Lang thang Hà Nội tìm ra điều thú vị đằng sau những tên phố lạ lùng, độc hiếm
Không chỉ có 36 phố phường cổ kính, Hà Nội còn có hàng trăm con đường khác, mỗi con đường lại có diện mạo, dấu ấn riêng, trong số đó có nhiều phố khá đặc biệt bởi tên gọi lạ lùng, độc đáo, mang ý nghĩa ít người biết.
Hà Nội là nơi có biết bao điều thú vị hấp dẫn, đôi khi người ta nhớ về Hà Nội, thèm thuồng hương vị Hà Nội không phải bởi những danh thắng hay sự lộng lẫy xa hoa, mà nó quyến rũ người ta vì vài điều giản dị đời thường – như tên gọi của các con phố. Bao người khi xa Hà Nội cũng đều nhớ về những con phố, mỗi khu phố lại mang màu sắc cuộc sống khác nhau. Chẳng thế mà ca sĩ Bằng Kiều định cư ở Mỹ rồi nhưng khu vườn trong biệt thự riêng của anh cắm đầy biển tên đường Hà Nội, y xì như bản gốc, chỉ vì anh muốn thoả nỗi nhớ quê hương.
Không chỉ có 36 phố phường cổ kính, thủ đô còn có hàng trăm con đường khác, mỗi con đường lại có diện mạo, dấu ấn riêng, trong số đó có nhiều phố khá đặc biệt bởi tên gọi lạ lùng, độc đáo.
Là 1 trong 25 con phố mới của Hà Nội “ra đời” từ 2 năm trước, phố Thọ Tháp nằm ở vị trí từ ngã tư giao cắt với phố Trần Thái Tông, đối diện trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu đến ngã ba giao cắt với tòa nhà N07 KĐT mới Cầu Giấy, dài 820 mét. Phố mới mở nên không sầm uất lắm, chỉ có vài công trình lớn đang xây dở, va một số khách sạn, hàng quán.
Hoa Bằng cũng là một con phố có tên ít người biết, thuộc khu vực Yên Hoà, quận Cầu Giấy. Không rõ ý nghĩa cái tên Hoa Bằng là gì, chỉ biết con phố này khá dài, thông ra đường Nguyễn Khang cạnh bờ sông Tô Lịch. Phố có nhiều ngõ ngách nhỏ khác, như ma trận, tập trung khá đông dân cư, chợ búa, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ và có một ngôi đình cổ Làng Cót.
Trên phố Hàng Bông có một con ngõ nhỏ có cái tên khá lạ: ngõ Tạm Thương. Về ý nghĩa của cái tên này, đã có nhiều người thử đi tìm nguồn gốc. Nhà thơ Chế Lan Viên cắt nghĩa tên ngõ theo hướng tình cảm cá nhân:
“Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải Tạm Thương!”
Ngoài ra, có một lời giải thích khá ngắn gọn khác: ở gần đó có nhà thương Phủ Doãn, bệnh nhân vào nhà thương được sơ cứu ở đây trước, nên gọi là Tạm Thương. Thuyết phục nhất là kiểu cắt nghĩa của tác giả Giang Quân trong cuốn “Từ điển đường phố Hà Nội”. Theo đó, tên Tạm Thương có từ đầu thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn. Ở đây có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Trạm Thương, sau đổi thành ngõ Tạm Thương. Bây giờ ngõ nổi tiếng với món nem chua rán và quán rượu ông Thọ duy nhất trong ngõ đã tồn tại 40 năm, người sành rượu Hà thành không ai không biết.
Ngõ Nội Miếu cuối phố Hàng Giày, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Gọi tên như vậy có lẽ vì ngõ Hài Tượng cách đó vài trăm mét hiện còn một ngôi đền mang chữ “Châu Khê vọng từ”, còn gọi là Nội Miếu. Con ngõ này khá cổ kính với nhiều ngôi nhà xây dựng từ lâu, là nơi cư ngụ của nhiều thế hệ người dân Hà Nội, với đủ loại hàng quán đặc trưng phố cổ. Đầu ngõ khá thông thoáng rộng rãi, với 2 khách sạn lớn mang kiến trúc hiện đại.
Phố Ngõ Trạm dài 230m, kéo từ phố Đường Thành (cạnh chợ Hàng Da) đến phố Phùng Hưng. Ngày xưa, nơi này là đất thôn Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Thời Pháp thuộc là phố Buarê (rue Bounet). Sau Cách mạng tháng 8 lấy lại cái tên dân gian cho đến bây giờ.
Ngõ Trạm ngày nay, bên số chẵn có 10 nhà, đầu phố là Tổng Hội Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc Việt Nam, đoạn giữa phố có vài biệt thự và cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, cuối phố có trường tiểu học Thăng Long mới được đại trùng tu - tiền thân là trường tư thục Thăng Long nổi tiếng. Bên số lẻ có 20 nhà, đầu phố là những cửa hàng ăn uống nổi danh với các món bún chả, lẩu gà, bò, cá, thập cẩm... cuối phố là những cửa hàng chuyên bán đồ điện.
Ngõ Huyện có độ dài khiêm tốn 160m và chiều ngang dăm mét, chạy từ Lý Quốc Sư đến Phủ Doãn.
Từ Hàng Ngang - Hàng Đường rẽ vào là Ngõ Gạch thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây nguyên là đất thôn Hương Bài, Cổ Lương, tổng Hậu, huyện Thọ Xương, Hà Nội xưa. Thời thuộc Pháp, Ngõ Gạch gồm hai phố Nguyễn Siêu (tức là Nguyễn Văn Siêu) và phố Hàng Gạch (Rue des Briques), có tên chung là phố Án Sát Siêu. Sau Cách mạng Tháng Tám, phố này lại được tách ra là phố Ngõ Gạch và phố Nguyễn Siêu.
Phố Ngõ Gạch chỉ dài hơn 100m, nối liền phố Nguyễn Siêu và phố Hàng Đường. Phố nguyên là lòng sông Tô Lịch cũ, bị lấp vào năm 1887. Trước đây, phố có nhiều nhà bán vôi, gạch nên được đặt tên là Ngõ Gạch. Trên phố vẫn còn ngôi đình cổ của thôn Thanh Hà.
Phố Nam Ngư nằm ở ngã ba đoạn Phan Bội Châu. Con phố này vốn nổi tiếng từ lâu bởi những địa chỉ ẩm thực lừng danh một thời như phở Kiệm, phở gà Nam Ngư. Có lẽ những người nghiện phở bò ở lứa tuổi trên dưới 50 sẽ khó quên được phở Kiệm nổi tiếng một thời, chính gốc Hà Nội. Cùng với phở Kiệm là phở gà Nam Ngư lừng danh. Được ai mời ăn phở gà Nam Ngư là một đặc ân. Hãng thông tấn CBS nổi tiếng thế giới từng tôn vinh phở gà Nam Ngư như là một thương hiệu lớn của ẩm thực Việt.
Trên một đoạn đường phố Lò Rèn, chỉ dài 128 mét là phố nhỏ thôi mà có đến 20 số nhà là những bễ lò rèn của người quê gốc Hoè Thị. Đi dọc phố Lò Rèn bây giờ là các hàng cửa sắt, cửa kính, giữa phố là cửa hàng điện máy mini nhộn nhịp khách ra vào. Khu vực này, đầu thế kỷ XIX, là đất thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, xưa xa hơn, vào thế kỷ XVI, là phần đất mở rộng của khu phố cổ ở Thăng Long thời Lê. Trên phố vẫn còn toạ lạc ngôi đình Lò Rèn.
Phố Hồ Giám, giao với phố Tôn Đức Thắng, quận Ba Đình. Con phố này chủ yếu là các khách sạn, cửa hàng, sở dĩ có tên như vậy vì tại đây có một cái hồ nhỏ gọi là hồ Giám, gần Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Ngõ Hài Tượng dài 160m, đi từ phố Tạ Hiện rẽ vào, trước đây còn thông với phố Hàng Giày, vốn là nơi cư ngụ và hành nghề của thợ đóng giày dép da người làng Chắm (Phong Lâm, Tứ Kỳ, Hải Dương) từ thế kỷ XVII - XVIII. Trước đây con ngõ là đất thuộc thôn Hài Tượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Tên dân gian là ngõ Hàng Giày. Ngõ có tên gọi nghe lạ tai, nhưng ý nghĩa của nó thì rất đơn giản: “Hài” nghĩa là giầy dép, “Tượng” nghĩa là thợ.
Phố Đường Thành, thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố dài 468m, nối phố Phùng Hưng, góc Cửa Đông đến phố Hàng Bông. Phố Đường Thành vốn đi qua địa phận thôn Hữu Đông Môn và thôn Kim Cổ, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương của Thăng Long - Hà Nội xưa.
Phố Quán Sứ thì nghe rất quen phải không nào, nhưng Hà Nội còn có một nơi khác tên gọi là Bát Sứ. Phố Bát Sứ dài gần 200m, từ phố Hàng Vải đến phố Bát Đàn, cắt ngang qua phố Hàng Phèn. Trước đây nó là địa danh cũ của thôn Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Trước phố chuyên bán đồ sứ, thời Pháp thuộc là phố Hàng Chén (rue des Tasses), bao gồm cả phố Hàng Đồng bây giờ, sau đổi tên thành phố Bát Sứ.
Phố Cổng Đục dài 110m, nằm ở cuối phố Hàng Mã thông sang phố Hàng Vải. Đây là đất thôn Đông Thành Thị, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.
Phố có tên Cổng Đục là vì nếu xem trên bản đồ cũ, đây là nơi có cái cổng mở ra tường phía Đông thành Thăng Long. Phố khá nhỏ, không có hàng quán mà chủ yếu là nhà dân.
Con phố Chân Cầm chỉ dài khoảng 200m, được bao phủ dưới tán cây xanh có cái tên nghe thật lạ. Nó kéo dài từ phố Lý Quốc Sư đến phố Phủ Doãn, có tên gọi bắt nguồn từ chuyện nơi đây nguyên là phần đất thôn Chân Tiên và thôn Minh Cầm. Tới giữa thế kỷ XIX, hai thôn này hợp làm một thành ra thôn Chân Cầm, sau Cách Mạng tháng 8 được đổi tên như ngày nay. Trước đây, con phố này chuyên buôn bán kinh doanh các loại đàn, nhạc cụ. Tới thời Pháp thuộc, phố này có tên là La-gít-kê (rue Lagisquet). Bây giờ trên phố chủ yếu là các quán bán hàng ăn và cà phê.
Bích Câu là một địa danh cũ thuộc Hà Nội, nay là con phố cắt ngang, nối Đoàn Thị Điểm và phố Cát Linh. Bích Câu có nghĩa là ngòi biếc, ám chỉ ngày xưa ở đây có một con ngòi (kênh, mương) nước trong xanh chảy ra hồ Giám tới hồ Kim Âu gần phố Khâm Thiên. Tương truyền chúa Trịnh Sâm đã từng từ phủ chúa gần ngã tư Quang Trung - Tràng Thi đi thuyền theo một con ngòi đến hồ Kim Âu, qua ngòi biếc này ghé đến nhà tham tụng Nguyễn Khảm (anh ruột của Nguyễn Du) ở Văn Miếu.
Phường Bích Câu vốn có từ rất lâu trước khi Lý Công Uẩn dời đô về Đại La, lập thành Thăng Long. Từ thời nhà Lý trở đi thì phường Bích Câu phát triển thành một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế bậc nhất Thăng Long. Thời hoàng kim của Bích Câu kéo dài hàng thế kỷ văn minh từ thời trung đại cho đến hết thế kỷ 19. Cái tên Bích Câu được ra đời từ rất sớm, đã xuất hiện trong các câu truyện dân gian từ xa xưa. Trước đây Bích Câu này chỉ được gọi là trại, sau đổi là phường.
Video được xem nhiều nhất