Quỹ học bổng và tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ

Zing - 27/07/2015, 08:19

Bánh xe vận mệnh của nhiều người bắt đầu dịch chuyển từ khi cha của Tổng thống Mỹ Obama nhận học bổng du học từ chương trình đào tạo nhân tài cho Chính phủ Kenya.

Trong thời kỳ cuối của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chính trị gia Tom Mboya, cựu sinh viên Đại học Ruskin (Oxford, Anh), muốn xây dựng đội ngũ thành viên mới cho chính phủ Kenya non trẻ.

Ông nhận ra nước nhà thiếu các nhà lãnh đạo đủ năng lực. Để giải quyết vấn đề, Tom Mboya lập quỹ học bổng, cử những thanh niên ưu tú sang Mỹ và Canada học tập. 

Ông muốn họ học hỏi những kỹ năng cần thiết và trở lại xây dựng đất nước sau khi các nhà cầm quyền người Anh trao trả độc lập cho Kenya.

Barack Obama Sr. từng nhận học bổng sang Mỹ du học. Ảnh: BBC

Barack Obama Sr. từ làng Kogelo gần thành phố Kisumu là một trong những người được chọn. Cha của Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng là sinh viên gốc Phi đầu tiên tại Đại học Hawaii.

Sau đó, ông kết hôn với Ann Dunham, sinh ra Barack Hussein Obama II, Tổng thống thứ 44 của Mỹ và là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Phóng viên BBC đã đến Kogelo, gặp người thân bên nội của Tổng thống Obama để tìm hiểu ý nghĩa của suất học bổng đối với gia đình họ tại thời điểm đó.

Marsat Onyango Obama, em gái của ông Obama Sr. cho biết, bà chào đời sau khi anh trai sang Mỹ. Bà biết gia đình rất tự hào về ông.

"Bố mẹ tôi từng bảo anh ấy mang theo niềm tin và hy vọng của họ", bà nói.

Món quà cho giới trẻ châu Phi

Năm 1969, Tom Mboya bị ám sát khi mới 38 tuổi, sau khi đã chứng minh trí tuệ cùng tầm nhìn sáng suốt của mình. Ông là người Kenya đầu tiên xuất hiện trên bìa tạp chí Time.

Tiến sĩ Hóa học Susan Mboya, con gái của Tom Mboya, hiện là Giám đốc Điều hành chi nhánh của Coca-Cola tại châu Phi. Bà đang điều hành chương trình học bổng Zawadi (nghĩa là món quà), giúp các phụ nữ châu Phi du học.

Tổng thống Obama gặp bà Wangari Mathaai, người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải No

Tổng thống Obama gặp bà Wangari Mathaai, người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình, trước khi ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Bà Wangari Mathaai cũng du học cùng chương trình với ông Obama Sr. Ảnh: BBC

Khi được hỏi về suy nghĩ của bà trước sáng kiến của cha, Susan Mboya trả lời: "Cha tôi có thể không biết việc ông giúp một người du học lại thay đổi cuộc sống của nhiều người đến vậy. Barack Obama đạt thành tựu lớn, thật tuyệt khi ông trở thành tổng thống Mỹ. Nhưng tôi nghĩ điều tuyệt vời nhất là ông ấy đã truyền cảm hứng cho giới trẻ toàn thế giới. Với tôi, đây cũng là thành công lớn nhất của quỹ học bổng".

Susan Mboya tiếp bước cha, điều hành chương trình cấp học bổng du học cho sinh viên châu Phi. Bà muốn hoàn thành ý tưởng của cha, góp phần xây dựng đất nước.

Những người khát kiến thức

Philip Ochieng là một du học sinh khác du học theo sáng kiến của Tom Mboya. Ông theo học ngành Văn học tại Đại học Roosevelt ở Chicago, Mỹ. 

Ochieng cho biết, Obama Sr. là người thông minh. Hai người thường uống rượu cùng nhau. Ông nhận xét: "Mỹ đã làm dịu cơn khát kiến thức của chúng tôi".

Chương trình của Tom Mboya cấp học bổng cho khoảng 800 sinh viên ở Kenya và các nước Đông Phi. 

Ông Obama Sr. đến thăm con trai ở Hawaii. Ảnh: BBC.

Nhạc sĩ Harry Belafonte, một trong những người đóng góp tích cực cho quỹ học bổng, từng viết về Obama Sr.: "Tưởng tượng xem, nếu không nhận được học bổng du học, ông ấy đã không đến Mỹ. Và hiện tại, ai là chủ nhân của Nhà Trắng?".

Năm 1968, Barack Obama Sr. tốt nghiệp chương trình Cao học tại Đại học Harvard và về Kenya, trở thành chuyên viên kinh tế của chính phủ. Năm 1982, ông qua đời trong một tai nạn ô tô.

Trước đó, Obama Sr. từng đến Hawaii, tặng con trai quả bóng rổ đầu tiên trong đời. Tổng thống thứ 44 của Mỹ cũng đi cùng cha trong lần đầu ông xem biểu diễn nhạc jazz.

Người cha gốc Phi và dòng máu đa chủng tộc ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông chủ Nhà Trắng. Bánh xe vận mệnh của nhiều người bắt đầu dịch chuyển từ quyết định du học của Obama Sr. và suất học bổng mà ông nhận được.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất