Những nỗi "ám ảnh" kinh điển đời học sinh ai cũng trải qua 1 lần

Yan - 26/05/2015, 08:51

Tuổi học trò luôn được xem là quãng thời gian đẹp đẽ nhất của một con người. Tuy nhiên, không phải lúc nào “đời cũng như là mơ”. Có những điều khiến mỗi học sinh khi nghĩ lại đều “nổi da gà”, và có những người thở phào nhẹ nhõm khi tuổi học trò của mình chưa bị “dính phốt” những điều này lần nào.

Vậy những “ấn tượng khó phai” của thời học sinh khiến cho bạn phải nơm nớp lo sợ là gì, chúng ta hãy cùng điểm qua nhé.


Ảnh minh họa

1. Chào cờ

Ngày đầu tuần luôn là một sự ngán ngẩm với rất nhiều học sinh khi các em phải ngồi nghe tổng kết, phát biểu gần cả tiếng đồng hồ. Buổi sáng thì buồn ngủ, buổi chiều thì đói bụng, thế là chẳng ai yêu thích tiết chào cờ cả. Điều đó đã khiến cho nhiều học sinh nảy ra ý định… trốn chào cờ và lâm vào tình huống “dở khóc dở cười” khi bị giám thị phát hiện, ví dụ như giả vờ bảo trực nhật để ở lại lớp, cáo ốm nằm một chỗ hay chui tọt vào nhà vệ sinh.

2. Dò bài miệng

Học bài cũng là một trong những điều “chán ngán” nhất trên đời đối với ai đã từng trải qua thời học sinh. Có nhiều người học thuộc làu làu từ lúc ở nhà, nhưng có những người chỉ khi đến lớp mới lôi sách vở ra đọc lẩm nhẩm, học vội học vàng. Và một điều “tréo ngoe” của việc dò bài miệng đó chính là: Hôm bạn chuẩn bị bài học thật kĩ, mong được dò bài kiếm điểm tốt thì lại không được gọi tên, mà thay vào đó, bạn lại bị gọi lên bảng trả bài đúng vào cái ngày bạn không thuộc bài. Thật trớ trêu!


Ảnh minh họa

3. Làm bài tập về nhà

Đi kèm với học bài để ngày mai kiểm tra miệng thì làm bài tập về nhà cũng là một “nhiệm vụ đau khổ”. Nhiều khi, bạn phải làm hơn cả chục bài tập về nhà, mà bài nào cũng dài, cũng khó, cũng tốn công tốn sức. Trong khi đó, bên cạnh còn có ca nhạc, phim truyện, game và các thể loại giải trí khác cứ mặc sức mà “quyến rũ” bạn làm bạn không thể nào tập trung được và hay tự nhủ: “Thôi lên lớp làm tiếp”. Kết quả là bạn chẳng làm kịp một chữ nào, và bị giáo viên gọi lên bảng kiểm tra vở bài tập. Lúc đó quả thật là chả biết kêu ai.

4. Kiểm tra đột xuất

Đây có thể xem là điều gây “đau tim” nhất cho các học sinh, và mỗi khi nhắc lại những kỉ niệm của tuổi học trò thì không ai không nhớ đến cảm giác “giật thon thót” này. Giáo viên thường rất thích kiểu kiểm tra đột xuất này với nhiều hình thức như 10 phút hay 15 phút, nhằm để kiểm tra học sinh có học bài cũ hay không. Không nói chắc hẳn ai cũng đoán được biểu cảm của học sinh lúc đó “méo mặt” như thế nào.


Ảnh minh họa

5. Bị giám thị ghi tên

Ngoài thầy cô là “nỗi sợ hãi” của nhiều học sinh, thì một “hung thần” nữa cũng có thể khiến học sinh sợ “chết khiếp” đó chính là giám thị. Giám thị là người luôn theo dõi bạn mọi lúc mọi nơi, từ lúc bạn bước vào trường học cho đến giờ ra chơi, giờ ra về, giờ thi, giờ thực hành. Thường thì cách duy nhất mà học sinh thường làm khi bị giám thị bắt gặp đó là năn nỉ cộng với “hối lộ” bằng đồ ăn để các chú, các bác không ghi tên mình vào. Bạn đã bao giờ giật nảy cả mình khi đang “lén lút” làm việc gì đó mà bị giám thị bắt chưa?

6. Đi học trễ

Hiện tượng này thường xảy ra đối với những học sinh phải đi học buổi sáng, và lý do đi trễ đều chỉ quy về một mối: ngủ dậy muộn. Khỏi phải nói, hẳn bạn cũng tưởng tượng ra hình ảnh của mình lúc ngủ dậy muộn và sắp trễ giờ học. Đầu tóc bù xù, không kịp đánh răng, quơ vội mớ sách vở không biết của ngày nào, mặc đồng phục xộc xệch và hộc tốc leo lên xe phóng vèo vèo. Nếu bạn may mắn, bạn sẽ đến kịp giờ đóng cửa. Nếu bạn xui xẻo, bạn sẽ bị giám thị “hỏi thăm” và tệ hơn là “ngồi chễm chệ” trong sổ đầu bài. Đi học muộn quả là một quá khứ “đau thương” mà không ai có thể quên.


