Lý do giới trẻ hiện nay không muốn làm sếp

Zing - 10/12/2015, 08:36

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, chỉ 1/3 bạn trẻ ở Mỹ mong muốn trở thành người quản lý.

Ở Mỹ, cơ hội phát triển nghề nghiệp và tiền lương gia tăng báo hiệu một nền kinh tế khả quan, theo Bloomberg. Thế nhưng, theo khảo sát gần đây của Addison, chỉ 1/3 nhân viên tại đây tin rằng, việc trở thành sếp sẽ thúc đẩy sự nghiệp của họ.

Lớp trẻ muốn trở thành chuyên gia, chuyên viên hơn trở thành người quản lý.
 

Addison đã tiến hành khảo sát 1.496 người được sinh trong khoảng 1946-1995 tại Mỹ. Kết quả cho thấy, chỉ 1/4 số đó cho biết, họ muốn trở thành những nhà quản lý và 17% tỏ ra không hứng thú với công việc quản lý người khác.

Steve Wolfe - phó chủ tịch điều hành hoạt động tại Addison -nhận định: "Lớp trẻ ngày nay muốn trở thành những chuyên gia tri thức hơn là nhà quản lý. Bổ nhiệm người trẻ vào vị trí quản lý họ không mong muốn đồng nghĩa với việc các công ty đã tự mình đánh mất những nhân viên tài năng”.

Họ muốn tập trung phát triển sự nghiệp bản thân hơn chịu trách nhiệm quản lý người khác.

Thế hệ trẻ - những người được sinh trong khoảng 1980-1994 - hiện ngày càng ít hứng thú với vị trí quản lý hơn thế hệ đi trước. Họ không muốn chịu trách nhiệm quá nhiều cho người khác, chỉ muốn tập trung phát triển sự nghiệp của cá nhân mình.

Thông thường, các nhân viên có thành tích tốt sẽ được cất nhắc lên vị trí quản lý. Thế nhưng, những nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, tiến trình này giúp doanh số của công ty tăng lên nhưng mức độ hài lòng về sự nghiệp của các nhân viên đó lại đi xuống.

Những nhân viên giỏi không nhất thiết phải làm quản lý nhưng vẫn được hưởng đãi ngộ như sếp. 

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ cũng đề cao sự linh động trong công việc hơn trước kia. Đa số có xu hướng bỏ công việc hiện tại, nếu họ cảm thấy không thể tiến xa hơn trong sự nghiệp tại công ty.

Để thích nghi với thực tế này, nhiều công ty công nghệ như Alphabet và Oracle đã thay đổi cách quản lý để giữ chân người tài. Theo đó, con đường phát triển sự nghiệp cá nhân sẽ chạy song song với con đường của quản lý. Những nhân viên giỏi không nhất thiết phải trở thành người quản lý, nhưng vẫn được hưởng chế độ đãi ngộ tương tự.

Stew Friedman - giám đốc dự án tích hợp cuộc sống và sự nghiệp tại trường Wharton - giải thích: "Các bạn trẻ chứng kiến cha mẹ của họ, dù cống hiến cả đời để làm quản lý vẫn bị sa thải không thương tiếc trong cuộc khủng hoảng tài chính".

Những tác động không tốt từ thế hệ trước có thể là nguyên nhân khiến giới trẻ hiện nay muốn tìm công việc giúp hoàn thiện kỹ năng của bản thân thay vì quản lý người khác.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất