Mẹ của Đỗ Nhật Nam: Sai lầm của cha mẹ là không tin tưởng con
Depplus.vn - Ngay từ khi Nhật Nam vừa lên 3 tuổi, mẹ Điệp đã hỏi ý kiến con về màu sắc bộ bàn ghế dự định mua trong nhà.
Đó là chia sẻ của chị Phan Thị Hồ Điệp, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, mẹ của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam tại buổi tọa đàm Gieo trồng động lực – Đánh thức niềm tin do IVYPREP tổ chức vào sáng 26/6 tại TP HCM. Là một người mẹ và làm việc trong lĩnh vực giáo dục, chị Hồ Điệp có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, lắng nghe họ chia sẻ những khó khăn khi nuôi dạy các con. Theo chị, việc bố mẹ tạo động lực giúp trẻ tự tin và vượt khó chính là cách cha mẹ trao cho con chìa khóa của thành công, chìa khóa để trở thành người hạnh phúc.
Những phương pháp dạy con linh hoạt từ chị Hồ Điệp luôn thu hút sự chú ý của các bố mẹ.
Hãy lắng nghe ý kiến của con
Thay vì gạt đi lời nói của con trẻ, kể tội con trước chỗ đông người hay so sánh con với những đứa trẻ khác, chị Hồ Điệp cho rằng, bố mẹ nên đặt câu hỏi phản biện cho con, giúp con tự tin nói ra suy nghĩ, ý kiến cá nhân. Có thể ý kiến đó không giống với số đông nhưng miễn là không trái với thuần phong mỹ tục thì đều đáng được trân trọng lắng nghe.
"Khi Nhật Nam vừa lên 3 tuổi, mẹ Điệp đã hỏi ý kiến con về màu sắc của bộ bàn ghế dự định mua trong nhà. Lớn hơn nữa thì hỏi con nên đặt bộ bàn ghế ấy ở vị trí nào? Chọn loại nào? Từ đó tạo niềm hứng khởi cho con. Khi trao quyền quyết định và sự tin tưởng cho con thì đứa trẻ sẽ thấy tự tin hơn", mẹ của Đỗ Nhật Nam chia sẻ.
Dạy con biểu hiện cảm xúc cũng là một bài học khóc với nhiều phụ huynh. Không ít bố mẹ khi đưa con đi chơi ở các khu vui chơi, siêu thị, công viên... từng thấy "rối trí" vì con giận dữ, lăn ra sàn, gào khóc ăn vạ. Trong tình huống này, đừng vì sợ mất thể diện ở chố đông người mà mắng mỏ, quát nạt con. Chị Hồ Điệp chia sẻ cách xử lý khác mềm dẻo hơn: "Hãy cố gắng giúp con tập trung vào việc khác bằng cách xoa lưng con, hỏi con đã bình tĩnh lại chưa, mẹ cùng nói chuyện với con nhé. Nên để lắng lại một chút cho con có thời gian kiểm soát cảm xúc của bản thân".
Bà mẹ nổi tiếng cũng gợi ý hình thức phạt con khi cần thiết bằng "Góc bình yên", tức là chỉ cho con một món đồ chơi duy nhất mà không có gì khác, để con lấy lại bình tĩnh và vượt qua cảm xúc tiêu cực.
Hãy trò chuyện thật lòng với con vì trẻ con cũng có những nỗi buồn với bạn bè thày cô. Bất cứ lúc nào có thể, cha mẹ hãy chia sẻ cùng con và trở thành bạn để cho con lời khuyên - đó là thông điệp của chị Hồ Điệp gửi tới các phụ huynh tại tọa đàm.
Cùng với chị Hồ Điệp, chuyên gia nghiên cứu giáo dục Trần Quốc Phúc, tác giả bộ sách Vườn Tâm Hồn, là khách mời trong tọa đàm. Anh nhấn mạnh: "Hãy cân nhắc khi nói bất cứ điều gì với con và khi nói những lời tích cực, nó sẽ tác động đến tâm hồn của con, giúp con tự tin hơn vào bản thân".
Nếu quá bảo bọc, con dễ bị sốc khi ra đời
Khi quan sát nhiều bố mẹ xung quanh chăm sóc con của mình, chị Hồ Điệp nhận thấy một sai lầm ảnh hưởng tới việc hình thành tính cách trẻ. Đó là: "Nhân danh tình yêu, nhiều phụ huynh đã bao bọc con quá kỹ, khiến nhiều đứa trẻ thụ động, ỷ lại vào bố mẹ. Nhưng tất nhiên, điều này khó có thể kéo dài được mãi khi ra đời, nếu cứ chờ đợi sự chăm bẵm như vậy, trẻ sẽ gặp những cú sốc. Vậy giúp trẻ có động lực vượt khó là một bài toán đặt ra trong nhiều gia đình. Biết vượt khó, biết đương đầu với thử thách, đứa trẻ sẽ mạnh mẽ, can trường, không thụ động ỷ lại và tất nhiên sẽ thành công hơn”.
Chị khuyên phụ huynh nên áp dụng phương thức "Lạt mềm buộc chặt" và đôi lúc phải đặt trái tim mình qua bên cạnh trong quá trình nuôi dạy con. Việc lên thời gian biểu cho con mỗi ngày và khuyến khích con đọc sách là cực kỳ quan trọng.
Đọc một quyển sách ít nhất 7 lần là nguyên tắc của gia đình chị Điệp đối với con. Nào là nghĩ ra trò chơi với quyển sách, muốn thay đổi tên, tình tiết của câu chuyện… và hóa thân thành một nhân vật trong sách. Ngày cuối cùng diễn lại quyển sách ấy, gọi là "sân khấu hóa".
"Vào tối thứ 4 hoặc tối thứ 7 hàng tuần, cả nhà chờ đợi tiết mục biểu diễn của Nhật Nam về một quyển sách Nam đọc trong tuần. Xuất phát điểm giúp con tự tin nói chuyện trước mọi người là nhờ đọc sách", chị Điệp kể lại.
Bên cạnh đó, dạy con biết cách chấp nhận thất bại tại các kỳ thi cũng là điều phụ huynh nên lưu tâm. Năm lớp 2, Nhật Nam chọn thi TOEIC, vì có mơ ước làm phi công nhưng kết quả chỉ được 400 điểm. Mẹ Điệp lúc đó đã nói với con là "không sao cả", và Nam còn có thể nhận quà nếu đoán trúng điểm thi của mình sau mỗi kỳ thi cho dù kết quả ấy cao hay thấp, đậu hay rớt. Đỗ Nhật Nam hiện tại đang là học sinh trường Saint Paul The Apostle, Texas, Mỹ và sở hữu những thành tích đáng nể. Có được điều này cũng nhờ một phần lớn ở phương pháp giáo dục cởi mở của bố mẹ Nhật Nam.
5 sai lầm của các bà vợ khiến hôn nhân tan vỡ
Bỏ người yêu nghèo đi yêu trai giàu và cái kết đắng
Thúy Cầm / Ngoisao.net
Video được xem nhiều nhất