Nhiều người Việt đang quá dễ dãi với chính mình

Zing - 26/02/2016, 15:42

Chuyện người đàn ông đi vệ sinh giữa đường gây khó chịu cho nhiều người. Song đây không phải hành vi duy nhất phản ánh lối sống thiếu văn hóa của một bộ phận dân Việt.

Vừa qua, Facebook Xuân Phạm đăng tải hình ảnh một người đàn ông mặc trang phục chỉnh tề, bước xuống từ xe hơi  trong khi dừng đèn đỏ. Dù ở nơi công cộng, người này vẫn không ngần ngại đứng tè bậy.

Sau khi đăng tải, bức hình thu hút hàng nghìn lượt like và 1.500 chia sẻ. Theo tác giả ảnh, anh bắt gặp khoảnh khắc này khi di chuyển qua ngã tư Huỳnh Thúc Kháng cắt Láng Hạ, Hà Nội.

Hình ảnh người đàn ông đi vệ sinh giữa đường gây khó chịu. Ảnh: FB Xuân Phạm.

Rất nhiều ý kiến của dân mạng lên án hành động thiếu văn hóa của người trong tấm ảnh. Thành viên Thanh Hải bình luận: “Không hiểu anh ta nghĩ gì mà có thể hành động như vậy nhỉ? Nhìn người đi bậy ở vỉa hè đã không ưa, đây còn đứng giữa đường!”.

"Không biết anh ta có say không nhưng điều này có lẽ nên đánh giá về ý thức trước. Nhìn mất cả hình ảnh của người Việt Nam" - Xuân Mai viết.

Còn rất nhiều hành vi thiếu văn hóa

Trước những ý kiến trái chiều, tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (công tác tại Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP HCM) nhận định, bất cứ ai nhìn vào hành động của người đàn ông trên cũng thấy đó là hành động thiếu văn hóa.

Trong bối cảnh như vậy, với cách ăn mặc lịch sự, người đàn ông này dù vô tình hay hữu ý cũng đã để lại hình ảnh xấu, không chỉ cho bản thân anh ta, mà còn ảnh hưởng tới đoạn đường, khu phố đó.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - trưởng khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP HCM - cũng cho rằng, hành động của nhân vật chính trong bức ảnh thực sự đáng chê trách.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không riêng trường hợp của người đàn ông nói trên, hiện còn rất nhiều dân Việt có hành vi công cộng không chuẩn mực.

Những hành vi thiếu văn hóa như vứt rác, nhổ nước miếng, chửi bậy nơi công cộng... hay sự việc nhiều thanh niên gây gổ, đánh nhau trong các lễ hội đầu năm như báo chí đưa tin gần đây đều đáng lên án.

Bên cạnh đó, một số hành động ôm, hôn, thể hiện tình cảm quá đà, hay ăn mặc thiếu vải khi ra đường của các bạn trẻ cũng đang là vấn đề khá nhức nhối trong vài năm trở lại đây.

Ý thức còn hạn chế

Về vấn đề vứt rác, đi vệ sinh không đúng nơi quy định, TS Bùi Hồng Quân cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hành động này.

Xét về yếu tố khách quan, trong khi các nước phát triển thường chú trọng tới việc trang bị thùng rác, nhà vệ sinh công cộng ở khắp nơi, tại Việt Nam, điều này còn khá hiếm.

Còn theo chủ quan, yếu tố giáo dục và văn hóa cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Hành động của mỗi người phần nào phản ánh trình độ học vấn của họ. Chưa kể một số có học thức cao, nhưng vẫn vô tình làm mất hình ảnh của mình khi không kiềm chế hành vi trong các ứng xử.

và chưa tuân thủ những chuẩn mực để tạo ra hình ảnh văn minh tương xứng với sự phát triển của xã hội.

"Văn hóa Việt Nam khởi nguồn từ truyền thống làng xã. Thực chất, giáo dục mới chỉ phát triển trong vài chục năm trở lại đây nên sẽ tác động mạnh hơn vào lớp trẻ. Bởi vậy, với những người lớn tuổi, đổi thay tư tưởng là điều thực sự khó" - tiến sĩ phân tích.

Bởi vậy, bên cạnh việc quốc gia cần có những định chuẩn hành vi được thực hiện bằng cách thức giáo dục, mỗi người cũng nên tự ý thức và dung hòa bản thân với thực tiễn cuộc sống.

Cần phạt nghiêm từ những vi phạm nhỏ

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, hiện nay, việc giáo dục những hành vi công cộng đã được nhắc tới, nhưng chưa thực hiện bài bản và liên tục.

Trong khi đó, tình hình xã hội mở, tiếp thu những luồng văn hóa giao thoa đan xen với quy chuẩn văn hóa xã hội quen thuộc và truyền thống làm cho con người, ứng xử trở nên phức tạp.

Đồng thời, những người trẻ cá tính, hoặc có thể có vấn đề về hành vi, vô tình thiếu kiểm soát bản thân đã đẩy mình vào diễn tiến của hành vi xấu. Cái xấu dễ tác động đến người trẻ và người thiếu bản lĩnh. Vì thế, phê bình, xử phạt nghiêm túc là điều cần làm.

Xét ở góc độ pháp luật, có thể xem xét và quy hành vi này về những vi phạm nếu có để răn đe... Nếu chưa có tiền lệ, hay chưa đủ cơ sở, chúng ta nên quyết chí xây dựng xã hội văn minh và tốt hơn đúng nghĩa.

Theo tiến sĩ Quân, có một khoảng cách khá lớn khi hướng tới những tác phong chuẩn mực, hành động tử tế. Nhiều hành vi thuộc về thói quen của người dân.

"Dù cuộc sống cải thiện về vật chất, những thói quen đó cũng rất khó thay đổi nên một số vẫn có hành vi chưa đẹp như chúng ta vẫn thấy. Với những người có độ tuổi nhất định, thay đổi sẽ rất khó.

Cho nên, để làm được điều này, mỗi người cần tự trang bị cho mình sự giáo dục căn bản. Các quy định cũng cần được thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh hơn.

Hãy làm thật nghiêm những quy định đó để hạn chế tối đa hành vi chưa đẹp. Hãy bắt đầu từ câu chuyện giáo dục để có một tương lai trẻ thực hiện hành động quy chuẩn hơn” - ông nói.

Liên quan đến sự việc trên, đội CSGT số 3 Công an Hà Nội cho biết, đã xác minh thông tin về chủ chiếc xe dừng đèn đỏ tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ để đi vệ sinh ngay trên lòng đường. Việc xử phạt sẽ tuân theo quy định của pháp luật.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất