trong cuộc sống!
Nội dung bài viết Hãy xuống đi hỡi những bạn trẻ đang ngồi "trên nóc tủ"
"Trải qua vô số cuộc phỏng vấn tuyển dụng và trao đổi với các bạn đang là chủ doanh nghiệp, mình rất ngạc nhiên khi thấy “một bộ phận không nhỏ” những bạn trẻ non cả về kiến thức lẫn non nghề, con nhà nghèo, gánh nặng gia đình đang đè nặng trên đôi vai mỏi mòn của cha mẹ song lại cực “chảnh” và ảo tưởng nặng về bản thân khi đi xin việc – thể hiện qua việc luôn nói cái này cái kia mình Thích hay Không Thích.
Các bạn luôn mong muốn phải được ngồi vào những vị trí trọng vọng nhất; bất chấp nó không phù hợp với năng lực bản thân. Thí dụ như quản lý nhóm 3 người không xong nhưng lại chỉ muốn làm Giám đốc Kinh doanh, lập kế hoạch cho một việc chưa được nhưng lại muốn thêm chữ Senior vào trước chức danh, và nói chung chưa làm được việc nhỏ đã đòi làm việc to... Khi bị yêu cầu đi tuần tự, đảm nhận đúng năng lực, các bạn liền giãy nẩy, và lấy cớ thích hay không thích, các bạn sẽ sẵn sàng nghỉ việc dù trong túi không đủ tiền trả 2 ly cafe.
Bệnh này còn có cả ở các “cao nhân” khởi nghiệp. Việc đầu tiên các bạn mở miệng ra là cái này em thích nên em làm; bất chấp thị trường có cần không.
Tất nhiên phần lớn các bạn khởi nghiệp có cách tiếp cận kiểu “sống cùng đam mê” này đều thất bại đau đớn. Một số bạn dùng tiền người khác thì ra đi để lại một đống rác... thôi rồi!
Nói một cách hình tượng là các bạn chưa thành người nhưng đã đòi leo ngay lên nóc tủ ngồi, theo mô hình tháp Maslow thì leo ngay lên đỉnh tháp mà ngự...
Chuyện đơn giản thôi, các bạn hãy chịu khó chút, đi từ đáy tháp, tu tập, trang bị kinh nghiệm và kiến thức, tự lo được cho bản thân các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn, mặc, chỗ ở... đỡ cha mẹ đi rồi hẵng leo dần lên, đâu có muộn. Còn đằng này chưa lo nổi ly cafe sáng mà đã đòi chễm chệ ngay trên đỉnh tháp Maslow thì quả là điều không tưởng...".
Video được xem nhiều nhất