Nỗi sợ hãi mang tên… rắn
Từ số ca nhập viện vì bị rắn cắn tăng cao, cho đến những pha “đại náo” khu dân cư… rắn, đặc biệt rắn lục đuôi đỏ, đang gieo rắc nỗi sợ hãi từ thôn quê đến thành thị.
Đêm cuối tháng Sáu, người dân ngụ khu phố 3C, phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) hoảng hốt khi tiếp tục phát hiện một con rắn lục khá dài đang cuộn tròn trên cây. Trước đó vài tuần, cũng tại đây, người dân đã đập chết nhiều “vị khách” không mời mà đến này.
“Dạo chơi” phố xá
Lần phát hiện này, con rắn được ghi nhận có đầu hình tam giác nhọn, dài hơn 1m. Theo người dân, đây không phải là rắn lục đuôi đỏ vì có cái đuôi rất dài nhưng không có vệt màu đỏ. “Đây là con thứ ba. Hai lần trước cũng thấy loại rắn này nằm ẩn trong chậu kiểng mấy hẻm trên”, một thanh niên nói. Ngoài ra, cách đây không lâu, khi phát quang quanh nhà, một phụ nữ tại khu phố này đã phát hiện trong bụi cỏ một ổ 5 con rắn lục đuôi đỏ.
Vào chiều 22/6, nhiều người đang thử giày dép tại một cửa hàng góc đường Huỳnh Mẫn Đạt - Nguyễn Trãi (quận 5) đã một phen hú vía, bỏ chạy tán loạn khi một “ông” rắn lục đuôi đỏ “ngang nhiên” bò qua đường. Và, chỉ vài giờ sau khi con rắn đầu tiên bị người dân quật chết, chính tại đây lại xuất hiện thêm 2 con rắn khác bò ngang qua dòng xe cộ.
Tại khu vực Chợ Cầu (quận Gò Vấp) vào tuần trước, người dân buôn bán trên vỉa hè đã đánh chết 3 con rắn lục đuôi đỏ. Một chủ tiệm vàng gần đó vô cùng hoảng sợ khi một con trong số đó trườn vào cửa tiệm và phải đi mua rất nhiều hành về bỏ trong nhà để… xua rắn.
Không phải rắn màu xanh nào cũng độc
Theo bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, trong 3 tháng trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do bị rắn cắn. “Số bệnh nhi tăng gấp đôi so với cùng kỳ những năm trước. Không chỉ các ca từ các tỉnh chuyển về, mà có cả tại khu vực Sài Gòn. Trong đó đã có ca tử vong vì nọc độc phát tán gây nhiễm độc, nhiễm trùng gây tổn thương quá nặng”, bác sĩ nói.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 6, đã có 111 ca nhập viện do rắn cắn, trong đó có đến 80 ca do rắn lục đuôi đỏ. Con số này đã cao hơn nhiều so với tháng trước, với chỉ 70 ca. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, vào mùa mưa, khoảng tháng 5-8 hằng năm, số ca bị rắn cắn luôn cao hơn. Mỗi tháng có trên dưới 200 ca nhập viện.
Về rắn lục xuất hiện nhiều tại TPHCM gần đây, bác sĩ Hùng cho biết, cần bình tĩnh phân biệt 2 dòng rắn độc chính. Loài có nọc độc gây rối loạn đông máu như rắn lục, chàm quạp,… Loài còn lại khi cắn làm tổn thương thần kinh cơ, gây liệt cơ bắp như rắn hổ chúa, hổ mèo, cạp nong, cạp nia, rắn biển… Riêng rắn lục đuôi đỏ chỉ có từ Quảng Trị trở vào Nam, phía Bắc chỉ ghi nhận rắn lục.
“Nhưng trong tự nhiên, có rất nhiều loài rắn không mang nọc độc nhưng lại ngụy trang bằng màu sắc giống rắn độc để tự bảo vệ. Có nhiều loài rắn có màu xanh hệt như các loại rắn lục nhưng thật ra không phải rắn lục”, bác sĩ Hùng lưu ý.
Phần lớn bị rắn cắn khi đang lao động
Trung bình mỗi năm tại khoa của bác sĩ Hùng tiếp nhận từ 800-1.000 ca rắn cắn với khoảng 3-5 ca tử vong. Các bệnh nhân thường đến từ khu vực vùng ven TPHCM như quận 9, quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi và các tỉnh Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang… Hiện tại khoa có 15 bệnh nhân đang điều trị, với 9 ca gây ra bởi rắn lục đuôi đỏ.
Một trẻ em bị rắn lục đuôi đỏ cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Phần lớn tai nạn rắn cắn xảy ra trong lúc người dân đang làm việc tại nương rẫy, đồng ruộng, rừng cao su… mà không tuân thủ các biện pháp phòng hộ. Hoặc tai nạn nghề nghiệp xảy ra cho nhân viên nhà hàng làm thịt rắn, người buôn bán, nuôi rắn, thậm chí cả trường hợp bị cắn trong lúc biểu diễn “xiếc” rắn.
Điển hình tuần qua, khoa tiếp nhận 2 trường hợp biến chứng nặng do bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc làm việc. Chị T.H. (29 tuổi, đang mang thai tuần thứ 14, ngụ Bình Dương) là công nhân đi cạo mủ cao su nhưng không mang ủng. Chị bị rắn cắn vào chân trái. Trường hợp còn lại là một phụ nữ người dân tộc bị rắn cắn trong lúc làm rẫy ở Đắk Lắk. Cả hai khi nhập viện đều với vết cắn đã sưng tấy, rối loạn đông máu, tình trạng nguy kịch. Rất may sau khi được truyền huyết thanh kháng nọc, sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định.
Bác sĩ Hùng cảnh báo trong mùa mưa, người dân hạn chế đến những nơi nhiều cây cỏ, bụi rậm, cơ sở nuôi, chế biến thức ăn từ rắn. Tuân thủ quy định an toàn lao động khi làm việc tại những nơi nhiều cây cối như rừng cao su, công viên…
Theo bác sĩ Nguyên Anh, cần đưa nạn nhân bị rắn cắn ra khỏi hiện trường ngay nhằm tránh bị cắn tiếp, rồi mới sơ cứu. Phải cho nạn nhân nằm bất động, tránh quơ quào tay chân, càng làm cho nọc độc phát tán nhanh. Rửa sạch vết cắn. Băng ép các chi bị rắn cắn bằng băng thun rộng. Tuyệt đối không quấn quá chặt như kiểu ga-rô, sẽ gây ra hoại tử chi. Cố gắng hạn chế sự co duỗi khi bị rắn cắn trong khi đưa đi cấp cứu. Trường hợp bị rắn phun nọc độc vào mắt thì cần dùng nước sạch rửa mắt ngay.
Bác sĩ Hùng lưu ý người dân sau khi bị rắn cắn cần đến cơ sở y tế ngay, không tự ý đắp lá, điều trị chỗ “người quen biết”. “Bệnh nhân hay người thân cố gắng mô tả lại được hình dạng, màu sắc con rắn đã cắn, hoặc trong điều kiện tối ưu có thể mang xác rắn tới cho bác sĩ, việc này sẽ giúp cho quá trình điều trị tốt hơn. Bác sĩ sẽ biết ngay loại rắn nào cắn để sử dụng loại huyết thanh kháng nọc phù hợp nhất” |
Video được xem nhiều nhất