Phụ nữ càng đảm đang càng khổ, càng chiều chồng càng làm chồng hư

2 sao - 06/10/2016, 15:12

Bài viết hẳn sẽ khiến nhiều ông chồng phải tức giận lắm.

Phụ nữ càng đảm đang càng khổ, càng chiều chồng càng làm chồng hư

Cách đây ít giờ đồng hồ, một bài viết trên chuyên trang dành cho các bậc cha mẹ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, tranh luận của dân mạng, đặc biệt là phụ nữ.

Chẳng là trong bài viết, tác giả đã khẳng định quan điểm gây tranh cãi của mình: Phụ nữ càng đảm đang càng khổ, càng chiều chồng càng làm chồng hư và không quên đưa ra lời khuyên.

Hãy là một người phụ nữ thông minh biết san sẻ việc cho các thành viên trong gia đình, thay vì cố tỏ ra đảm đang, ôm tất cả mọi việc vào mình.

Nội dung bài viết của thành viên Bachduong09:

Đa phần người đọc đều tỏ ra đồng tình, gật gù trước quan điểm của tác giả đưa ra, nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng

Cái câu "vợ đảm con ngoan" dường như ám vào đàn ông Việt Nam khi mà đi chọn vợ ông nào cũng chăm chăm chọn vợ đảm đang.

 Mà cái sự đảm ấy thì nhiều lắm: phải giỏi kiếm tiền, giỏi nấu nướng, gọn gàng, ngăn nắp, biết chăm con, biết chăm sóc gia đình chồng, biết nhường nhịn chồng… Ôi, nói chung cái danh sách đó nó ngày càng dài vì nhu cầu của các ông chồng là bất tận.

Còn phụ nữ khi đã khoác lên cái tiếng đảm đang thì coi như đeo gông vào cổ khi cắm mặt mà phục vụ chồng con từ sáng đến tối không lúc nào ngơi tay.

Thế mà vẫn không thể làm hài lòng chồng cũng như nhà chồng. Thói đời, bạn càng giỏi thì yêu cầu của người ta đặt ra với bạn càng cao.

Như trường hợp mẹ tôi với bác tôi vậy. Mẹ tôi vụng về có tiếng trong khi bác tôi thuộc tuýp phụ nữ đảm đang 3 tốt. Thế nên, ba tôi bảo mẹ mày ngày xưa có biết làm gì đâu, sau này toàn là ba bày mẹ nấu nướng đó chứ.

Thế rồi mẹ cũng biết làm, chẳng giỏi giang như bác nhưng chẳng ai đòi hỏi mẹ cả, thấy vậy là tốt rồi. Còn bác thì được tiếng đảm đang nhất làng mà khổ sở khi phải chăm một ông chồng làm biếng cùng một nhà chồng gia trưởng.

Trong khi ba tôi chiều mẹ tôi hết cỡ, khi nào cũng sợ mẹ vất vả. Còn bác thì bị hành lên bờ xuống ruộng. Đến nỗi, khi bác trai tôi mất mà cả họ nhà tôi thở phào: "Thế cho khỏe cái thứ toàn làm khổ vợ con".

"Cô bạn mình may mắn học giỏi, nhiều tài, kiếm tiền dễ và nhiều bạn bè, thời con gái như thế thì còn gì mong hơn nữa? Thế mà chẳng mấy khi thấy cô thật vui, lại hay thấy cô buồn phiền chuyện nhà.

Chẳng là, cô tự lập từ năm đầu đại học trong khi cậu em trai cái chi cũng ngửa tay xin tiền ba mẹ. Cô tự kiếm việc còn bố mẹ thì chạy chọt lo cho em trai đủ đường. Cô tự mua xe máy còn cậu em trai chỉ biết ngồi một chỗ xin chị cho em cái xe máy.

