"Ông đồ" 9x đẹp trai và niềm đam mê viết thư pháp
Không chỉ có vẻ bề ngoài thư sinh, điển trai mà Nguyễn Quý (sinh năm 1993, SV ngành Thiết kế đồ họa, trường ĐH Nghệ Thuật – ĐH Huế) còn được mệnh danh là “ông đồ 9x” với những nét chữ thư pháp rất điêu luyện.
Khởi đầu từ những cây bút bi…
Nguyễn Quý đến với thư pháp như một cái duyên không hẹn trước. Tò mò, thích thú khi thấy chữ thư pháp trên bìa vở, Quý bắt đầu viết những nét chữ đơn giản chỉ với cây bút bi.
Đến năm lớp 10, Quý được một người thầy giới thiệu sử dụng bút lông, mực tàu để viết. Vào Huế ôn thi ĐH, anh chàng người Quảng Trị có nhiều cơ hội được luyện tập khi cùng các anh chị trong xóm trọ bán chữ ở phố đi bộ.
Quý chia sẻ: “Lúc đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng những nét chữ của người khác và không có điều kiện để mua bút, mực vì rất tốn kém. Nhưng nhờ có những người thầy, người bạn luôn bên cạnh và giúp đỡ nên tôi càng có động lực để tiếp tục với đam mê viết thư pháp”.
Năm 18 tuổi, Quý đã là thành viên trẻ tuổi nhất của CLB Thư pháp tại Huế. Sau đó, anh có cơ hội giao lưu, học hỏi qua các kỳ Festival Huế và các buổi triển lãm thư pháp trên cả nước.
Có lẽ, Quý được nhiều người biết đến khi liên tục tham gia viết chữ thư pháp tại Phố ông đồ do Nhà Văn hóa Thanh niên (TP. HCM) tổ chức vào các dịp lễ Tết 2013, 2014 và 2015.
Gần đây nhất, vào tháng 9/2015, Quý đã tự tổ chức chương trình tặng chữ “Thăng hoa hồn chữ Việt” tại một quán cafe ở Huế.
Quý cho biết: “Tôi muốn tạo một góc văn hóa truyền thống giữa lòng thành phố hiện đại. Hơn nữa, tôi muốn các bạn trẻ hiểu thêm về nét truyền thống Việt Nam nói chung và nghệ thuật thư pháp nói riêng”.
Miệt mài viết chữ tặng các bạn trẻ đến tham dự
Là sinh viên năm cuối của ngành Thiết kế đồ họa, ngoài thời gian học ở trường, Quý còn mở lớp dạy thư pháp dành cho nhiều bạn trẻ có niềm đam mê như mình.
“Thư pháp như là tình yêu”
Thư pháp là một người bạn luôn gắn liền với tâm hồn của “ông đồ trẻ”. Bởi khi đọc những câu thơ đúng với tâm ý, Quý liền cầm bút để thổi hồn và chia sẻ nỗi lòng mình trên từng trang giấy. Chính vì thế mà anh luôn coi “Thư pháp như là tình yêu” của mình.
“Nhiều người từng hỏi tôi học thư pháp ở đâu, câu trả lời sẽ là “Tôi học được từ hơn 100 người thầy”. Bởi lẽ, tôi quan niệm: thích chữ của ai đó hay có người tặng cho tôi một câu thơ hay, một lời văn đẹp thì tôi coi đó là thầy của mình”, Quý chia sẻ.
Với Quý, thư pháp không đơn thuần chỉ là viết mà cần phải hiểu ta đang viết cái gì, viết cho ai với mục đích gì.
Hơn hết, phải làm cho những nét chữ ấy trở nên có hồn, có hình tượng đặc trưng và nhẹ nhàng đi vào lòng người với nhiều ý nghĩa sâu sắc.
“Tôi cho bạn phương pháp để viết nhưng tôi không thể cho bạn cảm xúc và tâm hồn. Bạn phải tự viết ra những nét chữ của riêng mình. Chúng ta có thể cùng xuất phát từ một điểm nhưng cảm xúc hay tâm hồn sẽ chẳng thể nào giống nhau”, Quý bộc bạch lòng mình.
Cần giữ gìn những nét đẹp truyền thống Việt
Quý cho rằng: “Xã hội ngày càng du nhập nhiều giá trị văn hóa phương Tây, nhưng không phải vì thế mà đánh mất đi nét văn hóa truyền thống, chúng ta phải lấy đó làm cơ sở để áp dụng, hòa hợp vào những giá trị hiện đại”.
Tham gia viết chữ ở Phố ông đồ là cơ hội lớn để Quý có thể quảng bá, giới thiệu về nét đẹp truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Việc thành lập CLB Thư pháp trẻ ở Huế hay mở ra lớp học dạy viết thư pháp là hành động gìn giữ những giá trị Việt đang được Quý và các bạn trẻ duy trì qua nhiều năm nay.
Nói về dự định trong tương lai, Quý chia sẻ : “Trước mắt, tôi muốn tập trung vào CLB Thư pháp trẻ để các bạn có cơ hội giao lưu với các CLB Thư pháp trên cả nước. Qua đó, họ được trau dồi kinh nghiệm và có ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống.
Tôi muốn mang màu sắc và cái hồn thư pháp vào đồ án tốt nghiệp của tôi. Và nếu có thể, tôi muốn bản thân có một cuộc triển lãm cá nhân tại Huế ”.
Chỉ mới 22 tuổi nhưng “Ông đồ” Nguyễn Quý luôn mang trong mình những hoài bão, ước mơ về một ngày đưa nghệ thuật thư pháp Việt vươn xa đến nhiều nước trên thế giới.
Có gian nan, thử thách, con người mới có thêm động lực để tiếp tục cháy với đam mê của mình. Nguyễn Quý cũng thế, bằng ngọn lửa đam mê, anh đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để mang lại những gam màu cảm xúc mới lạ trong nghệ thuật thư pháp Việt nói riêng và nét đẹp dân dã của giá trị truyền thống Việt Nam nói chung.
“Điên trong đam mê chính là niềm vui của chính tôi…!” – Nguyễn Quý
Ông đồ trẻ, đẹp trai 9X - Nguyễn Quý viết tặng chữ.
Quốc Nhật – Đ. Dương
Ảnh: NVCC
Video được xem nhiều nhất