Hành trình giật huy chương vàng kỷ lục của thầy trò Việt Nam
Sau khóa huấn luyện kéo dài gần một tháng với thầy giáo Trần Phương, nhóm học sinh dự thi Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương 2015 đã mang về số huy chương vàng kỷ lục.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo thầy giáo Trần Phương, người trực tiếp huấn luyện 10 thành viên đội Việt Nam, cuộc thi Olympic Toán Châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS) có sự cạnh tranh rất lớn giữa các đội tuyển. Hai "cường quốc" Toán học của thế giới là Trung Quốc và Singapore cử rất nhiều học sinh tham dự.
APMOPS vòng 2 có khoảng 300 thí sinh đại diện cho 14 quốc gia và vùng miền trong khu vực. Năm nay, đội Việt Nam tham gia với 10 học sinh, trong khi chủ nhà Singapore có khoảng 150 người. Đội Trung Quốc được đánh giá cao, với 40 học sinh tham dự.
Đội tuyển dự thi vòng 2 APMOPS 2015 chụp ảnh cùng thầy giáo Trần Phương. |
Theo thầy Phương, thí sinh phải giải tự luận 6 bài toán trong 120 phút, trong đó, làm đúng hơn 4 bài mới có cơ hội giành huy chương. Thí sinh phải lựa chọn đề bài theo hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung. Điều này tạo thuận lợi cho hai đội Singapore và Trung Quốc.
Thành tích tốt
Khi thấy các "trò cưng" trở về với thành tích đáng nể, thầy Phương mới yên tâm trải lòng về quãng thời gian ôn luyện cho các em.
Trước đó, theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh, thầy giáo Trần Phương tổ chức khóa học cho các em tham dự vòng 2 APMOPS 2015. Khóa học kéo dài từ 3/5 đến 26/5, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi khoảng 2,5 giờ.
Buổi học bắt đầu bằng việc tóm tắt lý thuyết, chữa các dạng bài đặc trưng. Sau đó, thầy Phương dành phần lớn thời gian cho cả lớp làm và chữa bài.
Thầy Phương chia sẻ: "Vì thời gian ôn tập gấp, các em vẫn phải hoàn thành bài tập trên lớp, nên những buổi học khá vất vả. Trong khoảng 2,5 tiếng mỗi buổi, các em phải giải 50 bài toán".
Thầy Phương và những học sinh xuất sắc tại APMOPS 2016. |
Theo thầy giáo này, bên cạnh những bài toán giống trong sách giáo khoa Việt Nam, tại APMOPS, nhiều bài đòi hỏi tư duy logic và kiến thức rộng, ví như bài toán "Có bao nhiêu cách tô màu cho các mặt của hình lập phương sao cho 2 mặt giáp nhau luôn khác màu". Đây là bài toán đã được giới thiệu ở Việt Nam và tìm ra cách giải bằng phương pháp hoán vị xoay.
Vì APMOPS yêu cầu làm bài bằng tiếng Anh nên thầy Phương mời thêm trợ giảng đặc biệt là cậu học sinh lớp 11 Hoàng Đình Tuệ. Tuệ từng đạt điểm TOEFL 115/120, là thủ khoa của APMOPS 2010 và giành huy chương đồng IMO 2011.
Các thành viên trong đội tuyển được hỏi và phản biện khá thoải mái. Các em được đề xuất những cách giải bài hay. Thực tế có lần nghe thầy giảng bài, học sinh Trần Đình Quân đưa ra lời giải còn hay hơn thầy. Đó là cậu học sinh "nhanh nhẹn, thông minh nhưng hơi hấp tấp".
Trong bài thi vừa qua, Quân đã lý luận đúng hết các bước của một bài toán khó nhưng rất tiếc làm sai một phép toán số học.
Tại vòng 2 cuộc thi APMOPS 2015, các học sinh Việt Nam đã tỏa sáng, đạt thành tích cao nhất trong 6 lần tham dự: 3 học sinh lọt top10 (bằng tổng thành tích của 5 lần thi trước) và giành được gần nửa tổng số huy chương vàng so với thành tích của 5 năm trước cộng lại.
Theo xếp hạng đồng đội không chính thức, đoàn Việt Nam đứng thứ 2, sau đội Thượng Hải 1 của Trung Quốc.
Vòng 1 của APMOPS 2015 tuyển chọn thí sinh ở trong nước. Tại Việt Nam, 600 học sinh trên toàn quốc tham dự. Sau đó, 10 học sinh xuất sắc nhất được chọn sang Singapore dự vòng 2.
Tại đây, 6 học sinh đã giành huy chương vàng là Lê Quang Huy, Ngô Lê Bách, Trần Đình Quân, Trương Tuấn Nghĩa, Lê Trần Công Hưng và Nguyễn Mạnh Quân.
Trong 5 năm tham dự thi vòng 2 (từ 2010 đến năm 2014), đoàn Việt Nam giành được 13 huy chương vàng, trong đó có 3 học sinh lọt vào top 10 là Nguyễn Nga Nhi (xếp hạng 4 năm 2013); Lê Trí Lâm (xếp hạng 7 năm 2014); Nguyễn Đăng Khôi (xếp hạng 9 năm 2013).
Video được xem nhiều nhất