Chị không cho, thì cậu em nói: Bà kiếm tiền giỏi thế mà ki bo kẹt xỉ, bà nghĩ tiền của bà to lắm à? Sao bà ích kỷ thế?

Cô bạn than thở, tại sao chỉ vì tôi giỏi hơn hoặc tôi nỗ lực hơn, tôi mặc nhiên phải có trách nhiệm với những người lười biếng và ăn sẵn?

Tôi có tốt bao nhiêu cũng chẳng đủ với mọi người xung quanh! "Giá như tớ trở nên kém cỏi, thì có khi, gánh nặng bớt đi hẳn nhiều phần?"


Sau này cô bạn lấy chồng, quả nhiên đến lượt những gánh nặng gia đình nhà chồng đều đặt lên vai cô, chứ không phải chia đều lên vai những người khác, chỉ vì cô bạn tôi tháo vát hơn, xoay xở giỏi hơn, làm gì cũng nỗ lực hơn.

Mình có người bạn nữa, chỉ vì nấu ăn ngon, thành ra cứ khi nào tụ tập lễ tết hay gặp gỡ, bạn một mình lo toàn bộ khâu nấu nướng ăn uống, những người khác chỉ ngồi khểnh bấm chọn kênh tivi hoặc ngồi chí chóe tán phét.

Thỉnh thoảng có mình tham gia, mình xuống bếp giúp một tay, thấy bạn vừa kêu đau đầu quá, vừa xắn quần chặt gà, vừa trông chừng hai cái bếp đang sôi hết cỡ.

Nếu bạn không đảm đương hết, hay nấu 1 món nào đó ít ngon, mọi người bắt đầu chê, hoặc trêu, hoặc nhắc nhở.", câu chuyện từng được Trang Hạ chia sẻ trên trang cá nhân.
 

Phụ nữ càng đảm đang càng khổ, càng chiều chồng càng làm chồng hư - Ảnh 1.

Nàng dâu hốt hoảng vì mâm cơm ngày đầu ra mắt.

Một mẹ cũng rất bất xúc vì mình đã cố gắng hết sức chu toàn với chồng và nhà chồng, thế nhưng đổi lại chỉ là những khổ sở vì chồng ngày càng làm biếng, ỷ lại; nhà chồng cũng đằng chân, lân đằng đầu:

"Thói đời, chồng càng được yêu chiều bao nhiêu thì càng hư hỏng và chơi bời, sở khanh bấy nhiêu. Nắm thóp con dâu yêu con trai mình, sợ gia đình chồng nên bố mẹ chồng càng được thể cành cao cành thấp, lấn tới.

Chưa kể nếu thấy con trai mình thương vợ thì lại lườm ra nguýt vào, sợ nó lấy hết tình cảm con trai mình, tìm mọi cách nói xấu con dâu theo kiểu "không ưa thì dưa cũng có dòi".

Đôi khi con dâu biết rất rõ những điều đó, nhắm mắt cho qua cho êm cửa êm nhà, yên phận, gắng làm tốt hơn mọi thứ mong vừa lòng cha mẹ chồng, thậm trí bố mẹ chồng muốn gì cũng được, thích gì cũng chiều.

Nhưng đời lại không như là mơ, nhiều cô con dâu muốn trong nhà là dâu ngoan hiền, ngoài xã hội thì thành đạt để được gia đình chồng yêu thương cũng không được, càng ngoan càng bị hành cho chết, đến độ mọi công to việc lớn cho đến cái kim, sợi chỉ trong nhà cô ta cũng phải gánh hết, lo hết.

Xây sửa nhà cửa là việc của đàn ông, nhưng thương chồng, muốn chồng chú tâm vào phát triển công việc sự nghiệp, vợ đứng ra lo hết.

Nên từ chuyện bếp núc, con cái, nhà cửa, đối nội, đối ngoại con dâu cũng chỉn chu, công việc xã hội cũng cố gắng hoàn thành.

Nhưng rốt cuộc cuối cùng cũng chỉ là dã tràng xe cát biển đông, thấy con dâu làm tốt mọi thứ thì cho là nó thích thể hiện với mình, càng ghét, càng hành.

Nên mới xảy ra cơ sự tức nước vỡ bờ, con dâu vừa mở miệng nói lý thì cho là cãi, bèn kích động con trai đánh và chửi bới con dâu để dằn mặt.

Thậm chí xúi giục con trai làm bậy để uy hiếp tinh thần con dâu và nhà ngoại. Chưa kể mượn gió bẻ măng ra ngoài rêu rao nói xấu con đủ kiểu, từ đầu làng cuối xóm để mọi người hiểu sai con dâu."

Thế đấy, nên nhà văn Trang Hạ cũng đặt câu hỏi: "Làm người tốt mãi có mệt lắm không? Làm người giỏi mãi có mệt lắm không?

Hay tốt và giỏi chỉ mang lại phiền phức, đảm đang chỉ mang lại gánh nặng, tháo vát mang lại quanh mình những người phụ thuộc và lười biếng, nổi bật sẽ mang lại những chỉ trích, một người đẹp chỉ thiếu ngủ một bữa đã bị mắng là xuống sắc, một đầu bếp chỉ một món ăn không ngon nấu trong cơn ốm, đã bị người khác dìm hàng?

Làm trăm việc tốt nhưng chỉ một việc đãng trí sơ sẩy sẽ thành bia miệng để đời?

Người càng bao dung dễ tính, càng dễ bị trêu chọc, thậm chí bị đùa ác.

Người càng không để bụng, càng dễ bị người khác khinh lờn, có làm gì quá đáng cũng chẳng cần xin lỗi một tiếng, vì đằng nào bạn cũng sẽ bỏ qua và thứ tha?

Người càng giỏi, càng hay bị nhờ vả, nhờ làm hộ cái này cái kia.

Người càng xuất sắc, càng có nguy cơ bị chỉ trích từ những kẻ chưa từng gặp bạn lấy một lần.

Người càng chu đáo, càng hay bị giao thêm việc?"

 

Phụ nữ càng đảm đang càng khổ, càng chiều chồng càng làm chồng hư - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Thế cho nên, tôi nghĩ rằng, phụ nữ muốn sướng thì đừng quá đảm đang. Nếu bạn có thể làm được 10 phần thì chỉ nên làm 8 phần, để lại 2 phần cho chồng con họ làm.

Tôi có cô bạn, chăm lo cho chồng con từ miếng ăn giấc ngủ, chẳng cho chồng con mó vào chuyện gì. Vì vậy, đứa con đã gần 15 tuổi mà đến cắm nồi cơm cũng không biết.

Cô nàng chán nản vô cùng chép miệng: "Tao bệnh cũng phải ráng xuống bắc nồi cơm chứ chồng con chả nhờ vả được gì. Nhờ đi mua đồ ăn ngoài mà ai cũng mặt nặng mày nhẹ như đó là lỗi của tao vậy. Nghĩ mà tủi thân".

Còn tôi thì lại nghĩ, lỗi phần lớn là do cô ấy thôi. Cứ ôm hết việc vào người thì chả khác nào dung dưỡng cho thói ỷ lại, thói lười biếng của chồng con. Mà khi hai thói xấu ấy lên ngôi thì sự vô tâm sẽ đến.

Nếu nàng không tiếp tục làm thì cha con nó sẽ thấy khó chịu, còn làm thì họ xem đó là sự đương nhiên, chứ chẳng biết ơn gì đâu.

Cái gì bạn cho quá dễ dàng thì thường không có giá trị. Vì vậy, hãy thôi làm người vợ đảm đang mà hãy làm một người vợ thông minh, biết cách chia sẻ công việc nhà cho mọi thành viên trong gia đình. Có lao động mọi người mới quý trọng những đóng góp của bạn.
Theo Thế giới trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất