Rơi nước mắt với bài văn của cậu học trò ngỗ ngược

Yan - 17/09/2015, 13:42

Bài văn được nhà trường đọc trong buổi lễ Tri ân và Trưởng thành của cậu học sinh một thời ham chơi, nghịch ngợm đã khiến không biết bao người nghẹn ngào xúc động.

Chàng cựu học sinh của trường THPT Nhân Việt - TP.HCM, Phạm Sông Trường từng khiến thầy cô, bố mẹ và biết bao bạn học khác đã phải rơi nước mắt khi bài văn của anh chàng được đọc trước toàn trường ngày Tri ân.

Sông Trường từng là một cậu học sinh nghịch ngợm, ham chơi, không biết lo biết nghĩ, nhưng rồi nhiều biến cố xảy ra khiến cậu chàng hoàn toàn thay đổi. Hiện nay, Sông Trường đã là chàng sinh viên năm 2 của trường ĐH KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, nhưng mỗi lần nhắc đến bài văn xúc động của anh chàng thì ai nấy cũng đều bồi hồi, rưng rưng lệ.


Trường vui vẻ bên các bạn học. (Ảnh: Internet)

Thầy hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt - Bùi Gia Hiếu cho hay: "Khi Sông Trường chia sẻ những suy nghĩ của mình, em khóc, mẹ Trường khóc, tôi và nhiều thầy cô khác cũng không cầm được nước mắt".

Nội dung bài văn ý nghĩa và vô cùng cảm động của Sông Trường:

"Đắk Lắk! Một cái tên đã trở thành quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Một vùng đất cao nguyên nổi tiếng, đầy gió với những con đường đất đỏ ngập nắng và đặc biệt là nơi của những nương rẫy cà phê bạt ngàn.

Đắk Lắk là nơi sản xuất nhiều cà phê nhất cho đất nước và mang đến cho mọi người những tách cà phê với những vị thơm ngon. Quanh tách cà phê sớm, trưa, chiều, tối, chúng ta có thể nghe được những mẩu chuyện ngẫu hứng giữa giờ, chuyện làm ăn, những chuyện yêu ghét và những bộn bề của cuộc sống của các thực khách yêu cà phê.

Mọi chuyện buồn vui, chuyện trên trời dưới đất, cứ ngồi vào quán cà phê là mọi người kể cho nhau nghe hết nhưng có một chuyện mà những vị khách ấy thường không thấy kể. Đó là câu chuyện của những người nông dân trên vùng đất đầy nắng và gió. Những người quanh năm suốt tháng, đã gắn bó cả cuộc đời mình với cây cà phê.

Có thể những người thưởng thức cà phê đều cảm nhận được hương vị đậm đà và quyến rũ của nó, nhưng đôi lúc họ không biết rằng: Trong cà phê còn có cả vị đắng chát của giọt mồ hôi, nước mắt, sự vất vả gian truân của người nông dân hiền lành, chất phác. Riêng tôi, một đứa con của vùng đất bạt ngàn Tây Nguyên ấy, tôi đã cảm nhận được nỗi vất vả, đắng cay đó qua giọt mồ hôi, nước mắt của chính ba mẹ tôi.

Ba mẹ ơi! Mười tám năm rồi. Mười tám năm rồi! Con mới nhận ra được sự cực nhọc, vất vả của ba mẹ. Có phải muộn lắm không?

Từ lúc con được sinh ra tới bây giờ, con được nhìn thấy những cây cà phê bạt ngàn, những cây cà phê đã cùng với ba mẹ nuôi sống cả một gia đình 5 miệng ăn. Lúc nhỏ, con là một thằng bé hiếu động, nghịch ngợm và đã làm khổ ba mẹ rất nhiều lần. Con không hề hiểu được gia đình mình lại khổ sở đến như thế, khó khăn đến như thế.

Ba mẹ kể cho anh chị em con về hoàn cảnh gia đình mình nhưng con chưa bao giờ lắng nghe một cách nghiêm túc. Con còn nhớ ba mẹ kể vì nhà mình nghèo, ba mẹ phải đội chiếu từ Quảng Bình vào Đắk Lắk theo diện kinh tế mới để tìm cuộc sống tốt hơn mà trong tay không có nổi một đồng.

Với ước mơ đổi đời, ba mẹ đã làm quần quật quanh năm suốt tháng trên vùng cao nguyên này. Ai thuê gì làm nấy, chưa dám nghỉ ngơi dù chỉ một ngày, và ba mẹ đã nuôi sống cả gia đình như thế.

Làm thuê quần quật mấy năm trời, ba mẹ đã tích cóp và mua được 500 gốc cây cà phê rồi đặt hết niềm tin vào trong nó. Trồng cà phê không đơn giản phải không mẹ? Con nhớ mãi hình ảnh của ba suốt ngày cuốc đất, bón phân, tưới nước…hì hục bên mấy gốc cây cà phê; còn mẹ thì suốt ngày đội nắng để tỉa cành thoăn thoắt.

Con nhớ làn da cháy đen vì nắng của ba, giọt mồ hôi mặn chát của mẹ. Chăm sóc cây cà phê cứ như là chăm một đứa con nít vậy. Cây cà phê lắm chứng, lắm bệnh. Có những đợt nắng kéo dài, ba mẹ phải tưới nước liên tục để cứu lấy những gốc cà phê. Cây cà phê tươi tốt, mơn mởn ra hoa được đổi lấy từ sự hao gầy của ba mẹ. Vậy mà con chưa bao giờ nhận thấy.

Một khoảng thời gian sau, ba mẹ mua thêm được 1.000 gốc cà phê nữa. Nhưng đồng nghĩa với việc ba mẹ phải làm việc nhiều hơn. Vì không có nhiều tiền để mua, nên vùng đất của nhà mình không màu mỡ như nhiều nhà khác, ba mẹ lại càng cơ cực.

Làm lụng vất vả là thế nhưng cuộc sống gia đình mình vẫn còn rất cực khổ, nhất là kể từ khi ba anh em con đi học. Ba mẹ suốt ngày làm lụng trên rẫy để kiếm từng đồng cho các con khỏi thua bạn, thua bè. Nhưng rồi, sau đó, vì không có tiền nên cả anh Thương và chị Hải đều phải nghỉ học để phụ giúp cho gia đình, chỉ có mình con là may mắn được tiếp tục đi học.

Ba mẹ đặt niềm tin và hi vọng ở con. Con biết điều đó, vậy mà con thật bất hiếu không những không giúp được gì đỡ đần cho ba mẹ mà lại còn không chịu lo học hành, suốt ngày chỉ biết đi theo đám bạn la cà hết chỗ này đến chỗ khác, hết quán net rồi lại gây gổ đánh nhau. Kết quả của năm học lớp 9 con đã không đủ điểm để vào lớp 10 trường công.

Con biết cả gia đình lúc ấy thất vọng về con lắm, nhưng không ai nói ra. Thật sự, lúc đó con cũng không quan tâm gì đến việc học hành của mình, con cũng đã dự trù cả việc mình sẽ nghỉ học. Thậm chí, con còn thấy thoải mái vì cảm thấy không bị ràng buộc về chuyện học hành. Nhưng rồi ba mẹ đã gồng mình, lấy hết quyết tâm để đưa con lên TP. HCM tiếp tục học. Ba mẹ muốn tìm cho con một chân trời mới, một hi vọng mới rằng con mình sẽ đi học, sẽ có tương lai.


Sông Trường bên mẹ trong ngày lễ Tri ân và Trưởng thành. (Ảnh: Internet)

Mỗi lần về lại nhà, mang theo hành trang là những bài giảng, những hình ảnh, những đoạn phim, những lời dạy của thầy cô, con so sánh, ngẫm nghĩ và càng thấy thương ba mẹ nhiều hơn. Con đã cố gắng học và lần đầu tiên được học sinh tiên tiến, ngày mang tấm giấy khen và phần thưởng về nhà, được thấy nụ cười hạnh phúc của mẹ, con tự hứa với lòng sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa.

Nhưng mà ông trời lại phụ lòng người, từ ngày con lên thành phố học, gia đình mình xảy ra quá nhiều chuyện. Cuối năm học lớp 10, căn bệnh gai cột sống của mẹ tái phát, hoành hành, mẹ không làm được những việc nặng nhọc nữa, bao nhiêu gánh nặng dồn lên đôi tay chai sần, cháy nắng của ba, mà ba thì cũng đã bước qua ngưỡng cửa của tuổi già.

Anh Thương đi làm việc tại xí nghiệp ô tô để phụ thêm thu nhập cho gia đình, cho con ăn học. Năm con học lớp 11, trái tim con thắt lại khi nghe tin anh bị tai nạn khi làm việc tại xưởng ô tô. Chiếc xe hơn 300kg đã rơi xuống và đè anh con trong gầm, anh bị gãy cột sống lưng. Anh đau đớn nhưng đã vùng vẫy và lấy hết sức bình sinh đẩy chiếc xe ra ngoài rồi ngất đi. Anh được đưa cấp cứu, đã thoát khỏi bàn tay của tử thần.

Khi đến bệnh viện, nhìn thấy anh vật vã trong cơn đau, ruột con như đứt ra từng khúc. Con xót xa nhìn anh, con chỉ biết giấu vội giọt nước mắt chứ không biết phải làm gì. Đôi lúc con tự hình dung và tự rùng mình nghĩ đến chiếc xe oan trái kia đè xuống người anh. Trong những cơn mộng mị, đã đôi lần con nhìn nó và thét lên sợ hãi. Trong mơ con thấy anh con bị chiếc xe rơi xuống và đè lên nhưng con lại bất lực không biết làm gì. Giật mình thức giấc, con khóc một mình trong đêm khuya.

Cũng kể từ ngày đó, anh con đã mất hoàn toàn sức lao động, không thể làm được những chuyện nặng. Xin việc làm ở đâu cũng không được vì việc nặng thì anh không kham nổi, còn việc nhẹ thì chỉ cần nữ không cần nam. Gia đình mình lâm vào tình cảnh túng quẫn!

Từ ngày mẹ bệnh và anh bị tai nạn, con biết trong gia đình chỉ còn có một mình ba gồng gánh nuôi cả gia đình, vậy mà chưa một lần ba than thở. Gia đình mình lúc nào cũng lạc quan. Mỗi lúc gọi điện hỏi thăm, ba chỉ nói 'ráng học nghen con, nhà mình có mỗi một mình mày là còn được đi học thôi đấy, tao không muốn hàng xóm xung quanh cười là không biết dạy con'. Nghe câu nói đó lòng con cảm thấy đau và hối hận lắm ba à! Đau vì con thương ba mẹ quá, còn hối hận vì những việc làm sai trái của mình đã làm cho ba mẹ buồn.

Nhưng khi lên lớp 12, gia đình đã không đủ điều kiện để cho con học tiếp, vì số tiền dành dụm và làm lụng hằng ngày chỉ đủ tiền mua thuốc thang cho anh Thương và khám bệnh mỗi tháng của mẹ. Ba đã phải bán đi 500 gốc cà phê nhưng cũng không thể làm gì hơn. Ba mẹ đã phải đau lòng và bất lực ngậm ngùi cho con nghỉ học.

Khi nghe chuyện phải nghỉ học, con buồn lắm, con khóc nhiều lắm. Chưa bao giờ con muốn học như lúc này vậy mà phải nghỉ học. Nhưng con chỉ buồn chứ đâu dám trách ba mẹ. Bởi vì cũng tại con mà Ba mẹ đã phải khổ nhiều quá.

Cũng may mắn là khi biết được hoàn cảnh, nhà trường đã tận tình giúp đỡ. Trường đã giảm nửa tiền học phí suốt cả năm học nên con mới có thể tiếp tục đi học. Con thầm biết ơn ngôi trường N.V rất nhiều.

Con nợ ba mẹ cả một cuộc đời. Bây giờ con đã trưởng thành, đã hiểu công ơn của ba mẹ. Đứa con cứng đầu cứng cổ ngày nào của ba mẹ sẽ cố gắng trưởng thành, giống như những cây cà phê cứng đầu cứng cổ mà ba mẹ vun trồng nay cũng đã nở ra bông hoa trắng! Ráng đợi con một thời gian nữa thôi, ba mẹ nhé!

Con trai út của ba mẹ!

Phạm Sông Trường".


Ảnh minh họa - Internet.

Qua những dòng văn chứa đầy cảm xúc của Sông Trường, chắc hẳn chúng ta đều hiểu được lí do vì sao nó lại lấy đi nước mắt nhiều người như vậy. Tình thương yêu gia đình vô bờ bến, sự hối hận, tiếc nuối những sai lầm trong quá khứ, niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng, tất cả như hiện rõ mồn một trước mắt chúng ta. Mỗi gia đình mỗi cảnh, mỗi con người sinh ra đều có một cuộc sống khác nhau, tuy nhiên, tình thương và hi vọng từ gia đình dành cho mình lại là điều mà ai cũng có. Chỉ mong những ai đã đọc qua bài văn này, sẽ nhìn lại và dành chút suy nghĩ về bản thân và gia đình, để từ đó phấn đấu hơn, làm động lực để vượt qua cuộc sống ngày càng chông gai phía trước.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất