"Khách sạn tình yêu" tại Hàn Quốc thay đổi để hút khách trẻ
Các khách sạn tình yêu tại Hàn Quốc đang có sự thay đổi về quy mô, cách thức kinh doanh hướng tới sự cao cấp, chuyên nghiệp để có thể thu hút khách trẻ đến đây nhiều hơn nữa.
Sự cạnh tranh giữa các “khách sạn tình yêu” của Hàn Quốc đang nóng lên từng ngày, nhất là các khách sạn này có thể quảng cáo công khai trên truyền hình. Đối tượng họ hướng đến chính là giới trẻ - lực lượng khách hàng đông đảo của các khách sạn tình yêu.
Tại một khách sạn tình yêu có tên Yaja Wangsimni ở Seoul, các cặp vợ chồng trẻ, hoặc những đôi tình nhân có thể thư giãn trong phòng tắm có bồn xoáy nước, sử dụng laptop và các đồ vật tiện nghi, đắt tiền, với giá 30.000 won (khoảng 500.000 đồng) trong ba giờ đồng hồ.
"Nhà nghỉ hiện nay với giới trẻ đã dần trở thành một địa chỉ hẹn hò thoải mái và tự nhiên cho các cặp đôi”. Một sinh viên 30 tuổi có tên Yang cho biết. Bản thân anh cũng hay cùng bạn gái đến những khách sạn tình yêu như thế này 4 lần mỗi tháng. Như hầu hết những thanh niên Hàn Quốc chưa lập gia đình khác, Yang không dọn ra ở riêng mà sống cùng bố mẹ.
Quản lý tại chuỗi khách sạn Yanolja, ông Kim Young-su chia sẻ, nhờ những định kiến về việc "đi khách sạn" khi yêu nhau đang được xóa bỏ, giới trẻ bắt đầu có yêu cầu cao hơn về các dịch vụ phòng,
“Trong quá khứ, phòng ngủ khách sạn thường tối tăm và tất nhiên không có các tiện nghi miễn phí. Phòng ốc cũng chỉ được thiết kế và trang trí với cùng một kiểu dáng đơn điệu”. Ông Kim nói thêm.
Hiện tại, Yanolja có tới 70 cơ sở. Để theo kịp xu hướng, khách sạn này thậm chí đã mở rộng hoạt động kinh doanh trên các phương tiện công nghệ. Khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy đầy đủ thông tin về nhiều nhà nghỉ và khách sạn thông qua trang web chính thức và cả ứng dụng điện thoại di động.
Theo ông Lee Seung-rae, giám đốc điều hành của Hotelinn, cơ sở giáo dục quản lý khách sạn khẳng định, những người chủ khách sạn có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 doanh thu khi họ hiện đại hóa các cơ sở vật chất của mình.
Kinh doanh khách sạn tại Hàn Quốc bùng nổ vào những năm cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000. Tuy nhiên, nhiều khách sạn đã “biến tướng” thành “khách sạn tình yêu”, và có liên quan đến cả hoạt động mại dâm. Mặc dù bị coi là bất hợp pháp, song ngành kinh doanh này vẫn phát đạt đến mức chính quyền Hàn Quốc phải thừa nhận nó chiếm đến 4% GDP (tổng sản phẩm nội địa) hằng năm của nước này.
Sự đối lập giữa hai hình thức kinh doanh “khách sạn tình yêu” kiểu mới và kiểu cũ thể hiện rất rõ nét. Nếu như khách hàng đợi phòng tại khách sạn Yaja có thể ngồi đàng hoàng ở sảnh, tự phục vụ cà phê hay một bữa ăn nhẹ ở máy bán hàng tự động thì những người khách đến các khách sạn kiểu cũ lại phải luồn lách giữa những ngõ nhỏ tối tăm, khuất lấp trong những bãi đỗ xe dùng nhằm ngụy trang để che mắt những kẻ tò mò.
Chất lượng của các khách sạn cũng đang trở thành một tiêu chí quan trọng để người trẻ lựa chọn. Và những "thượng đế" có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin này thông qua những phản hồi và nhận xét của những khách hàng trước đó trên các ứng dụng điện thoại.
Người dùng có thể đăng tải các nhận xét của mình trên ứng dụng Yanolja về một khách sạn tình yêu hàng sang ở Gangnam như“Rất sạch sẽ! Tôi thích những phòng có các nhà vệ sinh riêng biệt bên trong, rất tiện cho những cặp đôi hay xấu hổ!”và những người khác sẽ dựa trên vào đó để lựa chọn cho mình nơi phù hợp nhất.
Video được xem nhiều nhất