Nghĩa trang dành cho chó, mèo độc nhất ở Hà Nội

Kênh 14 - 28/03/2016, 09:11

Từ một hốc đất chôn cất chú chó thân yêu, giờ đây, khu nghĩa trang khách sạn thú cưng (Trương Định, Hai bà Trưng, Hà Nội) của ông Nguyễn Bảo Sinh (SN 1940) đã trở thành nơi an nghỉ của gần 2.000 thú nuôi trong nhà.

 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bảo Sinh - chủ nhân khu nghĩa trang dành cho thú cưng độc nhất ở Hà Nội.

Câu chuyện về chú chó "hốt bạc" và tình nghĩa sâu nặng của người chủ

Người ta nói "nghĩa tử là nghĩa tận" và người đàn ông sinh năm 1940 này luôn tin rằng, tình yêu bao dung nhất chính là yêu ngay cả khi những thứ mình yêu đã không còn tồn tại. Ông Sinh thường nói, đó chính là lý do lớn nhất khiến ông xây dựng khu nghĩa trang dành cho thú cưng.

 - Ảnh 2.

Những chú chó, mèo sau khi hỏa táng thì được đặt di ảnh, bát nhang ở trong các ngăn xây hình hốc tủ cũng giống các công viên nghĩa trang của con người.

 - Ảnh 3.

Toàn bộ khu vực này, ông Sinh gọi tên là "Chùa tề động vật ngã", nghĩa là nơi mà mọi sinh linh đều được đối xử bình đẳng.

Những người không yêu quý chó, mèo thì nghĩ việc xây dựng nghĩa trang cho chúng là việc làm lãng phí tiền bạc, thời gian. Thế nhưng ông Sinh lại nghĩ khác. Ở thành phố này, việc nuôi nấng, chăm sóc một vật nuôi bất kỳ không phải là chuyện quá khó khăn nhưng khi chúng mất đi, để tìm được nơi chôn cất lại không hề dễ dàng.

 - Ảnh 4.

Khu nghĩa trang được ông Sinh xây dựng rất công phu. Các nấm mồ được dựng quanh một hồ nước có tượng phật Bồ tát.

 - Ảnh 5.

Chúng nằm san sát nhau đến độ chỉ một 1m đã có gần chục bia mộ.

 - Ảnh 6.

 

 - Ảnh 7.

Mỗi mộ đều có bia ảnh ghi tên, ngày sinh, ngày mất của vật nuôi và một bát nhang. Xen kẽ các ngôi mộ là nhiều loại hoa thật, giả đan cài.

"Chẳng lẽ lại vứt vào sọt rác hay đem quăng xuống sông, người thực lòng yêu thú cưng làm sao có thể nhẫn tâm làm thế. Nếu là chôn tạm đâu đó thì liệu có thể đến thăm nom thường xuyên? Thế những người yêu thú cưng, khi vật nuôi của họ mất đi, họ phải làm thế nào? Tôi cứ trăn trở với câu hỏi nhức nhối ấy mãi và rồi tôi quyết định xây dựng khu nghĩa trang này", ông Sinh nói.

 - Ảnh 8.

Ông Sinh tự tay chăm sóc, dọn dẹp khu nghĩa trang của mình.

Ông Sinh kể, xác thú cưng được chôn cất đầu tiên tại đây chính là chú chó Ami - người bạn của ông Sinh. "Đó là giống Becgie Đức, rất đẹp. Năm 1975, tôi đã mua nó bằng cả một cây vàng".

Chú chó đáng tiền ấy đã mang đến cả cơ nghiệp cho ông Sinh. "Lúc đó chó ngoại nhập rất quý. Một tháng, chú chó ấy nhờ việc phối giống với các con chó cái khác, đem lại cho tôi cả cây vàng". Ami cũng là một chú chó rất thông minh, trung thành và bảo vệ chủ tốt. Vì thế, khi nó mất đi, ông Sinh đã đem chôn cất trong vườn nhà.

"Sau này khi xây nghĩa trang, tôi đặt bia mộ Ami ở chính giữa và gọi là mộ tổ. Ami cũng là lý do khiến tôi nghĩ mình cần xây nghĩa trang cho thú cưng vì tôi nghĩ, rất nhiều người có tình yêu động vật giống như mình".

Những câu chuyện xúc động về tình yêu động vật qua lời kể của người chủ nghĩa trang

Giá dịch vụ chôn cất địa táng dành cho thú cưng dao động từ 7 đến 8 triệu, hỏa táng rẻ hơn, khoảng 3-4 triệu đồng. Số tiền này là trọn gói cho tất cả các chi phí đặt bia mộ và công chăm sóc, trông coi nghĩa trang.

