Rối bời với giấy khen cuối năm

Afamily - 08/06/2015, 09:37

Học sinh tiểu học có quá nhiều giấy khen với đủ các kiểu khen đã khiến cho công tác khuyến học tại nhiều cơ quan, địa phương gặp khó khăn trong việc xác định học sinh được nhận thưởng hoặc học bổng khuyến học.

Cứ có giấy là khen

Là địa phương có truyền thống hiếu học, hàng năm, cứ đến thời điểm kết thúc năm học là cán bộ hội khuyến học thôn Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương) lại tất bật rà soát những học sinh được đạt thành tích tốt trong năm học, chờ đợi kết quả thi ĐH của học sinh lớp 12 để tổ chức khen thưởng cho các em vào đầu tháng 9, trước năm học mới.

Roi boi voi giay khen cuoi nam

Một kiểu giấy khen ghi chung chung học sinh  tham gia các hoạt động giáo dục !

Ông Vũ Quốc Ái – Chi hội phó Chi hội Khuyến học thôn Mộ Trạch cho biết: “Hội đã phân cấp trong việc xét khen thưởng cho học sinh: Những em đỗ ĐH, đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được nhận phần thưởng khuyến học của xã, còn học sinh giỏi cấp trường thì tùy các chi hội xóm, thôn tổ chức khen thưởng động viên các em”.

Cũng theo ông Ái, mọi năm đối với học sinh tiểu học cứ có giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến kể cả là giấy khen giỏi viết chữ đẹp, giải toán qua máy tính… thì được xét nhưng năm nay có nhiều em đạt giấy khen quá, mỗi giấy khen lại khen một kiểu nên cán bộ khuyến học cũng chưa biết phải làm thế nào, quỹ khen thưởng các thôn thì có hạn, chủ yếu dựa vào đóng góp của các nhà hảo tâm.

Về phía phụ huynh, việc đưa giấy nào đi để lĩnh quà khuyến học, lĩnh phần thưởng cũng… lúng túng. Chị Vũ Thu Hà ở Văn Quán (Hà Đông) có 2 con nhỏ đang học lớp 1, lớp 5 cho biết: Cậu con trai lớp 5 vừa xách về 2 giấy, một giấy chứng nhận hoàn thành tốt chương trình tiểu học, một giấy khen về “có năng khiếu Mỹ thuật” khi con chị tham gia một cuộc thi tranh xé dán cấp quận. Còn cô con gái lớp 1 cũng có 2 giấy: Một giấy xác nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2014-2015 và một giấy khen về viết chữ đẹp. “Bình thường mọi năm chỉ cần đưa giấy khen học sinh Giỏi hay Khá tới cơ quan để nhận phần thưởng cho các cháu. Năm nay tôi chưa biết mang giấy nào tới, hỏi cán bộ công đoàn của cơ quan thì được trả lời ậm ừ là: Giấy nào cũng được”

Nhiều cung bậc… khen thưởng

Thông tư 30 của Bộ GDĐT, trong đó có điểm nhấn nổi bật là bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học được đánh giá là tiến bộ khi tiếp cận đánh giá học sinh trên năng lực từng mặt. Tuy nhiên, công tác khuyến học dường như chưa theo kịp tư duy này nên trong mùa khen thưởng hè năm nay có 2 xu hướng: Khen hết cho… chắc và khen có lựa chọn.

Chị Hoàng Thị Liên – cán bộ Công đoàn của Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và thương mại DS Việt Nam cho biết: “Mọi năm chỉ cháu nào đạt học sinh giỏi mới được thưởng, mỗi năm học công ty khen thưởng khoảng 30 cháu trong đó có quá nửa là học sinh tiểu học. Năm nay, nhiều cháu có giấy khen quá, cháu nào cũng thấy không khen giỏi cái này thì giỏi cái kia. Tôi đã đề xuất lên lãnh đạo công ty duyệt khen động viên cho tất cả các cháu có giấy khen, số lượng tăng lên khoảng 50 cháu nhưng phần thưởng sẽ giảm đi một chút. Ví dụ những năm trước mỗi cháu đạt giỏi cấp quận, thành phố được thưởng 500.000 đồng, thì năm nay thưởng cào bằng là 200.000 đồng/ cháu. Quan trọng là cháu nào cũng vui” - chị Liên nói.

Trong khi đó, Hội Khuyến học phường Phương Liên (Hà Nội) có “sáng kiến” quy đổi: Cứ cháu nào giấy khen có ghi “xuất sắc”, “tốt” (được cán bộ khuyến học hiểu là tương đương với Giỏi, Khá) thì được vào danh sách nhận thưởng còn các giấy khen “đạt, hoàn thành” thì không thưởng.

Ở các thôn xã có phong trào khuyến học phát triển, trẻ em nghèo thường được hỗ trợ học bổng. Học bổng khuyến học giá trị tuy không lớn nhưng cũng đã khích lệ tinh thần và phong trào học tập của rất nhiều địa phương, thôn, xã và các dòng họ. Chính vì vậy, việc chọn học sinh để khen thưởng không thể… chung chung như các cơ quan nhà nước.

Anh Nguyễn Hữu Quang – cán bộ khuyến học tại Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết: “Mỗi hội khuyến học, dòng họ khuyến học ở một địa phương đều có những nguyên tắc hoạt động, cơ chế khen thưởng rất rõ ràng. Chính vì vậy, thay đổi của Bộ GDĐT trong việc khen thưởng học sinh tiểu học khiến nhiều địa phương không kịp điều chỉnh. Chúng tôi cũng hiểu múa, hát, vẽ giỏi, được khen cũng là tốt nhưng rất khó cho chúng tôi khi xét học bổng vì xét nhiều quá thì ảnh hưởng đến nguồn thu – chi của quỹ khuyến học”.

Đã khen thưởng thì không thể cào bằng

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, ở cấp học nào cũng đều có những em giỏi, em khá, trung bình và yếu, quá trình học sẽ phân loại được các em này: “Đối với Thông tư 30 - Bộ GDĐT mới tính đến việc giảm áp lực học tập  mà chưa nghĩ tới giải pháp khen thưởng, trong đó có khen thưởng của các cấp khuyến học. Việc khen thưởng bằng giấy khen của các trường, hay khen thưởng bằng hiện vật của Hội Khuyến học là để động viên trẻ có nỗ lực học tập chứ không thể cào bằng một mức được” – ông Nhĩ nói.

Cũng theo ông Nhĩ, việc thay đổi khen học sinh tiểu học mới chỉ bị rối ở các chi hội khuyến học phường, xã do được phân cấp quản lý khen thưởng đối tượng giỏi cấp trường. Học sinh tiểu học hiện nay không còn thi học sinh giỏi cấp quận, huyện nữa. Tuy vậy, Hội sẽ có những đề xuất, kiến nghị với Bộ GDĐT để có biện pháp đồng bộ trong công tác khuyến học của các chi hội địa phương.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất