MC Nguyên Khang: “Tôi nghĩ mình và đàn ông Việt không ai thua kém Huỳnh Hiểu Minh”
Nói về việc đàn ông Việt bị phụ nữ "xem nhẹ” hơn đàn ông Tây trong việc thể hiện tình cảm, chàng MC điển trai Nguyên Khang khẳng định nói như vậy là "vơ đũa không sót cây nào".
Mới đây, các chị em phụ nữ xôn xao về câu chuyện đàn ông Tây “ăn đứt” đàn ông Việt và cho rằng ở nước ngoài, đàn ông dường như yêu phụ nữ, tôn trọng, nâng niu phụ nữ hơn ở Việt Nam.
Cụ thể là câu chuyện về sự khác biệt rõ ràng giữa chú rể Tây, đàn ông ta khi đưa vợ tương lai vào thử váy cưới. Trong khi chú rể Tây ngọt ngào, tâm lý, chờ vợ thử váy suốt cả buổi nhưng vẫn tươi cười và không ngớt dành cho vợ những lời có cánh; thì chú rể Việt đưa cô dâu đến thử váy cưới nhưng cả buổi chỉ cắm mặt vào điện thoại bấm bấm rồi ừ ừ qua loa, chê béo chê gầy, và cũng có cả cảnh cô dâu Việt khệ nệ một mình ôm bụng đến chọn váy một mình mà không có chú rể.
Hay đó là câu chuyện chàng trai ngôn tình Huỳnh Hiểu Minh khiến chị em phát sốt và ganh tị bởi tình yêu rất đỗi ngọt ngào và tuyệt vời dành cho cô vợ mới cưới.
Càng trầm trồ ngưỡng mộ "chồng người ta", các chị em càng hào hứng chê bai, phán xét đàn ông Việt, "kể khổ" với nhau rằng đàn ông Việt khô khan, hay gia trưởng, sĩ diện,… không được như đàn ông "nước bạn".
Trước phán xét của chị em, MC Nguyên Khang, một người đàn ông “không hoàn hảo nhưng biết cách học hỏi để mình trở nên hoàn hảo” trong mắt của phụ nữ đã có cuộc trò chuyện rất thú vị với chúng tôi.
Nghe xong những lời phán xét, suy nghĩ này của chị em phụ nữ có khiến một người đàn ông Việt như anh cảm thấy tự ái vì bị “xem nhẹ” hơn đàn ông Tây không?
Tôi nghĩ cá nhân mình thấy chuyện này cũng chẳng có gì phải tự ái, vì những phán xét đó, suy nghĩ đó cũng chỉ là nói đến một bộ phận đàn ông Việt, không phải là tất cả. Nếu tự ái, chẳng khác nào bạn lại xếp mình vào thiểu số đó (cười).
Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Á Đông, người đàn ông luôn là trụ cột chính của gia đình nên phần nào tính gia trưởng hay sĩ diện cũng bắt nguồn tự sự ảnh hưởng đó. Nói như thế để các chị em thông cảm vì mọi việc đều cần có quá trình. Khi chúng ta thấy người khác sướng hơn mình, hạnh phúc hơn mình, chúng ta sẽ có nhu cầu so sánh, thậm chí ganh tị. Chúng ta sẽ kêu khổ, kể khổ.
Thật ra, không phải đàn ông Tây lúc nào cũng tôn trọng, nâng niu phụ nữ như các chị em Việt hay đề cao đâu. Tôi có cô bạn gái người Việt yêu một chàng Tây. Cô ấy kể, lúc yêu nhau, đàn ông Tây cũng có phần lịch sự lắm, hay kéo ghế ngồi, hay giữ cửa thang máy, nhưng đôi lúc sòng phẳng đến kinh ngạc, đi ăn với nhau thì hoá đơn là cưa đôi, không có chuyện đàn ông sẽ trả hết đâu nhé. Trong khi ở điểm này, tôi thấy đàn ông Việt lại rất ga lăng, luôn dành phần thanh toán. Thế sao lúc ấy không thấy chị em nào so sánh đàn ông Việt và đàn ông Tây nhỉ? (Cười)
Theo tôi, đàn ông ở đâu cũng vậy. Cũng sẽ có người này, người kia, có người tinh tế, có người thiếu quan sát, không phải ai cũng xấu cả. Đàn ông Tây được cái ga lăng nhưng sòng phẳng. Còn đàn ông Việt thì đôi khi hơi gia trưởng nhưng lại không so đo tính toán. Thậm chí tôi còn thấy nhiều ông đi làm được bao nhiêu tiền lại mang về nộp hết cho vợ. Đàn ông Tây thì đừng hòng có chuyện đó. Tiền ai nấy xài, tiền bạc rõ ràng. Tính ra, đàn ông Việt vẫn có điểm cộng đấy chứ.
Anh nghĩ vì sao phụ nữ lại nhìn đàn ông Việt bằng con mắt “xem nhẹ” này?
Tôi không trách những phụ nữ nhìn đàn ông Việt bằng con mắt kiểu này. Tôi chỉ nghĩ thay vì cằn nhằn, kêu khổ, tại sao các chị lại không góp ý để các anh sửa đổi. Phụ nữ ngày nay thông minh lắm, họ có thể có nhiều cách để làm thay đổi người đàn ông theo ý mình muốn.
Chúng ta cũng thấy, đàn ông phải mất rất nhiều thời gian để cưa đổ người phụ nữ trong giai đoạn yêu nhau. Nhưng khi lập gia đình, phụ nữ lại chính là người thay đổi họ. Đàn ông rất ghét bị so sánh. Tôi hiểu cảm giác này. Nên đừng lấy câu: Anh lo mà học mấy đàn ông Tây kìa, đàn ông phương Tây ga lăng thế này thế kia… Những câu đó rất hay chạm tự ái.
Để có được sự ga lăng, nâng niu phụ nữ, đó lại là câu chuyện của giáo dục từ nhỏ. Tôi có dịp đến thăm nhiều trường dạy tiểu học và trung học nước ngoài, tôi thấy ngay từ nhỏ các cậu bé đã được dạy dỗ phải quan tâm chăm sóc nhường nhìn các bạn gái. Chính việc dạy dỗ ngày từ nhỏ cũng góp phần hình thành nhân cách của các cậu bé. Đàn ông Việt không phải là không dám thể hiện điều ấy, mà là họ cần quá trình thay đổi, thích nghi.
Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục của gia đình cũng rất quan trọng. Đa phần các bà mẹ thường chỉ dạy con là hiếu thảo với ba mẹ, chứ ít khi chúng ta thấy dạy con phải yêu thương quan tâm chăm sóc vợ mình, phải nâng niu, chiều chuộng vợ. Chính vì thế, khi đòi hỏi các anh làm chuyện đó, đôi khi các anh lại thấy ngượng. Nhất là tâm lý người Á Đông lại không thích thể hiện, trong khi trai Tây thì hay bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài.
Thật ra, đàn ông Việt bây giờ đã tiến bộ hơn rất nhiều. Ví dụ nhé: Tôi nhớ là ngày xưa các ngày như 8/3, 20/10 cũng có nhưng không phổ biến, ít thấy chuyện các anh đi mua hoa tặng mẹ tặng vợ. Nhưng bây giờ rõ ràng đàn ông Việt đã thay đổi rất nhiều khi biết quan tâm săn sóc cho những người phụ nữ bằng những món quà. Họ đã dần dần biết thể hiện tình cảm. Phương Tây đi trước mình cả trăm năm, nên để được như họ, mình cần phải có thời gian.
Cách nhìn nhận, đánh giá này có phải “vơ đũa cả nắm” không?
Tôi nghĩ là “vơ đũa cả nắm” mà thậm chí còn không sót cây đũa nào. (Cười). Thật ra, tôi biết rất nhiều người đàn ông ga lăng và tốt với vợ lắm.
Tôi có anh bạn tên Đức. Anh lấy vợ Việt. Anh đã và đang làm việc với Tây, lính của anh cũng có Tây. Kinh tế anh ổn định, thương vợ, chăm con còn hơn cả Tây. Vợ anh thường nói: Em trúng số độc đắc mới lấy được anh, còn anh thì nói: Các con thật may mắn được làm con của ba.Vợ anh còn hay kể tôi nghe: Anh rất hay nói mấy câu như: Vợ cưng ơi, anh yêu em! Rồi hôn một cái vào má nàng trước khi ra khỏi nhà đi làm. Tối ngủ thì luôn hôn lên mắt rồi cô ấy mới ngủ. Đấy, nhưng câu chuyện ấy được kể từ cả phụ nữ Việt đấy. Điều đấy để thấy không phải đàn ông Việt nào cũng xấu đâu.
Ngược lại, tôi có chị bạn đang sống ở Đức. Chị bảo trai Tây cũng nhiều người vũ phu lắm. Nếu có dịp sang Đức bạn có thể đến thăm những cái nhà dùng để lánh nạn tạm thời cho những phụ nữ bị chồng ngược đãi, bạo hành và đánh đập, gọi đơn giản là "nhà phụ nữ" hay "nhà đàn bà" những cái nhà như thế này có ở khắp nơi trên nước Đức. Thế nên, cũng không phải trai Tây nào cũng chiều chuộng phụ nữ với viễn cảnh màu hồng như các chị em nói đâu.
Anh có nghĩ lý do phụ nữ "xem nhẹ" đàn ông Việt hơn đàn ông Tây là do đàn ông Việt còn dè dặt trong chuyện thể hiện hoặc do chưa biết cách thể hiện ra bên ngoài thôi không? Gần đây, anh chàng ngôn tình Huỳnh Hiểu Minh khiến nhiều chị em phát cuồng vì vô cùng ngọt ngào với bạn gái, các chị em lại được dịp đem chồng, người yêu ra so sánh rồi nhận xét chồng mình không bằng “chồng nhà người ta” rồi đâm ra chán nản. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng Người Tây rất tự do thể hiện tình cảm yêu ghét, còn người Châu Á thì dè dặt hơn nhiều. Người Tây thì thích thể hiện tình cảm nơi công cộng, có thể hôn vợ mình người yêu mình ở chốn đông người. Trong khi đàn ông Việt thì rất ngại chuyện ấy. Chỉ về nhà mới dám thể hiện. Có thể vì hay thể hiện tình cảm và lại ở chốn đông người, nên các chị cho rằng họ quan tâm, yêu thương chiều chuộng hơn đàn ông Việt hay chăng?.
Mới đây, tôi thấy các chị, các mẹ rất quan tâm đến việc anh chàng ngôn tình Huỳnh Hiểu Minh, nhiều chị em phát cuồng vì sự ngọt ngào của anh chàng Hiểu Minh với vợ. Cá nhân tôi lại thấy: Anh này là diễn viên, nên việc thể hiện tình cảm của anh ấy ra ngoài là không khó. Thậm chí hôn bạn diễn còn thoải mái tự nhiên huống chi hôn vợ.
Thứ 2, anh này không phải là Tây, anh ấy là trường hợp đặc biệt của Trung Quốc. Nếu tất cả đàn ông Trung Quốc đều làm vậy thì mới kết luận là họ ngọt ngào, còn đây tôi cho là trường hợp đặc biệt.
Thứ 3, đằng sau lưng anh là cả một công ty truyền thông sự kiện để thực hiện cái kịch bản ấy và anh ấy chỉ là diễn viên cho câu chuyện ấy.
Đừng quá tung hê ai đó, muốn biết thế nào thì hãy đợi vài chục năm sau mới kết luận. Bằng chứng là nhiều cặp diễn viên lấy nhau cũng tổ chức linh đình nhưng cũng chóng chia tay.
Người Tây có câu “The coin have 2 sides”. Cái gì cũng có hai mặt, cho nên chúng ta đừng vội kết luận mọi thứ khi chỉ dựa vào một số trường hợp nào đó. Không gì là tuyệt đối cả đâu!.
Vậy với anh, anh đối xử với người phụ nữ của mình như thế nào?
Tôi rất quan tâm và săn sóc người yêu của mình. Chúng tôi đôi khi cũng có cãi nhau, đôi khi bất đồng quan điểm và ý kiến, nhưng tôi nghĩ đó là chuyện bình thường, vì sau đó cả hai cũng mau chóng nguôi ngoai. Tôi luôn là người chủ động xin lỗi và làm hoà trước. Tôi luôn biết cách tạo sự lãng mạn, nhớ những ngày quan trọng của hai đứa hay những ngày đặc biệt trong năm.
Trước khi đi ngủ bao giờ cũng là 3 chữ xxx, kèm theo 3 trái tim khi nhắn tin. Ngày nào cũng như vậy, không có là không ngủ ngon. Tôi nghĩ mình trung hoà cả những ưu điểm của trai Tây và trai Việt. Tôi không đến mức ngôn tình như Huỳnh Hiểu Minh, nhưng tôi nghĩ mình không hề thua kém anh ấy ở mức độ quan tâm và thể hiện tình cảm với người mình yêu. Không chỉ riêng tôi, tôi nghĩ đàn ông Việt cũng vậy (cười). Tôi không phải mẫu đàn ông hoàn hảo, nhưng tôi biết cách học hỏi để mình trở nên hoàn hảo.
Đã bao giờ anh bị người phụ nữ của mình hay các chị em khác “xem nhẹ” hay đem ra so sánh với người này người kia không?
Tôi không bao giờ muốn để điều này xảy ra. Tôi hay quan sát người khác và soi chiếu thái độ của mình. Có những chuyện rất nhỏ, nhưng tôi nghĩ mình phải luôn để ý và làm: Ví dụ công ty hết nước uống thì tôi luôn là người bưng nước mới bỏ vào, vào thang máy luôn lấy tay giữ cửa cho người khác, lên xe cũng mở cửa cho phụ nữ vào, đi ăn luôn giành phần trả tiền… Tôi học cách quan sát để mình không bị “xem nhẹ”. Với tôi, ga lăng với phụ nữ là cách nâng tầm giá trị của đàn ông.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện vô cùng thú vị này, chúc anh luôn là người đàn ông tuyệt vời!
Video được xem nhiều nhất