"Nhường chỗ cho người già trên tàu, cần sự sòng phẳng"

Zing - 21/08/2015, 14:27

Câu chuyện nhường hay không nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ trên tàu trở thành tâm điểm của mạng xã hội với rất nhiều ý kiến trái chiều.

Vừa qua, câu chuyện xoay quanh vấn đề nhường chỗ cho người già, trẻ em của một cô gái tên Huyền (sống ở Hà Nội) trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dân mạng.

Theo chia sẻ của Huyền, trên chuyến hành trình từ Hà Nội và Vinh và ngược lại, cô đều gặp tình huống xin đổi chỗ với lí do nhường cho ông A, bà B lớn tuổi, cháu X nhỏ tuổi... Điều đáng nói là ban đầu cô gái vui vẻ có ý định đổi chỗ, nhưng khi nhắc đến chênh lệch về giá tiền giữa hai loại vé tầng 1 và 3 thì họ lại lờ đi.

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề nhường hay không nhường chỗ cho người già ở trên tàu.

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề nhường hay không nhường chỗ cho người già ở trên tàu. Ảnh: Chụp màn hình

Câu chuyện nhanh chóng được đẩy lên cao trào và thu hút những  ý kiến trái chiều của mạng xã hội. Nổi bật lên là bình luận đi ngược lại với số đông của một bạn tên H.: “Đây chỉ là lời nói phiến diện từ một phía. Biết đâu, đằng sau câu chuyện này là một ẩn khúc nào đó. Với tôi sự kính trên nhường dưới luôn là chuẩn mực và giá trị nhân văn tốt đẹp của người Việt Nam. Hãy tưởng tượng sau này mình già yếu gặp phải trường hợp như vậy thì bạn sẽ làm khác”.

Phản bác lại ý kiến trên, thành viên V.H nói: “Mọi người đừng vì mục đích cá nhân của mình mà lấy người già, trẻ em hay phụ nữ có thai để khơi gợi lòng thương hại của người khác. Rõ ràng trong câu chuyện này, cô gái đã cư xử đúng mực và lễ độ. Còn những người muốn đổi vé nhưng lại có thái độ không đẹp như ngồi chờ sẵn trên giường hay lơ đi chuyện chênh lệch giá vé thì chắc chắn là không đổi”.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nhiều bạn trẻ so sánh văn hóa Việt Nam và Nhật Bản. Nhiều ý kiến cho rằng cả giới trẻ và người già ở Việt nên học hỏi cách hành xử của nước bạn. 

“Ở xứ sở hoa anh đào, sự bình đẳng luôn hiện hữu mọi lúc mọi nơi từ trẻ em đến người già đều có ý thức cao trong mọi hoàn cảnh. Bởi vậy, họ không có văn hóa nhường ghế cho người già. Đối với người Nhật, việc bạn nhường ghế cho một người già đôi khi mang lại những tác dụng trái chiều. Họ sẽ nghĩ rằng không lẽ mình đã già yếu đến mức, người ta phải nhường ghế rồi sao” - M. Quyên nói.

Ở Nhật không có văn hóa nhường ghế cho người già. Ảnh: Internet

Ở Nhật không có văn hóa nhường ghế cho người già. Ảnh: Internet

Không đồng tình với ý kiến trên, thành viên Mun Nguyễn cho hay, nền văn hóa của Việt Nam và Nhật Bản đều có những đặc điểm riêng, mọi người không nên  đem ra so sánh. Nếu như người Việt nổi bật với bản tính kính trên nhường dưới rất cao cả thì người Nhật lại gây ấn tượng với bản tính tự lập, không thích dựa dẫm vào ai.

Bên cạnh những phản hồi trái chiều về việc nhường hay không nhường chỗ cho người già, trẻ em khi đi tàu xe. Nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện thực chất đang phản ánh vấn nạn về việc sử dụng vé chui, vé lậu thường xuyên diễn ra trên các chuyến tàu Bắc - Nam.  

Thành viên S.T.N. chia sẻ: “Mình cũng từng đi chuyến Hà Nội – Vinh và cũng gặp trường hợp tương tự. Vừa bước vào toa đã thấy có người nằm vắt vẻo trên giường của mình, nói mãi người ta mới trả chỗ. Thậm chí, có nhiều người còn mua vé ngồi, hoặc chỉ cần đưa cho nhân viên soát vé vài ba trăm là có thể sang những giường trống nằm rất tự nhiên”.

Đứng trước những tranh cãi của dân mạng, Huyền nói: " Đây là lần đầu tiên mình đi tàu, cảm giác háo hức lắm. Tuy nhiên, khi mọi người rơi vào trường hợp của mình mới hiểu vì sao mình lại làm vậy. Đây là chuyến đi dài không giống như các bạn từng nhường ghế trên xe buýt".

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất