Những đáp án gây tranh cãi của Bộ GD&ĐT

Zing - 07/07/2015, 13:34

Không chỉ diễn ra với môn thi Vật lý vừa qua, việc sai sót hoặc tranh luận về đề thi, đáp án của Bộ GD&ĐT tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học từng nhiều lần xuất hiện.

2015: “Tặng không thí sinh 0,2 điểm môn Vật lý

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chính thức các môn thi THPT, nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề bài câu điện xoay chiều trong đề thi môn Vật lý có sai sót.

Chiều 6/7, Bộ GD&ĐT phát đi thông cáo về đề thi Vật lý gây tranh cãi, thừa nhận câu 44 mã đề thi 274 (tương ứng câu 43 mã 138; câu 50 mã 426; câu 41 mã 841; câu 43 mã 682, câu 43 mã 935), các dữ kiện của câu hỏi đúng về mặt Toán học mà chưa đủ ý nghĩa Vật lý.

Bộ GD&ĐT cho biết, để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng ra đề thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2015 quyết định giữ nguyên đáp án và hướng dẫn chấm môn Vật lý; riêng đối với câu 44 mã đề thi 274 (tương ứng câu 43 mã đề thi 138, câu 50 mã đề thi 426, câu 41 mã đề thi 841, câu 43 mã đề thi 682, câu 43 mã đề thi 935), tất cả các thí sinh đều được 0,2 điểm; thang điểm các câu còn lại không thay đổi, điểm tối đa toàn bài thi môn Vật lý vẫn là 10 điểm.

Những đáp án gây tranh cãi của Bộ GD&ĐT

Thí sinh thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.

2013: Hướng dẫn chấm Ngữ văn tốt nghiệp gây tranh cãi

Hướng dẫn chấm môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2013 của Bộ GD&ĐT (về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An) có nhiều điểm gây tranh cãi.

Cụ thể: Giới thiệu hiện tượng Nguyễn Văn Nam (0,5 điểm); 

Phân tích: Cảm phục trước hành động quên mình cứu người của Nguyễn Văn Nam. Đây là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập (0,5 điểm).

Hành động này thể hiện tấm lòng nhân ái của một nhân cách đặc biệt; một phẩm chất đạo đức cao đẹp đã được tu dưỡng, học tập, rèn luyện từ môi trường giáo dục tốt của gia đình, nhà trường và truyền thống quê hương… (0,5 điểm).

Bình luận: Việc làm của Nguyễn Văn Nam là một nghĩa cử cao đẹp, dũng cảm phi thường, song không phải cá biệt. Hành động này còn giàu ý nghĩa tích cực trong bối cảnh cuộc sống hiện tại (0,5 điểm).

Phê phán lối sống ích kỉ, vô cảm, đề cao ý thức nuôi dưỡng điều thiện và tính thiện (0,5 điểm).

Liên hệ bản thân: Học tập theo tấm gương Nguyễn Văn Nam,… (0,5 điểm).

Bộ GD&ĐT lưu ý các giám khảo, nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lý thì vẫn được chấp nhận. Nếu thí sinh "có kỹ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa" và “Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”.

Hướng dẫn này đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng, khi không nói rõ thế nào là những suy nghĩ tiêu cực. Những học sinh quan niệm cứu người cần lượng sức mình liệu có phải tiêu cực hay không?

2012: Tranh luận nhiều môn dính lỗi

Kỳ thi “ba chung” năm 2012, đáp án môn Toán đại học khối A được phản ánh bị thiếu. Cụ thể, một số ý kiến nêu, câu 8b của đề Toán, cả 3 đáp số khác nhau đều đúng.

Tuy nhiên, trong hướng dẫn chấm thi, Bộ GD&ĐT ghi rõ: “Nếu có câu, ý nào mà thí sinh có cách giải khác so với đáp án nhưng vẫn đúng thì cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm” nên không có việc điều chỉnh đáp án.

Cùng năm này, đề thi Toán Cao đẳng cũng có sự tranh cãi giữa đề và đáp án khiến thí sinh mất điểm oan. PGS Văn Như Cương cho biết: “Đề và đáp án đều không sai nhưng câu hỏi làm cho thí sinh có thể hiểu nhầm”.

Đáp án môn Sinh học (thi đại học), câu 28 đề 731 được cho là chưa chặt chẽ, có thể tìm ra 2 câu trả lời. Theo cách hiểu thông thường, thí sinh đưa ra một kết quả, nhưng những thí sinh học ở các trường chuyên có thể giải ra kết quả khác. Rất nhiều học sinh giỏi đã lúng túng trước câu hỏi này.

Ngoài ra, một số người cũng đặt ra nghi vấn đáp án môn Tiếng Anh khối D chưa chính xác, đề bị lỗi, thiếu khoa học.

Với đáp án đề thi môn Lịch sử, nhiều ý kiến cũng nêu nghi vấn sai sót, và nếu hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh và linh hoạt trong quá trình chấm, rất nhiều thí sinh sẽ mất từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm của bài làm.

Sau đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh đáp án câu 4.a đề thi đại học môn này.

2011: Lịch sử, Vật lý gây tranh cãi

Câu IV.a Phần riêng của đề thi Lịch sử đại học năm 2011 yêu cầu thí sinh trình bày “Khái quát quá trình hình thành và phát triển của tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh từ năm 1951 đến năm 2000".

Sự không rõ ràng của câu hỏi khiến nhiều thí sinh băn khoăn trong việc xác định tổ chức nào là tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh. Theo các chuyên gia, câu hỏi trên có 2 cách tiếp cận (Liên minh châu Âu - EU và Liên Hợp Quốc - UN).

Trong đáp án do Bộ GD&ĐT công bố, tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh là EU. Tuy nhiên, đáp án không hề đưa ra giải thích tại sao và dựa vào tiêu chí nào để xác định. Trong khi đó, đây chính là yếu tố mang tính quyết định để trả lời câu hỏi trên.

Mặt khác, đáp án sẽ không phân hóa được thí sinh chỉ chọn theo cảm tính và thí sinh thực sự hiểu, phân tích đề bài.

Về môn Vật lý tốt nghiệp THPT năm 2011, câu 13 mã đề 642 có hỏi: “Khi nghiên cứu quang phổ của các chất, chất nào dưới đây khi bị nung nóng đến nhiệt độ cao thì không phát ra quang phổ liên tục? A. Chất khí ở áp suất lớn. B.Chất khí ở áp suất thấp. C. Chất lỏng. D. Chất rắn”.

Đáp án của Bộ GD&ĐT đưa ra là B. 

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định, cả 4 đáp án mà Bộ GD&ĐT đưa ra đều không đúng với thực tế.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất