Niềm hạnh phúc của mẹ trong đám cưới của người con trai chuyển giới
Tự tin bước lên sân khấu trong lễ cưới của "con trai" và con dâu tại TP. Nha Trang, cô Cao Thị Minh Nguyệt nghẹn ngào nhớ lại những vất vả, đau khổ trong hành trình tìm lại giới tính và tình yêu cho người con chuyển giới của mình.
Là một thành viên tích cực của PFLAG - Hội người thân của người LGBT Việt Nam, chị Cao Thị Minh Nguyệt (55 tuổi, hiện đang sinh sống tại thành phố Nha Trang) từng được cộng đồng LGBT gọi vui là "người mẹ của năm". Bởi lẽ, chị có 3 người con thì 2 người đã là người LGBT. Cô con gái đầu tên Vy Vy, 30 tuổi, là người dị tính và đã có chồng. Người con gái giữa tên Nguyễn Trúc Vy, 27 tuổi, là người chuyển giới từ nữ sang nam. Và người con trai út tên Minh Nhật, 20 tuổi, là người đồng tính nam.
Trải qua giai đoạn bị sốc khi biết giới tính thật của các con, chị Minh Nguyệt có lẽ nằm trong số ít những người mẹ biết chấp nhận điều đó như lẽ thường tình. Chị còn luôn đồng hành cùng hai người con của mình trong những hoạt động cộng đồng LGBT, giúp những bậc phụ huynh khác hiểu rằng giới tính của con mình không phải là điều bất bình thường, không thể để xã hội chối bỏ.
Chị Minh Nguyệt hiện là thành viên tích cực của PFLAG - Hội người thân của người LGBT Việt Nam.
Cách đây 5 tháng, chị Nguyệt từng tâm sự rằng chị rất muốn tổ chức đám cưới cho Trúc Vy và bạn gái. Chị muốn nhìn thấy con trai chuyển giới của mình hạnh phúc để bù đắp cho những mất mát tuổi thơ mà Trúc Vy phải trải qua. Sau thời gian dài ấp ủ, được sự ủng hộ và tiếp sức của mọi người, ngày 10/10 vừa qua, lễ cưới của Trúc Vy và Bích Hà - người yêu 5 năm của Vy chính thức được diễn ra tại một nhà hàng ở Nha Trang trong niềm hân hoan và chúc phúc của tất cả mọi người.
Trúc Vy và Bích Hà là cặp đôi đầu tiên tổ chức đám cưới ở thành phố Nha Trang.
Trước khi gặp Bích Hà, Trúc Vy đã trải qua rất nhiều cuộc tình nhưng mọi thứ đều kết thúc bằng sự đau khổ cho cả hai bên.
"Tôi còn nhớ rất rõ cuộc tình thứ nhất. Đó là lần rung động mạnh mẽ đầu tiên trong cuộc đời của con tôi với một cô gái khác nhưng lại bị gia đình bên kia phản đối một cách kịch liệt. Có lần phụ huynh của cô gái đó còn xông thằng vào nhà tôi đập phá đồ đạc và hét to cho hàng xóm nghe rằng: "Chị có biết con chị bị bệnh không hả?! Tại sao lại cho nó giao du với con nhà tôi?!”. Sau đó là hàng loạt những lời chửi mắng thậm tệ trong khi con của tôi lại đóng chốt cửa, tắt đèn và nằm thu mình lại một góc ở trên gác", chị Nguyệt nhớ lại những ngày tháng cũ, khi nhìn trái tim con mình tan vỡ nhiều lần.
Sau ngày hôm đó, chị Nguyệt thấy con mình cứ thẫn thờ, cũng không thấy cô bé ngày nào hay qua nhà chơi nữa. Hằng ngày, chị nghe thấy tiếng con mình đang thút thít khóc trên gác nhưng lại cố kềm lại không phát ra tiếng.
"Nó thường mở mấy bài hát ngày xưa 2 đứa hay hát cùng nhau rồi cứ lẩm bẩm trong miệng. Nó vừa khóc vừa hát ở trên, tôi thì khóc ở bên dưới. Lòng tôi đau như cắt. Con đau một nhưng mẹ đau mười.
Vài tháng sau tôi nghe được tin cô bé ngày nào theo đuổi con mình đã có chồng và có chửa. Chưa đầy một năm sau tôi lại nghe tin cô bé ấy li dị và phải sống một mình nuôi con. Lúc này, tôi chợt thấu hiểu, hạnh phúc cả đời của con cái không thể nào do cha mẹ tự ý định đoạt được", chị chia sẻ.
Chị Nguyệt bước lên sân khấu đầy tự tin và hạnh phúc trong đám cưới người con trai chuyển giới của mình.
Cứ tưởng rằng sau vài năm, vết thương của Vy sẽ được chữa lành bởi một tình yêu mới, nhưng rồi bố mẹ cô gái kia cũng phát hiện, và họ gọi điện chửi bới chị Nguyệt, nói rằng con chị lây "bệnh" sang con gái họ. Chị Nguyệt cũng đã cố gắng giải thích nhưng họ không hiểu. Gia đình đó đã làm đủ mọi cách để ngăn cản tình yêu này, kể cả việc bắt Vy về và đánh đập trước mặt con gái họ. Chị nghẹn ngào nhớ lại:
"Lúc đó, Vy nhìn tôi bằng một ánh mắt mà suốt cuộc đời mình cũng chẳng thể nào quên được. Nó hét to lên, vừa hét vừa khóc: “Tại sao má lại đẻ con ra như thế này!? Tại sao? Tại sao biết vậy lúc nhỏ má không bóp mũi con chết đi!? Tại sao con không được yêu?". Cuộc tình thứ hai của Vy thế đó, kết thúc một cách chóng vánh và vô cùng chua xót".
Cho đến cuộc tình cuối cùng với Bích Hà, chị Nguyệt vẫn nghĩ rằng chắc rồi con mình cũng sẽ lại đau khổ nữa. Mặc dù vậy, chị vẫn cố gắng vui vẻ và cổ vũ cho con mình cứ sống, cứ yêu. Lần này, thay vì cứ để mặc cho mối quan hệ đó tiến triển, chị quyết định tới nhà cha mẹ của Hà với mong muốn có thể giải thích, tác động đến suy nghĩ của họ trước khi mối quan hệ này lại có kết cục như trước. Ngồi tại nhà của Hà, chị nói rằng Trúc Vy đã quen Hà lâu rồi và 2 đứa hiện đang có ý định sống chung với nhau, chị đến đây để xin phép anh chị cho Hà một danh phận và được về sống chung với gia đình của chị Nguyệt. Hoàn toàn ngạc nhiên, ông bà đã vô tư trả lời
“Nhà tôi thì cũng nghèo, không lo lắng gì được cho cháu, chỉ mong cháu có thể tìm được hạnh phúc, sống vui là tụi tôi vui rồi”. Một cảm giác vỡ òa trong chị.
Chị Nguyệt thay mặt họ nhà gái gửi lời cảm ơn đến đông đảo khách mời đến tham dự lễ cưới của con chị.
Bích Hà sống trong gia đình chị Nguyệt dưới danh phận con dâu đã 5 năm nhưng cô vẫn luôn mơ ước được mặc áo cô dâu, mơ ước chụp ảnh cưới, được mọi người nhìn nhận như những cặp vợ chồng bình thường. Biết được mong mỏi của cặp đôi này, chị Bùi Phương Thảo (SN 1982, nhân viên văn phòng tại Nha Trang) đã quyết định đứng ra tổ chức lễ cưới đồng tính đầu tiên tại thành phố này bất chấp sự can ngăn của vài người thân.
Chị Phương Thảo (tóc ngắn, đầm đen) là người hỗ trợ nhiệt tình cho đám cưới của cặp đôi Trúc Vy - Bích Hà.
Chị Thảo chia sẻ:
"Tôi là người dị tính nhưng luôn đã từng tiếp xúc với những người LGBT và tôi rất quý họ. Họ đều là những người chân thành, tài năng nhưng cuộc sống ít khi nào được hưởng hạnh phúc trọn vẹn cho xã hội kỳ thị và gia đình luôn tạo áp lực ở mọi mặt. Biết được chị Nguyệt có con trai chuyển giới muốn tổ chức đám cưới, tôi đã cùng gia đình lên ý tưởng, kế hoạch, thực hiện album ảnh cưới, tất cả chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng và kết quả thực sự tốt đẹp".
Bích Hà xúc động và bật khóc vì đã được mặc áo cô dâu như bấy lâu nay mình mong ước.
Ban đầu, một nhà hàng đã từ chối tổ chức vì nói rằng đây là đám cưới đồng tính, họ không chấp nhận. Sau đó, một khách sạn trong địa phương đã hỗ trợ cho cặp đôi làm lễ cưới đơn giản nhưng ấm áp.
Chị Nguyệt cho biết chị đã nung nấu ý định tổ chức đám cưới người con chuyển giới của mình, đó là nguyện vọng cả đời của chị, từng ngày từng giờ chị luôn mong đợi thời khắc này để cùng thể hiện, truyền đạt lại giá trị tốt đẹp trong gia đình chị đến mọi người.
"Sau cả một quá trình chuẩn bị và đám cưới được tiến hành, tôi rất hạnh phúc và không ngờ rằng lượng khách tới tham dự ngoài sự mong đợi của mình, trong đó đa số là những người dị tính, những người hàng xóm láng giềng, những người trong cơ quan ban ngành nhà nước, đa số họ đều là những bậc trung niên lớn tuổi nhưng đã đến ủng hộ cho đám cưới của con tôi. Tôi thực sự rất trân trọng điều đó"
.
Đã từng nhìn con gái mình lấy chồng, một đám cưới bình thường như bao đám cưới khác ở thành phố này, nhưng trong đám cưới đồng tính của con mình, cảm xúc mới lạ đã đến với chị Nguyệt. Chị cảm thấy như được cởi bỏ tấm áo khoác cũ kĩ chật chội và nóng nực suốt bao lâu nay. Cuối cùng gia đình chị đã có thể gạt bỏ đi định kiến và chuẩn mực cổ hủ của xã hội sang một bên, tiếp bước trên con đường đấu tranh thúc đẩy quyền con người. Với sự kiện lần này, chị mong muốn đó sẽ là phát pháo khởi xướng và là một niềm động lực cho tất cả các bạn LGBT.
"Cuối cùng, tôi đã có thể nhìn con trai chuyển giới của mình hạnh phúc trong lễ cưới"
, chị Nguyệt mỉm cười, chia sẻ.
Video được xem nhiều nhất