Hiểu được hành vi vứt rác không đúng nơi quy định thể hiện ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, gây ảnh hưởng không tốt đến mĩ quan đô thị và những người xung quanh... thế nhưng, không hiểu sao, rất nhiều người vẫn giữ cho mình thói quen tiện đâu vứt đấy.
Vứt rác bừa bãi - Thói quen xấu mà ai cũng ghét
Nhắc đến chuyện vứt rác bữa bãi, không ít người phải lắc đầu ngán ngẩm vì ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người trong số chúng ta vẫn còn rất thấp. Câu chuyện liên quan đến nạn xả rác bừa bãi đã không còn mới lạ, thậm chí là chuyện mà ai cũng biết.
Chứng kiến cảnh người đi đường nhìn thấy thùng rác ngay cạnh nhưng vẫn cố tình vứt vương vãi ra đường, người đi xe máy, ô tô tiện tay ném rác lung tung hay cảnh ai đó hút thuốc lá chưa kịp dập lửa đã vứt ngay xuống vỉa hè... nhiều người không khỏi cảm thấy khó chịu. Có người thậm chí còn thoáng nhìn đối tượng xả rác không đúng nơi quy định bằng ánh mắt không mấy thiện cảm. Nếu được hỏi, hầu hết mọi người đều nói rằng, nạn vứt rác bừa bãi là một thói quen xấu, cần được loại bỏ.
Viện đẫn lý do thiếu nơi bỏ rác, nhiều người vô tư mang những túi rác lớn đổ ra giữa lòng đường. Ảnh VTV Huế.
Những cung đường hiện đại ngổn ngang rác thải bên lề đường. Ảnh: Sài gòn giải phóng.
Thậm chí, ngay cả đường dành cho tàu hỏa cũng ngập ngụa rác thải. Ảnh: Vietnam Streetlife Photography
"Mình nghĩ đó là một thói quen rất xấu. Mỗi lần nhìn thấy hiện tượng này mình cũng cảm thấy rất bức xúc nhưng cũng không biết làm thế nào. Thậm chí không chỉ người trẻ mới xả rác bừa bãi mà ngay cả các bác lớn tuổi cũng xả rác bậy bạ nên mình cũng không dám nhắc nhở hay tỏ thái độ, chỉ lẳng lặng đi nhặt những túi rác các bác ấy vừa vứt lung tung, bỏ vào đúng nơi quy định" - Vân Anh (sinh viên trường ĐH Quốc tế Thăng Long) cho biết.
Theo lời Vân Anh kể, bản thân cô cũng từng nhiều lần tham gia vào các đội tình nguyện dọn rác sau dịp lễ lớn. Dù đã nhiều lần vận động, tuyên truyền, kêu gọi mọi người không vứt rác lung tung nhưng theo 9X này, ý thức của mọi người vẫn không hề thay đổi.
"Có một điều mình thấy rất lạ là cứ sau dịp nghỉ lễ, sự kiện lớn nào đó là cả Hà Nội lại như bị ngập trong... rác. Đến sau cùng lại là sinh viên tình nguyện và các cô, chú lao công tất tả đi dọn trong khi đám đông chẳng ai thèm quan tâm. Như hôm 2/9 vừa rồi, mình có tham gia dọn rác ở cung đường Nguyễn Thái Học nên mình hiểu các lao công đã vất vả cỡ nào. Sau khi đoàn diễu binh đi qua, bọn mình còn phải đứng lại dọn thêm gần 2 tiếng nữa thì cung đường ấy mới sạch sẽ tinh tươm" - Vân Anh nói thêm.
Sau một ngày dài, khi đêm đến, người lao công lại miệt mài dọn rác thải do người dân vứt bừa bãi. Ảnh Vietnam Streetlife Photography.
Và khi rác đã tập kết về bãi, vẫn có những người phải miệt mài phân loại chúng trước khi tiến hành xử lý. Ảnh: Vietnam Streetlife Photography.
Cùng chung suy nghĩ này, Nguyễn Đức Thọ (sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi lần nhìn thấy ai đó vứt rác sai nơi quy định là mình lại cảm thấy khá tức tối và khó chịu nhưng điều đáng nói nhất là mình không biết làm gì hơn, chỉ biết tự đi nhặt lại rác thải họ vứt bỏ vào thùng rác gần nhất".
Chàng sinh viên trẻ này cho biết, rất nhiều lần cậu tham gia vào các đội tình nguyện tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, ngăn chặn hành vi xả rác bừa bãi nhưng những chiến dịch ấy không phải lúc nào cũng nhận được sự quan tâm của mọi người. "Ngay cả những lời kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, mĩ quan đô thị mình viết trên mạng xã hội cũng phải hứng chịu rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Điều đó khiến mình cảm giác như tất cả mọi người nhận thức về tác hại của nạn vứt rác bừa bãi một cách rất hời hợt", Thọ nói bằng giọng bức xúc.
Phải chăng câu chuyện về văn hóa xả rác sẽ vẫn còn rất dài?
Biết rằng vứt rác bữa bãi là hành vi thiếu lịch sử, gây ảnh hưởng xấu và cần được loại bỏ, thế nhưng, không phải ai cũng kịp nghĩ đến những điều "lớn lao" ấy mỗi khi tiện tay vứt rác ra đường. Có chăng, lúc đó họ chỉ nghĩ đến việc làm sao để thoát khỏi mớ rác đang cầm trên tay. Vấn nạn này, vì thế vẫn cứ kéo dài nhiều năm liền, bất chấp những khung hình xử phạt của pháp luật và sự phản đối của dư luận.
"Mình rất hiểu về tác hại của nạn vứt rác bừa bãi nhưng cũng có đôi lần bị nhỡ tay. Không phải vì ý thức kém mà là vì đi mãi cũng chẳng thấy thùng rác nào để bỏ vào" - Hoàng Linh (sinh viên trường Cao Đẳng Thương mại Du lịch) tâm sự.
Không chỉ có mình Linh, rất nhiều người khác cũng viện dẫn lý do các điểm bỏ rác của TP vẫn chưa được phân bố hợp lý để thanh minh cho hành vi vứt rác bừa bãi. "Nhiều khi cũng không muốn vứt bừa bãi đâu nhưng thực sự là đi mỏi chân cũng không thấy chỗ nào đúng nơi quy định cả nên mình đành vứt tạm ra đường và mình đảm bảo, chuyện đó lặp lại không hề nhiều", N.T. Chi (sinh viên Học viện Ngân hàng) khẳng định.
Nhiều người đi xe ô tô "sang chảnh" nhưng vẫn tiện tay vứt rác ra đường - (Ảnh: Internet).
Ngoài lý do này, nhiều người còn cho biết, đôi khi họ xả rác bừa bãi vì ảnh hưởng của hiệu ứng đám đông. "Ví dụ nhiều khi đi xem pháo hoa xong, khi thấy rất nhiều người vô tư xả rác, rác đã chất thành đống nên những người đến sau cũng vứt theo. Có thể đó là do hiệu ứng đám đông chứ không hẳn ý thức của họ không tốt vì nếu tất cả đều nghiêm túc, không ai xả rác bừa bãi thì người đến sau, khắc nhìn người đến trước mà làm theo", anh Minh (Hoàn Kiếm - Hà Nội) chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, việc vứt rác bừa bãi tồn tại dai dẳng một phần vì chưa có hình thức xử phạt thích đáng. "Thực sự là nhiều khi nhìn thấy ai đó vứt rác lung tung mình cũng chỉ đành lực bất tòng tâm. Sợ nhắc họ rồi có khi tự rước họa vào thân nhưng mình thiết nghĩ, luật pháp và các cơ quan chức năng cần có biện pháp gì đó, xử phạt mạnh tay hành vi này thì mọi người mới nêu cao ý thức bảo vệ môi trường được" - Nguyễn Đức Thọ nói thêm.
Vấn đề chủ yếu nằm ở ý thức
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lê Kế Sơn, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Việc xả rác bừa bãi ở Việt Nam đang là chuyện khá phổ biến cả ở thành thị và nông thôn. Đây là một câu chuyện buồn. Lý do đầu tiên phải nói đến là tính tự giác của nhiều người chưa tốt, hay nói thẳng ra là văn hóa môi trường còn thấp kém. Điều này không chỉ là xả rác bừa bãi mà còn thói quen không xếp hàng, chen lấn, nói to nơi công cộng...".
PGS. Sơn phân tích, hiện nay, luật pháp về bảo vệ môi trường đã quy định khá rõ về việc cấm xả rác bừa bãi, quy định về thu gom rác thải, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, kể cả việc kiểm tra, xử phạt hành vi này. Tuy nhiên, việc thực thi lại vô cùng khó khi người xả rác bừa bãi quá nhiều, ở khắp mọi nơi, nhưng người có trách nhiêm thi hành công vụ quản lý môi trường, xử phạt các hành vi vi phạm lại quá ít.
"Vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc này không phải là xử phạt mà là nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của người dân. Nếu chỉ dùng đến những thông báo qua loa phường, qua các bảng tin, qua các cuộc hội họp, sách, báo thì rất ít hiệu quả. Điều quan trọng nhất là giáo dục ở hệ thống các nhà trường, ngay từ các lớp mẫu giáo. Phải dạy cho các cháu hiểu, xả rác bừa bãi là việc làm đáng xấu hổ, và hình thành ý thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, để thay đổi thói quen vứt rác cần bắt đầu từ việc giáo dục nhận thức nhận thức cho lứa tuổi nhỏ nhất trong xã hội. Ảnh: Vietnam Streetlife Photography.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đôi khi sẽ đạt hiệu quả rất tốt thông qua những hành động nhỏ chứ không phải là những chiến dịch tuyên truyền rầm rộ. "Tôi đã gặp những người già ở Nhật Bản cầm trong tay một chiếc túi và một cái kẹp lặng lẽ đi trên đường phố nhặt rác bỏ vào túi. Ở Việt Nam mình, hình ảnh này cũng đã từng diễn ra. Ví dụ như hình ảnh một người Nhật đã lặng lẽ nhặt rác ở quanh Hồ Hoàn Kiếm... hay ông Tây đi nhặt rác ở Đà Nẵng... Những hình ảnh ấy có giá trị nhắc nhở rất nhiều những người khác về hành vi xả rác. Chính quyền cần khuyến khích và tổ chức những việc làm như thế. Chúng ta có nhiều tổ chức chính trị, xã hội và chúng ta có điều kiện để làm những việc như thế. Hãy bắt đầu từ những việc thiết thực trước khi bàn đến những chuyện xa xôi", ông Sơn đưa ra lời khuyên.
Đồng tình với quan niệm này, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Viện trưởng Viện môi trường và Phát triển bền vững cho biết: "Nguyên nhân của việc vứt rác bừa bãi chủ yếu là do ý thức của người dân nên muốn xóa bỏ, phải bắt đầu từ điểm nút này. Bản thân tôi làm việc trong lĩnh vực môi trường và cũng đã nghiên cứu về nhiều khung xử phạt nhưng cuối cùng vẫn nhận thấy rằng, việc xử phạt thường gặp khó khăn và khó thực hiện hơn là biện pháp giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân".
Vứt rác là thói quen rất xấu, nó là một tệ nạn. Thế nhưng để dẹp bỏ e vẫn là một câu chuyện dài khi vấn đề này thuộc về trình độ văn hóa, ý thức của người dân. Chừng nào phải toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường, khi mà chỉ cần ai đó tiện tay vứt rác ra đường là bị mọi người kì thị, ghét bỏ thì khi ấy, đường phố Việt Nam sẽ tuyệt nhiên không còn rác vứt ngổn ngang sai quy định.
Nghị định 179/2013 của Chính phủ về xử phạt các hành vi vi phạm về môi trường thay thế Nghị định 23/2009, có hiệu lực ngày 30/12/2013 quy định rõ về các khung xử phạt hành chính liên quan đến việc vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn lấp, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẫu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại Điểm d Khoản này;
c) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
d) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị;
đ) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thu gom rác thải sinh hoạt không đúng quy định về bảo vệ môi trường.
|
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Video được xem nhiều nhất
Bình luận