Những ông chủ và cả nhân viên trẻ nói gì về chuyện làm thêm "lương 1 triệu 1, bị phạt còn 149k"?

Kênh 14 - 03/03/2016, 08:30

Trước luồng tranh cãi xoay quanh câu chuyện SV đi làm thêm chỉ nhận được 149k cuối tháng thay vì tiền lương 1 triệu 1, các bạn trẻ làm ông, bà chủ và cả những bạn đang đi làm thêm cũng đã nói lên quan điểm của mình.

Nếu đã hoặc đang trải qua quãng đời sinh viên, bạn sẽ nhận thấy chuyện đi làm thêm là một trải nghiệm đáng giá. Ở độ tuổi mà cơm áo gạo tiền chưa thực sự là gánh nặng, quỹ thời gian cũng khá là xông xênh, thì việc bạn đi làm ở nhiều nơi, trải qua nhiều vị trí, công việc, thậm chí bắt đầu từ những việc tay chân thực sự rất hay ho và đem lại cho bạn rất nhiều ý nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là tiền.

Bản thân các bạn trẻ, mà đa số là sinh viên chủ động tìm cho mình một công việc để làm thêm rất đáng khích lệ, bất kể mục đích là gì, kiếm tiền hay để tích luỹ kinh nghiệm. Và nếu như điều đó đi cùng với thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm và trân trọng công việc của mình thì sẽ còn tuyệt vời hơn rất nhiều.

Từ hôm qua, câu chuyện một bạn trẻ đi làm thêm bị trừ gần như hết số tiền lương tháng và nhận về 149k sau những lỗi như nghỉ mà không xin phép, để khách vào tiệm hút thuốc, rồi đền tiền hàng bị mất vẫn đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Đây đều là những lỗi bị phạt tiền khá hợp lý, tuy nhiên bạn trẻ này lại lên Facebook "tố" ngược cửa hàng với thái độ khá bức xúc.

Những ông chủ và cả nhân viên trẻ nói gì về chuyện làm thêm lương 1 triệu 1, bị phạt còn 149k? - Ảnh 1.

 

Sau khi đến tận cửa hàng để làm rõ thì chúng tôi phát hiện ra cậu bạn này đã đưa tin có phần tiêu cực, làm ảnh hưởng đến uy tín của tiệm cũng như người chủ. Qua đây, rất nhiều người đã tự đặt câu hỏi về thái độ cũng như cách làm việc của các bạn trẻ đi làm thêm bây giờ. Để có thêm nhiều góc nhìn khác về câu chuyện này, chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện với khá nhiều bạn trẻ, trong đó, có người là "ông, bà chủ", có người thì đang đi làm thêm hoặc phục vụ bàn.

Phía những ông chủ, bà chủ trẻ: Nhân viên có lỗi nhưng chủ cửa hàng cũng xử lý tình huống chưa khéo

Đây gần như là ý kiến chung của những bạn trẻ đang làm chủ chia sẻ cùng với chúng tôi. Đứng ở góc độ của người chủ cửa hàng, dĩ nhiên ai cũng muốn việc kinh doanh thu được lợi nhuận, đông khách, thương hiệu của mình ngày càng có uy tín. Nhân viên không có kỷ luật chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của cửa hàng. Nhưng ngoài việc nó thuộc về tính cách, con người thì cách quản lý của chủ cửa hàng sẽ có vai trò rất quan trọng.

Sơn Lê - chủ của chuỗi cửa hàng trong hệ thống Food Center chia sẻ: " Mình không biết rõ ràng chi tiết câu chuyện nên rất khó để nhận xét, nhưng qua đoạn tin nhắn thì có thể thấy có vẻ như bản thân cách nói chuyện của bạn chủ không đúng cho lắm. Đơn cử 1 chuyện nhỏ như việc đuổi khách hút thuốc trong cửa hàng ra ngoài cũng chưa đúng cách. Mình nghĩ lỗi đến từ người chủ trước, còn trong bất kỳ câu chuyện nào cũng có lỗi của cả 2 phía.

Nhân viên vô kỷ luật trước hết mình phải xét đến lí do, nội quy hay các quy trình đào tạo ban đầu có vấn đề gì ở đâu không. Hay là do bản thân cá nhân đó có vấn đề. Cái này 1 phần do quản lý chất lượng đầu vào nữa. Còn nếu đến từ vấn đề cá nhân thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến khách hàng của mình. Nếu không có cách xử lý triệt để để giải quyết vấn đề, thì nó không còn là câu chuyện nhỏ nữa mà sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống và cao nhất là hình ảnh thương hiệu của mình."

Những ông chủ và cả nhân viên trẻ nói gì về chuyện làm thêm lương 1 triệu 1, bị phạt còn 149k? - Ảnh 2.

Sơn Lê.

Kiên Trần, chủ của khá nhiều cửa hàng giày dép, thời trang tại Hà Nội cũng đồng ý rằng, cả chủ cửa hàng lẫn người nhân viên đều có những lỗi của riêng mình để dẫn đến vụ lùm xùm này: " Đầu tiên là phía chủ cửa hàng đã không sát sao với chính mô hình kinh doanh của mình, thứ hai mới là lỗi của nhân viên.

Mình chưa gặp trường hợp này bao giờ, vì đầu vào nhân viên của mình tuyển lựa rất kỹ lưỡng. Nhân viên có thể hơi chậm một chút, chưa có kinh nghiệm, nhưng nhất định phải là người có ý thức, ngoan ngoãn, lễ phép. Nhân viên vô kỷ luật, thiếu lễ phép làm cho khách hàng rất khó chịu, từ đấy dẫn đến việc mất khách. Mất khách sẽ dẫn đến doanh thu sụt giảm, dần dần cơ sở kinh doanh sẽ phải dừng hoạt động. Từ một việc tưởng chừng nhỏ nhưng hậu quả là vô cùng lớn!".

Những ông chủ và cả nhân viên trẻ nói gì về chuyện làm thêm lương 1 triệu 1, bị phạt còn 149k? - Ảnh 3.

Kiên Trần.

Trên thực tế, có rất nhiều bạn sẽ cảm thấy chán nản, gò bó, hoặc thậm chí công sức mình bỏ ra không xứng đáng với những gì mình được hưởng khi làm công ăn lương cho người khác. Thế nhưng, việc làm chủ, ở trên người khác, đứng ra quản lý mọi thứ của một cửa hàng cũng không hề dễ dàng gì.

Anh chàng khá nổi trong giới trẻ Kiên Hoàng - đồng thời cũng là chủ một shop thời trang viết trên trang cá nhân mình rằng: "Gì thì gì vẫn phải xử lý với nhau bằng cái "tình". Việc đi làm có nội quy của chủ cửa hàng và thái độ làm việc của nhân viên đôi khi không tốt tuyệt đối là việc không tránh khỏi. Chỉ cần đôi bên làm việc cùng có trách nhiệm và xứng đáng với công việc của bản thân. Để rồi cả 2 bên cùng cảm thấy thoả mãn.

Bản thân mình cũng nhiều khi cảm thấy tăng xông khi hồi đầu nhân viên đi làm muộn, check in giờ làm hộ nhau, tự mang đồ của bản thân đến quán, để thất thoát đồ... Những lúc phát hiện mình phát điên và nói không ra 1 cái gì luôn. Nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó đúng không nào. Chẳng có gì là tự nhiên hết. Còn nhiều bạn đi làm với tâm lý chủ nó kiếm được hàng trăm triệu mà nó chỉ trả cho mình 1, 2 triệu thì tốt nhất mấy bạn đấy nên ở nhà đừng đi làm gì hết. Lí do vì sao thì nên tự hiểu nhé. Vì mọi thứ trên đời này nó đâu có giống nhau".

Những ông chủ và cả nhân viên trẻ nói gì về chuyện làm thêm lương 1 triệu 1, bị phạt còn 149k? - Ảnh 4.

Kiên Hoàng.

Cô bạn Fiona - 9x hiện đang là chủ của cửa hàng phụ kiện thời trang trên đường Nguyên Hồng cũng chia sẻ về những trường hợp nhân viên từng cho nghỉ vì vô kỷ luật. Thậm chí, cô còn cho rằng, nếu bạn nhân viên phạm lỗi lớn, cô sẽ cho nghỉ luôn: " Cửa hàng mình chỉ có 2 nhân viên thôi, dù nhỏ nhưng cũng mệt lắm, không biết sau này chuyển sang nơi lớn hơn thì sẽ thế nào. Mình cũng đã từng gặp nhân viên vô kỷ luật rồi, và đã cho nghỉ. Bạn ấy đến muộn vài lần, làm vỡ khuyên tai, không niềm nở tươi cười với khách. Nhưng rồi cũng thương thương nên không phạt đền đôi khuyên tai kia, vẫn trả lương như bình thường.

Với câu chuyện này, nếu mình là chủ cửa hàng sẽ cho bạn nhân viên kia nghỉ luôn nếu phạm phải những lỗi trên. Nhân viên không có ý thức lắm khi nghỉ 4 ngày mà không hề thông báo, nhưng chủ cửa hàng trừ 800k như thế thì cũng nhiều quá so với mức lương".

Những ông chủ và cả nhân viên trẻ nói gì về chuyện làm thêm lương 1 triệu 1, bị phạt còn 149k? - Ảnh 5.

Fiona.

Phía nhân viên: Nếu không chịu được chủ thì sẽ nghỉ việc

Bên cạnh những ý kiến của các bạn trẻ đang làm chủ, kinh doanh, chúng tôi có tìm đến những bạn đã và đang đi làm thêm những công việc như bán hàng, phục vụ bàn để hỏi về quan điểm của họ.

Hầu hết các bạn trẻ đi làm thêm đều nhanh chóng nhận ra và đồng tình, sự việc này xảy ra là lỗi của cả hai phía. Bạn Thục Uyên, nhân viên cafe The 1985 (quận 1, TPHCM) cho rằng: "T rong trường hợp này, có cái sai, có cái đúng. Nhân viên nghỉ không phép, bị trừ tiền là điều hiển nhiên. Cái đó là điều phải tự hiểu, không cần báo trước, đi làm ở đâu cũng vậy. Nhưng tốt nhất chủ quán vẫn nên ghi trong các giấy tờ thoả thuận (nếu có).

Trường hợp khách hút thuốc thì đúng là đôi khi nhân viên ở trong tình thế khó xử giữa việc chiều ý khách và luật lệ. Trong trường hợp này, chủ quán nên là người ra mặt đứng giữa và giải quyết. Chứ nhân viên không phải là người chịu phạt trong những trường hợp thế này. Riêng xúc xích và cả vấn đề thực phẩm thì chủ quán quá sai rồi."

Trước trường hợp người nhân viên đã có những lời không hay về cách làm việc của chủ quán. Các bạn trẻ đã từng đi làm thêm đều cho rằng, nếu không thể chịu được cách làm việc của chủ, các bạn sẽ nghỉ ngay. Bạn Phương Ngọc (21 tuổi), từng làm việc ở một cửa hàng giày thẳng thắn: "Nếu ở trong câu chuyện trên, thấy đồ của cửa hàng bẩn nếu chủ không chú ý thì mình sẽ tự làm sạch sẽ, kệ chủ và cư xử với khách hợp lý. Còn nếu không chịu được thì mình sẽ xin nghỉ việc."

Những ông chủ và cả nhân viên trẻ nói gì về chuyện làm thêm lương 1 triệu 1, bị phạt còn 149k? - Ảnh 6.

Phương Ngọc.

Linh - nhân viên của một shop quần áo ở Hàng Nón cũng đồng tình: "Nếu mình là bạn nhân viên đó thì mình sẽ tìm cách nói với chủ 1 cách thẳng thắn và nghiêm túc nhất về những vấn đề đang có. Đến lúc đó mà không được thì nghỉ thôi vì mình đã làm tròn bổn phận rồi nhưng không thể làm chung với nhau được nữa."

Vậy các bạn trẻ thường tìm kiếm những điều kiện thế nào ở nơi mình làm thêm? Bạn Thục Uyên cho biết : "Nơi mình đang làm mọi thứ đều ổn. Chủ tốt, đồng nghiệp hoà đồng, lương ổn. Vấn đề đầu tiên khi mình chọn việc làm là lương. Nếu lương ổn mà môi trường có gì đó khó chịu thì mình cứ nghĩ đó là mức tiền để trả cho những thứ khó chịu đó. Nhịn 1 chút cũng không sao".

Còn bạn Phương Ngọc cũng chia sẻ: " Mình thấy là đi làm thêm vui, không lãng phí thời gian, còn kiếm thêm được 1 khoản thu nhập cho mình chi tiêu thoải mái. Mình nghĩ quan trọng là tìm việc phù hợp với tính cách, thời gian học của mình. Và nên góp ý thẳng thắn, nói chuyện cụ thể khi có vấn đề với chủ, còn mình làm việc thì chăm chỉ và nhiệt tình, thật thà thì chủ quý thôi".

Các bạn trẻ đi làm thêm nên hiểu về câu chuyện có trách nhiệm

Chỉ nói riêng về phía bạn nhân viên thôi, có thể thấy những lỗi như đi làm muộn, nghỉ làm không xin phép hay ăn nói chưa được lễ phép và đúng mực với chủ cửa hàng, người hơn tuổi mình là điều các bạn trẻ bây giờ dễ mắc phải. Có thể do các bạn chưa đủ kinh nghiệm để quen với môi trường đi làm, cũng như chưa tự ý thức được trách nhiệm của mình khi kiếm được một khoản tiền thì phải bỏ ra công sức, thời gian, thái độ với công việc đó như thế nào.

Những ông chủ và cả nhân viên trẻ nói gì về chuyện làm thêm lương 1 triệu 1, bị phạt còn 149k? - Ảnh 7.

Ảnh chụp màn hình cuộc nói chuyện của nhân viên và chủ cửa hàng trong câu chuyện.

Đi làm thêm chính là cơ hội lớn nhất để bạn có thể cọ xát với nhiều môi trường, va chạm với nhiều kiểu người, tình huống, từ đó tích luỹ cho mình những bài học, trải nghiệm có giá trị. Tuy nhiên, không phải bao giờ cũng đưa lý do "mình còn trẻ, mình chưa biết gì" để bao biện cho cách ứng xử của mình. Đừng nghĩ ai cũng đủ kiên nhẫn để nhắm mắt bỏ qua cho những thiếu sót và lỗi lầm của mình.

Với kinh nghiệm làm quản lý của mình, Sơn Lê có lời khuyên đến các bạn trẻ rằng: " Đi làm thêm là để trải nghiệm từ đó có định hướng tốt hơn cho bản thân trong công việc tương lai, còn cách làm việc thì mỗi ngành nghề sẽ khác nhau. Nếu tìm được môi trường tốt và một người lãnh đạo tốt thì nên học hỏi và đi theo tích luỹ thêm kiến thức.

Đi làm lâu thì dần dần mới hiểu đc câu chuyện trách nhiệm. Các bạn càng sớm ý thức, duy trì tinh thần học hỏi cầu toàn sớm hơn 1-2 năm thì bạn càng sớm phát triển được hơn người khác 1-2 năm".

Những ông chủ và cả nhân viên trẻ nói gì về chuyện làm thêm lương 1 triệu 1, bị phạt còn 149k? - Ảnh 8.

Bản theo dõi giờ giấc đi làm cũng như ghi chép lỗi của các nhân viên trong cửa hàng được nhắc đến.

Cô bạn Fiona cũng nhắn nhủ: "N ếu các bạn trẻ đã xác định đi làm thêm dù ở môi trường lớn hay nhỏ cũng đều nên có tác phong chuyên nghiệp, nghiêm túc chấp hành kỉ luật tốt. Từ cái nhỏ làm được tốt sau này mới trưởng thành hơn được ở những môi trường chuyên nghiệp khác, bởi dù chỉ là làm thêm nhưng vốn kinh nghiệm tích luỹ nào cũng đáng quý" .

Trên đây là một số ý kiến chúng tôi ghi nhận được từ chính các bạn trẻ đang kinh doanh cũng như đi làm thêm trong thực tế. Câu chuyện làm việc cũng như đối nhân xử thế giữa chủ cửa hàng và nhân viên chắc chắn là vấn đề mà nhiều người quan tâm, cũng như thu hút nhiều luồng tranh cãi, ý kiến.

Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ gì về câu chuyện thái độ khi làm thêm của các bạn trẻ, hay cách xử lý tình huống của những người làm chủ? Hãy chia sẻ ý kiến của mình bằng cách để lại bình luận nhé!

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất