"Kỳ nhân" khâu vá Hà thành hơn 30 năm chăm chú từng mũi đường kim

Người đưa tin - 03/07/2016, 14:28

Bên khung cửa nhỏ trong ngõ Thanh Miện yên tĩnh, hơn 30 năm qua, bà Hồng với mái tóc pha sương đang ngồi chăm chú từng mũi đường kim khéo léo như cố lưu giữ lại nghề xưa cũ của Hà thành xưa.

Chứng nhân sống của một thời xưa cũ

Người nữ công ấy là bà Nguyễn Thị Hồng – người vá thuê cuối cùng của xứ Hà thành. Hơn 60 tuổi đời, mái tóc đã hoa râm, đôi mắt đã không còn tinh anh như thuở mới vào nghề.

Bên khung cửa hẹp hằn lên dấu thời gian, bà vẫn thoăn thoắt đưa từng đường kim mũi chỉ. Đôi tay bà, dăm ba ngón đã sần chai, in lên vệt kim khâu. Khách đến hỏi chuyện, bà vui vẻ tiếp lời, nhưng vẫn không rời công việc.

 - Ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hồng – “kỳ nhân” vá áo đất Hà Thành


Ngõ Thanh Miến, một con ngõ nhỏ gần Quốc Tử Giám từ lâu đã nổi tiếng vì khách sạn Bàn Cờ, mà cũng nổi tiếng vì cái nghề xưa cũ và cửa hàng sang sợi, mạng, vá quần áo của bà Hồng. “Tôn sư” của bà Hồng là mẹ chồng bà, cụ Tạ Huê Diệp.

Thời Pháp thuộc, cụ Diệp học thêu thùa may vá ở trường nữ công gia chánh Tinh Hoa, là một trong những nghệ nhân nổi tiếng nhất xứ Bắc. Thấy các con dâu khéo léo, tỉ mỉ, cụ truyền nghề cho.

Mấy mẹ con cùng nhau làm nghề, giữ nghề đến tận bây giờ. Cụ Diệp đã ngoài 90, và mới “chịu” ngơi tay ngót chục năm nay. Bà Hồng kể: “Hồi cụ 80 tuổi, cụ vẫn ngồi mạng áo, sang sợi, vừa để vận động chân tay, vừa đỡ nhớ nghề”.

Nghề vá quần áo thuê là một trong những nghề “hot” của thời bao cấp, khi cuộc sống còn khó khăn. Hồi ấy, chẳng riêng gì gia đình bà Hồng, nhiều cửa hàng ở phố Hàng Bông, Phủ Doãn, Hàng Hòm, Hàng Gai… kiếm sống được với nghề.

Bây giờ, cuộc sống phát triển, những nghệ nhân xưa chuyển sang làm nghề khác, các em dâu bà Hồng sức khỏe kém cũng không theo nghề nữa. Thành thử, cả Hà Nội chỉ còn mỗi bà Hồng bám trụ và sống được với cái nghề tỉ mẩn, cũ kỹ ấy.

 - Ảnh 2

 - Ảnh 3

Hơn 30 năm làm nghề, bà chẳng nhớ nổi đã bao chiếc áo quần được “tân trang”, bao nhiêu lượt khách đã qua lại cửa hàng, dù trong số ấy có những người là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng.

Một nghề cho chín còn hơn chín nghề

Vá quần áo, công việc tưởng chừng đơn giản ấy không chỉ cần kỹ năng, con mắt thẩm mỹ, khéo léo mà còn thử thách lòng kiên nhẫn của con người nữa. Để mạng lại một vết rách, vết thủng to cỡ một đốt ngón tay, bà Hồng, dù đã có kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề, phải mất nửa tiếng đồng hồ.

Gỡ những sợi chỉ thừa ở mặt trong quần áo, so màu sắc, chất liệu vải, chần miếng vá rồi chọn đúng “mấu” sợi vải khâu chìm xuống… sao cho khi xong việc, chỗ rách trở nên lành lặn, kỹ càng đến mức, nếu không phải chủ quần áo hay người vá, khó có thể nhận ra được.

Chẳng vậy mà, thời nay, dù cuộc sống đã đổi thay nhiều, bà Hồng vẫn gắn bó với nghề gia truyền. Bà chia sẻ: “Làm nghề phải tranh thủ từng tí một. Mỗi ngày tôi làm được khoảng 200.000 đồng, tính ra mỗi tháng ngót 6 triệu. Không giàu được, nhưng cũng đủ lo cho gia đình”.

Bà Hồng tự hào khoe, cũng giống như mẹ chồng mình khi trước, chăm lo cho cả 4 người con ăn học đàng hoàng, bà cũng lo được cho cậu con trai đi học đại học, tất cả là nhờ tiền công may vá.

Hơn 30 năm làm nghề, bà chẳng nhớ nổi đã bao chiếc áo quần được “tân trang”, bao nhiêu lượt khách đã qua lại cửa hàng, dù trong số ấy có những người là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng.

Bà ít khi nhận ra họ, chỉ khi họ tự giới thiệu hoặc hàng xóm nhận ra, bà mới biết. Bà chỉ nhớ nhất ca sĩ Thu Hà (Hà Trần) dạo trước hay qua lại, giờ chẳng thấy đâu. Bà hỏi tôi, cô ấy vào Sài Gòn sống rồi à, mà không biết Hà Trần đã kết hôn và đang ở nước ngoài.

“Khách của tôi mỗi người mỗi kiểu. Có những người nghèo quá, tôi chỉ lấy chút đỉnh tiền công, cũng có người giàu, tôi lấy 20.000 đồng tiền công, giống như với người bình thường, nhưng họ ưng ý quá nên cho hẳn 50.000 đồng” – bà Hồng kể.

Khi được hỏi, với khách nước ngoài bà có “chém” không, bà cười xòa: “Người Tây cũng như người mình, cũng có người giàu, người nghèo, tại sao lại lấy tiền họ nhiều hơn? Nhưng làm việc với người Tây quan trọng nhất là phải đúng hẹn. Họ rất mê nghề thủ công nên thường thưởng thêm cho tôi”.

 - Ảnh 4

Với mong muốn giữ nghề truyền thống cho con cháu vừa có thu nhập vừa lưu giữ nét văn hóa Hà Nội xưa, bà Hồng đang truyền nghề cho cô con dâu.

Bà Hồng khoe, bà có hẳn mấy người khách quen là người nước ngoài. Hôm trước, một bà khách quen đi ngang qua nhà, thấy bà Hồng ngồi trước cửa, bà ấy vẫy tay chào.

Mấy phút sau, người ấy quay lại, nhưng không phải để sửa đồ, mà để cho bà Hồng 50.000 đồng. Bà đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, bà khách nước ngoài cười, chỉ tay lên tóc, ý bảo bà Hồng lấy tiền ấy mà đi làm đầu.

Với mong muốn giữ nghề truyền thống cho con cháu vừa có thu nhập vừa lưu giữ nét văn hóa Hà Nội xưa, bà Hồng đang truyền nghề cho cô con dâu. Chị có sự nghiệp riêng, nhưng thi thoảng vẫn cùng mẹ chồng nối đường kim mũi chỉ, âm thầm lưu giữ nghề xưa.

Theo Trí Thức Trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất