Làm thế nào để trở thành tiếp viên hàng không tại Hàn Quốc?
"Để trở thành một tiếp viên hàng không, bạn sẽ phải trải qua khóa huấn luyện căn bản đầy rẫy thử thách, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực hết mình", Nguyễn Hải Yến cho biết.
Trở thành tiếp viên hàng không luôn là mơ ước của không ít cô gái. Trong tư duy của nhiều người, đây chỉ là nghề phục vụ như bao nghề khác.
Xét về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mình không phủ nhận điều này. Nhưng thực tế, đa số bạn nữ ở độ tuổi 18,19 trở lên vẫn luôn khao khát được khoác trên mình bộ đồng phục, kéo vali đi làm và sau đó là đi du lịch khắp nơi như các anh chị đi trước.
Phần lớn hãng hàng không đều có những hình thức thi tuyển giống nhau, chỉ khác đôi chút về tiêu chí và sự lựa chọn tiếp viên cho phù hợp với hình ảnh của hãng.
Nguyễn Hải Yến hiện làm việc tại hãng hàng không Asiana Air, Hàn Quốc. |
Kỷ luật nghiêm như trong quân đội
Lúc mình thi, độ tuổi cho phép từ năm sinh 1987-1992, có 352 hồ sơ dự tuyển. Ngày mình đi phỏng vấn rất nhiều bạn gái cao, xinh đẹp. Họ đều thông thạo hai ngôn ngữ là tiếng Anh, Hàn. Mỗi người đều toát lên vẻ tự tin trước ban giám khảo người Hàn Quốc.
Đến khi trả kết quả, nhà tuyển dụng chọn ra 7 người. Tiếp đó, chúng mình trải qua các vòng khám sức khoẻ nghiêm ngặt, hoàn tất các thủ tục visa. Tới Hàn Quốc, tất cả tham gia khoá học căn bản hai tháng tại Trung tâm huấn luyện an toàn bay Asiana.
Tới đây, mình mới biết được sự vất vả, căng thẳng với những ngày tháng chỉ có học và luyện tập. Áp lực thi đại học thời xưa không thể nào bằng hai tháng mình trải qua hồi ấy.
Việc học tập, kỷ luật và thưởng, phạt của người Hàn Quốc tương tự như quân đội. Điểm tốt được tuyên dương và nhận bằng khen. Còn điểm thấp sẽ bị phạt úp mặt vào tường trước cả lớp.
Giáo trình học được chia thành hai phần gồm lý thuyết và thực hành. Riêng về lý thuyết, các kiến thức học tập, thu lượm trong ngày hôm nay đều sẽ được kiểm tra ngay trong hôm sau. Cá nhân nào không đạt yêu cầu sẽ phải thi lại cho tới khi được trên 80% điểm.
Chúng mình được học cách thực hành, xử lý rất nhiều tình huống có thể xảy ra trên máy bay. Trong đó, luyện giọng là một trong những phần quan trọng.
Bởi khi gặp sự cố, máy bay buộc phải hạ cánh mà không có sự hỗ trợ của các thiết bị âm thanh. Tiếp viên sẽ phải sử dụng giọng nói trực tiếp. Với đặc trưng của môi trường làm việc trên không, những lúc như vậy, dù bạn nói bình thường, hành khách cũng khó có thể nghe thấy âm thanh từ bạn.
Hãng hàng không mình làm việc không đưa ra bất cứ yêu cầu gì về chế độ ăn uống hay vóc dáng. Sức khoẻ luôn là trên hết nên dù nhìn bạn có hơi tròn trĩnh cũng không ảnh hưởng gì. Mỗi năm, tiếp viên sẽ phải đi kiểm tra định kỳ sức khoẻ một lần để đảm bảo mọi thứ đều ổn.
Trước mỗi chuyến bay, mình thường cố gắng ngủ thật đủ giấc và ăn uống đầy đủ để có sức cho cả một quãng đường bay dài.
Tại đây, các thầy cô sử dụng một máy đo giọng riêng cho việc luyện tập. Nếu phần thực hành không đạt, bạn sẽ bị đánh trượt. Hình thức phạt là phải hít đất 50 lần, bất kể số đông đều là con gái.
Mình từng chịu phạt như vậy cho tới khi chân, tay không nhấc lên nổi, miệng hụt hơi và nằm bất tỉnh trên sàn, trước sự chứng kiến của thầy cô và bạn bè.
Nếu điểm số hàng ngày quá thấp, viết bản kiểm điểm quá 5 lần, mỗi tiếp viên hàng không sẽ phải thu dọn hành lý, trở về nước. Đã có không ít trường hợp phải ra về, dù trải qua rất nhiều vòng sơ loại nên hầu hết, ai nấy đều hoang mang, cố gắng và nỗ lực hết mình.
Luôn phải chăm chút đến ngoại hình
Ngoài việc học, các thầy cô trên lớp rất kỷ luật với việc chấm điểm đồng phục và làm tóc. Trên bộ đồng phục chỉ cần có một nếp nhăn là phải viết bản kiểm điểm.
Mỗi sáng vào lớp, bài tập đầu tiên của chúng mình là chào hỏi bằng tiếng Hàn Quốc và cúi gập người trong khoảng một giờ đồng hồ.
Người Hàn Quốc rất coi trọng lễ nghi, khi cúi đầu chào một ai đó, bạn phải kèm theo một câu kính ngữ đi cùng. Cúi như thế nào là quá đà, cúi như thế nào là chưa đạt đến độ coi trọng người trước mặt... - rất nhiều thứ để học.
Các cô gái phải trải qua quá trình rèn luyện gian nan, khắc nghiệt để trở thành tiếp viên hàng không. |
Riêng về kỹ thuật búi tóc, làm tóc, chúng mình có riêng các cô giáo dạy và chỉnh nắn từng chút. Chỉ cần một đám tóc con phía sau gáy hay trước mặt không vào nếp, bạn sẽ có ngay một... bản kiểm điểm. Hoặc nhẹ hơn là phải chép phạt 1.000 câu "Tôi không bao giờ làm tóc như vậy nữa" bằng tiếng Anh rồi đem nộp cho cô.
Bài tập đã rất nhiều, thêm khoản ấy nữa khiến ai nấy đều căng thẳng. Cả ngày đi học ở trường vừa lo kết quả học hành không đạt, vừa lúc nào cũng ngay ngáy thêm khoản ngoại hình, đồng phục, tóc tai đã đúng kiểu chưa? Chỉ cần bất cứ thầy cô nào trong trung tâm đi ngang qua mà thấy tóc hay đồng phục, khăn choàng bị nhăn là có thể bị phạt.
Mỗi ngày, chúng mình dậy từ 5h sáng, 6h xe đón tới trường, học từ 7h sáng tới 12h trưa. Sau đó, chúng mình được nghỉ khoảng 1,5 giờ và học tiếp tới 19h.
Có hôm học thêm đến 8h. Xe đến trường đón tiếp viên về khách sạn là 21h. Sinh hoạt cá nhân xong, mọi người lại tất bật vùi đầu bài vở tới khoảng 2h sáng để chuẩn bị cho bài kiểm tra vào hôm sau. Cứ thế, liên tiếp trong hai tháng, mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng ba tiếng.
Dù luôn cố gắng hết sức có thể, kết thúc khóa học, mình cũng phải viết tới 4 bản kiểm điểm. Đến tận bây giờ nhớ lại, mình vẫn thấy rùng mình khoảng thời gian "quân đội" ấy. Nhiều khi, mình vẫn tự hỏi, sao mình có thể vượt qua được?
Nhưng bạn biết đấy, có trải qua những khó khăn ấy, mình mới có thể biết sức mình tới đâu. Sau tất cả, mình nhận ra rằng, bản thân luôn có thể làm được mọi thứ, chỉ cần bạn cố gắng, phấn đấu hết mình vì mục tiêu to lớn của cuộc đời, bạn nhất định sẽ làm được!
Trên đây là bài viết của Nguyễn Hải Yến - sinh năm 1988, nữ tiếp viên làm việc tại tại hãng hàng không Asiana Air, Hàn Quốc - gửi tới Zing.vn, nhằm chia sẻ kinh nghiệm tới các bạn trẻ mong muốn theo đuổi công việc này.
Video được xem nhiều nhất