Khánh Linh: Phụ nữ hãy là giày cao gót, để đàn ông làm miếng lót gót giày
"Rất nhiều người dùng cái gọi là “hy sinh” để chặn hết mọi đường tiến lên của bạn. Không học hành, không đọc sách… Bạn phải nhớ rằng ngoài việc làm một người vợ, người mẹ, bạn cũng là một con người mưu cầu đường đi riêng của mình."
Trương Vũ Khánh Linh
Hiện đang phụ trách nội dung 3 tạp chí có tiếng dành cho phụ nữ và giới trẻ
Sách đã xuất bản: Hoa xương rồng nở trên giày cao gót, B-Girl& Haharoscope, Trường học 1-0-2.
|
Phụ nữ nhất định phải là giày cao gót
Tại sao chị lại nghĩ: Phụ nữ phải giống giày cao gót. Giày cao gót đẹp thì có đẹp nhưng cũng có lúc cũ kĩ và "tan tác". Hơn nữa, phụ nữ là giày cao gót thì đàn ông là gì?
Tôi từng đọc được trong một cuốn sách về ý nghĩa của biểu tượng, thì hình ảnh đôi giày từ ngày xa xưa luôn là tượng trưng cho một tấm lòng luôn muốn yêu thương, chở che và bảo vệ cho người khác. Tôi tin rằng bất kỳ cô gái nào cũng được sinh ra trên cuộc đời này với một bản năng tương tự như thế, dù cho có được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau đi nữa.
Nhưng nói phụ nữ giống một đôi giày, ấy là bởi vì họ cũng có thể tan nát không còn manh giáp chỉ vì chở che và yêu thương một người. Họ có thể trở nên tàn úa và mòn mỏi, chỉ để hy sinh cho người khác được đủ đầy sung sướng. Họ có thể bị dẫm đạp thảm thương bởi chính người mà họ đã tận tụy hết lòng. Họ có thể quên hết những giá trị của mình, chỉ biết trân mình cho người khác hành hạ. Họ cũng có thể bị vứt bỏ ở một xó xỉnh nào đó, bị lãng quên bởi chính người mà mình đã từng thuộc về. Đó là “một đôi giày” chẳng còn gì hết ngoài những tháng ngày đẹp đẽ mỏng manh nó đã từng có.
Chính vì những đau đớn và thua thiệt ấy, tôi thích nghĩ phụ nữ nên giống một đôi giày cao gót. Mạnh mẽ, xinh đẹp, quyền lực, nhưng vẫn đủ đầy những bản năng yêu thương và bảo vệ ấy. Một đôi giày với chiếc gót nhọn sẵn sàng bảo vệ người cô ấy yêu thương, nhưng vẫn đủ hiên ngang mạnh mẽ để đứng một mình, đầy kiêu hãnh! Một đôi giày hiểu rõ giá trị của mình, chỉ thuộc về những ai xứng đáng! Một đôi giày có thể khiến người khác tự hào khi mà ở một nơi cao sang nào đó, người ta đánh giá một người qua đôi giày mà ta đang mang.
Còn nghĩ về hình ảnh của người đàn ông, suy nghĩ đầu tiên của tôi là…miếng lót gót giày (cười lớn). Không phải là có ý coi rẻ hay đùa cợt gì. Mà vì đối với tôi, miếng lót gót giày thực sự “thần thánh” và quan trọng lắm. Mang giày nếu không có miếng lót thì gót chân hay bị trầy, nhiều khi cái chân đau điếng, chẳng đi đâu được. Nhiều lúc tôi nghĩ miếng lót gót chân nó giống như “thiên thần hộ mệnh” của phụ nữ vậy đó. Nó nhỏ xíu, nhưng cần thiết lắm, che chở và bảo vệ cho người phụ nữ nhiều lắm.
Chị viết nhiều về tình yêu, về quan điểm tình yêu và cách sống cho phụ nữ. Những câu chữ của chị truyền cảm hứng cho rất nhiều cô gái, phần mình, chị có yêu và sống như những trang viết?
Điều mà tôi sợ nhất là bản thân không thể sống như những gì mình viết. Cũng có nghĩa là mình sống không theo cái cách mà lý trí của mình vốn cho là đúng đắn. Cuộc sống nhiều lúc rất khó khăn. Cảm xúc thì quá mạnh mẽ, hoàn cảnh thì lắm khúc quanh. Những khi thực sự phải đứng ở vị trí ra quyết định và lựa chọn, tất nhiên sẽ không đơn giản như khi ta chỉ nằm trên ghế và gác tay suy nghĩ trăn trở về nó.
Nhưng, cho đến giờ phút này, tôi vẫn cố gắng sống như những gì mình viết. Đối với người khác thì không biết thế nào, nhưng với tôi thì con chữ còn là lòng tự trọng. Những chia sẻ của tôi với những cô gái khác đều là tâm tư và trải nghiệm thực sự. Tôi không muốn nó chỉ là những bài giảng thuyết đao to búa lớn, những câu chữ giả tạo xuất phát từ chuyện “nói dễ hơn làm”, hay những lời răn ngô nghê của một người quá ít trải nghiệm.
Ngoài đàn ông, phụ nữ phải có một ước mơ riêng và cuộc đời riêng
Vừa qua, ồn ào chuyện một đạo diễn "thấy nhục" vì phụ nữ và đức hy sinh? Xung quanh chị, có nhiều phụ nữ hy sinh không? Là một phụ nữ hiện đại, mang "trên vai" trách nhiệm định hướng "tư tưởng, phong cách" cho nhiều người phụ nữ khác bằng ngôn ngữ, chị nghĩ gì về "đức hy sinh" này?
Xung quanh tôi, kề cận bên tôi có nhiều người phụ nữ hy sinh nhiều đến mức nhìn thấy mà đau lòng. Tôi từng nói với một trong số những phụ nữ ấy, rằng bước lên mâm cơm đừng nhìn dĩa thức ăn người ta có gì nữa, phải nhìn xem mình có cái gì? Nhưng với họ, “hy sinh” đã trở thành cái gì đó như nỗi ám ảnh. Nếu họ không hy sinh, nhất định sẽ bị xã hội xem là hư hỏng, thối nát. Vậy nên bước vào mâm cơm, miếng gà ngon vẫn thuộc về đàn ông, còn da xương thuộc về họ.
Mâm cơm ăn xong rồi, phần ngả lưng thuộc về đàn ông, còn cái bồn rửa chén thì thuộc về phần họ. Kiến trúc hiện đại xây bồn rửa chén hướng ra ngoài, vì họ không muốn người phụ nữ cắm mặt vào bức tường. Hình ảnh người phụ nữ vục đầu vào rửa bát đối với tôi chính là hình ảnh buồn nhất. Nó thể hiện sự cam chịu, và một cuộc đời không dám nghĩ đến việc cho mình quyền được san sẻ. Tôi từng ở trong rất nhiều những bữa tiệc mà đàn ông ngồi trên mâm, phụ nữ đứng hầu, chỉ dám ăn vội vàng dưới bếp. Tiệc tàn rồi, đàn ông hò nhau xách xe đi hoặc lăn đùng ra ngủ, phụ nữ ở đâu túa ra như ong thợ, dọn dẹp lau chùi.
Tôi không dám mang trên vai trọng trách định hướng gì to lớn với người phụ nữ. Tôi chỉ muốn phụ nữ mạnh dạn cho mình quyền được hạnh phúc và quyền được san sẻ bất cứ công việc gì trong cuộc sống chung gia đình với người đàn ông của mình. Không có cái gì gọi là “việc của phụ nữ”, ngoài trừ chuyện “tới tháng”!
Ngoài ra, phụ nữ cũng cần cho mình quyền được phát triển bản thân. Bạn phải có một ước mơ riêng và cuộc đời riêng bên cạnh cuộc đời chung của gia đình. Rất nhiều người dùng cái gọi là “phải hy sinh” để chặn hết mọi đường tiến lên của mình, nhường đường cho chồng con. Không học hành, không đọc sách, không phát triển những kỹ năng mềm, không có ước mơ, không biết mình muốn trở thành ai, không có mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn… Bạn phải nhớ rằng ngoài việc làm một người vợ, người mẹ, bạn cũng là một con người mưu cầu đường đi riêng của mình.
"Không có cái gì gọi là “việc của phụ nữ”, ngoài trừ chuyện “tới tháng”.
Nhiều người phụ nữ ủng hộ quan điểm của người đạo diễn, nhưng thật ra vẫn "ngậm ngùi" về nhà hy sinh cho một người đàn ông, một đứa trẻ. Rồi khi buồn bã, không được như ý lại lăn lộn, than khóc "Tại sao tôi đã hy sinh?" Chị nghĩ lỗi lại phụ nữ lo nhiều, thương nhiều? Hay vì bội bạc là bản chất đàn ông?
Nếu muốn xác định nguyên nhân cụ thể vì đâu mà người phụ nữ đang không hài lòng với cuộc sống của mình thì rất khó. Phải biết rõ hơn về hoàn cảnh cuộc hôn nhân này, nội tình bên trong của nó, mới xác định được trục trặc là từ đâu. Có thể là vì người phụ nữ quá yếu đuối, lo nhiều, thương nhiều, gồng gánh nhiều.
Có thể là vì người đàn ông tệ bạc. Nhưng cũng có thể là vì nhiều phụ nữ thích đóng vai nạn nhân. Nhiều phụ nữ vất vả thật, nhưng phần đông khác lại thuộc thành phần cứ nghe cứ đọc mấy cái “làm phụ nữ rất khổ” thì lại nhào nhào ra than khóc ỉ ôi. Có những người khổ là vì bản thân chưa thực sự tốt, hoặc quá tham vọng hão huyền.
Nếu như ai cũng chỉ nghĩ đến mình thì tình yêu/ tình mẫu tử/ gia đình sẽ có còn giá trị của nó không, theo chị?
Vậy nên cách để đi tìm hạnh phúc là đi tìm sự cân bằng. Nghiêng về cái gì quá cũng không tốt.
Đồ ăn tuy ngon, nhưng "thể diện" còn quan trọng hơn
Sau khi giảm 12 cân, chị có một "diện mạo" gọn gàng và có phần thu hút hơn hẳn. Ngoài những tấm ảnh long lanh gần đây, hình như chị là người ít chia sẻ ảnh trên mạng xã hội. Chị là người đứng ngoài "trào lưu" chụp ảnh tự sướng đăng mạng, hay vì lúc đó chị chưa tự tin với "body" của mình, như bây giờ?
Đúng là mình thuộc tuýp ít đăng ảnh cá nhân lên mạng xã hội. Mình vẫn post ảnh về cuộc sống của mình, nhưng ít khi nào là ảnh selfie hay ảnh chụp bản thân. Không phải là vấn đề tự tin hay không, khi còn “tròn trĩnh” mình vẫn thấy yêu cơ thể mình, mà là nếu post nhiều quá ảnh bản thân thì thấy giống như bị ám ảnh ái kỷ vậy. Yêu bản thân thì tốt nhưng quá yêu thì đâm ra giống như kẻ thua cuộc, và cuộc sống chả có gì thú vị ngoài trừ việc suốt ngày ôm điện thoại quần nát mấy cái app chỉnh sửa ảnh.
"Hồi xưa tôi cũng tâm niệm: trên đời quan trọng nhất là đồ ăn ngon! Nhưng sau này tôi giác ngộ đc 1 tư tưởng khác: Đồ ăn dù có ngon đến mấy cũng không quan trọng bằng thể diện!"
Động lực giảm cân, và hành trình giảm cân của chị như thế nào ạ? Chị có thấy hài lòng vì cơ thể mới của mình hơn xưa không? Cơ thể mới có làm thay đổi cuộc sống và tâm hồn của chị, theo hướng tốt hơn?
Năm 2015 là năm mình đặt mục tiêu cho bản thân: đi tìm lại những gì đã đánh mất. Một trong số đó thì nhiệm vụ quan trọng nhất là giảm cân. Vậy nên mình đi tập gym, và bắt đầu chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh. Cho đến giờ thì mình đã giảm được 12 ký trong vòng 6 tháng. Đương nhiên ốm đi, đẹp hơn thì phải thấy hài lòng với cơ thể mới của mình.
Nhưng nói là cơ thể mới làm thay đổi cuộc sống và tâm hồn thì cũng chưa đúng lắm. Nguyên tắc của nó là ngược lại, mình phải thay đổi cách sống và suy nghĩ của mình trước thì cơ thể của mình mới thay đổi. Ví dụ như ngày xưa, lý do lớn nhất khiến mình không giảm cân được là vì quá yêu thức ăn (cười lớn). Mình cảm thấy nếu không được ăn ngon thì thôi thà chết đi sướng hơn.
Nhưng sau đó mình đã nghĩ khác, đồ ăn dù có ngon đến mấy cũng không quan trọng bằng... "thể diện" và sức khỏe. Việc bạn ăn uống vô độ không phải là yêu bản thân, mà chỉ là nuông chiều bản thân. Hai khái niệm đó hoàn toàn khác nhau!
Nếu hỏi về cái khó nhất của giảm cân là gì thì đó chắc là việc gò cho cơ thể quen với việc vận động. Ở đời là vậy, vô kỷ luật thì khó chứ “sa ngã” thì dễ lắm. 1-2 tháng đầu tiên khi bắt đầu tập gym, nhiều lúc tập mà muốn quăng tạ quăng bục ngồi chửi, nằm tập bụng mà thấy không biết là mồ hôi hay nước mắt của mình đang chảy nữa.
Thở không ra hơi, mắt mờ tai điếc đặc, mỗi lần tập xong thấy đầu óc choáng váng. Nhưng ráng lết qua giai đoạn đó, bạn sẽ thấy cơ thể mình thay đổi thần kỳ. Mà ngộ một cái là khi bạn bắt đầu quen với việc thể dục thể thao thì chế độ ăn uống cũng sẽ biến đổi theo. Bạn sẽ bắt đầu ăn rau quả nhiều hơn, từ bỏ nước ngọt, ăn nhạt hơn, tìm hiểu về dinh dưỡng nhiều hơn, ăn ít tinh bột hơn, ăn uống khoa học hơn, không còn thấy thèm các món có hại cho cân nặng nữa.
Cám ơn Khánh Linh vì một buổi trò chuyện rất thú vị!
Video được xem nhiều nhất