Mẹ con thủ khoa ... xin cơm ở chùa

Tuổi trẻ - 17/09/2015, 13:34

Bà Lộc cùng con gái là Nguyễn Thị Hồng Tú đi vay tiền về, giọng vui mừng: “Tôi đi mượn hết người quen rồi mà không ai cho nữa. May quá, một nhà sư thương tình nên cho mượn 5 triệu đồng”.

Túp lều nơi mẹ con Tú tá túc suốt chín năm trờiẢnh: B.D.

Túp lều nơi mẹ con Tú tá túc suốt chín năm trời - Ảnh: B.D.

Vậy là cô thủ khoa ngành lịch sử ĐH Huế với số điểm 25,5 có thể lên xe đến trường nhập học.

Dắt díu nuôi con

Nhà của mẹ con Tú nằm sâu trong hẻm nhỏ sau thành phố Kon Tum. Ở khu phố ấy, cái nghèo của bà Lộc có lẽ là tận cùng của sự thiếu thốn: không đất đai, không nghề nghiệp, cuộc sống lay lắt đứt đoạn...

Bà Lộc kể rằng quê mình ở tỉnh Quảng Ngãi. Năm 18 tuổi, tin lời thề hẹn của một người đàn ông đã có vợ nên bà lên Kon Tum. Câu chuyện tiếp theo chúng tôi không muốn kể nữa, chỉ kể từ đoạn Hồng Tú là đứa con thứ tư của bà.

Bà Lộc kể lại thời khắc sinh Tú: “Lúc sinh nó ra đúng 3 giờ sáng mùng ba tết. Mấy mẹ con tôi ở trong lều chẳng ai biết. Con Tú chuẩn bị chui ra, tôi đau quá hét lớn thì mấy người dân tộc ở làng gần đó nghe thấy mới biết chạy tới lôi nó ra. Hai tháng đầu tôi không vào phố đi nhặt rác, làm mướn gì được nên mấy đứa con phải thay nhau đi xin đồ ăn. Mấy tháng sau dù yếu mệt nhưng tôi vẫn phải lết dậy để kiếm cái ăn nuôi con”.

Năm 2002 bà tích cóp được hơn 12 triệu đồng rồi mua được miếng đất tít sau rẫy mì ngoài thành phố. Có đất, mấy mẹ con đi tìm bạt, nhặt mấy cây củi về làm thành túp lều. Cho đến giờ, túp lều làm chỗ ở trọn chín năm trời ấy vẫn còn được giữ lại bên căn nhà cấp bốn mới xây.

Người phụ nữ tận cùng của sự nghèo khổ ấy bưng mặt khóc khi nói về bốn đứa con của mình: “Mấy chục năm nay khu phố đưa nhà tôi vào hộ nghèo nên đứa nào đi học cũng không mất tiền. Còn mấy khoản lặt vặt thì được thầy cô, nhà chùa cho”. Hai con đầu của bà Lộc vì quá bế tắc nên sau khi học xong lớp 12 đã quy y vào chùa theo con đường tu hành. Đứa con trai thứ ba đang theo học cao đẳng tại Quảng Ngãi, cuộc sống tự bươn chải.

Tấm chiếu trúc cũ 
được tặng

Bà Lộc đặt tên con mình theo thứ tự: Hiếu, Hòa, Hiệp, Đạo với mong muốn con cái thoát kiếp khổ đeo đẳng như mẹ nó, rồi dù thành danh cũng cư xử có đạo nghĩa chứ không vì cái giàu mà khinh đời. Nhưng khi đi làm khai sinh cho Tú thì không hiểu sao lại biên tên con gái từ Đạo thành Tú.

Cô học trò nghèo này thông minh bẩm sinh. Dù sinh ra trong hoàn cảnh nghiệt ngã, đi học không đủ áo, cơm không đủ no nhưng chưa bao giờ "đánh rơi" bằng khen học sinh giỏi ở các lớp. Cô Dạ Thảo - giáo viên chủ nhiệm của Tú - hết lời khen: “Đó là một học sinh đặc biệt, vừa nghị lực lại có tố chất”.

