Phái nữ có hay, hạnh phúc vốn trong tay mình
Nghe bàn tán “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, phụ nữ sướng khổ là do chồng…” mà cảm thấy ái ngại cho phái nữ khi luôn nhận phần bị động. Bị động ngay từ trong suy nghĩ, khi toàn đổ cho khách quan, cho chồng, cho con mà không thấy rằng, thật ra phụ nữ sướng khổ là do mình.
Có những phận người lỡ làng vì chọn nhầm chồng, nên khó sướng, song đó là do người ấy mắt mờ, chọn dở đấy chứ. Bởi làm gì có chuyện tật xấu của họ, gia cảnh của họ mình lại không biết tí ti gì, hay biết rồi mà vẫn làm ngơ, trong lòng thì nuôi ảo mộng sẽ cải tạo được anh ấy và gia đình anh ấy.
Rồi tiếp theo là các chị kêu khổ với việc nhà, với chuyện chồng lười, mà đúng ra là do các chị phần nhiều. Ban đầu ai cũng muốn thể hiện, thích tỏ ra nguy hiểm, tỏ ra ta đây khéo léo, để dần dà há miệng mắc quai, không dám ho he, vì sợ lộ ra cái tội “làm hàng”.
Đàn ông cũng thế, khi xưa lúc hẹn hò, khả năng là họ cố tỏ ra hoàn hảo ở mức độ tương đối chút chút thôi, chứ không thể nào một trời một vực được. Vậy tâm trí, tai mắt các chị để đâu mà đến nỗi bị “lừa đảo”, qua mặt dễ dàng thế? Do mình thiếu tỉnh táo giờ trách ai?
Sau đó lấy nhau về, các chị vẫn miên man, lâng lâng với cái “vương miện” dâu hiền nặng trịch, cùng trọng trách “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nó chẳng khác gì cái thòng lọng trên cổ, khiến chị lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, vội vội vàng vàng.
Chị nào cũng căng mình ra, đặt mục tiêu sống cố làm vừa lòng tất cả mọi người, muốn người người ca tụng, suýt xoa ta là người đàn bà đảm đang, chăm chồng nuôi con khéo. Nhưng, được tiếng khen ho hen chẳng còn.
Tết, thấy chị nào cũng cứ phải bày ra hàng chục món cầu kỳ, phức tạp, mua đủ thứ lóng lánh, hầm bà lằng, treo, bày lủng lẳng trong phòng. Nhà lúc nào cũng phải ngăn nắp, thẳng thớm, không một vết bụi, quần áo chồng con luôn luôn phải tự mình là lượt, tươm tất không một nếp nhăn… Để rồi sau bà nào cũng than tết nhiêu khê, tốn kém và vất vả. Trong khi, thiếu những thứ đó thì có chết ai không?
Ai nấy bị ám ảnh, gông cùm, ràng buộc bởi hai tiếng “hi sinh”, thậm chí là hi sinh chính mình. Lạ lùng thật, sống để chết thì sống làm gì? Các chị không thương mình thì ai thương?
Lý ra, ai chê mặc kệ, miễn mình dễ chịu là được. Ta cứ sống xuề xòa một chút, hồ đồ một chút, thi thoảng cho phép nhà cửa luộm thuộm một chút, đã sao.
Con cái khi còn nhỏ nhịn một bữa không chết được, việc gì cứ phải cầm bát chạy theo nó từ đầu xóm đến cuối xóm, lãng phí thời gian. Hai tuổi là trẻ có thể tự xúc cơm ăn, bỏ quần áo bẩn vào giỏ, cất đồ chơi…
Con đã lớn thì cần rèn cho chúng làm việc nhà, toàn lũ khỏe mạnh, nguồn lao động dồi dào, sao mẹ cứ phải ôm đồm rồi kêu khổ. Đứa sáu tuổi, trai hay gái cũng đều có thể lau nhà, dọn dẹp, nấu cơm, nhặt rau, bấm nút máy giặt, phơi, gập quần áo được rồi.
Mình cũng còn bao nhiêu việc, phải đến trung tâm tập thể dục cho quy củ, bài bản này, phải là, thay quần áo đẹp cho yêu đời này, làm đầu, làm tóc, rồi thì ca hát, tham gia đoàn thể, cà phê với bạn này… Không phải lúc nào cũng chạy quanh chồng con, lo cho từng bữa ăn giấc ngủ.
Hôm nào không có hứng, mình hoàn toàn có thể ăn rau luộc, đậu rán cho nhẹ bụng và những món đơn giản ấy, người có đầy đủ tay chân hoàn toàn có thể làm. Vợ (mẹ) không có nghĩa vụ phải nai lưng ra hầu mãi được.
Ngoại trừ việc mình thấy vui khi chăm sóc người khác, khi được “hi sinh”, còn không hãy chủ động chú ý đến cảm xúc của mình. Mình không thấy vui thì đừng cố và nếu đã chấp nhận làm, thì xin đừng kêu khổ rồi đổ lỗi này khác.
TSL
Video được xem nhiều nhất