Ảnh minh họa

7. Quên đồ ở nhà

Đây là một hậu quả điển hình của tội đi học muộn. Thường thì bạn sẽ chẳng nhớ thêm được gì khi bạn sắp sửa bước ra khỏi nhà để học, và chỉ phát hiện món đồ còn thiếu khi đã yên vị trên ghế nhà trường. Đây không những là phiền toái cho bạn còn là phiền toái cho ba mẹ, anh chị em hay họ hàng của bạn khi họ phải nhận những cú điện thoại không phải để hỏi thăm mà là “A lô, ba/mẹ/anh A/chị B/chú C… hả? Con/em/anh/chị quên đồ XYZ rồi, mang lên trường giúp con/em/anh/chị với!!!”

8. Hạnh kiểm

Thường thì ít học sinh nào chú ý tới việc củng cố hạnh kiểm và thật sự chỉ tập trung khi tổng kết điểm cuối kì và cuối năm học. So với học lực, hạnh kiểm cũng có tầm quan trọng không kém vì nó có thể khiến cho kết quả cả năm học của bạn “đi tong” chỉ vì xếp loại Khá hay Trung bình. Hạnh kiểm cũng là cái mà giáo viên, giám thị, nhà trường hay đem ra để “dọa” học sinh nhất, làm thế này hay thế kia có thể bị hạ hạnh kiểm như chơi.


Ảnh minh họa

9. Điểm thấp

Nếu như bạn không muốn hạnh kiểm mình tệ, thì chắc chắn bạn cũng không muốn bảng điểm học lực mình của mình chỉ lẹt đẹt dưới trung bình. Điểm số có thể xem là một trong những “nỗi ám ảnh” dai dẳng không chỉ của học sinh mà còn cả sinh viên đại học, và trở thành một áp lực khá lớn trong các kì thi. Điểm thấp đồng nghĩa với việc chiếc roi của bố đang chờ bạn ở nhà, mẹ lại bắt đầu cất giọng bài hát “con nhà người ta”. Bị điểm thấp sẽ rất buồn đấy.

10. Ngồi bàn đầu

Đây là vị trí mà học sinh nào cũng muốn né nhất vì nó quá sức thuận lợi để “lọt vào mắt xanh” của giáo viên. Phát bài cũng nhờ bạn bàn đầu. Lau bảng cũng nhờ bạn bàn đầu. Mượn phấn cũng nhờ bạn bàn đầu… Hơn nữa, ngồi bàn đầu lại không được thoải mái nói chuyện, không được ai ngồi trên “che chắn” để ăn quà vặt trong lớp, để ngủ gật hay lật “phao” mà không sợ bị phát hiện. Thường thì những bạn “thấp bé nhẹ cân” sẽ được chỉ định ngồi bàn đầu. Quả là một vị trí “đầy nguy hiểm”.

11. Sổ đầu bài

Cuốn sổ này không khác gì Death Note cả, vì khi tên bạn đã “chễm chệ” ở trong đó, bạn chắc chắn nếu không được “vinh danh” trước toàn trường thì cũng được nhắc đến trong tiết sinh hoạt lớp. Không có một học sinh nào muốn tên mình xuất hiện trong sổ đầu bài, đặc biệt là khi tiết học mình bị ghi tên chỉ được đánh giá B, C mà không phải là A. Có những học sinh cá biệt sẽ chẳng sợ hãi sổ đầu bài, nhưng đối với những cô cậu “thông minh, chăm học, ngoan hiền, cháu ngoan Bác Hồ” thì việc bị tên vào sổ đầu bài là một “vết nhơ” khó rửa trong cuộc đời học sinh của mình.

12.  Thể dục

Chẳng biết từ khi nào, thể dục là một môn học gây “ám ảnh” nhất đối với học sinh, bởi nó cũng có “năng lực kéo điểm” trung bình học kì xuống mức thấp lẹt đẹt khiến bạn “tiếc hùi hụi”, nếu không vì thể dục đã được học sinh giỏi. Thể dục là một môn năng khiếu, không như âm nhạc và họa có thể luyện tập hoặc nhờ “sự trợ giúp của người thân” khi làm bài, thể dục đòi hỏi sức khỏe và phải thực hành “chính chủ”, không có sự giúp đỡ của ai khác. Chính vì thế, nhiều học sinh không có khả năng sẽ không thể nào đạt điểm tốt môn này, vô hình chung ảnh hưởng đến điểm của các môn học khác. Bạn đã bao giờ đau buồn vì mất học sinh giỏi chỉ vì môn thể dục chưa?

Tạm kết

Và vẫn còn rất nhiều nỗi ám ảnh mang tên "đời học sinh" nữa, nhưng có lẽ, chỉ vài ngày nữa thôi, với các cô cậu học trò cuối cấp, tất cả mọi thứ đều sẽ được xếp lại vào quá khứ để chuẩn bị cho một chặng đường mới. Chắc chắn, sẽ có những thứ không thể nào tìm lại được, vậy nên, hãy giữ những kỉ niệm này làm một hành trang vững chắc cho hành trình của mình sau này, và đừng bao giờ quên rằng, "ừ thì, chúng ta đã từng có một thời học sinh đầy kỉ niệm".

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất