Ngã ngửa trước những sự thật khó tin của “hơi thở bốc mùi”
Kênh 14 -
23/06/2015, 08:55
Bạn có tin, mùi hôi miệng có mùi gần giống trứng thối hay càng sử dụng nước súc miệng - hơi thở của bạn càng hôi hơn?
Hôi miệng là một tình trạng không hề hiếm gặp và có thể bắt gặp ở bất kì ai, bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên để có thể thoát khỏi nỗi sợ “hơi thở bốc mùi”, hơn bao giờ hết, ta cần phải hiểu rõ về nguồn gốc của nó.
Những sự thật khoa học dưới đây hẳn khiến bạn ngã ngửa về hơi thở không được thơm tho đó của mình.
1. Bệnh hôi miệng thường xuất hiện do sự mất cân bằng của vi khuẩn
Bệnh hôi miệng mãn tính thường xuất phát từ quá trình hình thành vi khuẩn trong miệng. Tiến sĩ Steven Fox, người đã từng là giảng viên nha khoa của khoa Y trường Harvard cho biết, nguyên nhân của hơi thở có mùi là sự tồn tại quá nhiều vi khuẩn kỵ khí trong mồm.
Một vài những nguyên nhân khác được kể đến là bệnh nướu răng, trào ngược dạ dày, tiểu đường, viêm amidan hoặc một số vấn đề về răng miệng nữa.
2. Có hôi miệng tự nhiên và hôi miệng “nhân tạo”
Tiến sĩ Matthew Messina - phát ngôn viên của Viện Nha Khoa Hoa Kỳ (ADA) cho biết, có hai loại nguyên nhân gây nên tình trạng hơi thở có mùi.
Đầu tiên là hôi miệng gây ra bởi các yếu tố vị cay và nồng lưu lại trong miệng và phổi của chúng ta sau khi ta ăn những thực phẩm có mùi nồng như tỏi và hành tây.
Nguyên nhân thứ hai là do vi khuẩn nằm trong miệng bạn, căn bệnh gây ra do vi khuẩn này mới chính thức được gọi là chứng hôi miệng. Loại này có thể được “giải quyết” tại nhà hoặc cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ tùy theo mức độ nặng của bệnh.
3. Nạn nhân thường không thể tự ý thức được mùi hơi thở của mình
Theo tiến sĩ Messina, những người hôi miệng thường không tự ý thức được việc này. Đó là do mũi - miệng có chung một “gốc” và chúng thông nhau.
Chính vì vậy mùi hôi miệng của mình đối với bạn sẽ là hoàn toàn bình thường. Bạn sẽ không nhận thức được nó vì mũi đã bị “vô hiệu hóa” trước mùi này rồi.
Vậy nên theo các chuyên gia thì dù có vẻ thô lỗ nhưng việc bạn nói với một người rằng họ bị hôi miệng lại thực sự là một điều nên làm.
4. Mùi hôi đó thực tế là mùi sulfur
Khi vi khuẩn kỵ khí phân hủy thức ăn trong miệng, chúng sẽ thải ra một loại khí đó là hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSCs) mà chủ yếu có mùi… thối.
Mùi lưu huỳnh này được so sánh với “trứng thối” hay gia súc chính bởi mùi thối kinh khủng của nó. Đây chính là tác nhân khiến hơi thở bạn trở nên “không thể chịu đựng được”.
5. Thiếu nước bọt khiến bạn bị hôi miệng
Nước bọt giúp làm sạch miệng bằng cách mang theo những hạt thực phẩm và vi khuẩn. Đối với hầu hết chúng ta, nước bọt chứa những chất có thể kiểm soát các hợp chất lưu huỳnh và từ đó trung hòa mùi hôi mà nó tạo ra.
Vì vậy, nếu nước bọt của bạn có vấn đề, bạn cũng có thể bị hôi miệng. Khi tuyến nước bọt gặp trục trặc hoặc do cách bạn thở làm cho miệng bị khô, nước bọt tiết ra không đủ sẽ khiến cho mùi hôi xuất hiện. Giải pháp được các chuyên gia khuyên là chúng ta cần uống nước thường xuyên và giữ cho miệng luôn ẩm.
6. Nước súc miệng thậm chí có thể khiến mọi thứ tệ hơn
Nước súc miệng thường là giải pháp nhiều người tìm đến để giải quyết tạm thời vấn đề về hơi thở. Tuy nhiên, nước súc miệng chỉ giúp bạn cảm thấy dễ chịu trong một khoản thời gian nhất định.
Thậm chí, nếu trong nước súc miệng có chứa cồn thì dù miệng bạn có thể “thơm” trong vòng 30’ nhưng cuối cùng chất cồn cũng sẽ làm khô miệng và tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi phát triển.
7. Cách loại bỏ mùi hôi là tiêu diệt những con vi khuẩn trốn trong miệng
Do các vi khuẩn kỵ khí chính là nguyên nhân gây nên mùi hôi nên biện pháp tốt nhất là diệt trừ chúng. Theo Messina thì những con vi khuẩn này thường thích ẩn náu trong những nơi mà ta khó động đến: thường là ở giữa răng hay các khe kẽ của lưỡi.
Vì vậy nên khi vệ sinh răng miệng cần sử dụng chỉ nha khoa và bàn chải đánh răng để quét sạch những ngóc ngách của miệng đặc biệt là các lỗ hổng ở miễng, chỗ sâu răng hoặc niềng răng.
Nguồn: BuzzFeed, Wikipedia
Video được xem nhiều nhất
Bình luận