Phan Nguyễn từng trầm cảm, hai lần suýt chết sau khi bố mất
Quán quân Hot Vteen 2012 xem bố như thần tượng của mình. Năm Phan Nguyễn lên 9 tuổi, bố bất ngờ qua đời khiến anh bị sốc và ám ảnh suốt một thời gian dài.
Tôi sinh ra tại một khu tập thể nghèo nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội. Gia đình tôi có bốn người: bố, mẹ, chị gái và tôi. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng mọi người luôn vui vẻ vì xung quanh nhà có ông bà, cô chú quây quần bên nhau.
Là con út trong nhà, tôi được bố và bà nội cưng chiều. Ngày bé, tôi hay khóc, hay dỗi và nhõng nhẽo để được người lớn yêu thương. Bố tôi làm việc tại một quán ăn phục vụ cho người nước ngoài ở phố cổ, còn mẹ làm công nhân viên chức ở Trung tâm chiếu phim quốc gia.
Tôi tự nhận mình hợp bố hơn mẹ vì từ thời học cấp 1, tôi luôn theo bố đi làm và xem bố như thần tượng của mình. Bố tôi nấu ăn giỏi, đàn hát, nhảy giỏi và... "cưa" gái cũng giỏi. Ngày xưa, mẹ tôi thuộc dạng hot girl "khó đổ", thế mà bố tán được nên tôi rất phục bố.
Hình ảnh hiếm hoi của Phan Nguyễn chụp cùng bố khi còn bé. Sau khi bố qua đời, 9X bị trầm cảm, ít nói và hay khóc. Ảnh: NVCC. |
Một hôm nọ, bố tôi từ phòng tắm đi ra. Không biết vì lý do gì ông đột ngột khó nói, khó thở và được đưa vào viện gấp. Tôi giận lắm vì gọi xe cấp cứu nhưng mãi một tiếng sau mới đến. Ngay trong đêm hôm ấy, bố tôi đã qua đời. Khi ấy, tôi chỉ mới 9 tuổi.
Tôi chính là người trực tiếp phát hiện và chứng kiến toàn bộ sự việc. Nó diễn ra quá nhanh khiến tôi bị sốc và ám ảnh. Sau khi bố qua đời, tôi bị trầm cảm, không nói nhiều và hay khóc. Đến giờ, tôi vẫn hối hận vì ngày bé mình hay đòi hỏi bố mua cho đồ chơi đắt tiền, dù hoàn cảnh gia đình khi đó không mấy khá giả.
Tôi bắt đầu chuyển trường và biết cảm giác bị bắt nạt là như thế nào. Vì được bố bao bọc nhiều nên tôi không biết nên phản kháng ra sao. Khi bị bạn vây đánh, tôi chỉ biết chạy về nhà khóc. Tôi ghen tỵ với bạn bè khi mỗi lần tan trường, các bạn được phụ huynh đưa đón, còn tôi phải tự đi bộ về nhà.
Việc học sa sút, tinh thần không ổn định khiến tôi sợ cảm giác phải đến trường. Tôi xem trường học như địa ngục và tôi là người vô hình trong tập thể đó. Bạn bè học cùng lớp cấp hai suốt 4 năm nhưng vẫn không nhớ tên mình. Nhìn một số bạn nam hot boy trong trường được mọi người quan tâm, săn đón khiến tôi mơ ước mình cũng được như thế.
Lên lớp 9, tôi quyết định thay đổi để không trở nên yếu đuối trong mắt mọi người. Tôi bắt đầu tập chơi bóng rổ và làm quen với các anh trong đội bóng rổ đường phố. Một số anh thấy mình hiền lành nên đã chia sẻ vài kinh nghiệm tự vệ khi bị kẻ xấu bắt nạt.
Từ sau khi bố mất, tôi đã hai lần suýt chết vì ốm nặng. Một hôm đi bơi với bạn, tôi vô tình dính phải virus tay chân miệng. Tôi bị sưng hết cả vùng miệng, chảy máu và không thể ăn uống được. Đợt đó, tôi nhập viện với tình trạng sốt cao ngay trước một ngày giỗ bố. Thật sự lúc đó, tôi không hề muốn vào bệnh viện chút nào nhưng mẹ khuyên phải nghe lời bác sĩ vì sợ bị biến chứng và có nguy cơ tử vong.
Đêm đầu tiên nằm viện là đêm tôi cảm thấy dài nhất trong cuộc đời mình. Tôi bắt mẹ phải về nhà dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ để ngày mai giỗ bố. Tôi cắn răng chịu đau không dám nói cho mẹ biết vì sợ mẹ lo. Mắt bị rỉ nước không nhìn thấy đường nhưng tôi vẫn phải tự cầm cây truyền nước đi đến từng khoa để tự làm xét nghiệm.
Tôi cảm thấy buồn và có lỗi vì chưa năm nào tôi không có mặt ở nhà trong ngày giỗ bố. Tôi chán nản khi nhìn vào gương và thấy mặt mình đang dần biến dạng. Ngày hôm sau, bác từ Sài Gòn mang đồ ăn vào thăm và động viên. Đó là lần hiếm hoi tôi khóc trước mặt người khác vì mình là người đàn ông duy nhất trong gia đình nhưng lại không thể ở nhà để phụ giúp cho mẹ và chị gái.
Ba tuần nằm viện là ba tuần tôi cảm thấy mình như người vô dụng khi ngày nào cũng nằm lì một chỗ truyền nước suốt 8 tiếng. Tôi từng đau đớn và tuyệt vọng đến mức hỏi mẹ rằng: "Bệnh viện có chế độ ký tên để được chết phải không mẹ?". Mẹ vừa giận, vừa thương nói: "Con là động lực sống của mẹ bây giờ nên con phải cố gắng vượt qua".
Mẹ là động lực sống, giúp Phan Nguyễn vượt qua những đau đớn về thể xác và tinh thần khi bị ốm nặng suýt chết. Ảnh: NVCC. |
Ra viện và vừa thoát chết, tôi mới thấy yêu bản thân mình hơn. Tôi nhớ nhất câu nói của mẹ, mà nhờ đó tôi thương mẹ nhiều hơn: "Giá như bác sĩ có thể truyền cái đau của con sang cho mẹ lãnh hộ". Từ đó, tôi biết mình không còn là thằng trẻ con nữa mà đã trở thành chỗ dựa cho hai người phụ nữ ở nhà.
Thời gian gần đây, mẹ bắt đầu hỏi han ý kiến của tôi nhiều hơn trong những quyết định quan trọng của gia đình. Tôi cảm thấy vui vì mẹ tin tưởng và tôn trọng sự lựa chọn của mình. Mẹ khen con trai của mẹ đã trưởng thành, cứng cáp hơn ở tuổi 20. Tôi hay trêu đùa, gọi mẹ bằng biệt danh "phụ huynh" hay "mẹ béo".
Tôi dự định sau khi học xong đại học tại trường Sân khấu Điện ảnh sẽ vào Nam lập nghiệp và tìm kiếm cơ hội đi du học để mở mang thêm kiến thức. Nhưng chắc chắn dù tương lai có thế nào, tôi vẫn sẽ trở về bên cạnh mẹ vì mẹ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.
Video được xem nhiều nhất