Phẫn nộ với thông tin thất thiệt về xưởng sản xuất Coca Cola "bẩn" ở Việt Nam

Kênh 14 - 05/11/2015, 08:28

Những hình ảnh cùng dòng chia sẻ về xưởng sản xuất làm giả Coca Cola rất bẩn thỉu này được chia sẻ trên một trang fanpage đã thu hút tới hơn 22.000 lượt like và hàng nghìn comments, khiến nhiều người vốn là tín đồ của loại đồ uống này hoang mang. Tuy nhiên, thực tế, đây hoàn toàn không phải là ...

Thông tin cảnh báo về xưởng Coca Cola này xuất phát từ một trang fanpage trên mạng xã hội Facebook vào ngày 3/11 vừa qua với nội dung về một xưởng sản xuất Coca Cola giả:  "Share cho anh em bạn bè và gia đình cẩn thận nhé!" và còn khẳng định "Do mình tự giết mình thôi".
 
 
Cùng với thông tin khiến nhiều người hoang mang, admin fanpage này còn đăng tải một loạt những hình ảnh về dây chuyền sản xuất ở xưởng này vô cùng nhếch nhác, mất vệ sinh với những bao bì, thùng chứa thủ công, hoen gỉ. Bên cạnh đó là những hóa chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc". 
 
c2-993ca

Dây chuyền sản xuất được cho là làm từ những ống nước và những chum vại đã cũ kĩ, hôi hám trong một nhà xưởng được làm từ gạch đã hoen ố.

 
c3-993ca
 
c4-993ca

Nguyên liệu đựng trong những chai nhựa và túi nilon không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 
c5-993ca
Những hình ảnh về dây chuyền sản xuất cocacola giả được chia sẻ khiến nhiều người giật mình 
 
Những hình ảnh này sau khi được đăng tải đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của người dùng mạng. Chỉ sau một ngày đăng tải, bài chia sẻ đã nhận được hàng chục nghìn lượt like, share cũng như bình luận. Dù chưa biết thực hư, nhưng những hình ảnh đằng sau quá trình sản xuất của loại đồ uống đến từ thương hiệu giải khát hàng đầu thế giới đã khiến cho hàng nghìn người bình luận tỏ ra giật mình và tỏ ra hoang mang, lo lắng. 
 
Tuy nhiên, chỉ bằng một vài động tác tìm kiếm hình ảnh đơn giản qua Google, chúng tôi đã nhanh chóng tìm ra nguồn gốc của những bức ảnh này. Và nó hoàn toàn không đến từ Việt Nam. Những thông tin cho rằng dây chuyền sản xuất Coca trên ở Việt Nam là không đúng sự thật. Thực tế, những hình ảnh trên được lấy từ một đợt truy quét hàng giả của chính quyền thành phố Gujranwala, Pakistan. Tại đây các nhà chức trách đã phát hiện được một xưởng sản xuất sử dụng hóa chất độc hại để làm giả các loại nước ngọt như Coca cola, Sprite, Mountain Dew rồi đem cung cấp cho các thành phố khác như Sheikhupura, Lahore. 
 
Không rõ vì lí do câu like share hay chưa kiểm chứng kĩ đã vội vàng đưa lên, mà các admin Fanpage này đã tạo ra những thông tin thất thiệt vô cùng tai hại. Hàng nghìn tài khoản Facebook khác thì ngay khi nhìn thấy hình ảnh này đã được tự động "bật" nút like, share và... chửi và không cần biết nguồn gốc hình ảnh như thế nào, việc share đi một thông tin như thế có ảnh hưởng gì không. 
 
Trên thực tế, nếu tinh ý và thận trọng một chút khi xem những hình ảnh này là có thể nhận ra bối cảnh không hề giống ở Việt Nam. Đồng thời, đây cũng phải lần đầu những thông tin thất thiệt kiểu này được tung lên mạng. Một số người dùng mạng tỉnh táo đã nhận ra và kịp thời lên tiếng trấn an và vạch trần sự thật.
 
"Mình đã xem một chương trình thực tế của nhà máy Cola bên nước ngoài rồi nhé. Người ta có dây chuyền làm cola cẩn thận, sạch sẽ, đảm bảo. Công ty người ta sản xuất cả dây chuyền, cả 1 công ty lớn toàn thế giới. Các bạn đừng nhặt những hình ảnh của cơ sở sản xuất giả rồi tung tin đồn thất thiệt", nickname T.H lên tiếng.
 
coca-6b4b4
Nhiều người dùng mạng tinh ý đã nhận ra đây không phải là hình ảnh ở Việt Nam - (Ảnh chụp màn hình).
 
Dưới đây là những hình ảnh khác được báo chí địa phương ghi lại tại đất nước này:
 
c6-993ca

Bên trong xưởng sản xuất sử dụng hóa chất độc hại để làm giả các loại nước ngọt tại Pakistan

 
c7-993ca

Là tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh nghiêm trọng

 
c8-993ca
 
Đã quá nhiều trường hợp cảnh báo về thói quen like, share một cách vô tội vạ, khi sự việc chưa hề được kiểm chứng khiến cho cộng đồng mạng và dư luận xã hội hoang mang. Chưa kể, nếu nghiêm trọng hơn, những thông tin kiểu này còn có thể làm ảnh hưởng đến cả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, trước mỗi nguồn thông tin trôi nổi, người dùng mạng ở Việt Nam cần hết sức tỉnh táo để chứng tỏ mình là người dùng thông minh.  Bởi nhiều khi chỉ cần một thao tác tìm kiếm hình ảnh trên Google rất đơn giản, hoặc chịu khó đọc kĩ các comment để suy đoán là bạn đã có thể phân biệt được thực hư vấn đề. 
 

Hành vi cung cấp thông tin không đúng sự thật trên internet là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Điều 64 khoản 3 điểm a quy định hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000đ – 30.000.000đ (Đối với tổ chức vi phạm) và từ 10.000.000đ – 15.000.000đ (Đối với cá nhân vi phạm).

“Việc cung cấp thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thông tin, khiến cho người tiếp nhận thông tin hoang mang, lo lắng dẫn đến trật tự xã hội không được đảm bảo. Vì vậy để tránh tình trạng này, trước khi đưa thông tin lên mạng internet, mạng xã hội, người đưa thông tin cần tỉnh táo, thận trọng kiểm tra mức độ chính xác của nguồn tin. Nếu thông tin không đảm bảo, nửa vời, nhất quyết không sử dụng thông tin đó để vừa không làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, vừa tránh nguy cơ bị pháp luật xử lý.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất