Những "tỷ phú thời gian" nơi giảng đường và mơ ước việc nhàn lương cao
Hiểu thế nào cho đúng về "một công việc nhàn" cũng là điều mà có lẽ những tỷ phú thời gian trên giảng đường vẫn còn mông lung. Công việc nhàn là làm ít chơi nhiều? Hay việc nhàn là làm những công việc nhàm chán tẻ nhạt đều đều từ ngày này sang ngày khác...
Những "tỷ phú" thời gian và giấc ngủ nướng giữa ban ngày
Chiều thứ 6, chúng tôi đến thăm một khu nhà chung cư giá rẻ dành cho sinh viên tại Hà Nội. Dù khi đó đã là 4h chiều, hầu hết các gian phòng ở đây đều đóng cửa, tắt đèn. Các lối đi lại ở hành lang thưa thớt và trong những salon làm tóc, quán cafe, siêu thị mini nằm ngay khuôn viên chung cư, mỗi nơi lác đác vài sinh viên ghé vào lê la.
Quản lý ở đây, ông Phạm Minh Dũng cho biết, sự vắng vẻ này không phải vì khu chung cư thiếu người ở mà là bởi khoảng thời gian này, các bạn trẻ vẫn đang say sưa... ngủ trong phòng.
Gian phòng trong khu chung cư giá rẻ chỉ có duy nhất một nữ sinh đang học bài còn lại, tất cả đều đang say ngủ giữa buổi chiều.
Các phòng khác, thay vì lên mạng đọc sách, báo hoặc tìm kiếm những thứ hữu ích, các nữ sinh này chỉ nghe nhạc và "dạo" Faceboook.
Để chứng minh cho điều này, ông Dũng dẫn chúng tôi lên gõ cửa vài gian phòng. Gọi một lúc, một nữ sinh bước ra. Trong phòng lúc này có tất cả 6 bạn nữ, ngoại trừ cô gái ra mở cửa đang lên mạng lướt Facebook, 5 người khác vẫn còn đang say giấc, uể oải, không muốn nói chuyện. Chúng tôi đi tiếp một vài căn phòng khác và mọi thứ tiếp tục lặp lại tương tự. Có vẻ như ở đây, sinh viên chẳng phải làm gì ngoài ngủ ngày.
Ông Dũng nói, sinh viên ở đây rất "sướng". Giá nhà ở, dịch vụ đều rẻ và vì thế, chẳng cần làm gì, với số tiền khoảng 2 triệu đồng bố mẹ cung cấp hàng tháng, họ đã đủ sức sống một cách hết sức thoải mái. Rảnh rỗi, các bạn trẻ hết lê la cafe lại đi mua sắm, ngồi lướt Facebook trong khi đó, việc học bài, tìm kiếm việc làm thêm ít người màng tới vì họ nói, ở đây xa trung tâm thành phố, việc đi làm là quá khó khăn, bất tiện.
Ông Dũng cho biết, chỉ đến giờ ăn, khu chung cư mới nhộn nhịp hơn một chút.
Đời sống sinh viên ở đây rất thoải mái. Hết giờ ăn, họ lại ngồi lê la cafe.
... Hoặc tới tiệm làm tóc, gội đầu.
Nhưng ở một khu ký túc xá khác ngay tại Cầu Giấy, cảnh nhàn rỗi của sinh viên cũng lặp lại y chang. Nửa buổi chiều rồi nhưng các bạn trẻ vẫn đóng cửa ngủ im lìm và số khác, rủ nhau "trà chanh chém gió".
Tất nhiên, không phải sinh viên nào cũng là "tỷ phú thời gian" nhưng trong tầng lớp ấy, việc tìm ra những người giàu có với thứ tài sản được ví là quý như vàng này có lẽ là khá dễ dàng.
Suy nghĩ về điều ấy, chúng tôi băn khoăn, không biết các "tỷ phú thời gian" ước mơ điều gì trong tương lai? Lúc đang nằm trong phòng, vật vã với những giấc ngủ dài hoặc mệt mỏi vì cú đêm cày game, lên Facebook, họ có biết, ngoài kia, mỗi năm có tới gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp? Và, có khi nào, họ thấy lo sợ vì điều đó với cảm giác bất an cho tương lai của chính mình?
Những giấc mơ "lãng mạn" của tuổi trẻ
Để trả lời cho sự tò mò ấy, chúng tôi tiến hành cuộc phỏng vấn ngắn với nhiều sinh viên và câu trả lời, có thể tạm xếp vào 2 loại. Nhiều bạn mong muốn một công việc ổn định, ngồi bàn giấy, việc nhàn hạ nhưng lương lại tương đối khá, cỡ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Số khác ước một bước có thể kinh doanh phát đạt hay làm một công việc nào đó nhàn hạ nhưng lương lại cao.
Trò chuyện cùng những tỷ phú thời gian, chúng tôi mới hiểu, thì ra, họ cũng có rất nhiều giấc mơ "lãng mạn" của tuổi trẻ.
N.L.L (nữ sinh trường ĐH Sân khấu Điện ảnh) chia sẻ: "Nhà mình nghèo lắm. Mình muốn khi ra trường có thể kiếm được nhiều tiền, gửi về giúp bố mẹ và thực hiện cuộc phẫu thuật thẩm mĩ cho bản thân". Nhưng khi được hỏi nghề nghiệp cô muốn làm trong tương lai là gì, L.L lắc đầu nói mình cũng chưa biết cụ thể, nhưng nhất định, đó phải là công việc đem lại thu nhập cao.
"Mình học khối ngành biên kịch, nghe đâu nghề viết kịch bản phim cũng có thu nhập khá lắm mà không phải vất vả quá", L.L nói thêm. Tuy nhiên, khi được hỏi làm cách nào để cô vươn tới công việc đó, L.L lại tiếp tục bối rối và cười một cách ngại ngùng. Trong số những công việc hàng ngày mà cô liệt kê, ngoài việc đọc giáo trình, làm bài tập trên lớp hoặc tham gia các sự kiện tình nguyện, thời gian còn lại là dành cho việc "shopping" ở chợ hoặc... ngủ nướng.
Ai cũng ôm mộng nghĩ về những công việc ngồi bàn giấy, làm quản lý với mức lương cao lại nhàn hạ...
... Nhưng trong suốt những năm tháng sinh viên, không ít người nuôi hoa mộng này lại dành phần lớn thời gian cho việc ngủ nướng.
N.T.D, nữ sinh năm nhất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lại cho biết, công việc trong tương lai, cô cũng không định hình được rõ ràng. Nữ sinh này theo học khối ngành báo chí nhưng lại luôn cảm thấy đó là công việc vất vả, không phù hợp với năng lực bản thân.
"Nhà mình có anh trai làm trong một cơ quan báo chí lớn nên mình khá hiểu công việc làm báo là như thế nào. Chắc tương lai mình sẽ làm công việc gì đó ở văn phòng với mức lương "đủ sống" cỡ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng", T.D nói thêm.
Những tỷ phú thời gian hôm nay, hầu hết đang ôm mộng dài thành tỷ phú tiền bạc trong tương lai.
Tương tự, T.V.M (nam sinh ĐH Mỏ địa chất) cho biết, cậu đang học ngành QTKD và dự định sẽ cố gắng bám trụ với nghề làm quản lý. "Mình muốn mở một công ty kinh doanh đá quý vì mình tin là phi thương bất phú. Nếu không được, mình cũng hy vọng có thể làm quản lý nhân sự ở các doanh nghiệp".
Chưa cần nói đến trình độ năng lực hay nhu cầu của thị trường lao động, chỉ nhìn vào cách các bạn trẻ nói về giấc mơ của mình, chúng tôi đã cảm thấy thật sự ái ngại. Nó giống như những "giấc mơ trưa" vội vã, rất mơ hồ, không hề có kế hoạch, hành động rõ ràng. Tất cả đều kèm theo chữ "nếu như". Nghĩa là họ chẳng hề "sống chết" với giấc mơ ấy như họ nói mà chỉ là mơ rồi lại để đó vì trong đầu, luôn luôn có nhiều giấc mơ, khả năng và dự định cùng lúc tồn tại.
Tuy nhiên, có một mẫu số chung nhất cho những giấc mơ ấy là hầu như ai cũng muốn tìm được việc làm nhàn nhã nhưng lương ít ra cũng thuộc cỡ trung bình khá trở lên.
Không ai dám chắc, những "tỷ phú thời gian" đang nuôi trong mình những hoa mộng kia, ngày mai, họ có ra nhập vào "đội quân" thất nghiệp hay không?
Nói như tác giả Napoleon Hill trong cuốn sách dạy làm giàu nổi tiếng "Think and Grow rich" - Nghĩ giàu và Làm giàu - thì một trong số những thói quen xấu khiến chúng ta "nghèo từng giây" chính là việc dành thời gian cho giấc mơ hão huyền giữa ban ngày.
Giấc mơ vươn tới việc nhàn, lương cao vốn rất đỗi con người. Ai chẳng mong thu nhập cao trong khi công việc không phải quá vất vả, lăn lộn. Nhưng chỉ mơ ước điều đó như một câu cửa miệng, một suy nghĩ thường trực mà lại đang chẳng làm gì hay đang nỗ lực thế nào để có được một công việc tốt, thì liệu đó có phải chỉ là ảo mộng như Napoleon Hill đề cập?
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà những công ty lớn, những nhà tuyển dụng uy tín luôn muốn truyền đạt tiêu chí "làm thật, hưởng thật", "thu nhập trả theo trình độ và sự tận tâm cống hiến" tới nhân viên, ứng viên..., thì liệu còn có thể có lương cao cho những công việc nhàn theo tiêu chí như trên???
Có lẽ đối với những sinh viên trẻ kia, nếu họ nhận thức giống ông, họ đã không nói về "ước mơ" của mình một cách hào hứng như vậy. Song ở thì tương lai, giấc mơ và sự thật có thể hợp nhất làm một hay không, điều ấy thật khó biết trước.
Còn tất cả chúng ta, ngay lúc này đây, chúng ta đang nghĩ gì về ước muốn của họ. Đã bao giờ, chúng ta mơ những giấc mơ giống họ và rồi chúng ta có thành công với giấc mơ ấy hay không? Câu hỏi ấy, hẳn nhiều người đã có sẵn đáp án!
Video được xem nhiều nhất