Những nét văn hoá thú vị không đổi thay của người Sài Gòn
Afamily -
02/07/2015, 08:55
Suốt từ thế kỷ trước, Sài Gòn đã là một thành phố phát triển năng động, cho đến nay, cuộc sống người dân có nhiều đổi thay nhưng có những nét văn hóa như góc phố, khu chợ, nhà hàng... vẫn không thay đổi nhiều so với trước kia.
Trải qua nhiều thập kỉ, nhưng thật ngạc nhiên Sài Gòn có nhiều điều xưa cũ dường như vẫn còn đó, chỉ là hiển hiện theo cách này hay cách khác mà thôi.
Giao thông ở Sài Gòn từ trước đến nay vẫn nhộn nhịp, đông đúc, nhiều loại xe cộ qua lại.
Ngoài những khu chợ nổi tiếng, trở thành di tích lịch sử của thành phố như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Tân Định... thì Sài Gòn còn nhiều khu chợ khác, vẫn hoạt động cho đến ngày nay. Nằm bên dòng kênh Thi Nghè, khu chợ cùng tên vẫn nhộn nhịp từ sáng đến tối. Ngày nay, chợ Thị Nghè không còn lấn ra tận bờ kênh như trước để "nhường chỗ" cho công viên dọc bờ kênh.
Chợ An Đông (Q.5) là một trong những khu chợ có rất nhiều người Hoa buôn bán bên cạnh người Việt. Ban đầu, chợ được xây đơn giản theo dạng nhà lồng. Hiện nay, khu vực chợ An Đông trở thành cụm chợ lớn với 3 điểm kinh doanh nối tiếp nhau: chợ thực phẩm An Đông, chợ An Đông cũ và An Đông plaza. Vì vậy nên so với nửa thế kỉ trước kia, khu chợ này đã thay đổi khá nhiều về kiến trúc bên ngoài nhưng vẫn rất nhộn nhịp, bán phong phú rất nhiều mặt hàng đặc biệt là các loại quần áo, giày dép.
Sài Gòn cũng có những khu chợ chuyên bán đồ cũ như chợ Nhật Tảo (Q.10). Chợ này ngày xưa thường bán các món đồ điện tử cũ, mới và bây giờ vẫn bán mặt hàng này.
Từ lâu đời, Sài Gòn có một khu phố chuyên bán thuốc bắc và là nơi tập trung đông đúc cộng đồng người Hoa. Xưa kia, người Hoa đến khu vực quận 5, quận 6 ngày nay và hình thành nên chợ Lớn. Khu phồ thuốc bắc ngày nay nằm trên các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông và Triệu Quang Phục. Trong ảnh là đường Triệu Quang Phục trước kia và bây giờ, với những căn nhà cổ bày bán thuốc bắc. Ngày nay, những bảng hiệu ngoài tiếng Hoa còn có kèm theo tiếng Việt.
Ngày xưa hay hiện tại thì Sài Gòn vẫn tồn tại những khu nhà ổ chuột, một mặt trái tất yếu của cuộc sống đô thị. Trước kia, bên dòng kênh Tàu Hủ là nơi tập trung của những người nghèo khổ, họ lập nên những mái nhà tạm bợ. Ngày nay, cũng trên dòng kênh này, đoạn ở quận 8 vẫn còn rất nhiều khu nhà ổ chuột.
Theo nhà văn Sơn Nam tại Sài Gòn khoảng năm 1864, đã thấy xuất hiện hai tiệm cà phê do người Pháp làm chủ. Sau này, trong thời kì chiến tranh, các quán cà phê mọc lên như nấm sau mưa. Và cà phê dần hình thành một dòng chảy văn hóa, bạn tri âm, tri kỷ của bao lớp người Sài Gòn từ xưa đến nay. Từ các quán cà phê sang trọng ở khu trung tâm cho đến cà phê vỉa hè. Người Sài Gòn có thể ngồi hàng giờ đọc báo, nhìn ngắm phố phường, tán gẫu với bạn bè và nhâm nhi giọt cà phê.
Một trong những quán cà phê nổi tiếng Sài Thành hồi ấy là quán Brodard nằm ở góc đường Nguyễn Thiệp - Đồng Khởi (tức đường Tự Do). Ngày ấy, Sài Gòn có 3 quán cà phê nổi tiếng sang trọng được thiết kế theo phong cách Châu Âu là Brodard, Givral và La Pagode. Brodard có phòng cà phê trên lầu ấm cúng và một quầy bar bên dưới. Ba quán trên một thời là trung tâm báo chí của Sài Gòn. Ở đó, những tên tuổi hàng đầu thế giới về báo chí đều từng có thời gian la cà, chờ đợi với những thông tin nóng bỏng nhất của chiến tranh Việt Nam. Ngoài cà phê thì quán Brodard còn bán rất nhiều loại bánh ngọt kiểu Âu Châu nức tiếng. Ngày nay, cả 3 quán trên đều đã không còn, trong đó, quán Brodard tồn tại lâu nhất, đến năm 2012.
Trên đường Đồng Khởi (Tự Do) có một nhà hàng và vũ trường nổi tiếng một thời của Sài Gòn, mang tên Maxim. Nhà hàng được hình thành từ năm 1925, nằm bên canh khách sạn Majestic, là điểm đến của giới thượng lưu, các văn nghệ sĩ Sài Gòn trước kia. Ngày nay, nhà hàng, vũ trường này vẫn tồn tại và là một điểm đến giải trí quen thuộc.
Một điểm giải trí khác của người Sài Gòn từ hàng chục năm trước là rạp hát Hưng Đạo, nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Có một thời cải lương ở Sài Gòn rất được ưa chuộng. Nhiều rạp cải lương mọc lên chẳng thua kém gì các rạp chiếu bóng thời đó. Rạp Hưng Đạo đời năm 1960. Nghệ sĩ cải lương trong các thập niên 60, 70, 80, không có nghệ sĩ nào là không có dịp hát trên sân khấu của rạp hát Hưng Đạo, một rạp hát lớn nhất ở Sài Gòn. Hiện tại rạp đã xây mới thành nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Quán kem Bạch Đằng ỡ ngã tư Lê Lợi Pastuer từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở Sài Gòn, đặc biệt là đối với những người ở trung tâm thành phố và những người yêu thích món kem.
Những hàng quán ven đường, trên vỉa hè đã là nét đặc trưng của Sài Gòn từ xưa đến nay. Và có lẽ sẽ không sai khi ai đó đã cho rằng, nếu vỉa hè Sài Gòn không còn hàng quán thì chất Sài Gòn có thể không vẹn nguyên. Hầu hết, trên vỉa hè Sài Gòn xưa và nay, chỉ cần một xe đẩy nhỏ đã có thể kinh doanh các loại nước giải khát.
Món giải khát phổ thông của người Sài Gòn là nước mía. Từ xưa đến nay, những xe nước mía vẫn bày bán trên các con đường, ngõ hẻm của thành phố.
Chỉ cần 1-2 cái bàn, những quán ăn nhỏ ngay trong chợ, bán các loại bún, mì... đã rất phổ biến trong các khu chợ Sài Gòn.
Những sạp bán thức ăn của người Hoa ở Sài Gòn với đặc trưng là các hoa văn, bức tranh về điển tích xưa... vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Và dù ở thời gian nào đi chăng nữa, những gánh hàng rong bán các loại quà bánh cũng là một phần trong đời sống người Sài Gòn.
Xe xích lô chở khách trên phố Sài Gòn ngày ấy, hiện tại.
Ở các con kênh lớn của Sài Gòn như Tàu Hủ, Bến Nghé... vẫn nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền.
Những sạp bán báo hiện tại của người Sài Gòn không khác biệt nhiều so với trước kia.
Ở nhiều nơi của Sài Gòn đều có miếu của người Hoa. Trong ảnh là miếu Bà Thiện Hậu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Video được xem nhiều nhất
Bình luận