Tú tâm sự rằng ba năm đi học chỉ ước ao có một chiếc xe đạp để đến trường, ước mơ mãi cho tới khi một thầy chùa biết hoàn cảnh đã gửi xe từ TP.HCM lên tặng. Hoàn cảnh quá ngặt nghèo, khi lên cấp III mẹ Tú lại bị chứng đau nửa đầu, viêm não kinh niên, không thể làm lụng được. Cuộc sống rơi vào ngõ cụt. Hết đường kiếm ăn, hai mẹ con dắt nhau vào chùa hằng ngày xin cơm chay để sống.

Tú nói rằng chính vì thấy nhà mình quá nghèo, không còn con đường nào khác ngoài học mới có hi vọng thay đổi cuộc đời nên em cố gắng gấp ba bốn lần bạn bè. Những ngày tháng đi học Tú toàn xin bạn bè quần áo, giày dép cũ mang về dùng tới khi nào rách bươm.

Cô tân sinh viên nghèo dẫn chúng tôi vào góc phòng trong căn nhà đơn sơ. Căn phòng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10m² nhưng là nơi hai mẹ con sinh hoạt, Tú kê bàn học mỗi đêm. Người hàng xóm thấy hai mẹ con bệnh tật, đau yếu nên cho kéo dây điện bắc nhờ thắp bóng đèn cho sáng nhà sáng cửa.

Phòng của Tú không có giường, chỉ trải một tấm chiếu trúc đen sì, rách lỗ chỗ trên nền gạch. Tú khoe về chiếc chiếu trúc làm chúng tôi quá bất ngờ: “Thầy chùa dưới Sài Gòn vào nhà em thấy không có giường nằm, hai mẹ con trải chiếu trên nền nên gửi xe lên cho cái chiếu trúc”. Tấm chiếu trúc dùng lâu, màu mồ hôi ám lên đen sì, bóng nhẵn và lủng lỗ chỗ nhưng Tú nói bằng giọng hạnh phúc lạ lùng: “Dùng vẫn tốt lắm, mát hơn nằm trên chiếu cói”.

Chúng tôi hỏi về cuộc sống hằng ngày của hai mẹ con, bà Lộc thở dài: “Hai mẹ con ăn chay trường, mà thật ra ăn chay là để... cho tiết kiệm. Mỗi ngày tôi ra chợ mua nửa ký bún, ít đậu khuôn hết khoảng 7.000 - 10.000 đồng rồi về hai mẹ con giằm xì dầu để ăn. Ngày nào không có thì mẹ con lên xin cơm ở chùa”.

Lâm Thị Thu Hương nhận học bổng 
toàn khóa học

Ngày 16-9 tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, tân sinh viên Lâm Thị Thu Hương (nhân vật trong bài “Hành trang nhập học chỉ 700.000 đồng” - Tuổi Trẻ ngày 14-9) đã nhận học bổng học phí suốt bốn năm học do ông Lương Trọng Khoa, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Kỹ thuật Việt, tài trợ với số tiền khoảng 25 triệu đồng.

TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Nhiều cựu sinh viên nói Hương chính là hình ảnh của họ ngày hôm qua và bây giờ họ sẽ quay trở lại tiếp sức cho những tân sinh viên bằng các suất học bổng mà câu chuyện của Hương là nơi khởi nguồn”. Những ngày qua Hương cũng nhận nhiều sự chia sẻ, động viên của các bạn đọc đối với hoàn cảnh của Hương và mong muốn giúp đỡ Hương từ chiếc xe đạp mới, chỗ trọ đến học phí. “Mẹ và tôi mừng rơi nước mắt. Tôi phải cố gắng đạt sinh viên giỏi để đền đáp tấm lòng của mọi người” - Thu Hương nói.

 

NGỌC HIỂN

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất