Khi bà bầu 7 tháng bị xe cán nát chân vật vã cầu cứu, người ta vẫn bận chụp ảnh đăng lên mạng
Người không đau chân chẳng bao giờ hiểu được cảm giác của người chân đau là gì. Thế nên, người ta cứ mãi thờ ơ, cho dù biết hậu quả như thế nào. Sao càng ngày chúng ta càng vô tâm đến thế?
Vừa qua, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra ở khu đô thị Linh Đàm, hà Nội. Nạn nhân là chị Trần Thị Nga, bà mẹ trẻ đang có bầu 7 tháng bị xe tải cán nát chân. Thông tin vụ việc không lan truyền gây chấn động dư luận như vụ ô tô điên ở Long Biên vài tháng trước, song có rất nhiều vấn đề về cách cư xử, lòng trắc ẩn của con người cần phải nói tới sau những bức ảnh chụp người phụ nữ mang thai nằm vật vã dưới gầm xe.
Mạng xã hội – con dao 2 lưỡi
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, có nhiều người trông thấy nhưng đa phần là chỉ trỏ, đem điện thoại ra chụp cảnh bà bầu gãy chân nằm khóc than kêu cứu dưới gầm xe, chứ không ai chạy tới giúp người phụ nữ ấy. Thậm chí nhiều người còn tránh ra, không muốn chở nạn nhân đi cấp cứu vì sợ bị bẩn xe, vấy máu lên quần áo, phần vì sợ hãi đôi chân gãy nát của người phụ nữ tội nghiệp. Chỉ có duy nhất một đôi vợ chồng trẻ xuống xe gọi cấp cứu, gọi người nhà nạn nhân, và theo chị Nga vào tận bệnh viện. Họ cũng là người chứng kiến tất cả, và kể lại với anh Vũ Minh Nam, chồng chị Nga về những đôi mắt thờ ơ trước cảnh vợ anh vật vã giữa đường.
Chị Nga nằm trơ trọi giữa đoạn đường đầy đất cát, với 1 bên chân bị cán nát và tiếng kêu cứu khản đặc vào trưa ngày 11/5/2016
“Tôi không biết tên 2 anh chị tốt bụng ấy, chỉ biết cảm ơn họ nhiều lắm. Nhưng tôi rất buồn khi nghe họ kể lại rằng nhiều người phóng xe ngang qua chỗ vợ tôi nằm kêu cứu, người ta đi ô tô, xe đẹp, ai cũng sợ vợ tôi lấm lem bùn đất, chân gãy máu me làm bẩn xe họ. Hơn nữa, nhiều người đi vội vì việc của người ta, hơi đâu mà đứng lại lo chuyện bao đồng. 2 anh chị cũng lấy điện thoại ra chụp một bức ảnh, bảo với tôi rằng sẽ đăng lên facebook để chia sẻ mọi người giúp đỡ. Nhưng vợ chồng tôi không cần, tôi chỉ mong vợ an toàn mà thôi” - Anh Nam thẫn thờ nhớ lại biến cố kinh hoàng vừa xảy ra với vợ mình.
Giờ lên facebook là thấy hoa mắt với cả đống tin tức, status dạng “biến căng ở ABC”, “đánh nhau kinh hoàng ở bar XYZ”, “tai nạn thảm khốc trên phố Xã Đàn”… kèm theo các bức ảnh cận cảnh, chân thực, tốc độ nhanh hơn cả báo chí. Thậm chí, còn có hẳn diễn đàn lớn chuyên đăng các tin hot, sự cố hàng ngày tại khắp 63 tỉnh thành, cập nhật chính xác đến từng giây từng phút trên facebook. Mọi người thi nhau “hóng biến”, thi nhau làm người “lên top”, đăng bài trên top… để nhận được nhiều like, nhiều share. Dường như ai cũng muốn mình là người đầu tiên biết chuyện, được nhắc đến tên như kẻ có công phát hiện ra “biến” hot, thậm chí cố gắng ngồi lê la để “bổ sung thông tin cho ai chưa biết”, “bonus cho anh em/ chị em cùng hóng”, post cả clip hiện trường v.v…
Cái mà những người đó quan tâm là sự nổi tiếng ảo, những lượt like, share tăng vùn vụt hoàn toàn ảo trên mạng xã hội, chứ họ không mấy để ý đến nạn nhân trong những vụ việc xảy ra do chính tay họ chụp ảnh. Dần dần, nó trở thành thói quen, những nút công cụ trên facebook trở thành công cụ để nhiều người chứng tỏ mình là người hiện đại, cập nhật tin tức “thời sự” mọi lúc mọi nơi, tạo sự kiện thu hút sự chú ý, bàn tán của xã hội. Những người chụp ảnh chị Nga bị xe tải chèn nát 2 chân, họ nghĩ gì khi giơ máy lên, bấm nút chụp, rồi hí hoáy post lên mạng nhỉ? Thay vào đó, sao họ không trực tiếp giơ tay ra đỡ chị dậy, bế chị lên xe taxi, hay bất kỳ chiếc xe nào có thể chở chị tới bệnh viện gần nhất? Hình như, việc rút điện thoại ra, bật camera với tốc độ "điện xẹt" để ghi lại được những khoảnh khắc “quý báu” trước khi ai đó nhảy cầu tự tử, đâm vào đầu ô tô tự sát, hiện trường “nóng” vụ tai nạn… đã trở thành phản xạ, thói quen của đám đông. Dù bị dư luận lên án khá nhiều về thói quen xấu xí này, nhưng nó vẫn diễn ra một cách thản nhiên và không cảm xúc.
Nhiều người trông thấy người mẹ trẻ mang bầu nằm vật vã đau đớn, nhưng người giơ điện thoại chụp ảnh thì đông, người giúp thì chỉ có vài người
Ở một khía cạnh khác, có nhiều người sử dụng mạng xã hội một cách hữu ích, lấy đó để truyền tải các thông tin cứu giúp ai đó bị nạn, tìm kiếm đồ thất lạc, hưởng ứng sự kiện xã hội – văn hoá tích cực… Như trường hợp của đôi vợ chồng cứu giúp chị Nga, họ cũng giơ điện thoại ra chụp, nhưng mục đích là để đăng tin chia sẻ, hỗ trợ gia đình chị. Sau tai nạn định mệnh đó, các bác sĩ đã phải cưa chân bên trái của chị Nga, và đau lòng hơn là đứa bé 7 tháng tuổi trong bụng chị đã không sống sót được để đợi ngày chào đời. Chị được mổ lấy thai vào sáng ngày 13/5, vì muốn chị ổn định sức khoẻ, tâm lý nên gia đình đã quyết định giấu chị sự thật đau đớn ấy, chuẩn bị sẵn “kịch bản giả” rằng chị sinh non và chuyển bé tới viện Nhi.
Vợ chồng chị Nga quê ở Hải Dương, đều là lao động nghèo đi làm thuê trên Hà Nội. Trước lúc bị xe tải chèn nát đôi chân, chị đang trên đường đi ship hàng cho khách, dù bụng bầu khá to nhưng vì miếng cơm manh áo nên chị vẫn tự lái xe một mình, chồng chị thì đi ship hàng nơi khác. Ngờ đâu, cú va chạm tử thần trong giây lát đã cướp đi 1 bên chân cùng thai nhi vô tội trong bụng chị. Tai hoạ ập xuống đột ngột nên gia đình chị Nga bị xáo trộn hoàn toàn, gia cảnh khó khăn nay càng khó khăn gấp bội, vì chi phí phẫu thuật 2 lần, cùng thuốc men, viện phí… là con số không nhỏ. Biết điều đó nên đôi vợ chồng trẻ tốt bụng nói trên đã có ý muốn giúp vợ chồng chị Nga bằng hành động nhỏ, tìm kiếm sự hỗ trợ, động viên gia đình từ cộng đồng mạng.
Sự thực là việc làm này đem lại kết quả tích cực, vì ngay sau khi chị Nga chuyển tới BV Việt Đức làm phẫu thuật cắt chân, nhiều bạn sinh viên, chị em phụ nữ đã tới thăm hỏi, gửi quà, dù không hề quen biết. Chỉ vì họ đã khóc khi thấy ảnh chị trên facebook, đôi chân bất động và gương mặt nhoè nhoẹt nước mắt lẫn bụi đường dưới gầm xe tải, với chiếc bụng bầu to tướng, mà xung quanh không có ai xúm vào bế chị dậy. Chị đã nằm đó rất lâu với đám đất cát bẩn thỉu, cho mọi người chụp ảnh “với đủ các góc”, kêu lên “ghê quá”, “sợ quá”, “kinh quá”… Bao người đã cảm thương cho hoàn cảnh thương tâm của người mẹ trẻ, nên đã tìm mọi cách để tới thăm và giúp đỡ, dù của ít lòng nhiều nhưng cũng thể hiện rằng trong cuộc đời này còn đầy tấm lòng đáng quý, biết sẻ chia.
Bởi thế nên mới nói, mạng xã hội là con dao 2 lưỡi, cùng một hành vi là chụp ảnh người bị nạn, nhưng đánh giá nó tốt hay xấu tuỳ thuộc vào mục đích người chụp ảnh là gì, khi đăng lên sẽ đi theo các chiều hướng khác nhau.
Cất điện thoại đi, và giơ bàn tay ra, biết đâu bạn lại cứu được một người thoát khỏi lưỡi hái tử thần!
Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhanh nhất có thể, nhưng vết thương quá nặng nên chị Nga phải cắt bỏ 1 chân và mất đi hài nhi bé bỏng chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Còn 2 tháng nữa thôi là bé sẽ được nhìn thế giới xung quanh, được bú dòng sữa mẹ thơm ngọt mát lành lần đầu tiên. 7 tháng mang thai mệt nhọc, với bao nhiêu niềm vui nỗi buồn theo sự lớn lên mỗi ngày của con, chị Nga, anh Nam đã mong chờ biết bao ngày con ra đời. Vậy mà trong phút giây định mệnh, anh chị đã mất tất cả... Bác sĩ đã rất cố gắng để giữ lại em bé, nhưng cuối cùng, anh Nam và người thân vẫn gục ngã khi phải đối diện với sự thật rằng chỉ giữ được mẹ bé mà thôi.
Nếu được đưa tới bệnh viên sớm hơn dù chị 1 phút, biết đâu chị Nga không phải cắt bỏ một bên chân?...
Nếu như chị Nga được đưa tới bệnh viện sớm hơn dù chỉ 1 phút, nếu như chị được mọi người đồng lòng giúp đỡ ngay tại nơi chị gặp tai nạn, chị không phải nằm dưới lòng đường suốt bao lâu giữa trưa nắng, biết đâu đôi chân chị vẫn còn cơ hội lành lặn, và có lẽ con chị cũng có thể sống sót. Thử hình dung nếu chúng ta là người mẹ tội nghiệp ấy, dù đôi chân đau đớn vì nát vụn, ta vẫn chỉ có một suy nghĩ là tìm mọi cách cứu được bé con trong bụng. Vậy mà bao người đi qua cũng chỉ liếc nhìn, chỉ trỏ, bàn tán, bịt miệng sợ hãi, và… giơ điện thoại lên chụp ảnh, không ai chủ động cứu giúp ta. Có thể chân chị không cứu vãn được vì bị bánh xe chèn qua nát vụn, nhưng nếu mọi người xung quanh lao vào cứu giúp chị sớm hơn, người mẹ trẻ sẽ bớt đi muôn phần đau đớn, rút ngắn thời gian chịu đựng sự hành hạ thể xác. Sao chúng ta không làm điều nên làm ngay lập tức, mà cứ nghĩ đến việc không nên làm đầu tiên?
Những bức ảnh ấy đăng lên mạng, hoặc cho người khác xem có khiến chân chị Nga lành lại được không? Có giúp con chị sống sót khoẻ mạnh không? Có giúp gia đình chị bớt khó khăn hơn không? Câu trả lời là KHÔNG. Trước trường hợp của người mẹ này, cũng có nhiều sự việc thương tâm khác như xảy ra tai nạn, cháy nhà, cướp giật, đâm chém, bắt cóc… nạn nhân kêu cứu nhưng người đi đường thờ ơ. Lý do người ta vô tâm thì nhiều lắm, sợ liên luỵ, sợ bẩn quần áo, sợ vấy máu, sợ mất thời gian, bận công việc khác… Nhưng tất cả chỉ là nguỵ biện mà thôi.
Đừng biến chính mình thành người gián tiếp gây tội ác, gây ra vết thương lòng cho người bị nạn ngay trước mắt
Câu chuyện xót xa về em bé gặp nạn trong vụ xe điên kinh hoàng ở Ái Mộ, Long Biên (Hà Nội) từ 3 tháng trước vẫn còn vẹn nguyên cảm giác đau đớn cho dư luận, và câu hỏi đặt ra khiến nhiều người giật mình là – nếu hình hài bé nhỏ bị tai nạn nằm bơ vơ giữa đường là con bạn, liệu bạn có vô cảm đi qua không? Điều đáng sợ nhất không phải là ai đó gây ra tội ác, mà tội ác chính là sự vô cảm với việc tốt đáng ra chúng ta nên làm. Hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác, và suy ngẫm xem mình nghĩ gì với hành động thờ ơ của đám đông khi ta đưa tay cầu xin sự trợ giúp. Tay họ bận chụp ảnh “đăng phây”, nên không phải ai cũng rảnh tay để chìa ra giúp đỡ, đáp lại tiếng kêu cứu tuyệt vọng lẫn trong tiếng ồn ào bàn tán của bạn đâu!
Trong Luật cũng quy định rõ, người nào cố ý không cứu giúp người gặp nạn, có nguy cơ tử vong, thấy chết không cứu cũng tính là một tội, và bị xử phạt tù. Tuy nhiên thực tế không phải ai cũng sẵn sàng nhảy vào nước sôi lửa bỏng để cứu người lúc nguy cấp, bởi biết đâu chẳng cứu được ai, còn mất cả mạng mình, như các trường hợp cứu người chết đuối bị chết theo có rất nhiều trên báo. Lắm người sống ích kỷ, sợ chết, họ cũng sẽ nghĩ rằng: không phải việc của mình, người gặp nạn mình cũng không quen, thôi chẳng sao cả, qua là qua.
Người không đau chân chẳng bao giờ hiểu được cảm giác của người chân đau là gì. Thế nên, người ta cứ mãi thờ ơ, cho dù biết hậu quả như thế nào. Nhanh 1 giây có khi cứu được cả trăm người trên một chiếc xe khách gặp nạn, nhưng chậm 1 giây có khi hàng trăm người đó sẽ chết trong đau đớn. Họ không chết vì tai nạn, mà vì sự lãnh cảm, lạnh lùng, vô tâm của đồng loại xung quanh...
Video được xem nhiều nhất