Làm gì ở tuổi 21?

Zing - 18/05/2015, 14:04

Câu chuyện người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước đã tạo cảm hứng cho các bạn nghĩ về câu chuyện đời mình vào lứa tuổi ấy.

Hàng nghìn sinh viên, học sinh nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đã có mặt trong ngày hội thanh niên làm theo lời Bác lần đầu tiên được tổ chức tại TP HCM. Không gian của ĐH Sài Gòn hôm qua 17/5 nhiều màu sắc bởi đồng phục của các trường đến với ngày hội.

 

Các bạn sinh viên sôi nổi thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác trong ngày hội - Ảnh: Q.L.
Các bạn sinh viên sôi nổi thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác trong ngày hội - Ảnh: Q.L.

 

Tuổi 21 và mục tiêu cuộc đời

 

Nguyễn Ngọc Tuấn (ĐH Sài Gòn) đặt mục tiêu viết ra tác phẩm đời mình. “Tác phẩm ấy theo nghĩa là độ tuổi bước vào đời, xây dựng sự nghiệp để chinh phục hoài bão đời mình. Đó còn là hoàn thành những trang viết tác phẩm văn học mà mình vốn yêu thích” - Tuấn lý giải.

 

Với Nguyễn Nhật Thu (ĐH Mở TP HCM, mục tiêu ấy là hoàn thành chuyện học hành cùng kết quả tốt nghiệp đạt loại khá. Cô gái Trần Thị Ngọc Ánh (ĐH Sài Gòn) là thi đỗ lớp sơ cấp, hoàn thành giáo trình 301 câu đàm thoại tiếng Trung và có một công việc làm thêm liên quan đến ngành quản trị kinh doanh đang theo học.

 

Tuổi 21 được khắc họa rõ hơn với chia sẻ của Trịnh Thị Hiền Phương (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM) khi trở thành đại biểu chính thức của đoàn VN trên con tàu của Chương trình tàu thanh niên Đông Nam Á. Với Hà Thanh Đạt (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), tuổi 21 đánh dấu bằng việc trở thành “thủ lĩnh sinh viên” toàn thành phố sau khi vượt qua cả nghìn thí sinh khác.

 

Thanh Đạt gói gọn hành trình tuổi 21 của mình bằng chữ “cảm” của cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ trong công việc, cuộc sống cũng như phải luôn có niềm tin vào chính mình. Còn Hiền Phương là từ “ước mơ” bởi đã chạm đến nhiều điều mình mơ ước đạt đến ở tuổi này.

 

“Để có thể làm được điều đó, mỗi chúng ta nên trang bị ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn và có kỹ năng tốt, nhất là trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hôm nay” - Hiền Phương chia sẻ.

 

Ngày hội khởi động bằng lễ rước đuốc của cả trăm sinh viên nhiều trường trên đoạn đường hơn 4 km từ Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP HCM về đến ĐH Sài Gòn và ngọn đuốc ấy cháy sáng suốt ngày hội.

 

Các sân chơi kỹ năng, học thuật, vận động thanh niên khỏe, đồng diễn thể dục đã đem đến sắc màu tươi trẻ cho ngày hội kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác.

 

Bên cạnh đó là các diễn đàn, tọa đàm, hội thi tìm hiểu về Bác để chia sẻ cách học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

 

Bí thư Đoàn trường ĐH Sài Gòn Nguyễn Thị Minh Châu nói dù bận rộn công việc cuối năm học song bảy Đoàn trường đã nỗ lực cao nhất để ngày hội ngoài tạo sân chơi cho sinh viên còn là tình cảm mà sinh viên thành phố mang tên Bác muốn dâng lên Người trong ngày sinh nhật.

 

Trong khi đó, tại một diễn đàn khác trong khuôn khổ ngày hội, các bạn cùng chia sẻ câu chuyện học và làm theo Bác về ngoại giao nhân dân.

 

Dẫn chuyện là TS Dương Kiều Linh (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM) khi đúc kết mục tiêu cuối cùng của ngoại giao nhân dân không gì khác hơn là giữ vững chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, nhân dân có cuộc sống ấm no như Bác hằng mong muốn.

 

Một sinh viên hỏi thách thức nào là lớn nhất trong ngoại giao nhân dân hiện nay?

 

TS Dương Kiều Linh nhắc lại câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh Lord Palmerston hồi thế kỷ 19: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn” để trả lời câu hỏi của sinh viên ấy.

 

TS Linh nhắn nhủ: “Các bạn hãy cứ tìm đọc thật nhiều thông tin, cả thông tin đối lập nhưng phải trang bị kiến thức để đủ bản lĩnh tìm ra thông tin đúng, để hiểu rằng mỗi chúng ta phải biết đặt quyền lợi quốc gia trên hết trong bất kỳ hành động ngoại giao nào, dù nhỏ”.

 

Thách thức nào là lớn nhất

 

Mỗi góc sân trường ĐH Sài Gòn đều có những hoạt động để các bạn lựa chọn tham gia. Nhiều sinh viên yêu thích ghép tranh đã cùng nhau ghép bức tranh Bác Hồ đang đeo chiếc khăn quàng đỏ cho thiếu nhi từ nhiều mảnh ghép nhỏ.

 

Bức tranh này được tặng cho nhà Thiếu nhi TP HCM. Hội thi Hồ Chí Minh sáng mãi tên Người với hình thức thi rung chuông vàng đã cuốn hút các bạn thử tài trả lời các câu hỏi mà mỗi đáp án giúp các bạn thêm thông tin về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Bác.

 

Nhiều bạn khi được hỏi đều cho rằng những lời dạy của Bác gần gũi, mộc mạc mà càng tìm hiểu sẽ càng thấy thấm sâu ý nghĩa. Làm tốt từng việc nhỏ trong công việc, học tập, đời sống hằng ngày để hoàn thiện bản thân chính là cách thực hành lời dạy của Bác mà nhiều bạn đã chọn.

 

Mỹ Thanh (ĐH Sư phạm TP HCM) bộc bạch: “Chắc chắn là không thể học hết và trở nên giống Bác vì cả dân tộc VN chỉ có một lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng càng tìm hiểu sẽ càng thấy những lời dạy của Bác rất cụ thể, gần gũi và hợp thời dù bất cứ giai đoạn nào, với bất kỳ ai”.

 

Trong khi đó, Hà Thanh Đạt nói ngày hội sẽ tiếp thêm động lực để mỗi sinh viên, học sinh tiếp tục học tập và làm theo lời Bác, để tu dưỡng bản thân và để nhận diện rõ trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như Bác hằng mong muốn.

 

Điều này được Phó bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc rằng ngày hội cùng với nhiều hoạt động khác là cách để tuổi trẻ thành phố thể hiện tình cảm với Bác và đi kèm với đó là ý thức trách nhiệm của lực lượng trẻ trong tham gia xây dựng thành phố, đất nước phát triển. 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất