Những hội chứng của "cư dân" Facebook

Tiin - 10/08/2015, 10:24

Trong thế giới phẳng không biên giới, hiệu ứng đám đông lan truyền nhanh và mãnh liệt hơn cả, mang theo những điều tốt - xấu.

Xã hội phát triển hình thành nên thế giới ảo phản chiếu đời thực. Ở đó, con người gắn kết với nhau dễ dàng hơn, mỗi cá nhân có thể thỏa sức thể hiện bản thân của mình. Và cũng không ở đâu có thể tập hợp một đám đông có tiềng nói và hành động nhanh bằng mạng xã hội.
 

Hội chứng tình thương

Một cụ bà 80 tuổi tần tảo mỗi ngày bán được vài phần bún thịt nướng lấy tiền nuôi con, bỗng dưng một ngày bà cụ bán được hơn trăm hộp chỉ nhờ vào sự chia sẻ tình thương từ cộng đồng mạng.

Hàng tấn dưa hấu “ế” tưởng phải đổ cho trâu ăn nhanh chóng được giải cứu, cứu luôn cả đồng vốn của người nông dân Quảng Nam bởi những nhóm người hùng bước ra từ thế giới ảo.

Một chú chó với chiếc mõm hoại tử chờ chết may mắn được cứu sống, một lần nữa sự thần kỳ lại đến từ những lượt chia sẻ (share) trên mạng xã hội.

Mạng xã hội sản sinh ra những đám đông manh động

Chú chó này được giải cứu nhờ đám đông tình thương trên thế giới ảo.

Một nhóm người bị lay động bởi tình thương, mà mỗi cá nhân sẵn sàng giúp một phần tiền của, công sức chỉ để “cứu” một cái gì đó chẳng liên quan đến bản thân mình. Đó là biểu tượng của sự chia sẻ vốn luôn tồn tại trong xã hội, lớn hơn đó là sự đoàn kết, gắn bó của một cộng đồng.

Thế nhưng số lượng những điều tốt đẹp từ việc lan tỏa tình thương ấy không nhiều. Bởi không ít sự việc, khi tình thương thực sự được đề cao thì cũng bắt đầu sinh ra những “hội chứng đám đông tình thương”. Đó là khi bạn sẵn sàng share những lời kêu gọi từ thiện, nhấn nút like để giúp đỡ người khó khăn như là một phản ứng vô điều kiện mà không cần biết thông tin đó có chính xác không. Cứ thế, đám đông mang hội chứng tình thương nhanh chóng trở thành miếng mồi ngon dễ bị lợi dụng dùng để câu like, câu share và thả trôi luôn cả lòng tin của con người.

Những hành động tốt đẹp có lẽ sẽ không xảy ra hoặc xảy ra rất chậm nếu không có mạng xã hội. Tuy nhiên nếu con người chỉ thương yêu nhau bằng like và share thì cuộc sống cũng không có điều tốt đẹp.

Hội chứng giận dữ

Tuy nhiên ở khía cạnh khác, thế giới ảo khiến con người sống gấp gáp với loạt cảm xúc nhanh như "điện xẹt". Những bà mẹ vừa nhẹ nhàng thay bỉm cho con đã nhanh chóng trở nên đầy giận dữ trong dòng tâm thư status gửi cho ngôi sao hàng đầu nước Mỹ, để phản đối sự xuất hiện của ngôi sao khác đến từ Việt Nam trong một sự kiện.

Một đám đông trẻ tuổi hơn thì đang hào hứng bình phẩm về một đoạn clip ghi lại cảnh cãi nhau giữa một cô giáo và học sinh ở Hà Nội. Trong cơn giận dữ, cô giáo đã thốt lên những lời nặng nề với học viên của mình. Dù có phần mất kiểm soát bản thân nhưng cô giáo trẻ cũng ý thức rằng mình là sinh ra dưới một cung hoàng đạo mãnh mẽ và gai góc.

Mạng xã hội sản sinh ra những đám đông manh động

Cô giáo cung Bọ Cạp gây ra nhiều giận dữ cho cư dân facebook.

Hai câu chuyện xảy ra gần đây có điểm chung là đều xuất phát từ một cá nhân ở đời thực đối chọi với một đám đông ở thế giới ảo. Dĩ nhiên, mỗi đám đông đều có lý lẽ biện minh cho sự bức xúc của mình nhưng chung quy là do cá nhân kia đã vi phạm tiêu chuẩn được đặt ra bởi số đông. 

Sự giận dữ nhanh chóng lan rộng trong thế giới phẳng không biên giới. Đám đông giận dữ sẽ có hành động rất cụ thể (dù là trên internet) như “ném đá” và thậm chí là “kết án” dựa trên những gì mình nhìn, nghe thấy. Trong “hội chứng đám đông giận dữ” đó thì chẳng ai có thể minh mẫn nhìn nhận sự việc khách quan và giải quyết một cách hệ thống hơn. Những “bản án” được kết luận nhanh, gọn chỉ sau vài phím bấm có thể làm thỏa lòng đám đông nhưng không giải quyết được vấn đề thực tại.

Hội chứng manh động

Vào tháng 5 vừa qua, cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng đã bắt gọn một tốp 50 xe máy tụ tập nẹt pô. 100 quái xế vốn không quen biết gì nhau nhưng cùng tụ tập đua xe chỉ vì một lời thách thức vô thưởng vô phạt trên facebook. Lý do cho vấn đề này chỉ có thể là hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội.

Một cô hot girl với hơn 84.000 lượt theo dõi chê một cô hot girl khác vì tội sở hữu khuôn mặt vuông. Không chịu thua kém, cô hotgirl “mặt vuông” với 44.000 lượt theo dõi đã đáp trả bằng một đoạn clip dài. Cứ như thế mà tổng cộng 128 ngàn người có cơ hội theo dõi hoặc cùng tham gia cuộc đấu khẩu của 2 cô hot girl trên mạng xã hội.

Quay clip, gõ chữ mãi không xong, 2 cô gái tuổi 18 đành hẹn nhau ra con phố đi bộ để "nói chuyện". Cuộc hẹn tưởng chừng riêng tư này lại lôi kéo thêm một ngàn bạn trẻ khác gọi là đi hóng hớt, cổ vũ. Hùng hỗ là vậy nhưng khi bị lực lượng an ninh bắt giữ, 2 cô hotgirl lại khóc như mưa và ngậm ngùi chấp nhận chịu phạt, hòa giải để về với bố mẹ.

Mạng xã hội sản sinh ra những đám đông manh động

Hàng ngàn bạn trẻ kéo nhau đi xem 2 cô gái đánh nhau.

Vậy mới thấy rằng một người manh động có thể kéo theo đám đông manh động. Hòa giữa một đám đông manh động có thể khiến một cá nhân vốn “hiền như mèo” bỗng trở thành “hổ báo”. Bên cạnh đó, sự việc phản ánh một bộ phận các bạn trẻ chìm đắm vào thế giới mạng, quan tâm những sự việc gây sốc và đánh mất giá trị sống khi cổ vũ cho hành động của hai cô hotgirl ảo.

Như mọi sự việc trong cuộc sống, tâm lý đám đông luôn có hai mặt tốt - xấu phân biệt. Con người chắc chắn sẽ cảm thấy an toàn khi đứng vào một đám đông nhất định. Trong thời đại mạng xã hội, nếu không thể có tiếng nói cho riêng mình thì mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ nên học cách lựa chọn một đám đông dựa trên kiến thức và lập trường riêng của bản thân.

Thế nhưng nếu hùa theo đám đông để thả mình theo xu hướng, để cộng hưởng sự căm ghét theo người khác mà thiếu tìm hiểu, kiểm chứng, không biết đúng sai thì mỗi đám đông chỉ thể hiện một phần kém văn minh của xã hội.

 

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất