Những con số chỉ dẫn ở hẻm 334 Chu Văn An khiến nhiều người ngơ ngác. Mỗi nhà có ít nhất 3 loại số nhà, 2 tên đường cả cũ lẫn mới lúc Chu Văn An, khi lại Nơ Trang Long, 4 suyệt tương đương với 4 con hẻm.
Sài Gòn với những con đường dài thăm thẳm, những phố xá nhộn nhịp suốt ngày đêm và đặc biệt là những con hẻm nhỏ như "mê cung" khiến nhiều người bị lạc, một số ít còn cho rằng việc đi trong những hẻm nhỏ như một thách thức cho chính mình.
Ngoài những con đường lớn với đèn, hoa rực rỡ, người Sài Gòn vẫn sống khiêm tốn phía trong những con hẻm nhỏ, nơi mà họ cho rằng vào thì dễ mà ra thì khó. Bởi những con hẻm này có nhiều đoạn cua gấp bất ngờ, nếu không cẩn thận quan sát, không thông thuộc địa hình thì dễ bị mất phương hướng, đi lạc sang các quận lân cận lúc nào không hay.
Đó là những con hẻm ngắn, mỗi hẻm có khoảng trên dưới 20 ngôi nhà, người dân ở đây cũng rất dễ phát hiện ra người lạ. Thấy người mới ngơ ngác nhìn trước ngó sau, người dân tại hẻm sẽ tự ra chỉ đường vì... nhìn mặt là biết đi lạc rồi.
Nhiều con hẻm nhỏ trên đường Hồng Lạc (Q. Tân Bình) được người dân đánh số nhà trước hẻm, hoặc sẽ ghi ngay trên bờ tường chữ "hẻm cụt" để thông báo... từ xa cho những ai muốn vào, vì là hẻm nhỏ, quay đầu xe rất khó.
Những ngôi nhà bên trong có diện tích vừa, hoặc nhỏ nên người dân đã tận dụng không gian của con hẻm làm bậc tam cấp, từ đó điểm cuối cùng để rẽ xe cũng là lúc người điều khiển phải khom sát người xuống mới chạy qua được.
Tuy nhiên, những con hẻm này nếu so với các con hẻm tại quận Bình Thạnh thì vẫn không đáng là gì. Được biết, chỉ riêng khu vực đường Chu Văn An với hơn 600 hộ dân đã có gần 70 con hẻm lớn nhỏ khác nhau, thông ra những quận lân cận. Nếu bạn không đủ kiên nhẫn hỏi người dân thì xác định bạn sẽ đi thành một vòng tròn lớn, hoặc lay hoay mãi trong "bẫy mê cung" này.
Theo ông Phạm Bá Thoại (SN 1957, ngụ Bình Thạnh, sống ở khu vực này hơn 20 năm), cho biết: "Tại đây có gần 60 con hẻm lớn nhỏ, trong đó có 3 con hẻm chính. Hẻm chính có bề ngang từ 2 - 3m, còn lại là những con hẻm "li ti" chiều ngang từ 1m trở xuống. Có những con hẻm tạo thành lối rẽ ra các quận khác mà nếu ai đến đây dưới chục lần đều sẽ bị lạc. Tuy nhiên, có một cách để mọi người có thể ra các đường chính, cứ nhìn lên đường dây điện chính mà chạy theo thì không còn sợ bị lạc nữa. Nếu không sẽ lạc vào những ngõ cụt, sẽ thụt lùi trở ra nếu gặp ngay ngõ cụt có chiều ngang tầm 60 tấc".
Vào con hẻm 334 Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP. HCM, ngoài tìm đường đi, tìm nhà cũng không phải chuyện đơn giản, phần nhà có ít nhất là hai suyệt, có nơi lên bốn suyệt kèm theo số nhà mới hay cũ, khi đường Nơ Trang Long, lúc lại Chu Văn An. Bất kỳ ai muốn tìm đến một trong những ngôi nhà trong hẻm nàu cũng không khỏi... lao đao. Qua nhiều lần chỉnh sửa nên mỗi nhà đều có ít nhất 3 loại số nhà, 2 tên đường, cả cũ lẫn mới. Người dân thì quen sửa dụng số cũ nên vẫn để cả hai bảng.
Nhưng thường họ sẽ cho địa chỉ người tìm nhà theo bảng phía dưới, tức 4 số sau 4 suyệt, đều này có nghĩa để tìm được nhà thì khách đến phải rẽ vào 4 hẻm. Theo kinh nghiệm của người dân, nếu lạc đường thì người đến nên nhìn vào đường dây điện chính, rồi theo đường dây điện này ra đường lớn, rồi...gọi điện thoại cho người nhà ra rước.
Ngay cả những người chuyên giao hàng vẫn khó có thể tìm được. Anh Đức Huy (người giao hàng) cho biết: "Thường giao hàng tôi sợ nhất là đi vào các con hẻm, tìm nhà rất khó khăn, có khi tìm từ 10 đến 20 phút. Đoạn đường này là đoạn dễ tìm, nhưng phải mất đến hơn 10 phút mới có thể giao hàng".
Nếu lần đầu tiên đến đây, người tìm nhà nên hỏi đường trước, vì tại những nơi được cho là ngõ cụt vẫn có thể nhìn thấy từ 2 đến 3 con hẻm nhỏ khác.
Nếu đi lạc vào nơi chỉ vừa cho một chiếc xe chạy, muốn trở ra thì cách duy nhất là phải... đi lùi.
Nhiều gia đình có khoảng sân rộng, họ tận dụng lợi thế này để cho các xe vào quay đầu. Với mỗi lượt xe đi lạc đến quay đầu thì sẽ trả phí là 2.000 đồng/xe. Bà Phan Hồng Mến cho biết: "Vì nhà là ngõ cụt, mà xe cứ tới rồi xin chạy ra, chạy vào rất phiền, thậm chí có xe gầm thấp mà bể cả khoảng sân nhà tôi. Vì vậy tôi lấy 2.000 đồng/xe khi vào sân nhà tôi để đi ra là quá rẻ".
Hẻm nhỏ, diện tích những ngôi nhà ở đây cũng không lớn hơn nên nhiều gia đình đã tận dụng không gian trên cao. Vì thế ban công các ngôi nhà rất khít, thậm chí là chạm vào nhau.
Điều thú vị là tại khu vực này còn có những con hẻm chỉ vừa cho một người đi vào, còn xe máy, xin mời gửi bên ngoài.
Hẻm nhỏ, nhiều lối rẽ nên sẽ là một nơi thuận lợi cho những kẻ thông thuộc địa hình đến trộm cắp. Vì vậy trẻ em không những không có nơi để chơi đùa mà thậm chí phải giam mình suốt ngày trong ngôi nhà đóng kín cửa
2 xe máy đi ngược chiều gặp nhau, thì chủ phương tiện chỉ biết nhìn nhau mà cười trừ.
Một con hẻm trên đường Nơ Trang Long, khi có hai xe đi ngược chiều nhau, thì hai chủ phương tiện chỉ biết... cười trừ. Theo anh Nguyễn Tiến Dũng (nhà cuối hẻm) thì: "Trước đây tại khu vực này được gọi là xóm nhà lá, vì đó là tập hợp những ngôi nhà nhỏ, tạm bợ bằng vách lá. Thế nhưng theo thòi gian, nhiều người đến mua đất xây nhà, dần lấn qua các con đường, tạo nên những hẻm nhỏ chằng chịt. Nhà tôi ở cuối hẻm rất bất tiện, lúc xây nhà phải dùng xe đẩy từng chút vật liệu, xây xong muốn mua vật dụng phải chọn loại có thể lắp ráp mới mang vào trong được. Không thì phải đo đồ dùng đó có chiều ngang nhỏ hơn con hẻm này".
Cũng theo anh Dũng, với những con hẻm chật hẹp nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn thì phải "bỏ của chạy lấy người" nhưng nếu chạy sai đường, thì cũng là một hành động nguy hiểm. Vì vậy anh luôn dặn dò các con anh nếu xảy ra bất kỳ tai nạn nào cũng phải nhanh chóng chạy ra đường và hô hoán cho bà con đến giúp.
Nhiều người sống ở những con hẻm này, lâu ngày lại thành quen, không muốn rời đi nữa.
Thế nhưng vì điều kiện kinh tế eo hẹp, người dân chấp nhận sống khiêm tốn trong những con hẻm này. Theo họ, ban đầu còn bỡ ngỡ khó đi, thế nhưng ở lâu riết thành quen, và cũng đã gắn bó với không gian yên bình nơi đây nên không muốn rời đi.
Nếu một ngày bạn cảm thấy chán ghét các con phố náo nhiệt, đầy xe cộ qua lại, và dường như trong bạn không còn cảm thấy có điều gì mới mẻ tại Sài Gòn hoa lệ, hãy thử một lần tự mình đạp xe khám phá những con hẻm "mê cung" này để tăng thêm sự thú vị và trải nghiệm mới về "bí ẩn" phía cuối mỗi lối đi.
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Video được xem nhiều nhất
Bình luận