Nữ sinh 29 điểm: "Mơ ước lớn nhất của em vẫn là được học Công an"

Kênh 14 - 18/09/2015, 08:59

"Trước khi nộp hồ sơ dự tuyển vào Học viện Chính trị Công an nhân dân, em rất yêu thích ngành công an. Từ nhỏ, em đã mơ ước trở thành chiến sĩ công an nhân dân", nữ sinh có điểm số đại học cao chót vót chia sẻ trong tiếc nuối về trường hợp đặc biệt của mình.

Những ngày này, em Bùi Kiều Nhi (sinh năm 1997, trú xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) và những người thân trong gia đình đang sống với tâm trạng thấp thỏm chờ mong kết quả xét tuyển đại học vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân, bởi với em, đó không đơn giản là thi đỗ một kì thi mà là con đường giúp em thực hiện mơ ước cháy bỏng được đứng trong hàng ngũ công an, khoác trên mình bộ cảnh phục để phục vụ nhân dân.
 
Thế nhưng điều trớ trêu là dù hoàn thành xuất sắc kì thi THPT quốc gia với số điểm rất cao nhưng do không biết bố mình từng vi phạm pháp luật, Nhi đã không khai trong hồ sơ khi đăng ký dự tuyển. Điều đó khiến em không đủ điều kiện nhập học, chưa thể đứng trên giảng đường như bao bạn bè cùng trang lứa.
 
"Trước khi nộp hồ sơ dự tuyển vào Học viện Chính trị Công an nhân dân, em rất yêu thích ngành công an. Từ nhỏ, em đã mơ ước trở thành chiến sĩ công an nhân dân", Bùi Kiều Nhi (18 tuổi, trú xã Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) nói.
 
nhi1-1c6e7

Em Bùi Kiều Nhi

 
Từ khi một số báo đăng tải thông tin về Nhi, có rất nhiều trường đại học đã ngỏ ý nhận em vào học. Nhi cho biết, Bộ GD-ĐT cũng đã liên hệ lại để biết nguyện vọng của em. Nếu em muốn vào học trường nào phù hợp với điểm của mình thì gửi đơn để Bộ GD-ĐT xem xét, thảo luận với các trường giải quyết tuyển bổ sung.
 
Trao đổi với chúng tôi, Nhi bày tỏ sự biết ơn sâu sắc với sự quan tâm của mọi người đã dành cho em trong suốt những ngày qua. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của Nhi vẫn là được vào Học viện Chính trị Công an nhân dân. 
 
Kiều Nhi là con thứ 2 trong một gia đình có 4 người con, trước Nhi là chị gái đã học xong Trung cấp y nhưng phải đi làm công nhân vì chưa xin được việc. Sau Nhi còn 2 em trai cũng đang trong độ tuổi đi học.
 
Bố mất vào năm 2013, từ đó, mẹ em phải gồng gánh nuôi các con ăn học. kinh tế gia đình đã không khá giả gì nay lại càng khó khăn hơn vì chỉ trông vào mấy sào ruộng. “Em đăng kí thi vào ngành Công an không chỉ vì ước mơ cháy bỏng từ thưở bé mà còn nếu vào được ngành này em không phải lo tiền học và xin việc. đỡ được cho mẹ rất nhiều”, Nhi chia sẻ.
 
Trường hợp hy hữu của em Nhi xảy ra khiến ai nấy đều không khỏi tiếc nuối. Trong kỳ thi Đại học vừa qua, nhiều người dân ở đây ngỡ ngàng khi điểm văn của em đạt 8,75 điểm, sử 9, địa 9,75. Với 1,5 điểm cộng ưu tiên, em xuất sắc xếp ở vị trí thứ 2 trong ngành mà mình lựa chọn với số điểm tổng 29.
 
Ngày biết điểm chuẩn có lẽ là ngày vui nhất của em và gia đình bởi từ lâu, Nhi đã ao ước được đứng vào hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì ngày 4/9, em nhận được công văn của Công an huyện Tuyên Hóa về việc mình “thiếu trung thực” trong phần khai lý lịch và xét về phẩm chất đạo đức, em không đảm bảo và không đủ điều kiện để nhập học các trường Công an nhân dân.
 
“Lúc bố phạm tội, bố mẹ em chưa cưới nhau. Em được sinh ra sau đó 5 năm nên không hề biết gì về chuyện này, em cũng chưa nghe ai trong gia đình nhắc tới nên không thể nói em thiếu trung thực trong khi làm hồ sơ được”, Nhi tâm sự.
 
Anh Bùi Vĩnh Thiệu (48 tuổi), trú thôn Đức Ngọc, xã Đức Hóa, là chú ruột của Nhi cho biết: “Năm 1984, khi mới 19 tuổi anh Bùi Vĩnh Tường đã lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh về quê. Thời điểm năm 1991, 1992, vì ở quê không có việc gì làm nên người dân chủ yếu sống bằng nghề đi rừng lấy gỗ về bán. 
 
Cả tôi, bố cháu Nhi và hàng chục người dân trong xã đều phải kiếm sống từ rừng. Trong một lần vận chuyển gỗ thì bị lực lượng Kiểm lâm bắt. Lúc đó rất nhiều người, nhưng chỉ mỗi anh tôi bị bắt và sau đó thì bị án treo. Sự việc xảy ra đã hơn 20 năm nên chúng tôi không ai còn nhớ, đến khi công văn của Công an huyện về chúng tôi mới nhớ lại và thực sự rất bất ngờ”.
 
nhi2-1c6e7
Rất nhiều người tiếc cho trường hợp của em Nhi.
 
Dù biết quyết định này hoàn tòan được thực hiện đúng theo quy định, và trong hồ sơ có phần cam kết của thí sinh và gia đình về việc cung cấp các thông tin đó, nếu có vấn đề gì không trung thực thì thí sinh đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, nhưng đến giờ phút này, Nhi vẫn luôn mong muốn có một phép màu để em có thể theo học ở ngôi trường mơ ước. Liệu rằng tất cả có phải đã muộn màng với nữ sinh có số điểm cao nhất nhì huyện miền núi nghèo khó này?

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất