Lễ hội hàng nghìn người đàn ông "thiếu vải" ở Nhật
Ngoisao.net -
21/11/2016, 08:38
Gần 10.000 người đàn ông chỉ mặc chiếc khố nhỏ, chen lấn để nhận được "cây gậy thần" đem lại may mắn cho cả năm.
Lễ hội Hadaka Matsuri còn được biết đến với cái tên là “lễ hội khỏa thân” nổi tiếng bậc nhất ở đất nước mặt trời mọc diễn ra tại chùa Saidaiji, thành phố Okayama, miền tây Nhật Bản. Lễ hội này có tuổi đời lên đến hơn 500 năm. Dù "thiếu vải" nhưng lễ hội hoàn toàn không liên quan tới tình dục hay giới tính mà mang tính chất tín ngưỡng.
Hadaka Matsuri được coi là một trong những dịp lễ kỳ lạ nhất của người Nhật được tổ chức vào ngày thứ 7 thứ ba của tháng 2 hằng năm. Khi đó, có tới gần 10.000 người đàn ông tham gia mỗi năm, bằng cách cởi bỏ quần áo dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, mặc độc một chiếc khố trắng.
Sau khi đã cùng nhau diện trang trục truyền thống trong những chiếc lều được dựng lên xung quanh, từng nhóm đàn ông trông như các võ sĩ sumo sẽ nhảy vào bể nước lạnh để gột bỏ bụi trần, uống rượu sake để lấy tinh thần trước khi bắt đầu tham gia một cuộc chiến "tàn khốc".
Tất cả những ai tham dự lễ hội sẽ đứng chật kín ô cửa sổ trước ngôi đền, nơi nhà sư sẽ tung ra hai cây gậy may mắn. Người nào có cơ hội bắt được cây gậy thần (có tên gọi shinghi dài 20 cm và đường kính 4 cm), bỏ vào chiếc hộp gỗ (gọi là masu) chứa đầy gạo thì anh ta sẽ được may mắn và hạnh phúc trong 12 tháng tới.
Đúng 22h, cả đám đông đồng thanh hô to “Wasshoi! Wasshoi”, cố gắng nuôi hy vọng giành được cây gậy quý báu. Chỉ hai người may mắn sẽ chụp lấy được “tấm bùa” của cả năm và nếu có ai giành được nó, những người xung quanh sẽ cố chạm vào người anh ta để lấy hên, càng làm cho không khí thêm náo loạn, hỗn độn.
Dĩ nhiên trong quá trình chen lấn, xô đẩy không tránh được việc va chạm nhưng mọi người đều ra về trong trật tự, không gây thù hằn mà lặng lẽ trở về lều để điều trị các vết thương nhỏ.
Khách du lịch Nhật Bản muốn được tận mắt chứng kiến những hình ảnh thú vị này đều phải mua vé ở những vị trí trên cao để cổ vũ cho những “đấu sĩ sumo” này.
Du khách tò mò xem lễ hội đa phần là nữ giới, lý do chính là bởi ít khi họ nhìn thấy nhiều người đàn ông thiếu vải tới vậy. Tuy nhiên, không ít người không chịu nổi vì cảm thấy đỏ mặt, ngượng ngùng.
Về ý nghĩa sâu sa, lễ hội thừa hưởng và minh chứng cho sự trường tồn đầy sức mạnh của một nước Nhật hùng cường, bởi vậy, người tham dự phải là đàn ông.
Hà Nguyên
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Video được xem nhiều nhất
Bình luận