Phụ huynh, thí sinh vật vã trong cuộc chạy đua rút - nộp hồ sơ trước ngày áp chót

Kênh 14 - 18/08/2015, 21:06

Chỉ còn 2 ngày nữa, hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng nguyện vọng 1 sẽ chính thức chấm dứt. Cho đến lúc này, hàng nghìn thí sinh, phụ huynh vẫn đang vật vã trong "cơn sốt" chạy đua rút - nộp hồ sơ với hy vọng có thể chắc chắn đỗ vào một ngôi trường tương xứng với kết quả thi ...

Theo ý kiến của nhiều người, chưa năm nào, kỳ thi Đại học, Cao đẳng lại tồn tại nhiều rắc rối như năm nay. Sau một thời gian nộp hồ sơ vào các trường "top đầu", đến hôm nay (ngày 18/8), hàng loạt thí sinh và người nhà đã "rủ nhau" tiến hành một cuộc “tháo chạy” kinh hoàng nhằm thoát khỏi danh sách đăng ký xét tuyển khi xác định mình đã không còn nằm trong ngưỡng an toàn.
 

Trắng đêm, quên ăn vượt 300 km đưa con đi rút hồ sơ

 
Thức dậy từ lúc 2h sáng để chuẩn bị đưa con từ Thanh Hóa ra Hà Nội rút hồ sơ, chị Lê Thị Hường (Đông Sơn - Thanh Hóa) không giấu nổi vẻ mệt mỏi khi suốt từ sáng tới trưa, người phụ nữ này lang thang khắp các gốc cây, ghế đá, hàng nước quanh cổng trường để chờ đợi con gái nộp hồ sơ ứng tuyển. 
 
"Đây là lần thứ 2 tôi đưa con đi rút - nộp hồ sơ ứng tuyển Đại học. Sáng nay, vì lo lắng đông thí sinh cùng đi rút hồ sơ nên hai mẹ con tôi dậy từ rất sớm, 4h sáng đã có mặt trên chuyến xe khách đầu tiên từ Thanh Hóa ra Hà Nội", chị Hường tâm sự.
 
Theo lời chị Hường, con gái chị thi được tổng điểm 23,75 khối A và từng nộp hồ sơ vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân. So với năm trước, đây là số điểm khá an toàn. Tuy nhiên năm nay, cuộc đua dự tuyển vào ngôi trường này trở nên vô cùng khốc liệt khi có những thí sinh thi được tổng điểm 23, 24 vẫn đứng trước nguy cơ bị đánh trượt.
 
DSCN8487-e31c6
 
DSCN8489-e31c6
Thí sinh và người nhà "tay xách nách mang" hành lý lên Hà Nội từ sáng sớm, chầu chực để rút - nộp hồ sơ.
 
"Trên bảng xếp hạng điểm thi, con tôi đứng thứ 51.000/hơn 1 triệu thí sinh", chị Hường tự hào khoe. Tuy nhiên, đến ngày hôm qua, sau khi xem xét bảng thống kê điểm chuẩn tạm thời của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chị Hường bàng hoàng khi thấy tên của con gái mình đã tụt lại rất xa trong bảng xếp hạng xét tuyển. 
 
"Tôi rất lo lắng nên lên đường từ sáng sớm, đến giờ cũng trưa rồi mà hai mẹ con tôi cũng chẳng thiết gì ăn uống. Nắng nóng lại thêm cảm giác bất an, thấp thỏm chờ đợi khiến tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu", chị Hường than thở.
 
DSCN8474-e31c6
 
20150818_092316-e31c6

Sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt các bậc phụ huynh và thí sinh.

 
20150818_095951-e31c6
Họ cùng con xếp hàng đến quên cả ăn, nghỉ vì lo rằng, nếu rời bỏ vị trí sẽ bị người khác "thế chỗ". Ảnh: Thu Hường

 

Cùng chung tình cảnh với chị Hường, anh Trần Đình Tiến (Hà Tĩnh) cho biết, cả đêm qua, hai bố con anh gần như không chợp mắt được chút nào vì lo lắng cho việc rút - nộp hồ sơ trước ngày áp chót của đợt xét tuyển nguyện vọng 1. 
 
"Con tôi thi được tổng điểm 24,25 điểm khối A. Hôm trước cháu ứng tuyển vào Học viện Ngân hàng nhưng cảm thấy rất bất an vì theo công bố trên mạng, điểm dự thi vào đó đang khá cao. Cả đêm qua, hai bố con tôi chẳng thể nào ngủ được mà chỉ ôm lấy cái máy tính, lên mạng xem xét điểm của các trường và cân nhắc nộp hồ sơ đi đâu để chắc chắn đỗ sau khi rút khỏi Học viện Ngân hàng", anh Tiến lo lắng nói.
 
Anh Tiến kể, chiều qua, anh cùng con trai đi xe khách, lặn lội vượt hơn 300 km đường dài ra đến Hà Nội thuê trọ để sáng sớm có mặt tại trường Học viện Ngân hàng rút hồ sơ và tiếp tục ứng tuyển vào ĐH Thương mại. Tuy nhiên, do phòng trọ quá ngột ngạt cộng thêm việc thỉnh thoảng lại bị mất điện bất chợt nên đến sáng nay, cả hai bố con đều cảm thấy như bị vắt kiệt sức. 
 
Đứng ngồi không yên, ám ảnh nỗi lo bị mất lượt
 
Thức dậy từ tinh mơ đưa con từ Thái Bình lên Hà Nội rút hồ sơ, anh Đào Văn Mạnh vẫn tỏ ra vô cùng chán nản vì con gái vẫn chưa nộp xong hồ sơ ứng tuyển vào trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. 
 
"Nhà tôi ở quê, không có mạng internet nên suốt mấy ngày qua, cháu cứ cắm mặt ngoài quán net để xem bảng cập nhật điểm chuẩn tạm thời của các trường. Hai vợ chồng tôi không biết gì về máy tính, nghe cháu nói lại mọi việc càng thấy không yên tâm nên phải đến tận nơi. Tiền xe khách, xe ôm, điện thoại rồi thuê phòng, ăn uống từ sáng qua đến hôm nay tốn kém vô cùng", anh Mạnh than thở.
 
Theo lời anh Mạnh, trước đó, con trai anh thi được tổng 17 điểm khối A và nộp hồ sơ vào trường ĐH Thủy lợi. Tuy nhiên, sau một thời gian chờ đợi, đến ngày hôm qua (17/8), anh và con đều nhận thấy, số điểm này rất khó trụ vững ở đây nên đã tất tả ngược xuôi từ quê lên thành phố, chầu chực xếp hàng rút hồ sơ và nộp lại vào trường ĐH Công nghiệp. 
 
"Trường này lại quá đông thí sinh đến nộp. Tôi và con đứng đợi từ sáng tới trưa mà vẫn chưa thấy được gọi tên. Hai bố con không dám đi ăn, thậm chí là phải nhịn cả đi vệ sinh vì chỉ lo nếu bị mất lượt thì không biết bao giờ mới lại được gọi đến tên", anh Mạnh nói thêm.
 
DSCN8486-e31c6
 
20150818_100055-e31c6

Văn phòng tuyển sinh của Đại học Bách Khoa những ngày "nước rút" luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Thu Hường

 
anh-5-0a048
Hàng trăm thí sinh và người nhà vật vã, chen chúc tại phòng tuyển sinh, trường Đại học Bách Khoa. Ảnh: Tài Tiến
 
Không chỉ có mình bố con anh Mạnh mà hàng trăm phụ huynh, thí sinh khác cũng lo lắng như ngồi trên đống lửa. Họ xếp hàng quên ăn, quên nghỉ, lo túc trực ngoài cửa phòng tuyển sinh vì chỉ sợ nếu bận đi đâu một lát sẽ bị mất lượt hoặc mất vị trí xếp hàng và lại phải quay trở về vạch xuất phát. 
 
Quá mệt mỏi sau nhiều lần quay cuồng trong "ma trận" rút - nộp hồ sơ, anh Phan Văn Ích (Hà Nam) tỏ thái độ buông xuôi: "Tôi đã đưa cháu đi rút - nộp hồ sơ tất cả 5 lần, thêm lần này là 6. Nếu cứ tiếp tục kéo dài và quay cuồng trong canh bạc rút nơi này, nộp nơi kia, tôi sợ mình sẽ không đủ kiên nhẫn vì trò chơi này quá mệt mỏi, tốn kém", anh Ích tâm sự.
 
DSCN8488-e31c6
Các sĩ tử lo lắng, liên tục cập nhật thông tin qua những chiếc smartphone.

DSCN8494-e31c6
Thí sinh và người nhà tranh thủ nghỉ trưa ở những gốc cây.

DSCN8473-e31c6
Thí sinh ăn trưa vội vàng bằng những suất bánh mì kẹp.

DSCN8481-e31c6
Rồi lại miệt mài trong guồng quay rút - nộp hồ sơ.

DSCN8482-e31c6
 
DSCN8475-e31c6
Các bậc phụ huynh thì lo lắng, gọi điện thoại liên tục về quê để thông báo tình hình. Ảnh: Thu Hường
 
Trái ngược với suy nghĩ của anh Ích, rất nhiều phụ huynh nói rằng, đời họ khổ có cực thêm một chút cũng không sao, miễn con họ được học hành đàng hoàng. Họ muốn chia sẻ nỗi khổ trước mắt với con, sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền, bỏ sức ra để cùng con đi đến đích cuối cùng với hy vọng sẽ đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi ĐH.
 
"Dẫu còn một ngày, tôi vẫn sẽ đưa con đi rút - nộp hồ sơ, nguyện vọng 1 không được lại chờ tiếp nguyện vọng 2, chỉ mong sao cháu nó có được một kết quả xứng đáng với công sức nó đã bỏ ra, như thế là tôi mừng lắm" - chị Lê Thị Hạnh (quê Sóc Sơn - Hà Nội, đưa con lên ĐH Công nghiệp nộp hồ sơ) tâm sự.
 

Để tạo thuận lợi cho các thí sinh, chiều ngày 17-8, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải thường xuyên cập nhật, công bố lên trang thông tin tuyển sinh của trường ít nhất mỗi ngày/lần, đồng thời công khai mức điểm thấp nhất trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh ở từng thời điểm.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường sẵn sàng với việc giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ mà không chờ đến lúc thí sinh đến trường rút hồ sơ mới thực hiện phân loại. Theo đó, các trường phải sắp xếp riêng số hồ sơ đăng ký xét tuyển có điểm thấp hơn mức điểm thấp nhất trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh theo trật tự nhất định (theo tỉnh của thí sinh nộp hoặc theo ngày nộp hoặc theo số hồ sơ) để việc rút hồ sơ của thí sinh được thuận lợi, nhanh chóng, không để thí sinh phải chờ đợi lâu.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất