"Khởi nghiệp để thay đổi, không phải sở hữu công ty"

Zing - 15/07/2016, 14:27

Các doanh nhân trẻ Việt trở về từ Hội nghị thượng đỉnh Doanh nhân trẻ toàn cầu 2016 tại Mỹ đã chia sẻ vấn đề mà họ tâm đắc: Khởi nghiệp để thay đổi.

Chiều tối 14/7, ba trong tám đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân trẻ toàn cầu (GES) 2016 tại California, Mỹ chia sẻ câu chuyện thú vị về chuyến đi từ ngày 21 đến 24/6 vừa qua.

Các đại diện bao gồm: Nguyễn Thị Thùy Trang (sáng lập hãng thời trang Emwear), Phạm Tấn Phúc (sáng lập dự án GCall) và Bùi Hải An (đồng sáng lập Silicon Straits).

Học ở Mỹ, ngẫm về Việt Nam

"Chúng tôi không hình dung được hội nghị diễn ra như thế nào vì mỗi năm một thay đổi, ở các nước khác nhau. Tại đây, chương trình đã đem đến những diễn giả tuyệt vời và bất ngờ, những người đang thay đổi thế giới như nhà sáng lập Facebook, Google, Linkedin..." - Thùy Trang nói.

Theo Hải An, trong 5.000 đơn ứng tuyển, 700 bạn đến từ 170 nước khác nhau trên thế giới được chọn và tham dự hội nghị. Anh cảm thấy được truyền cảm hứng bởi các bạn trẻ đam mê và tràn đầy năng lượng.

"Được nghe thần tượng của mình phát biểu như đại diện từ Airbnb, Uber, hay trao đổi với nhiều người trong ngành công nghệ như Microsoft, Google thật thú vị" - Hải An, người từng có cơ hội giới thiệu công ty của mình với Tổng thống Barack Obama trong chuyến ông công du đến Việt Nam, chia sẻ.

Đặc biệt, Hải An ấn tượng với người chiến thắng cuộc thi về khởi nghiệp diễn ra trong hội nghị, đại diện từ Thái Lan.

An kể, trong hai năm qua, người này làm việc với nông dân ở Thái Lan với mong muốn thay đổi chính sách về gạo. Gạo Thái Lan được xem có giá trị kinh tế trên thế giới, nhưng với anh bạn này là chưa đủ tốt, bởi người nông dân vẫn còn nghèo khó, phần lớn lớn lợi nhuận vào tay thương nhân.

Anh bỏ việc ở công ty công nghệ, sống với người dân. Tại cuộc thi, anh mang lên sân khấu gạo đem từ Thái Lan để thể hiện đây là gạo tốt và mong muốn bán với giá cao hơn, cải thiện đời sống nông dân.

Bản thân là người Kiên Giang, gia đình làm nông, Hải An nói: "Tôi đã suy nghĩ rất nhiều sau chuyến đi. Chúng ta gặp vấn đề tương tự nhưng chưa có công ty khởi nghiệp nào thực sự giải quyết vấn đề này".

Điều này thôi thúc anh nghiên cứu mô hình khởi nghiệp của người chiến thắng từ Thái Lan và áp dụng tại Việt Nam.

Còn Tấn Phúc thì trăn trở vấn đề khác. Phúc dành thêm một ngày sau hội nghị để đến một không gian lập trình của nhiều công ty khởi nghiệp và gặp kỹ sư 20 tuổi từ Jordan.

'Khoi nghiep de thay doi, khong phai so huu cong ty' hinh anh 1

Phạm Tấn Phúc chia sẻ tại buổi trò chuyện. Ảnh: Diệp Uyên.

 

Cậu bé được startup Mỹ mời về làm việc trong sáu tháng với nhiều hỗ trợ. Nhưng nếu sau đó, doanh nghiệp này tồn tại, cậu mới có thể ở lại. Sau 3 tháng, cậu bạn muốn trở lại quê hương.

"Tôi hỏi, tại sao bạn không khởi nghiệp nước mình mà lại đến Mỹ, cậu không trả lời được và tôi cũng vậy" - Phúc nói.

Là người đã và đang hoạt động ở các vườn ươm khởi nghiệp, tập trung việc phát triển con người, Phúc nhận thấy cậu bé này cũng giống nhiều kỹ sư Việt Nam có xu hướng đến các nước như Singapore, Mỹ để làm việc, mong muốn điều kiện kinh tế tốt hơn.

Nhưng anh cho rằng thực sự có rất nhiều rủi ro trong chuyện này và các bạn trẻ cần có lựa chọn sáng suốt.

Khởi nghiệp là giải quyết vấn đề cộng đồng

Cả ba đại diện đều tâm đắc với câu nói của nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, chia sẻ tại buổi nói chuyện có đại ý, khởi nghiệp tạo ra thay đổi, chứ không phải sở hữu công ty.

Hải An đến với hội nghị và tranh thủ hẹn gặp nhiều người Việt tại Thung lũng Silicon. Anh được họ dẫn đi tham quan văn phòng, kể về cuộc sống ở đây, những điều anh chỉ nghe qua báo đài.

"Họ đam mê, nhiệt huyết và muốn thay đổi thế giới. Họ muốn giải quyết những vấn đề lớn của xã hội. Đó là điều rất khác so với những gì tôi thấy tại Việt Nam" - An thẳng thắn.

Tại hội nghị, Hải An một lần nữa nhận ra giá trị cốt lõi của khởi nghiệp. Một phụ nữ khởi nghiệp ở Châu Phi để giúp các phụ nữ khác có công việc, nhận lương cơ bản và nuôi sống gia đình.

Theo An, họ làm việc rất nhỏ nhưng đang giải quyết được vấn đề của cộng đồng, chứ không đơn thuần là vấn đề của khách hàng. Họ thay đổi thế giới bằng cách thay đổi đất nước mình.

Tương tự, Thùy Trang kể câu chuyện một phụ nữ khởi nghiệp từ 300 USD cùng sự tư vấn của người mẹ xuyên suốt quá trình xây dựng công ty.

Đến khi người này trở thành tỷ phú, cô tự hào nói với mẹ mình: Mẹ ơi, con thành công rồi.

Nhưng người mẹ nói, con không thể đo thành công của mình bằng số tiền mình kiếm ra. Thành công là khi con giúp tạo ra sự thay đổi cho người phụ nữ khác, để họ được như con. Lời khuyên là động lực cho cô gái có mặt tại GES 2016 và những sự kiện tương tự, tìm và hỗ trợ các nhóm nữ trẻ khởi nghiệp.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất