Người mẹ ung thư máu từ chối điều trị để sinh con
Mắc bệnh ung thư máu khi mang thai ở tuần thứ 27, Nông Thị Hảo (sinh năm 1986, Hà Nam) từ chối điều trị để sinh con khỏe mạnh. Nhưng, em bé ra đời lại thiếu máu trầm trọng.
"Mọi người ơi, hãy dành thời gian đọc chia sẻ này. Mẹ bị ung thư máu vẫn cố sinh con - một trường hợp giống thiếu uý Trâm vừa qua đời tháng vừa rồi. Cháu bé được sinh ra ở khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai, được đặt tên là Dương Ngọc Lâm. Đến nay, bé đã 3 tuần tuổi. Mẹ bé, chị Nông Thị Hảo, phát hiện mình bị ung thư máu khi mang thai tuần 27 và đã rất cố gắng để sinh cháu.
Bé Lâm hiện ở khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Mẹ cháu đang ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, khoa Hóa chất. Hiện tại, con bị thiếu máu trầm trọng. Bác sĩ cũng không biết sau này con có bị ảnh hưởng gì không".
Đó là thông tin về bệnh nhân Nông Thị Hảo, người mẹ mắc ung thư máu từ chối chữa trị với mong muốn con được sống khỏe mạnh, được nhiều diễn đàn dành cho giới trẻ liên tục chia sẻ nhiều ngày nay.
Cũng theo chia sẻ trên, gia cảnh của người mẹ ở quê rất khó khăn lại neo người. Hai mẹ con nằm viện ở hai đầu thành phố nên người nhà cứ phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi.
Chị Nông Thị Hảo, người mẹ ung thư từ chối điều trị để sinh con vẫn chưa được gặp mặt con. Ảnh: Ngân Giang |
Chiến đấu với bệnh tật giành sự sống cho con
Chia sẻ với Zing.vn, anh Nông Văn Hoàng, em trai chị Hảo cho biết, từ khi bé Ngọc Lâm ra đời, chị vẫn chưa được gặp con do sức khỏe yếu.
"Chị tôi bị xuất huyết dưới da, vết mổ sau sinh chưa lành hẳn nên không cử động được. Thêm các hạch mọc dày đặc hai bên cổ gây khó thở. Chưa kể đường từ đây tới Bệnh viện Bạch Mai xa nên mẹ vẫn chưa được nhìn thấy bé".
Anh Hoàng ngậm ngùi nói, khi mang thai bé Lâm đến tuần 27, gia đình thấy thai phụ không tăng cân, luôn miệng kêu mệt, các vết thương trên cơ thể chảy máu lâu lành, liền đưa chị đến bệnh viện huyện khám.
"Giây phút bác sĩ thông báo chị bị ung thư máu, gia đình tôi rất bàng hoàng. Kể từ lúc đó, sức khỏe chị yếu dần, các bác sĩ gợi ý bỏ con để điều trị hóa chất. Chị tôi khóc suốt. Cả nhà vừa thương, vừa không hiểu sao chị gái tôi phải chịu căn bệnh quái ác này".
Từ chối lời đề nghị bỏ thai để cứu sống mình, chỉ 3 tuần sau khi phát hiện bệnh, sức chịu đựng của cơ thể người mẹ đã đến giới hạn. Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phải mổ để cứu con.
"Mình đã chuẩn bị kỹ tinh thần, cố gắng chiến đấu và mạnh mẽ để sinh con ra khỏe mạnh. Từ ngày mổ xong, mình không cử động được vì đau. Mọi hoạt động phải nhờ em trai", chị Hảo vừa nói, vừa nắm chặt bàn tay để cầm cự với nỗi đau đang dày vò cơ thể.
Bé Ngọc Lâm được bà ngoại chăm sóc. Ảnh: Facebook Nhữ Thị Thảo. |
Người mẹ trẻ mong được gặp con
Anh Dương Ngọc Tùng, chồng chị Hảo cho biết, gia đình rất khó khăn. Cha mẹ mất sớm, anh không có anh chị em. Bố chị Hảo cũng qua đời đã lâu. Vợ chồng anh ở với mẹ vợ đã lớn tuổi. Người em vợ đi làm xa nhà, nghe tin chị gái mắc bệnh liền bỏ công việc lên Hà Nội chăm sóc.
"Hàng ngày, Hoàng chăm sóc vợ tôi ở viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tôi và mẹ vợ ở Bệnh viện Bạch Mai chăm con. Khoảng cách giữa hai viện quá xa. Chi phí ở thành phố đắt đỏ, muốn đi từ viện này sang viện kia cũng mất cả trăm nghìn tiền xe. Còn tiền phòng, tiền thuốc, tiền ăn hàng ngày, trăm ngàn thứ phí mà gia đình không lo nổi".
Anh Tùng kể, giây phút bé Ngọc Lâm sinh ra được 1,8 kg, các bác sĩ đã thông báo con bị thiếu máu trầm trọng. Bé phải truyền lập tức một lượng máu lớn, khiến sức khỏe càng yếu hơn.
"Những ngày đầu mới nằm lồng kính, con bé xíu, phải chạy máy thở liên tục, không ăn được gì, cơ thể tụt cân, khắp người cắm đầy các đầu kim tiêm và dây dợ máy móc, tôi từng nghĩ đến điều xấu nhất", người cha lo lắng nói.
May mắn thay, dường như biết được sự hy sinh của mẹ dành cho mình, sau 3 tuần, sức khỏe của con đã khá hơn. Đến nay, Ngọc Lâm thỉnh thoảng được ra khỏi lồng kính để gia đình bế ẵm.
Sau khi phẫu thuật lấy thai, chị Hảo dần tỉnh và được đưa vào điều trị tích cực. Bác sĩ và y tá Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đang cố hết sức giúp chị phục hồi sức khỏe để bắt đầu điều trị ung thư.
"Hiện ở cổ Hảo vẫn có những cục hạch to nên không thể điều trị bằng xạ trị ngay. Biết vợ và con đau đớn, người làm chồng, làm cha không giúp được gì khiến tôi rất đau khổ", người chồng có vợ mắc bệnh ung thư không nén nổi giọt nước mắt.
Anh Tùng cũng cho biết, từ ngày hoàn cảnh gia đình được đưa lên mạng xã hội, nhiều người không quen đã tài trợ tiền mặt, quần áo và sữa cho bé.
Về phần chị Hảo, mong muốn duy nhất của người mẹ hiện nay là được nhìn thấy con.
"Mình muốn một lần được gặp con. Ảnh của con cũng không có vì mọi người bảo con nhỏ quá, kiêng không được chụp ảnh. Tình hình bé thế nào gia đình cũng giấu không cho mình biết để tránh xúc động. Bé sinh ra chưa một lần được hít hơi mẹ, mình cũng chưa được chạm vào con", thai phụ trẻ lặng lẽ nói.
Cuối tháng 7 vừa qua, cộng đồng mạng cũng chia sẻ một trường hợp thai phụ mắc ung thư từ chối điều trị để nhường sự sống cho con. Thiếu úy công an Đậu Thị Huyền Trâm (sinh năm 1991, Hà Tĩnh) phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối khi đang mang thai con đầu lòng. Chị bị tràn khí màng phổi, hạch dày đặc hai bên cổ, chỉ có thể ngồi 24/24 giờ, song từ chối điều trị với mong muốn con được sống, chào đời.
Ca mổ bắt con của người mẹ trẻ được các bác sĩ đánh giá là "hy hữu" vì bệnh nhân phải ngồi, có hai y tá đỡ hai bên lưng, bệnh nhân không thể gây mê, không tiêm thuốc an thần, chỉ gây tê tủy sống, bác sĩ phải cúi ngang bàn để mổ lấy thai.
Bé Gấu, con của Huyền Trâm, khi sinh ra chỉ nặng 1,2 kg. Hiện nay, con đã ăn tốt hơn, có thể tự thở, sức khỏe tiến triển tốt.
Video được xem nhiều nhất