Hôm nay là ngày nắng nóng gay gắt cuối cùng trong mùa hè ở Hà Nội
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (9/8) là ngày nắng nóng cuối cùng trong mùa hè năm nay ở Hà Nội. Khả năng nắng nóng gay gắt ở Hà Nội hầu như không còn.
Hết hôm nay Hà Nội sẽ không còn nắng gắt trên 36 độ C
Mấy ngày qua, nhiều người dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua nắng nóng khá gay gắt. Tuy không còn nắng nóng đỉnh điểm nhưng ở Hà Nội vẫn nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-17 giờ.
Chiều 8/8 Hà Nội vẫn còn nắng nóng rất gay gắt.
Chiều 8/8, theo ghi nhận của chúng tôi tại Hà Nội người dân ra đường luôn phải chịu cảnh nắng nóng bỏng rát. Nhiều người khoác áo kín người để xua đi cái nắng nóng như giữa trưa hè. Chị Hoàng Thị Lan (26 tuổi, quận Cầu Giấy) cho biết: "Không biết đến khi nào mới hết tình trạng nắng gắt như thế này vì giờ đã sang tháng 8 rồi mà vẫn còn nắng nóng. Ra đường tôi phải khoác áo, quần để chống cái nóng. Sợ nhất là mỗi lần phải chờ đèn đỏ bỏng rát hết tay".
Người đi xe máy phải bịt kín mít khi ra đường.
Còn với các tỉnh Phía Đông Bắc và tỉnh Hòa Bình, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia ngày 8/8, nắng nóng xảy ra trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ; ở các tỉnh từ Thanh Hóa-Phú Yên với nhiệt độ phổ biến 35-38 độ, một số nơi trên 38 độ như: Con Cuông (Nghệ An) 39.4 độ; Hương Khê (Hà Tĩnh) 39.0 độ; Ba Đồ (Quảng Bình) 38.3 độ, Tam Kỳ (Quảng Nam) 38.5 độ.
Dự báo hôm nay 9/8, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ, thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ; ở khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ, thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-17 giờ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nốt ngày hôm nay (9/8) là ngày nắng nóng cuối cùng ở Hà Nội. Từ ngày 10/8, nắng nóng trên khu vực Bắc Bộ dịu dần.
Hết hôm nay, nhiệt độ miền bắc sẽ dịu dần.
"Khả năng nắng nóng gay gắt ở Hà Nội hầu như không còn. Dự báo nắng nóng chỉ còn một vài ngày vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 nhưng nhiệt độ từ 36 độ trở lên thì không còn nữa. Còn các tỉnh miền Trung phải cuối tháng 8 mới hết nắng nóng gay gắt", ông Hải dự báo.
Nói về tình hình mưa bão trong thời gian từ nay đến cuối năm, ông Hải cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm khả năng vẫn còn 6, 8 cơn bão, áp thấp nhiể đới sẽ ảnh hưởng tới biển Đông. Trong đó 3, 4 cơn sẽ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Đánh giá về mức độ của các cơn bão sắp tới, ông Hải cho rằng: "Cho đến thời điểm này, diễn biến phức tạp của 3, 4 cơn bão so với các năm vẫn có thể xảy ra do trạng thái từ El Nino sang La Nina sẽ có nhiều biểu hiện phức tạp hơn, bão có thể dồn dập hơn".
Ông Hải cũng cho biết, trong cơn bão số 1, số 2 vừa qua có diễn biến phức tạp và mạnh hơn so với các năm trước . Qua 2 cơn này đã được rút kinh nghiệm và sẽ có biện pháp tốt hơn trong công tác dự báo bão lũ.
Rút kinh nghiệm sau 2 cơn bão số 1, số 2
Trước đó, chiều qua (8/8), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn dự Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1 và bão số 2.
Bão Mirinae đổ bộ vào các tỉnh Thái Bình đến Ninh Bình ngày 27/7 gây gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-13 tại các tỉnh Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Bão Nida đi vào vùng biển đông bắc của bắc biển Đông ngày 31/7, đổ bộ lên đất liền Trung Quốc, gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ.
Một chiếc taxi bị cây đè bẹp trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) do ảnh hưởng của cơn bão số 1.
Bão Mirinae làm 7 người chết và mất tích, 63 người bị thương; 3.000 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 83.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng; hơn 216.000 ha lúa bị thiệt hại. Bão làm 32.000 cột điện bị gãy, nghiêng. Thiệt hại ước tính hơn 6.000 tỷ đồng.
Bão Nida không ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, nhưng hoàn lưu bão làm chết và mất tích 13 người, 19 người bị thương; 58 nhà bị sập đổ, hơn 3.500 nhà bị tốc mái, hư hại; khoảng hơn 10.000 ha cây trồng bị ngập, vùi lấp; nhiều tuyến đường bị cô lập, ách tắc… Ước tổng thiệt hại 266 tỷ đồng.
Lũ cuồn cuộn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở Lào Cai.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hai cơn bão số 1 và số 2 vừa qua đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản. Nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, sự chủ động trong phòng chống bão của người dân mà chúng ta đã giảm thiểu, hạn chế thấp nhất được thiệt hại về người và tài sản. Sau bão, công tác khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất, hỗ trợ người dân những vùng bị thiệt hại được triển khai tích cực, khẩn trương.
Tại tỉnh Lào Cai do hoàn lưu bão số 2 ảnh hưởng gây mưa lớn khiến thiệt hại nhiều về người, tài sản. Ảnh Báo Lào Cai.
Tuy nhiên, Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, công tác phòng chống, ứng phó với mưa bão có nơi còn bị động, lúng túng, chủ quan; tính chủ động còn chưa cao, còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên; việc sơ tán, cưỡng chế người dân ra khỏi các vị trí nguy hiểm ở nhiều nơi chưa quyết liệt.
Đề cập tới các nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, thời tiết, thiên tai đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm khắc phục những hậu quả thiên tai.
Trong đó, tập trung tìm kiếm được những người còn mất tích; hỗ trợ, thăm hỏi những gia đình nạn nhân, người dân bị ảnh hưởng của mưa bão, không để hộ dân nào trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai bị thiếu đói; hết sức chú ý hỗ trợ nhân dân sửa chữa, xây dựng lại nhà bị hỏng, bị sập, bảo đảm cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục lại sản xuất.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao năng lực của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các cơ quan cảnh báo liên quan, trong đó đặc biệt quan tâm nâng cao nâng cao năng lực về công nghệ và về con người, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế....
Video được xem nhiều nhất