Ranh giới mong manh: Cố vượt đèn vàng bị phạt đến 2 triệu đồng
Từ 1/8, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe hơi vượt đèn vàng chịu mức phạt từ 1,2 - 2 triệu đồng. Đối với người đi môtô, xe máy vượt đèn vàng phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Quy định này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Nhiều người lúng túng khi vượt đèn vàng bị xử phạt
Theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ, từ 1/8 tới đây ô tô khi tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức tiền từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Theo nghị định 171 đang có hiệu lực, lỗi này bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng.
Từ 1/8 tới đây các xe vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt hành chính.
Mức phạt về lỗi này đối với ô tô có thể lên đến 2 triệu và xe máy phạt từ 300 nghìn đồng.
Còn đối với người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng. Người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt ở mức phạt 60.000 - 80.000 đồng. Riêng người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng số tiền phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng.
Liên quan đến việc xử phạt đèn vàng đã có rất nhiều người tỏ ra thắc mắc, tranh cãi trên một số diễn đàn mạng. Bên cạnh những người dân đồng tình với quyết định trên vì cho rằng sẽ đảm bảo tình hình trật tự giao thông cũng như tránh tình trạng có đèn vàng báo hiệu vẫn cố tình vượt thì nhiều người cũng bày tỏ những thắc mắc trái chiều.
Việc quy định xử phạt đèn vàng khiến không ít người tham gia giao thông lúng túng và tranh cãi.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Lê Văn Tuấn (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, Nghị định 46/2016 quy định như thế này thì gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Dẫu biết đèn vàng là đèn báo thay đổi trạng thái từ đèn xanh sang đèn đỏ, nhưng người dân rất khó chứng minh mình không vượt đèn vàng, hoặc khi đi qua vạch đèn mới chuyển vàng vì thông thường đèn vàng chỉ vài giây.
"Nếu người lái xe ở tốc độ 40km/h, khi đến cách trụ đèn khoảng 5m mà thấy đèn vàng bật sáng, thì không cách nào dừng xe trước vạch dừng được. Nếu đi tiếp lại bị lỗi vượt đèn vàng, nếu dừng gấp thì khả năng bị tông từ phía sau hoặc bị phạt lỗi dừng quá vạch", anh Tuấn cho hay.
Nhiều khu vực đèn tín hiệu không hiển thị số giây, nhiều người cho rằng "dễ bị phạt oan".
Cùng quan điểm với anh Tuấn, anh Lê Hùng (37 tuổi, ở quận Hoàng Mai) cho rằng, quy định kiểu này, nhiều tài xế xe hơi lẫn xe máy dễ bị phạt oan. "Trên thực tế, nhiều trụ đèn giao thông không có hiển thị số, làm sao biết khi nào đèn chuyển tín hiệu từ xanh sang vàng. Đặc biệt, nhiều phương tiện đi phía trước có kích thước lớn che khuất tầm quan sát của người đi sau khiến người đi sau khó quan sát hay bị lấn vạch nếu chuyển sang đèn vàng", anh Hùng tỏ ra thắc mắc.
Anh Hùng cho rằng phương tiện vượt đèn vàng chỉ nên xử phạt ở mức 50% so với phương tiện vượt đèn đỏ và mức phạt áp dụng như vượt đèn đỏ là hơi nặng.
Bên cạnh đó, một số người thắc mắc, hiện tại nhiều mố cầu có gắn đèn vàng, ngoài ra tại nhiều ngã ba, ngã tư trên địa bàn TP Hà Nội, khi về khuya tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng ở chế độ nhấp nháy. Nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi liệu trường hợp này tài xế có được điều khiển phương tiện cho đi tiếp hay dừng lại?
"Cứ chấp hành theo đúng đèn thì không bao giờ phải quan tâm đến mức phạt"
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 26/7, trao đổi với chúng tôi, trung tá Huỳnh Tuấn Nam, Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển tín hiệu đèn giao thông cho biết, đối với hệ thống tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, màu xanh được đi, màu đỏ phải dừng lại và màu vàng là cảnh báo các phương tiện phải giảm tốc độ, quan sát.
Trong trường hợp đã chuyển sang đèn vàng người tham gia giao thông chưa qua vạch kẻ thì nên dừng lại.
Theo trung tá Nam, tại Điểm 3 Điều 10 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 ban hành ghi rõ: Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Có thể hiểu, khi đèn tín hiệu chuyển từ xanh sang vàng, nếu người tham gia giao thông đã điều khiển phương tiện đi qua vạch sơn thì có quyền đi tiếp, còn nếu chưa đi qua vạch sơn thì buộc phải dừng lại. Trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
"Việc xử phạt lực lượng CSGT phải căn cứ vào thực tế và vi phạm có thật, đến khi lập biên bản người vi phạm xác nhận vào đó để đảm bảo tính xử phạt là chính xác, khách quan. Phải xác định được người vi phạm vượt đèn vàng là cố tình hay vô tình vi phạm", trung tá Nam nói.
Như trường hợp đã đi quá vạch chuyển sang đèn vàng thì các phương tiện được đi tiếp.
Có nhiều người cho rằng nên phạt 50% thay vì phạt 100% như lỗi vượt đèn đỏ, trung tá Nam cho rằng, luật đã quy định thì mọi người tham gia giao thông nên tôn trọng quy định của pháp luật, Nghị định cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ký.
"Đèn vàng và đèn đỏ từ trước đến nay vẫn như thế có điều bây giờ thay đổi mức phạt như từ 1/8, ô tô khi tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức tiền từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Theo Nghị định 171 đang có hiệu lực, lỗi này bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng. Thực ra về mặt nguyên tắc luật đã có quy định rất rõ, đồng bộ. Đèn như thế nào thì được đi mà đã là người tham gia giao thông, có học qua bằng lái và đã học luật thì phải biết chấp hành luật khi có đèn báo, cứ chấp hành theo đúng đèn thì không bao giờ phải quan tâm đến mức phạt", trung tá Nam nêu rõ.
Trung tá Nam cho rằng chấp hành đúng luật thì không bao giờ bị xử phạt. Ảnh bắt phương tiện vi phạm trên đường Xã Đàn.
Trung tá Nam cũng cho hay, nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, khi về khuya lưu lượng người tham gia giao thông vắng vẻ, hệ thống đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển sang màu vàng ở chế độ nhấp nháy. Đối với các khu vực có nhiều phương tiện lưu thông như đường vành đai, thì vẫn để chế độ đèn 3 màu.
Tại một số tuyến đường như cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ hoặc tại các mố cầu có lắp hệ thống tín hiệu đèn giao thông màu vàng nhằm cảnh báo cho người tham gia giao thông về khả năng có người phương tiện cắt ngang hoặc cảnh báo có chướng ngại vật chia làn đường.
Video được xem nhiều nhất