Mỗi thú cưng khi mang đến đây an táng đều được chôn cất theo ngày, giờ tốt lành mà chủ yêu cầu. Ngoài ra, các vật nuôi sẽ được thực hiện lễ cầu siêu trước hoặc sau khi an táng. Các chú chó, mèo này cũng được cúng tuần rằm, mùng một, cúng đầy tuần, 49, 100 ngày...

"Riêng rằm tháng 7, tiết thanh minh năm nào tôi cũng làm đại lễ cầu an cho tất cả các vong linh chó, mèo ở nghĩa trang", ông Sinh nói. Trên các nấm mộ sẽ luôn được thắp hương, hoa và các thức ăn chay đầy đủ. Riêng thức ăn mặn mà vật nuôi yêu thích khi còn sống thường sẽ do chủ nhân của chúng mang đến cúng.

 - Ảnh 9.

Ông Sinh làm lễ cầu siêu cho một chú chó sau khi đã an táng.

Ông Sinh nói, những người mang chó, mèo đến đây an táng thường có điều kiện tài chính. Vì thế, thiên hạ không ít lời rèm pha, cho rằng họ chỉ là "phú quý sinh lễ nghĩa" còn ông Sinh là người vẽ việc kiếm lời. "Nhưng mình sống thế nào thì tự tâm mình biết. Tôi xây khu nghĩa này từ năm 2000, chứng kiến bao người chủ đến đây an táng thú cưng thì tôi hiểu rõ lắm".

Theo lời ông, có những người, khi bạn bè mình mất đi cũng chưa chắc khóc trọn một ngày. "Thế nhưng ở đây, tôi từng chứng kiến không ít người khóc vật vã, quên ăn cả tuần khi mất đi thú cưng. Khi đó, tôi lại phải đứng ra giải thích, an ủi họ, nói với họ rằng, vật nuôi khi mất đi sẽ đến với thế giới tốt đẹp hơn, được luân hồi đầu thai để họ vơi bớt nỗi buồn".

 - Ảnh 10.

Ngoài việc trông coi nghĩa trang và khách sạn dành cho thú cưng, ông Sinh còn làm thơ và nghiên cứu về thiền và đạo phật, viết sách Á kinh dành cho chó, mèo.

Có nhiều người chủ, đem chó, mèo đến đây an táng và thường xuyên thăm nom. "Có người cứ đi lại như thế cả chục năm rồi. Dù đã nuôi chú chó, mèo khác nhưng họ cũng vẫn không quên người bạn cũ", ông Sinh nói. Ở khu nghĩa trang này, lúc nào cũng có người ra vào. "Có cậu thanh niên, mỗi lúc buồn bã lại chạy bộ từ nhà ra đây, ngồi trước nấm mộ của chú chó mình nuôi tâm sự chán thì lại về".

Có lần, một cô gái đem chú chó của mình đến nghĩa trang của ông Sinh hỏa táng. Mọi thủ tục làm xong xuôi, chuẩn bị đưa chú chó vào đài hóa thân thì bố cô ấy đến, lôi xác về quăng ra sông Hồng. "Cô gái kia không làm thế nào được, chỉ biết khóc và sau đó, tôi nghe nhiều người nói là cô ấy giận bố đến mức bỏ nhà đi. Có người cũng gặp phải cảnh như cô kia còn nhảy sông tự tử, may mà người nhà tóm được tay, lôi lên".

 - Ảnh 11.

"Có những người, họ yêu thương động vật thật tâm nên đừng nghĩ, đó chỉ là trò con trẻ hay là chuyện phú quý sinh lễ nghĩa", ông Sinh chia sẻ.

Ông Sinh nhớ rất rõ có một lần 6 sinh viên nhặt được xác mèo chết trên rìa đường. Họ mang đến nghĩa trang, nhờ ông Sinh chôn cất hộ. "Khi đó 6 người góp lại mới có 500.000 đồng, không đủ tiền an táng. Tôi thấy họ có lòng tốt nên đã an táng giúp miễn phí. Làm nghề này trước là vì cái tâm, đâu phải chỉ biết đến tiền bạc".

Theo ông Sinh, chuyện yêu thương thú cưng là hết sức nhân văn. Cá nhân ông luôn nghĩ rằng, nếu giáo dục một người yêu động vật thì ngoài ý nghĩa là trân trọng vật nuôi, nó còn gián tiếp giáo dục tình yêu thương con người.

"Đến con vật mình còn đối xử tốt được thì tại sao lại không đối xử tốt với mọi người xung quanh được. Tôi thấy những người đưa chó, mèo đến đây an táng đều là người có trái tim nhân hậu, sống phúc đức và cái tình của họ làm tôi thấy thêm tin yêu hơn vào cuộc sống này", ông Sinh nói thêm.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất