Mùa ôn thi khắc nghiệt của sĩ tử Trung Quốc

Zing - 04/06/2015, 14:56

Gaokao - kỳ thi đại học ở Trung Quốc - được đánh giá khắc nghiệt hàng đầu thế giới. Nó khiến học sinh ôn thi hơn 15 tiếng/ngày và là nguyên nhân chính dẫn đến tự tử ở thanh niên.

Nam sinh gục xuống bàn sau những giờ ôn thi căng thẳng. Để chuẩn bị cho Gaokao - kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc - học sinh phải học tập vất vả, chịu áp lực lớn từ phụ huynh và nhà trường. Nhiều trường học bị chỉ trích đang đào tạo người máy khi buộc các em phải học hơn 15 tiếng mỗi ngày. Ảnh: Reuters.

 

Học sinh trong một trường trung học ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, tích cực ôn luyện, chuẩn bị cho mùa tuyển sinh của các trường đại học. Không chỉ ôn thi tập trung trên trường, họ còn thức suốt đêm để học tại ký túc xá. Ảnh: Reuters.

 

Học sinh trong một trường học ở tỉnh Hồ Nam, tập trung học tập trong thư viện. Vào những ngày cận kề kỳ thi, không khí ôn thi căng thẳng bao trùm các trường trung học trên cả nước. Ảnh: Xinhua.

 

Cũng như các trường học trên cả nước, một trường trung học ở thành phố Cát Thủy, tỉnh Giang Tây, tổ chức ôn tập cho học sinh. Nhiều trường thậm chí còn gắn camera theo dõi trong các phòng tự học, ngăn chặn tình trạng học sinh lười học. Ảnh: Xinhua.

 

Học sinh tập trung ôn thi trong ký túc xá ở thành phố Ngân Xuyên, khu tự trị Ninh Hạ. Gaokao được đánh giá là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Ảnh: Xinhua.

 

Một nam sinh ở thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, nhảy hip-hop để tự giải trí và giúp các bạn thư giãn sau nhiều giờ ôn thi căng thẳng. Đây là phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các sĩ tử Trung Quốc trước kỳ thi tuyển sinh. Ảnh: Xinhua.

 

Áp lực của kỳ thi đại học lớn đến mức, nhiều học sinh liều lĩnh gian lận dù biết quy chế thi rất nghiêm ngặt. Bộ Giáo dục Trung Quốc quy định, những thí sinh có hành vi gian lận sẽ bị tước quyền thi từ 1 đến 3 năm. Ảnh: Reuters.

 

Học sinh tổ chức rước tượng Khổng Tử trong một buổi sáng trời mưa ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Những ngày trước kỳ thi, phụ huynh và sĩ tử đổ xô đến các chùa, miếu để thắp hương cầu đỗ đại học. Các miếu thờ Khổng Tử, nhà giáo dục vĩ đại của Trung Quốc, luôn kín người. Ảnh: Reuters.

 

Một nam sinh tranh thủ ăn trưa lúc ôn thi. Nhà trường và phụ huynh buộc học sinh cuối cấp tận dụng mọi khoảng thời gian để ôn lại kiến thức. "Em chỉ có từ 3 đến 5 phút để ăn tối", một cựu học sinh cho biết. Ở thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, các sĩ tử phải học từ 5h30 đến 21h50, không được sử dụng điện thoại di động. Các em chỉ được nghỉ một ngày/tháng. Ảnh: Xinhua.

 

Hai học sinh tranh thủ ôn tập môn Hóa học khi đang điều trị tại bệnh viện ở thị trấn Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, do suy nhược cơ thể vì học tập căng thẳng. Ở Trung Quốc, áp lực phải đỗ đại học rất lớn. Vì thế, Gaokao trở thành ác mộng đối với học sinh. Nó cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên tăng cao khi các học sinh không thể chịu nổi áp lực ôn thi quá lớn và kết quả thi không như mong muốn. Ảnh: Reuters.

 

Một nam sinh tranh thủ ôn thi khi đang nghỉ ngơi tại khách sạn gần địa điểm thi. Họ phải học đến tận phút cuối nhằm chắc chắn đỗ đại học. Trước mùa thi, phụ huynh cũng căng thẳng không kém thí sinh. Ảnh: Reuters.

 

Học sinh ở thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, tập bài thể dục nhằm nâng cao tinh thần ôn thi. Họ vẫy cờ và hô vang khẩu hiệu: "Cố lên, trường Trung học số 2 Hành Thủy! Các bạn là người giỏi nhất!" Ảnh: Reuters.

 

Một nam sinh ở Ngân Xuyên chăm chỉ ôn thi. Cậu dán những tờ giấy ghi nội dung khuyến khích học tập xung quanh bàn. Trước mùa thi, các trường đại học cũng phổ biến hai khẩu hiệu: "Cuộc đời không phải là cuộc diễn tập, vì các em không có cơ hội làm lại" và "Nếu các em vẫn chưa chết vì học quá vất vả thì hãy học tập chăm chỉ hơn". Ảnh: Xinhua.

 

Học sinh thể hiện ý chí và quyết tâm vượt qua kỳ thi Gaokao, bước chân vào cổng trường đại học mơ ước. Họ hô vang khẩu hiệu: "Em nhất định thành công", "Chúng em sẽ mang lại vinh quang cho nhà trường" và "Vì đại học, vì danh dự, vì cha mẹ, vì thầy cô, cố lên, cố lên, cố lên!". Ảnh: chinaSMACK

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất