Khi công viên thành nơi diễn "cảnh nóng"
Hiện nay, tại những nơi vui chơi công cộng, các bậc phụ huynh không dám cho con vào vì sợ bị chó cắn và gặp phải “cảnh nóng”.
Khổ như trẻ em thành phố
Khoảng 8h tối ngày đầu hè, khu hành lang tại nhà CT12C, chung cư Kim Văn Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rộn ràng đám trẻ vui chơi, nô đùa. Trong lúc những đứa trẻ đang cao hứng đạp xe, đá bóng, một chủ nhà phía cuối dãy hành lang ra mặt nhắc nhở: “Các cháu về nhà chơi, không ồn ào để em bé nhà bác ngủ”.
Cụt hứng, những trẻ lớn tuổi hơn lủi thủi bỏ đi, nhưng một vài đứa bé vẫn mải chơi không về. Phỉnh nịnh mãi con vẫn không chịu về, chị Mai Mỹ Linh đành phải dọa: “Ở đằng kia có ông ba bị, con không về nhà ông ba bị bắt cóc đấy”. Sợ quá, thằng bé bỏ đồ chơi ôm chầm lấy cổ mẹ.
Các cặp đôi thể hiện tình yêu bằng cảnh “nóng” ở công viên Hòa Bình (quận Cầu Giấy, Hà Nội). |
Hôm sau, trên Facebook, xuất hiện "tâm thư” của gia chủ tối hôm trước bày tỏ mong muốn các gia đình không cho con em chơi ở khu vực hành lang quá 9h tối, để em bé ngủ và gia chủ làm việc. Bức thư không nhận được sự phản hồi nào của các thành viên tòa nhà.
Dù vậy, từ đó các gia đình cũng tự ý thức chấp hành những quy định của “tâm thư” trên. Tuy nhiên, không ít lần gia chủ vẫn cảm thấy khó chịu ra mặt khi đám trẻ con cùng tầng vui chơi ồn ào.
Chị Mỹ Linh cho biết, con trai chị rất hiếu động, để tránh mất lòng hàng xóm, chị phải nhốt con trong nhà hoặc cho xuống vỉa hè chơi, vừa bụi bặm vừa mất an toàn. “Nhiều lúc nhốt con thấy tội nghiệp lắm. Ngồi trong nhà con cứ nhấp nhổm, hễ nghe tiếng trẻ con đi ngoài hành lang là nó lại giật cửa đòi ra” - chị Linh kể.
Chị Nguyễn Kiều Anh - cư dân cùng tòa nhà - bày tỏ bức xúc: “Thường 6h tối, tôi mới đón con đi học về. Cơm nước, tắm giặt xong đã gần 8h. Tranh thủ dẫn con ra hành lang vui chơi đổi gió chút, nhiều lúc chơi đến hơn 8h đã bị nhắc nhở rồi. Khu chung cư không có sân chơi, chỉ tận dụng được dãy hành lang nhưng cứ bị ý kiến này nọ. Mùa hè rồi làm sao nhốt con trong nhà suốt được”.
Hồ trong công viên thành nơi tắm của chó dữ.
|
Theo quan sát, chung cư Kim Văn Kim Lũ hiện có 4 tòa nhà nằm san sát nhau, mỗi tòa có hơn 1.000 căn hộ, chủ yếu là các gia đình trẻ có con nhỏ nhưng tuyệt nhiên không có một khu vui chơi.
Anh Nguyễn Đức Nam (CT12A, Kim Văn Kim Lũ) cho hay: “Trước có một khoảng sân ở giữa tòa nhà CT12A và CT11 khá rộng rãi, thoáng mát. Những tưởng đây sẽ là khoảng không gian lý tưởng để các gia đình tận dụng làm sân chơi cho con em, nhưng không ngờ một ngày đẹp trời, người ta đóng cọc, dựng mái để làm bãi trông xe. Cư dân tòa nhà bức xúc, mấy lần hò nhau đi gặp Ban quản lý để khiếu nại nhưng mọi việc đâu vẫn vào đấy”.
"Các đôi nam nữ đến hồ toàn ôm hôn, sờ soạng, âu yếm nhau.Tôi đành phải cấm con nhỏ học lớp 5 ra đó vào buổi tối vì không muốn con nhìn thấy những hành vi không hay”, Anh Hoàng Văn Đức (quận Hà Đông, Hà Nội).
Không riêng gì chung cư Kim Văn Kim Lũ, dạo qua một vòng các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội đều có thực trạng tương tự, đặc biệt là các khu bình dân, khu tái định cư. Khu tái định cư Nam Trung Yên (quân Cầu Giấy, Hà Nội) có hơn chục tòa nhà nằm san sát nhau nhưng cũng không có vườn cây, sân chơi. Muốn “đổi gió” cư dân ở đây cũng chỉ có nước dạo chơi ở các vỉa hè tòa nhà. Tuy nhiên, các vỉa hè ở đây cũng bị chiếm dụng làm hàng quán bán hàng, rất nhếch nhác.
Chị Nguyễn Thúy Loan, ở khu chung cư mi ni Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, tòa nhà chị ở có 8 tầng, mỗi tầng 10 căn hộ được xây dựng chật hẹp trong một khu dân cư đông đúc và đương nhiên không có một khoảng không vui chơi nào.
“Căn hộ của tôi chỉ rộng 41m2, 5 người ở. Mùa hè càng trở nên chật hẹp, bí bức. Không có sân chơi, vào dịp hè, bà ngoại trông cháu chỉ biết bật điều hòa cả ngày ở trong nhà. Nằm điều hòa nhiều, thằng bé bị viêm họng, ốm suốt. Nản quá, vợ chồng tôi đang tính cho con về quê ở với bà một thời gian cho thoáng mát” - chị Loan nói.
Công viên: nhiều “cảnh nóng”
Với diện tích rộng, lại nhiều cây cối, góc khuất, công viên Thống Nhất (Hà Nội) được các bạn trẻ tìm đến hẹn hò. Buổi chiều muộn, nhiều người dân vào công viên tập thể dục phải chứng kiến cảnh nhiều cặp đôi ngồi ghế đá cạnh đường đi, nằm trên bãi cỏ tự nhiên ôm ấp, hôn hít, thậm chí sờ soạng ngay trước mặt nhiều người.
Chị Hoàng Thị Tư (nhà gần công viên Thống Nhất cho biết: “Nhiều bạn trẻ giờ yêu bạo quá, tôi chạy thể dục mà thấy các cặp đôi cứ ngồi lên đùi nhau, ôm hôn, sờ soạng như chốn không người”.
Chị Tư cho biết, gia đình có hai cháu nhỏ, đứa lớn học cấp 2, đứa nhỏ học cấp 1. Ở gần công viên nhưng gia đình không dám cho con vào vui chơi. “Chúng còn quá nhỏ để hiểu chuyện các anh chị trong công viên. Nhất là đứa nhỏ nhà tôi, mỗi khi ra công viên về là nó lại hỏi bao nhiêu chuyện mà tôi không thể giải thích” - chị Tư nói.
Anh Hoàng Văn Đức (nhà gần hồ Than Thở, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng thường xuyên phải trở thành khán giả bất đắc dĩ vì được xem “cảnh nóng” miễn phí khi đi dạo.
Giống chó dữ Ngao Tây Tạng “vô tư” đi dạo trong công viên Thống Nhất, Hà Nội. |
Hiện, vào mùa nắng nóng, là thời điểm gia tăng về bệnh dại. Bất chấp những khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhiều loại chó không được rọ mõm vẫn được gia chủ vô tư thả rông ở những nơi công cộng. Không khó để gặp những chú chó đang chạy rông, trong đó có nhiều giống chó lai to lớn như chó Leonberger (Béc giê sư tử), chó Alaska (Mỹ), chó Ngao Tây Tạng (Trung Quốc)…
Tại hồ công viên Thống Nhất, không khó để bắt gặp các chú chó đang tắm, vồ nước làm náo loạn cả một vùng. Nhiều địa điểm công cộng lớn tại Hà Nội như công viên Hòa Bình, Nghĩa Đô, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây... chó vẫn được thả rông không rọ mõm, khiến trẻ nhỏ, người già sợ hãi.
Cô Phan Thị Bình (có con từng bị chó cắn ở Công viên Hòa Bình) kể: “Cách đây mấy tháng, tôi cùng con gái học lớp một vào công viên Hòa Bình chạy thể dục. Nhà nuôi chó nên con bé quý chúng lắm. Khi thấy một chú chó đang đi dạo, con bé giơ tay vuốt ve liền bị cắn chảy máu. Từ đó, tôi không dám đưa con vào công viên chơi nữa”.
Video được xem nhiều nhất