Hối hận muộn của người con không kịp nói lời yêu mẹ
"Khi còn sống, mong ước của mẹ đơn giản lắm, chỉ là được sống thêm từng giờ từng phút để lo con, giờ con chỉ ước một lần được ôm mẹ thật chặt ", Vy nghẹn ngào.
Cha húp “canh thừa cơm cặn” để con no bụng
Lê Huỳnh Ái Diễm (sinh viên năm 3 trường đại học Luật, TP HCM, quê Phú Yên) bị bệnh tim bẩm sinh. Gia đình khó khăn, mãi đến năm lớp 6 cô mới được địa phương hỗ trợ thực hiện ca mổ. Để có tiền đưa con vào Sài Gòn chữa bệnh, cha mẹ phải chạy chọt vay mượn khắp nơi.
Trong 40 ngày Diễm chống chọi với bệnh tật cũng là lúc cha mẹ luôn sát bên che chở. Diễm nhớ lại: “Những suất cơm ở bệnh viện khá đắt đỏ, bởi vậy hai cha con mình chỉ mua một phần. Cha nhường cho mình những đồ ăn ngon, khi nào mình thực sự no, cha mới húp tạm những miếng cơm canh còn sót lại. Mình thương cha lắm, cha nói nếu thương thì phải ráng ăn nhiều cho mau khỏi để còn về nhà”.
Hơn một tháng trời ròng rã bên con, đến ngày chuẩn bị xuất viện, Diễm gặp phải biến chứng sau ca mổ, cô bị dịch tràn phổi, phải ở lại viện theo dõi. Có những đêm Diễm không thở được, nằm lên ngồi xuống, cha là người thức trắng đêm chăm sóc. Sau ca mổ đó, cha gầy hẳn đi, nhưng bù lại ông rất vui vì bệnh tình của cô con gái cưng đã được trị khỏi.
“Ngày ấy mình còn quá nhỏ để hiểu được ân đức sinh thành lớn đến nhường nào. Hiện tại, mình mong muốn công việc học tập sẽ thuận lợi, có được công việc ổn định để chăm lo cho cha mẹ. Với mình nụ cười của cha mẹ là thứ vô giá mà không gì đánh đổi được”, cô nói.
Cha Diễm là thợ sửa điện ở một vùng quê nghèo. Ảnh: Ái Diễm |
Mẹ nằm chỗ ướt nhường con chỗ khô
Tuổi thơ của cô gái tên Cao Tường Vi (sinh viên năm 3 trường đại học Nông Lâm, TP HCM) trải qua nhiều biến cố. Từ nhỏ, Vi thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, xung đột. Có nhiều lần cha say xỉn, mẹ phải ôm cô bỏ chạy để tránh những trận đòn roi của cha.
Những lần như vậy, mẹ con Vi lại bồng bế nhau sang ngủ nhờ nhà hàng xóm xin ngủ nhờ. Đến khi sự việc diễn ra như cơm bữa, mẹ con Vi trải bạt ra vườn ngủ. Để sương gió không ảnh hưởng đến sức khỏe của con, mẹ dành tất cả tình thương và sự ấm áp của lòng mẹ bao bọc lấy đứa con thơ.
Đó là những ngày trời đẹp, những hôm trời mưa bị cha đánh đuổi khỏi nhà, mẹ con cô phải ngủ nhờ dưới hiên nhà hàng xóm. “Vì chỗ ngủ khá chật chội, mẹ nhường anh em mình nằm trong, mẹ nằm ngoài che mưa tránh gió”, cô nói.
Lớn lên trong sự bảo bọc của mẹ, Tường Vi cho biết, cô không buồn về hoàn cảnh của mình mà ngược lại, cô cảm thấy may mắn khi vẫn còn cha mẹ trên đời này. Chia sẻ về cha, Vi thẳng thắn cho biết: “Ngày nhỏ mình rất ghét cha nhưng lớn lên mình hiểu ra nhiều điều hơn. Công đức sinh thành của cha mình không bao giờ quên. Chỉ mong cha mẹ có nhiều sức khỏe, sống vui vẻ với con cháu”.
7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư để lo cho con
Không may mắn như các bạn, cô gái Hà Huỳnh An Thái Vy (sinh viên năm cuối khoa Tiếng Đức, đại học KHXH&NV TP HCM) đã không còn mẹ trên đời. Năm Vy 13 tuổi, mẹ cô không may mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng. Suốt 7 năm trời, mẹ một mình chiến đấu với bệnh tật, mà không một tiếng than vãn.
Biết trước được cái kết buồn, mẹ làm lụng ngày đêm mong muốn tích góp một số vốn có thể lo cho con khi không còn trên đời nữa. Ngày mẹ ra đi, cô mới chỉ là sinh viên năm 2 và em gái Vy mới học lớp 8. Mẹ mất, cha không có ở bên, hai chị em Vy nương tựa vào nhau mà sống.
Thái Vy nghẹn ngào: “Ngày xưa mình là một đứa bướng bỉnh hay cãi lại mẹ. Những lúc như vậy mẹ không nói gì chỉ im lặng. Hai năm kể từ khi mẹ mất, mình bắt đầu làm thay công việc của mẹ để chăm sóc em. Lúc này mình mới thực sự thấu hiểu được lòng mẹ bao la đến nhường nào. Điều làm mình hối hận nhất là khi mẹ không còn trên đời nữa mình mới cất lên được ba tiếng con yêu mẹ. Giá như mình được thấy mẹ, ôm mẹ một lần trong mùa lễ Vu Lan”.
Mỗi khi nhớ mẹ, hai chị em Vy lại lấy ảnh ngày xưa ra xem và tự hứa sẽ cố gắng sống tốt để mẹ yên lòng. Ảnh: Thái Vy |
Đã bao nhiêu lần con làm mẹ khóc?
Vì lý do cơm áo gạo tiền, gia đình của chàng trai Dương Huỳnh Bảo Huy (cựu sinh viên trường đại học KHXH&NV TP HCM) gặp phải nhiều xáo trộn. Năm lớp 12, anh thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, xung đột và cuối cùng là chia tay.
Với sự bồng bột của tuổi mới lớn, Huy bắt đầu lầm lì chán nản cuộc sống gia đình. Ngày nào cũng vậy, sau những giờ học, anh không trở về nhà mà lang thang hết nơi này chốn kia. Mẹ lo lắng đi tìm kiếm nhưng hoàn toàn bất lực. Không biết bao nhiêu lần, Huy đã làm mẹ khóc ngất đi vì lo lắng, mẹ không trách anh, chỉ thương cho đứa con nhỏ đã chịu quá nhiều mất mát trong cuộc sống.
Từ khi cha đi, cuộc sống của mẹ con Huy đã khó nay càng khó hơn. Mẹ đi làm công nhân suốt từ sáng đến tối kiếm từng bữa cơm cho con mà chẳng than trách ai lấy nửa lời. “ Dù thương mẹ rất nhiều, nhưng chẳng bao giờ mình dám thổ lộ. Vì công việc, mình phải thường xuyên vắng nhà, nhưng cuối tuần mình đều tranh thủ về với mẹ và thưởng thức những món ăn mẹ nấu”.
6 năm kể từ khi cha mẹ chia tay, Huy không được gặp lại cha. Chàng trai cho biết, anh không để tâm đến những chuyện đã qua. Nếu gặp lại, anh vẫn sẽ yêu thương, chăm sóc cho cha, bởi việc chia tay của người lớn chắc chắn sẽ có lý do mà những người trong cuộc mới hiểu. Huy tôn trọng quyết định của những đấng sinh thành.
Xin đừng làm mẹ buồn
Câu chuyện của cô gái gốc Việt đang sinh sống ở Nga - Hoài Thương là những hoài niệm về lời xin lỗi không nói thành lời của một đứa con bồng bột. Thương sinh ra đã không có cha bên cạnh, với cô kí ức về cha là những kỉ niệm nhạt nhòa mà Thương không muốn nghĩ tới.
Sống ở Nga từ nhỏ nhưng đến năm 5 tuổi cô được gửi về Việt Nam ở với ông bà ngoại. Đến năm 14 tuổi cô được mẹ đón sang Nga sinh sống cho đến bây giờ.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Thương và mẹ gặp lại nhau sau 9 năm xa cách. Ảnh: Hoài Thương |
Với sự bồng bột của tuổi mới lớn, Thương từng làm mẹ khóc bằng câu nói vô ý. Cô kể lại: “Một lần cãi nhau với mẹ, không làm chủ được bản thân, mình đã lấy chuyện cha mẹ ly dị ra để trách cứ. Sau lời nói đó, mẹ khóc và buồn nhiều. Mình cũng luôn cảm thấy day dứt trong lòng nhưng chẳng bao giờ thốt lên thành lời 3 tiếng con xin lỗi”.
Thương cho biết, cuộc sống của người Việt ở nước ngoài không sung sướng như mọi người vẫn nghĩ. Để mang lại sự sung túc cho con, mẹ sẵn sàng làm việc sáng đêm không quản thức khuya dậy sớm.
"Hàng ngày chứng kiến những vết nhăn cứ thế hằn sâu trên trán mẹ, mình thương lắm. Với mình mẹ là người tuyệt vời nhất. Mình hi vọng những ai còn mẹ, xin hãy trân trọng những gì mình đang có. Đừng làm đau lòng các đấng sinh thành dù chỉ là một điều gì đó rất nhỏ", cô bày tỏ.
Video được xem nhiều nhất