Người cha đơn độc nuôi 2con bại não: Khao khát lắm tiếng gọi "ba ơi"
Vừa làm bố vừa phải đóng vai trò làm mẹ để nuôi dưỡng hai người con bị bại não, những vất vả tưởng chừng đã khiến người đàn ông ấy buông xuôi thế nhưng tình cha con thiêng liêng vẫn luôn níu anh ở lại
Con đường Liên ấp 1-2-3 ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh ngoằn ngoèo đến khó chịu trong cái nắng oi ả giữa mùa hè Sài Gòn. Hai bên đường là các nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động hết công suất với mùi nhựa, gỗ, mùi vật liệu bao trùm lên các ngôi nhà lợp tôn an phận nằm cạnh các nhà máy này.
Trong căn nhà với bốn bề được lợp mái tôn nóng bức, ba cha con anh Nghị hàng ngày vẫn quây quần cùng nhau như thế. |
Và căn nhà được dựng bằng các tấm tôn của anh Đặng Hữu Nghị (SN 1977, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng phải chịu cái mùi khét lẹt đó xộc vào nhà mình như thế.
Căn nhà đơn sơ là chỗ trú ngụ của 3 con người, một người cha có gương mặt khắc khổ, mái tóc bết dính vào vầng trán đẫm mồ hôi, miệt mài chạy theo hai đứa con trai của mình, những đứa con mà vợ chồng anh Nghị đứt ruột đẻ ra nhưng bị người đời gọi là những con khỉ phá phách, là người ngoài hành tinh!
"Bình tĩnh con ơi... Đừng nóng!"
Cả hai đứa con trai của anh Nghị đều mắc chứng bệnh bại não bẩm sinh, trí tuệ không phát triển, dù bé trai lớn đã 12 tuổi, bé nhỏ 10 tuổi nhưng ý thức của các em vẫn chỉ như đứa trẻ 1 tuổi. Không nói được, không suy nghĩ được, thế nên các em rất dễ nóng giận. Mỗi lần muốn điều gì các em lại la hét, đập phá và không nghe lời ai.
Mỗi khi các con nghịch phá, anh lại ôm hai đứa vào lòng vỗ về. Anh vỗ về những đứa trẻ đã hơn 10 tuổi như đang âu yếm những đứa trẻ 1,2 tuổi. |
"Thằng lớn nóng tính hơn, cứ tức lên là nó đập phá nhà, nó tự đánh mình, rồi đánh em nó, đánh luôn cả bố!" - anh Nghị kể về tính cách thất thường của đứa con trai mình bằng một giọng nói điềm tĩnh như thể những điều đó đã quá quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của anh và các con.
"Mình không thể đối xử với các con như những đứa trẻ bình thường được vì các con không có khả năng nhận biết. Nhưng nuôi con thì phải chấp nhận hết tất cả..." - anh Nghị ôm đứa con vào lòng, cẩn thận cho con uống sữa và nói.
Mỗi khi bị con đánh, anh chỉ biết dùng tay đỡ và nói: Đừng nóng con ơi, đừng nóng! |
Một ngày phải nhận không biết bao nhiều cú đánh, tát của con giáng xuống, lẽ ra người phải tức giận, nóng nảy sẽ là người cha vô vọng kia, thế nhưng dù đau thế nào, cực khổ thế nào, anh Nghị vẫn luôn nói rất nhỏ nhẹ với các con. "Con ơi đừng nóng, đừng nóng...!" - Nghe mà thương lắm.
Nhớ lại những tháng ngày đau khổ trong quá khứ, anh Nghị tâm sự: "Sau bao ngày chờ đợi, con trai đầu lòng của vợ chồng tôi cũng ra đời. Thế nhưng trái với niềm hạnh phúc vô biên của bậc cha mẹ, vợ chồng tôi chỉ biết ôm nhau khóc khi nhìn con sinh ra không được bình thường. Thậm chí bác sĩ hộ sinh lúc đó còn nói, sao bé giống... người ngoài hành tinh thế?".
Đặng Hữu Toàn (SN 2004) - con trai lớn của anh Nghị bị mắc chứng bại não bẩm sinh, vì thế bé không phát triển bình thường, đồng thời sức khỏe cũng yếu hơn những đứa trẻ khác. Vợ chồng anh Nghị thường xuyên phải đưa bé vào bệnh viện để điều trị nhưng không mấy khả quan.
Đặt hết hy vọng vào Đặng Hữu Tùng (SN 2007) - đứa con thứ hai, vợ chồng anh Nghị một lần nữa lại khóc hết nước mắt khi người con thứ hai cũng mắc phải căn bệnh quái ác ấy. Những dằn vặt, đau đớn, rồi cả những khó khăn về kinh tế đẩy gia đình anh vào bế tắc.
Cả hai người con của anh Nghị sinh ra đều mắc chứng bại não bẩm sinh khiến các em không phát triển như trẻ em bình thường. |
Một hôm, vợ anh nói với anh rằng: "Tôi sống với anh đến đây xem như hết tình hết nghĩa, tôi không thể nào tiếp tục cuộc sống này nữa". Và rồi vợ anh dẫn Tùng ra đi. Tuyệt vọng chồng chất tuyệt vọng, anh Nghị một mình chở bé Toàn từ Huế đi vào Kiên Giang để sống và quên đi quá khứ đau buồn.
Vợ anh đã bỏ đi để lại anh một mình nuôi hai đứa con thơ. |
"Tôi đi lang thang để quên đi tất cả đau đớn của cuộc đời" - anh Nghị nói. Không lâu sau đó, vợ anh cũng chán nản mà giao luôn đứa con út cho anh nuôi, buộc anh phải trở lại Sài Gòn để nuôi dưỡng hai con.
"Những ngày tháng đó thật sự rất khó khăn, có lúc tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ hai con, đưa vào Trung tâm nào đó cho người ta nuôi. Nhưng tụi nhỏ không ý thức được, tôi đã thử vài lần thì thấy các con bị đánh mắng nặng nề do không nghe lời. Nguy hiểm lắm, nên thôi, để đấy, tôi nuôi được...!"
Có những lúc nói con không nghe, sự chán nản khiến người cha đơn thân buồn tủi. Anh tâm sự: "Người ta thường tìm đến rượu để giải sầu. Còn với tôi, càng uống say lại càng tỉnh rồi lại càng đau. Thay vì thế, mỗi lần buồn bã tôi lại khóc thật lớn hay mở nhạc thật to rồi nhảy thả trôi hết những muộn phiền".
Khao khát lắm tiếng gọi: "Ba ơi!"
Đều đặn mỗi ngày ba cha con anh Nghị ra đường từ 4h chiều để đi bán kéo. Chiếc xe tự chế giúp người cha đưa hai đứa con dại đi khắp nẻo đường ở Sài Gòn để mưu sinh. Người mua thì ít mà người cho thì nhiều. Ít ai có thể cầm lòng được trước hoàn cảnh đặc biệt của ba cha con.
Chiếc xe đẩy mà anh Nghị tự chế để đưa con đi trên những bước đường mưu sinh. |
Có lúc 8h đêm là ba cha con lại trở về nhà, nhưng cũng có lúc bán đến tận khuya. Đêm về cũng là lúc mà người đàn ông này phải đối mặt với những nỗi buồn không tên. Anh nghẹn ngào tâm sự: "Tôi luôn khao khát được nghe các con gọi hai tiếng "Ba ơi!", nhưng sao khó quá!".
Dừng giây lát rồi anh nói tiếp: "Nhưng tôi chưa bao giờ hết hy vọng. Tôi sẽ tiếp tục đưa các con đi chữa bệnh để một ngày nào đó các con có thể nói chuyện được. Tôi luôn tin là mình sẽ làm được, tôi luôn tin như thế!".
Người cha nào cũng mong ước con mình sau này lớn lên thành tài, trở thành niềm tự hào với xã hội. Thế nhưng với anh Nghị, ước mơ lớn nhất đời cuộc đời anh bây giờ là được nghe con gọi hai tiếng "Ba ơi!" cũng đã quá đỗi xa vời.
Những chông gai vẫn còn rất nhiều phía trước, nhưng mong rằng tình yêu của anh dành cho các con sẽ giúp ba cha con vượt qua những sóng gió. |
Ước mơ lớn nhất đời cuộc đời anh bây giờ là được nghe con gọi hai tiếng "Ba ơi!" |
Những chông gai vẫn còn rất nhiều phía trước, nhưng mong rằng tình yêu của anh dành cho các con sẽ giúp ba cha con vượt qua những sóng gió. Tôi vẫn luôn tin vào phép màu của sự yêu thương.
Theo Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất